Hiệp Thiên Đài                                       ĐẠI-ĐẠO TAM KỲ PHỔ-ĐỘ
Văn Phòng Thượng Sanh                                   (Tứ thập niên)
Số: 114/QCQ                                    Tòa-Thánh Tây-Ninh

  


NỘI LUẬT
CHƯƠNG MỞ ĐẦU

“ĐẠO không ĐỜI không sức, ĐỜI không ĐẠO không quyền”. BAN THẾ ĐẠO đặt căn bản và định phương hướng hoạt động trên tư tưởng ấy.

ĐẠO lo cho phần hồn của chúng sanh, phổ độ nhơn sanh để sau khi trả xong nợ thế, trở về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, đồng thời ĐẠO cũng chú trọng đến phần xác của con người, cải thiện xã hội nhơn quần ngay tại thế gian này.

Có nhiều bậc ưu thời mẫn thế sẵn có Đạo tâm, giàu lòng nhân ái, muốn phụng sự Đại Đạo, nhưng còn ràng buộc trách nhiệm đối với quốc gia, xã hội, chưa phế Đời hành Đạo được.
BAN THẾ ĐẠO là nơi dụng hiền, tạo cơ hội cho những bậc có Đạo tâm thực hành thiện nguyện ấy.

Đó là ý nghĩa của sự thiết lập BAN THẾ-ĐẠO, ý nghĩa này được minh định trong bản QUY ĐIỀU.

Ban Thế Đạo là cơ quan thuộc về phần Đời, bắt nguồn và phát xuất từ cửa Đạo làm dây nối liền cho Đạo Đời tương liên, tương đắc ngõ hầu tạo lập đời sống thanh bình cho nhơn loại trong thời chuyển thế.

Như vậy, nhiệm vụ Ban Thế Đạo là tuân Thế Luật của Đạo, đem công đức và giáo lý hướng dẫn nhơn sanh trở về nguồn cội Đạo, tô điểm cho nền Đại Đạo mỗi ngày một thêm huy hoàng.

Để đạt mục đích ấy, Hội Thánh mở rộng cửa Ban Thế Đạo đón nhận nhơn tài, chí sĩ đã có thành tích lập công với Đạo và giúp ích cho xã hội.

Nội Luật này được soạn thảo để quy định tổ chức, nhiệm vụ và điều hành Ban Thế Đạo, theo những Chương, Điều sau đây:

CHƯƠNG I
TỔ CHỨC

Điều thứ nhứt: Ban Thế Đạo thành lập do Thánh Lịnh số 01/TL ngày 28 tháng 02 năm Ất Tỵ (30-03-1965) của Đức THƯỢNG SANH thể theo Thánh Giáo của Đức LÝ ĐẠI TIÊN đêm mùng 3 tháng 12 năm Quý Tỵ (07-01-1954).
Cơ quan này trực thuộc Hiệp Thiên Đài, dưới quyền chưởng quản của một vị Thời Quân Chi Thế Hiệp Thiên Đài do Hội Thánh ủy nhiệm.

Điều thứ nhì: Để giúp ý kiến về việc điều hành công việc chung của Ban Thế Đạo, Hội Thánh đề cử một Ban Cố Vấn mà thành phần gồm có: Chức Sắc từ Giám Đạo, Giáo Sư và Chơn Nhơn trở lên.

Điều thứ ba: Dưới quyền lãnh đạo của vị Chưởng Quản BTĐ, một Ban Quản Nhiệm Trung Ương được thành lập để điều hành công việc của Ban Thế Đạo, thành phần như sau:

    -1 Tổng Quản Nhiệm
    -1 Đệ Nhứt Phó Tổng Quản Nhiệm
    -1 Đệ Nhị Phó Tổng-Quản Nhiệm
    -1 Thủ Bổn
    -1 Trưởng Nhiệm Giáo Lý
    -1 Trưởng Nhiệm Văn Hóa
    -1 Trưởng Nhiệm Xã Hội
    -1 Trưởng Nhiệm Quốc Chính
    -1 Trưởng Nhiệm Kế Hoạch và Tổ Chức
    -1 Trưởng Nhiệm Kinh Tài
    -1 Trưởng Nhiệm Ngoại Vụ
    -1 Trưởng Nhiệm Thanh Sát

Ban Quản Nhiệm Trung Ương BTĐ do Đại Hội toàn thể Chức Sắc Ban Thế-Đạo bầu lên theo thể thức đơn danh, kín, đa số tưởng đối.
Cuộc bầu cử đặt dưới quyền chủ tọa của vị Chưởng Quản BTĐ hoặc vị Chức Sắc HTĐ đặc trách Ban Thế Đạo nếu vị Chưởng Quản bận việc, và một Ban Phụ Tá do Đại Hội bầu cử gồm có:

    -1 Phụ Tá Chủ Tọa
    -2 Thư Ký
    -2 Kiểm Soát viên

Thành phần Ban Quản Nhiệm được bầu cử gồm 1 Tổng Quản Nhiệm và 2 Phó Tổng Quản Nhiệm. Sau khi đắc cử, 3 vị này trọn quyền tuyển chọn các vị Trưởng Nhiệm trong Ban Quản Nhiệm Trung Ương, trình danh sách lên vị Chưởng Quản chấp thuận và Hội Thánh HTĐ phê chuẩn. Nếu Đại hội lần thứ nhứt không đủ 2/3 tổng số Chức Sắc Ban Thế Đạo thì phải triệu tập lần thứ hai trong vòng một tháng và lần này Đại hội đương nhiên hợp lệ bất cứ với tỷ số nào.

Về việc tính túc số Đại Hội, một hội viên hiện diện chỉ có quyền nhận một ủy nhiệm thư của một Chức Sắc Ban Thế Đạo vắng mặt. Nhưng khi biểu quyết và bỏ phiếu, vị hội viên hiện diện chỉ bỏ một phiếu cho phần mình.

Mỗi Chức Sắc Ban Thế Đạo có quyền ra ứng cử các chức vụ Tổng Quản Nhiệm, Đệ I hoặc Đệ II Phó Tổng Quản Nhiệm.
Các vị chức Sắc Ban Thế Đạo có phẩm trật cao hơn vị Tổng Quản Nhiệm đắc cử, đương nhiên là Cố Vấn Ban Quản Nhiệm.
Tuy nhiên, chức vụ Tổng Quản Nhiệm, Đệ I và Đệ II Phó Tổng Quản Nhiệm là chức vụ rất quan trọng, hành động và tư cách của những vị đắc cử có liên quan đến uy tín và danh dự của Ban Thế Đạo, nên khi đề cử ứng cử viên và biểu quyết, Đại Hội nên dựa vào 3 điều kiện:
    1. Không can án Đạo và Đời
    2. Không bị ràng buộc vì chức vụ Đời như công chức, quân nhân tại ngũ hay ch̗c vụ chính khác.
    3. Phải liên tục điều hành Ban Quản Nhiệm.
Trong trường hợp 2 ứng cử viên có số thăm đồng nhau thì vị nào cao niên hơn được đắc cử, trừ khi vị cao niên đó bằng lòng nhường lại cho vị nhỏ tuổi hơn thì vị sau này mới được đắc cử.

Điều khoản dự liệu: Trong trường hợp vì lý do gì không bầu được vị Tổng Quản Nhiệm, Đại Hội yêu cầu Hội Thánh HTĐ chỉ định một Chức Sắc HTĐ kiêm nhiệm chức vụ Tổng Quản Nhiệm trong thời gian một năm.
Vị Chức Sắc này có nhiệm vụ tổ chức cuộc bầu cử lại vị Tổng Quản Nhiệm, nếu cuộc bầu cử vẫn không kết quả, Đại Hội yêu cầu Hội Thánh HTĐ bổ nhiệm vị Chức Sắc khác đảm trách chức vụ Tổng Quản Nhiệm hoặc chỉ định vị Chức Sắc đương kim tái nhiệm.

Trong trường hợp vị Tổng Quản Nhiệm vì lý do nào không thể tiếp tục quyền hành, vị Chưởng Quản BTĐ phải triệu tập Đại Hội bầu cử vị Tân Tổng Quản Nhiệm trong vòng 6 tháng để tiếp tục đến mãn nhiệm kỳ. Tuy nhiên, cuộc bầu cử này chỉ được thực hiện khi nhiệm kỳ còn lại tối thiểu 18 tháng.
Nếu nhiệm kỳ còn lại dưới 18 tháng, vị Đệ I Phó Tổng Quản Nhiệm được ủy nhiệm hành quyền Tổng Quản Nhiệm đến mãn nhiệm kỳ.

Điều thứ tư: Tổng Quản Nhiệm Ban Quản Nhiệm Trung Ương được quyền đề nghị một số nhân viên văn phòng. Những vị này là Chức Sắc Ban Thế Đạo do vị Chưởng Quản bổ nhiệm. Ngoài ra, mỗi vị Trưởng Nhiệm có quyền đề cử một hay nhiều Phụ Tá Trưởng Nhiệm liên hệ. Các vị này sẽ được hợp thức hóa bằng một Sắc Lịnh do vị Chưởng Quản bổ nhiệm.

Điều thứ năm: Thành phần Ban Quản Nhiệm Địa Phương và Hải Ngoại cũng tổ chức như Trung Ương, tuy nhiên nhân số có thể giảm bớt tùy theo nhu-cầu. Các Ban Quản Nhiệm Địa Phương và Hải Ngoại phải tuân hành chỉ thị của Ban Quản Nhiệm Trung Ương về mọi phương diện.
Các Ban Quản Nhiệm Địa Phương do vị Đệ I Phó Tổng-Quản Nhiệm chủ tọa bầu cử. Địa phương nào chưa đủ 20 Chức Sắc Ban Thế Đạo thì chỉ có quyền cử một Đại Diện và một Phụ Tá Đại Diện để trực tiếp thi hành chỉ thị của Ban Quản Nhiệm Trung Ương.

Điều thứ sáu: Nhiệm kỳ của Ban Quản Nhiệm BTĐ là (03) ba năm và có thể lưu nhiệm từng năm một do quyết định của vị Chưởng Quản, tuy nhiên không được lưu nhiệm quá 2 lần.
Do đề nghị của vị Chưởng Quản vì một lý do xác đáng, Hội Thánh HTĐ có thể giải tán toàn thể Ban Quản Nhiệm đương nhiệm. Trong trường hợp này, vị Chưởng Quản với sự hỗ trợ của Ban Cố Vấn sẽ đảm trách điều hành Ban Thế Đạo. Thời gian tối đa để thành lập tân Ban Quản Nhiệm là sáu tháng.

CHƯƠNG II
GIA NHẬP, NHIỆM VỤ, HOẠT ĐỘNG

Điều thứ bảy: Khi được tuyển trạch vào Ban Thế Đạo tùy theo công đức, tài năng và đạo hạnh, vị Chức Sắc Ban Thế Đạo tân phong được xếp vào một trong bốn phẩm tính từ dưới lên như sau: Hiền Tài, Quốc Sĩ, Đại Phu, Phu Tử.

Điều thứ tám: Muốn vào Ban Thế Đạo, đương sự phải lập hồ sơ cầu phong theo Quy Điều ấn định trình lên vị Chưởng Quản, do 2 vị Chức Sắc từ phẩm Giáo Hữu đương hành quyền Tòa Thánh Tây Ninh tiến cử. Những vị được tiến cử phải có thành tích lập công với Đạo và đầy đủ hạnh đức.
Chức Sắc Ban Thế Đạo sau thời gian một năm thọ phẩm không phạm kỷ luật được cùng với một vị Chức Sắc Hội Thánh tiến cử nhân tài gia nhập Ban Thế Đạo.

Điều thứ chín: Nhiệm vụ của Chức Sắc Ban Thế Đạo về phương diện Chính Trị Đạo:
    -Truyền bá giáo lý của Đại Đạo.
    -Bảo vệ và giúp đỡ Tín đồ của Đại Đạo trong mọi hoàn cảnh.
    -Giúp ý kiến cho Chức Sắc Hành Chánh Đạo địa phương.
    -Đề nghị với Ban Quản Nhiệm Trung Ương đệ lên vị Chưởng Quản xin Hội Thánh điều chỉnh hoặc bổ túc phương châm hành Đạo nơi địa phương cho thích hợp và hữu hiệu hơn.

Điều thứ mười: Nhiệm vụ của Chức Sắc Ban Thế Đạo về phương diện Chính Trị Đời:

1. LẬP TRƯỜNG: Ban Thế Đạo có nhiệm vụ thực thi Chính Trị Đời của Đạo, do đó lập trường chính trị của Ban Thế Đạo phải do Hội Thánh hoạch định hoặc do Ban Thế Đạo đề nghị và được Hội Thánh chấp thuận. Ban Thế Đạo không phải là một đảng phái chính trị.
Chức Sắc Ban Thế Đạo không có quyền tuyên bố bất cứ đường lối chính trị nào của Ban Thế Đạo mà không phù hợp với lập trường chung của Hội Thánh. Vị nào vi phạm điều này tức là vi phạm kỷ luật Ban Thế Đạo, sẽ bị xét xử theo Điều 18 của Nội Luật này.

2. Với tư cách một Chức sắc : Chức Sắc Ban Thế Đạo muốn tham chính với danh nghĩa Chức Sắc phải được sự đề nghị của vị Chưởng Quản và sự chấp thuận của Hội Thánh HiệpThiên Đài.

3. Với tư cách cá nhân: Chức Sắc Ban Thế Đạo có thể tham gia các sinh hoạt lợi ích cho nhơn sanh trong mọi lãnh vực quốc gia, xã hội miễn là không tương phản với chủ trương của Hội Thánh, nhưng phải trình báo cho Ban Quản Nhiệm Trung Ương và vị Chưởng-Quản.
Riêng đối với chức vụ dân cử, khi Ban Thế Đạo chủ trương đưa người ra ứng cử tại địa phương nào thì Chức Sắc Ban Thế Đạo muốn ra ứng cử tại địa phương đó phải qua một cuộc bầu cử nội bộ do Ban Quản Nhiệm Trung Ương tổ chức có sự chấp thuận của vị Chưởng Quản.

Điều thứ mười một: Nhiệm vụ của Ban Quản Nhiệm Trung Ương:
    - Thi hành các chỉ thị của Chưởng Quản và Hội Thánh.
    - Phát triển và điều hành Ban Thế Đạo.
    - Thực thi các chương trình đã được vị Chưởng Quản chấp thuận.
    - Biểu quyết các kế hoạch đề nghị.

Điều thứ mười hai: Nhiệm vụ của các chức vụ Ban Quản Nhiệm Trung Ương được ấn định như sau:

1. TỔNG QUẢN NHIỆM:
    - Điều hành Ban Thế Đạo theo đúng Quy Điều và Nội Luật của Ban Thế-Đạo.
    - Chịu hoàn toàn trách nhiệm với vị Chưởng Quản.
    - Quản trị hành chánh, tài chánh của Ban Thế-Đạo.
    - Kiểm soát các Ban Quản Nhiệm Địa Phương hoặc Đại Diện Ban Quản Nhiệm Trung Ương tại địa phương.
    - Có quyền phê xuất tối đa 20.000$00, trên số này phải được sự chấp thuận của Ban Quản Nhiệm Trung Ương.
    - Thủ Bổn trực tiếp dưới quyền Tổng Quản Nhiệm.

2. ĐỆ I PHÓ TỔNG QUẢN NHIỆM:
    - Phụ tá Tổng-Quản Nhiệm.
    - Điều hành công việc của 4 Trưởng Nhiệm: Kế Hoạch và Tổ Chức, Quốc Chính, Kinh Tài và Ngoại Vụ.
    - Chủ tọa bầu cử Ban Quản Nhiệm Địa Phương hay Đại Diện.
    - Thay mặt Tổng Quản Nhiệm điều hành thường vụ khi vị này vắng mặt.

3. ĐỆ II PHÓ TỔNG QUẢN NHIỆM:
    - Phụ tá Tổng Quản Nhiệm.
    - Điều hành công việc của 4 Trưởng Nhiệm: Giáo Lý, Văn Hóa, Xã Hội và Thanh Sát.
    - Thay mặt Tổng Quản Nhiệm điều hành thường vụ khi vị này và Đệ I Phó Tổng Quản Nhiệm vắng mặt.

4. Thủ Bổn:
    - Lập và giữ số sách chi thu tài chánh của Ban Thế Đạo.
    - Giữ tối đa là 50.000$00 (Năm chục ngàn đồng), trên số này phải gởi vào Hộ Viện hoặc Ty Ngân Khố.
    - Phiếu gởi và phiếu chi thu phải có chữ ký của vị Tổng Quản Nhiệm.
    - Tất cả sổ sách tài chánh phải có chữ ký kiểm soát hàng tháng của vị Trưởng Nhiệm Thanh Sát.
    - Chịu trách nhiệm về kế toán và tài chánh của Ban Thế Đạo và chịu sự kiểm soát của Ban Kiểm Soát Tài Chánh của Hội Thánh.

5. Trưởng Nhiệm Giáo Lý:
    - Soạn tập chương trình giáo lý tại các Trung Tiểu Học để dâng đề nghị lên Hội Thánh cứu xét.
    - Thành lập thư viện để tập trung các tài liệu liên quan đến giáo lý nền Đại Học.
    - Phát huy và phổ thông triết lý Đại Đạo trong nhơn sanh.
    - Nghiên cứu và xuất bản sách về giáo lý và triết lý Đại Đạo.
    - Hằng tháng lập bản tin tức nội bộ để phổ biến cho các Ban Quản Nhiệm và Cơ Quan Đạo.

6. Trưởng Nhiệm Văn Hóa:
    - Thành lập Viện Khảo Cổ, sáng tác và dịch thuật các sách Đạo.
    - Tổ chức báo chí, nhựt báo, tuần báo, đặc san, nguyệt san.
    - Phát huy và sưu tầm Sử Liệu của Đạo.
    - Nghiên cứu thành lập nhà nội trú và các Trường chuyên nghiệp cho học sinh Đạo.
    - Lập kế hoạch trợ cấp học bổng cho học sinh Đạo, nghèo, học giỏi.
    - Vận động học bổng cho học sinh Đạo ưu tú, nghèo, hiến thân, đang học tại Đại học Việt Nam hoặc xuất ngoại.

7. Trưởng Nhiệm Xã Hội:
    - Lo về quan, hôn, tang, tế.
    - Tổ chức cứu trợ.
    - Tổ chức Y Tế.

     8. Trưởng Nhiệm Quốc Chính:
    - Đưa ý kiến về ảnh hưởng của tình hình chính trị đối với Đạo và Quốc gia.
    - Nghiên cứu và hội thảo về lập trường chính trị của Đạo để có thể đệ trình lên Hội Thánh duyệt xét.

9. Trưởng Nhiệm Kế Hoạch và Tổ Chức:
    - Tổ chức nghi lễ khánh tiết của Ban Thế Đạo.
    - Soạn thảo kế hoạch chung của Ban Quản Nhiệm.

10. Trưởng Nhiệm Kinh Tài:
- Tổ chức kinh tế cho Ban Thế Đạo: Nông, Công, Thương, và Kỹ Nghệ.
    - Hoạt động tài chánh cho Ban Thế Đạo.
    - Quản trị các bất động sản và động sản của Ban Thế-Đạo.

11. Trưởng Nhiệm Ngoại Vụ:
    - Liên lạc với các Ban Quản Nhiệm Địa Phương và Hải Ngoại để tìm hiểu và giúp đỡ.
    - Liên lạc với chính quyền Địa phương và Trung ương khi có ủy nhiệm của Chưởng Quản Ban Thế-Đạo.
    - Liên lạc với các Đoàn Thể và Tôn Giáo bạn để gây tình thông cảm.
    - Liên lạc với các cơ quan Ngoại Giao khi hữu cần và với sự ủy nhiệm của Hội Thánh.

12. Trưởng Nhiệm Thanh Sát:
    - Kiểm soát và đôn đốc Chức Sắc Ban Thế Đạo thi hành Nội luật.
    - Kiểm soát và đôn đốc các Ban Quản Nhiệm Địa Phương hay Đại Diện Ban Quản Nhiệm Trung Ương tại địa phương.
    - Kiểm soát và khuyến khích Chức Sắc Ban Thế Đạo giữ gìn luật Đạo.
    - Kiểm soát tài chánh và tài sản của Ban Thế Đạo.

Điều thứ mười ba: Văn Phòng Ban Quản Nhiệm Trung Ương đặt tại Tòa Thánh Tây Ninh và làm việc theo ngày giờ của Hội Thánh. Văn Phòng các Ban Quản Nhiệm khác nên đặt trụ sở tại các cơ quan Hành Chánh Đạo địa phương do sự đồng ý của Khâm Châu Đạo, tuy nhiên địa điểm có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh.

Điều thứ mười bốn: Đại Hội Chức Sắc Ban Thế Đạo mỗi năm họp một lần do vị Chưởng Quản triệu tập vào thượng tuần tháng Chạp âm lịch. Ban Quản Nhiệm họp mỗi tháng một lần do Tổng Quản Nhiệm triệu tập vào ngày Chúa Nhựt cuối tháng Âm Lịch. Trong trường hợp đặc biệt, vị Chưởng Quản có thể triệu tập Đại Hội bất thường.

CHƯƠNG III
THĂNG THƯỞNG, KỶ LUẬT.

Điều thứ mười lăm: Khi có công trạng đặc biệt, Chức-Sắc Ban Thế Đạo sẽ được khen thưởng theo đề nghị của Ban Quản Nhiệm Trung Ương và vị Chưởng Quản.

Điều thứ mười sáu: Chức Sắc Ban Thế Đạo muốn cầu phong vào hàng Thánh Thể Đức Chí Tôn phải có (05) năm năm công nghiệp hành Đạo không gián đoạn được Bộ Pháp Chánh minh tra đủ lẽ theo điều kiện pháp định.

Hồ sơ gồm có:
    - Đơn xin cầu phong.
    - Chứng chỉ cấp bậc hiện tại do chi Thế cấp phát.
    - Tờ hiến thân trọn đời cho Đạo.
    - Tờ khai lý lịch, công nghiệp và tờ tánh hạnh có sự xác nhận của Tổng Quản Nhiệm và sự phê kiểm của vị Chưởng Quản.
    - Tờ ước nguyện giữ gìn trai giới theo luật Đạo.
Quyền phong vị vào hàng Thánh Thể Đức Chí Tôn do Hội Thánh Hiệp Thiên Đài đề cử và dâng lên Quyền Thiêng Liêng định đoạt.
Nếu cầu phong vào hàng Thánh Thể, nguyên tắc đối phẩm sau đây sẽ được áp dụng:

    Hiền Tài cầu phong Giáo Hữu.
    Quốc Sĩ cầu phong Giáo Sư.
    Đại Phu cầu phong Phối Sư.
    Phu Tử cầu phong Đầu Sư.

Điều thứ mười bảy : Chức Sắc Ban Thế Đạo muốn cầu phong theo phẩm vị của Ban Thế Đạo từ dưới lên trên cũng phải đầy đủ điều kiện ghi ở Điều 16, ngoại trừ việc lập tờ khai hiến thân phế Đời hành Đạo. Sự cầu thăng hay tuyển trạch vào hàng Quốc Sĩ trở lên phải do Quyền Thiêng Liêng định đoạt.

Điều thứ mười tám: Hội Đồng Kỷ Luật.
Ban Thế Đạo có một Hội Đồng Kỷ Luật để phán quyết hình phạt đối với Chức Sắc Ban Thế Đạo vi phạm luật Đạo như: Tân Luật, Quy Điều và Nội Luật Ban Thế Đạo.

Thành phần Hội Đồng Kỷ Luật gồm có:
    - 1 vị Chủ Tọa: Lựa trong hàng Chức Sắc BTĐ cao phẩm hơn can nhân, trường hợp chưa có Chức Sắc cao phẩm hơn thì Chủ Tọa là một vị Chức Sắc HTĐ cao phẩm hơn do vị Chưởng Quản chỉ định.
    - 2 vị Nghị Án: Chức Sắc này đồng phẩm với can nhân.
    - 1 vị Thư Ký chép án: Vị này có thể là một Chức Sắc BTĐ hoặc vị Thư Ký Văn Phòng Tổng Quản Nhiệm.
Hai vị Nghị Án và vị Thư Ký cũng do Chưởng Quản chỉ định.
Án lịnh của Hội Đồng Kỷ Luật là chung thẩm, nhưng phải có sự duyệt y của vị Chưởng Quản mới được ban hành.

Hội Đồng Kỷ Luật chỉ xét xử Chức Sắc Ban Thế Đạo khi phạm lỗi nhẹ như:
    - Tuyên bố về chính trị sai với lập trường của Hội Thánh.
    - Lấy tư cách Chức Sắc Ban Thế Đạo đi dự hội với các đoàn thể, tôn giáo hay các nhóm chính trị mà không có phép của Chưởng Quản Ban Thế-Đạo.
    - Thất lễ với người trưởng thượng.
    - Bỏ bê phận sự hoặc bất tuân lịnh của Ban Quản Nhiệm Trung Ương.
Trong những trường hợp kể trên, vị Tổng Quản Nhiệm lãnh phần minh tra, đệ hồ sơ lên vị Chưởng Quản để đưa nội vụ ra Hội Đồng Kỷ Luật.
Tùy theo trường hợp, can nhân có thể bị ngưng chức từ 1 đến 2 năm.
Hội Đồng Kỷ Luật được triệu tập do quyết định của vị Chưởng Quản Ban Thế Đạo.

Điều thứ mười chín: Khi Chức Sắc Ban Thế Đạo phạm tội nặng hay tái phạm, vị Chưởng Quản đệ trình lên Hội Thánh HTĐ để đưa ra Tòa Hiệp Thiên Đài chiếu theo Thập Hình của Đức Lý Giáo Tông mà xét xử do sự minh tra và đề nghị của Bộ Pháp Chánh.

CHƯƠNG IV
TÀI CHÁNH.

Điều thứ hai mươi: Mỗi tháng Chức Sắc Ban Thế Đạo chung đậu một số tiền nhiều ít do Ban Quản Nhiệm Trung Ương quyết định để giúp quỹ điều hành Ban Thế Đạo.
Riêng ở Địa phương, Ban Quản nhiệm được quyền sử dụng 60% để điều hành, 40% để giúp Ban Quản Nhiệm Trung Ương.

Điều thứ hai mười mốt:Ngân quỹ của Ban Thế Đạo sẽ được dùng vào việc tương trợ tang tế, tiếp tân, điều hành và phát triển các cơ sở của Ban Thế Đạo.

Điều thứ hai mười hai: Ban Thế Đạo cũng có thể nhận sự trợ giúp của các nhà hảo tâm không phân biệt Đạo hay Đời gồm hiện kim, hiện vật, động sản và bất động sản.

Điều thứ hai mười ba: Tài sản Ban Thế Đạo đương nhiên là tài sản của Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây Ninh.

CHƯƠNG V
SỬA ĐỔI NỘI LUẬT

Điều thứ hai mười bốn:Để thích ứng với những tiến triển của tình thế, nếu cần Hội Thánh có thể sửa đổi một phần hay toàn phần bản Nội Luật này.
Ngoài ra, 2/3 Chức Sắc Ban Thế Đạo trong Đại Hội Thường Niên hoặc Bất Thường cũng có thể đệ đạt ý kiến lên Hội Thánh để tu chỉnh Nội Luật.
Ngoài ra, các Điều khoản khác không thay đổi.

Nội Luật Ban Thế Đạo được Hội Thánh HTĐ duyệt y do phiên họp ngày 22 tháng 11 năm Đinh Mùi (23-12-1967), Vi Bằng số 03/VB.
Nội Luật đã sửa đổi chiếu theo Vi Bằng số 07/VB do phiên nhóm Hội Thánh Hiệp Thiên Đài tại Giáo Tông Đường ngày 30 tháng 2 năm Mậu Thân (28-03-1968) dưới quyền chủ tọa của Đức Thượng Sanh.

Nay chiếu Vi Bằng Hội Thánh Hiệp Thiên Đài số 02/VB ngày 27 tháng 11 năm Mậu Thân (15-01-1969) dưới quyền chủ tọa của Đức Thượng Sanh, Nội Luật được tu chỉnh lần thứ nhì và ban hành cho toàn Ban Thế Đạo tuân hành.

        CHỦ TỌA
    THƯỢNG SANH


Lược Sử Ban Thế Đạo | Phù hiệu
Trang chủ