HUẤN DỤ
ĐỨC THƯỢNG SANH - CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ĐÀI

* Đọc trong Lễ Tấn Phong Hiền Tài Khóa III (3-1970)

* * * * *


Kính Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện.

Quý Quan khách,
Chư Chức sắc và Đạo hữu Nam Nữ,
Quý Hiền Tài Ban Thế Đạo.

Trước hết nhơn danh Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài, tôi xin để lời chào Quý Quan khách và toàn thể Chức Sắc Ban Thế Đạo, trong đó có Quý vị Hiền Tài mới được chấp nhận trong Niên khóa Kỷ Dậu và hôm nay hiện diện trong buổi Lễ Tấn Phong, cũng là buổi Lễ để Quý vị trình diện với Hội Thánh đặng thọ lãnh phẩm vị Hiền Tài.

Thưa Quý vị,

Nho học có câu: "Lập thân hành Đạo dương danh ư hậu thế, dĩ hiến Phụ Mẫu, hiếu chi chung dã", (có nghĩa: Lập thân hành Đạo để tiếng lại đời sau, làm cho rạng chói danh thơm đến Cha Mẹ, đó là trọn Đạo Hiếu vậy).
Hai chữ hành Đạo đây nói về Đạo làm người, bao hàm các bổn phận đối với gia đình, đối với xã hội và đối với Đất nước quê hương.

Sanh ra nơi trần thế, người hữu học có công thập niên đăng quả thì ai cũng muốn chen vào trường ốc, mong chiếm bảng vàng hầu lập nên sự nghiệp vẻ vang, làm đẹp mặt nở mày cho Cha Mẹ.
Quý vị Tân Hiền Tài đã có chí hướng như trên và phần đông đã có địa vị xứng đáng ngoài mặt đời, được kể vào hàng trí thức của xã hội.
Tuy nhiên, làm cho tròn bổn phận làm người tức là phần Nhơn Đạo, chẳng phải là một việc dễ, ai cũng có thể làm được.

Theo trào lưu tiến bộ của văn minh vật chất hiện tại, nhứt là trước hiểm họa của lằn sóng Vô thần quá khích, con người dù là hạng trí thức dễ bị lôi cuốn vào cảnh bê tha trụy lạc, hoặc bị đưa đẩy vào vòng lợi danh đen tối, làm tôi tớ cho thế lực kim tiền, bán rẻ Lương tâm, không còn kể Nghĩa Nhân và lẽ phải nữa.

Chủ nghĩa Duy Vật đã lan tràn khắp trong Đất nước và đầu độc hết chín phần mười dân tộc Việt Nam, nền luân lý cổ truyền đã đổ vở, người ta đã vứt bỏ hết mọi căn bản Đạo Đức và họ đã chơi vơi lưu lạc trong đêm dài mờ mịt, chỉ vì đời sống của họ thiếu hẳn quân bình giữa vật chất và tinh thần, tức là thiếu luồng điện hòa hợp, thiếu cái biết Trí Tri của tâm linh hay là ánh sáng dẫn đến trực giác.

Mặc dù Quí vị có học thức hay được sinh trưởng trong gia đình Đạo Đức thuần túy mà Quý vị không Tu thân khắc kỷ thì trên bước đường đời chông gai hiểm trở, Quý vị không thể tránh khỏi những cạm bẫy do thất tình lục dục luôn luôn đặt dưới chơn Quý vị.

Nho Giáo dạy rằng:  Mục đích của đời người là Tu thân theo tiếng gọi của Lương Tâm, tiến tới hoàn thiện để kết hợp với THƯỢNG ĐẾ và giáo hóa người khác được hoàn thiện như mình. Vì vậy từ bậc Vua Chúa cho đến thứ dân, ai cũng lấy sự sửa mình làm gốc (Tự Thiên Tử dĩ chí ư thứ dân, nhứt thị giai dĩ tu thân vi bản).
Không thực hành cái định luật nầy, con người chỉ là con người của vật chất, quá tầm thường sanh ra để gây rối cho gia đình và xã hội.

Thế nào gọi là Tu Thân? Tu Thân là đem trật tự lại trong con người, sửa ngay ngắn lại những gì chênh lệch, chấn chỉnh lại những gì gian tà, đổi ra thành thật những gì giả dối.
Để hoàn thành những công việc đó, Đức KHỔNG TỬ khuyên phải triệt để thực hiện tuần tự những điều mục: Thành Ý, Chánh Tâm, Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên hạ.

Quý vị may duyên sanh nhằm thời trên Đất nước được có nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ do Đấng CHÍ TÔN THƯỢNG ĐẾ khai sáng với Tôn Chỉ tận độ Chúng sanh, cứu vớt 92  ức Nguyên Nhân đọa trần thoát vòng khổ hải.

Mở rộng Trường thi Công quả để tiếp đón nhơn tài, Hội Thánh chỉ mong ước Quý vị thấm nhuần Đạo Đức, lập chí tu thân, trước thì lo tròn bổn phận làm người, sau nữa có thể thi thố tài năng giúp Đời trợ Đạo tùy theo địa vị hoàn cảnh của mỗi người.

Một đấng Hiền Tài là một nhơn vật có phẩm giá đặc biệt, đầy đủ Đức độ và chân Tài.
Cái Tài thì do sự học mà có, cái Đức thì do lập chí Tu thân, theo Đạo Thánh Hiền mà được.
Nếu có Tài mà không Đức thì cũng như đóa hoa có sắc mà không hương; cái Tài đó cũng không phải là tài hữu dụng.

Thời xưa, Nho học sắp những bậc Hiền nhân vào hạng người Quân tử, tức là hạng người có Đức hạnh tôn quí, trọng Nghĩa ái Nhân.
Những "Ông Hiền" được đời kính nể mến phục vì những đấng ấy có tư tưởng cao siêu, hành vi xuất chúng, lúc nào cũng cứ ngay thẳng mà làm điều lành, điều phải, không vì tư tâm tư lợi mà hại đạo lý.
Giàu sang không thể làm cho đổi được cái lòng của mình, nghèo hèn không thể làm cho đổi được cái chí của mình, uy quyền võ lực không thể làm cho khuất được cái khí của mình (Phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất).

Lúc nào bậc Hiền nhân cũng không tự dối với mình và dối với thiên hạ, cho nên ngưỡng đầu lên không xấu với Trời, cúi xuống không thẹn với người, cùng khổ không mất Nghĩa, hiển đạt không lìa Đạo (Ngưỡng bất quí ư Thiên, phủ bất tạc ư Nhân; cùng bất thất Nghĩa, đạt bất ly Đạo).

Khi gặp vận được một Đấng Minh Quân thỉnh cầu ra giúp nước thì đem cái ân rãi khắp muôn dân, làm cho nhà an nước trị. Nếu không gặp thời thì chịu mai một, sống đời ẩn dật, vui thú lâm tuyền bạn với gió trăng, thi gan cùng tuế nguyệt, chớ không màng đến danh lợi đen tối.

Vì vậy chúng ta được thưởng thức những câu thơ xưa bất hủ như:

Triền cao hang thẩm, hiền mai tích.
Suối lặng khe êm, khách chịu nhàn.

Hoặc:

Nghêu ngao vui thú yên hà,
Mai là bạn cũ hạc là người quen.

Các bậc Hiền nhân thời xưa được có cái tiết tháo như vậy là nhờ biết phân biệt cái tước của Trời cho và cái tước của Người cho. Nhân Nghĩa, Trung Tín, vui làm điều lành không mỏi là cái tước của Trời cho, tức là Thiên tước; công khanh Đại Phu là cái tước của người cho, tức là nhơn tước.

Người xưa lo sửa cái Thiên tước thì cái nhơn tước theo sau và được bền bĩ. Người đời nay chỉ lòe mình có cái Thiên tước để cầu lấy cái Nhơn tước; khi đã được cái Nhơn tước rồi, thì dẹp bỏ cái Thiên tước không nói đến nữa.  Như thế thì thật là quá nông nỗi, rốt cuộc thành ra mất hết, cái nhơn tước cũng không giữ được bao lâu!

Thưa Quý vị,

Mở rộng cửa Ban Thế Đạo, Hội Thánh Hiệp Thiên Đài do theo nhã ý của Đức HỘ PHÁP, ban phẩm Hiền Tài cho những bậc hữu học để khích lệ hạng trí thức nhập vào trường Công quả hầu có dịp tiến Đức, tu thân theo chí hướng của mình. Mặc dù còn vướng bận vai tuồng thế sự, hoặc là sinh viên còn ở trong ngưỡng cửa Đại học, Quý vị đã có sẵn tinh thần Đạo Đức, nên có nguyện vọng bước lên địa vị Hiền Tài để đem khả năng phục vụ nền Chánh Giáo.

Giờ nầy nguyện vọng của Quý vị đã được thỏa mãn, lẽ dĩ nhiên Hội Thánh có phận sự dìu dắt và giúp sức Quý vị thực hành nhiệm vụ đối với Đạo mỗi khi quý vị cần đến. Thật ra, sự giúp đỡ của Quý vị không có tánh cách bắt buộc. Hội Thánh để cho Quý vị thư thả liệu định, tùy cơ hội, tùy dịp may mà thực hành.

Điều cần biết là từ đây Quý vị đã chánh thức là Chức Sắc Ban Thế Đạo Tòa Thánh TÂY NINH, Quý vị nên để công học Đạo trau giồi hạnh đức, tu luyện tánh tình để có thể tiêu biểu cho cái chân giá trị của phẩm vị Hiền Tài, và để khi gặp cơn bất trắc, quý vị có đủ sáng suốt mà đối phó với mọi trường hợp, nhứt là gìn giữ thân danh được toàn vẹn. Là Chức Sắc Hiệp Thiên Đài, chúng tôi cần có nhiều bậc nhơn tài để làm bạn đồng chí, giúp sức với chúng tôi trong việc thức tỉnh nhơn tâm quay về với Thiên lương và Đạo Đức.

Chính Quý vị là những bạn đồng chí đó, chính Quý vị là những gạch nối liền, làm cho Đạo Đời tương đắc, tạo cảnh thuận tiện, cho Chức Sắc Hành Chánh Đạo nêu cao ngọn cờ cứu khổ khắp trên Đất nước. Nếu Quý vị thành công, Quý vị sẽ tạo nên một sự nghiệp tinh thần quí báu, có thể đưa Quý vị tới địa vị xứng đáng trong cửa ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ. Đó là điều mong ước của Hội Thánh.

Nhơn buổi Lễ Tấn Phong hôm nay, Đại diện Hội Thánh Hiệp Thiên Đài, tôi xin để lời mừng cho Quý vị Tân Hiền Tài và cầu chúc cho toàn thể Chức Sắc Nam Nữ Ban Thế Đạo được huởng Hồng ân của Đức CHÍ TÔN và Đức PHẬT MẪU.

NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT

TÒA THÁNH, ngày mùng 8 tháng 2 Canh Tuất (Dl.15. 3. 1970)

THƯỢNG SANH
CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ĐÀI.


Lược Sử Ban Thế Đạo | Huấn từ (khóa 3)
| Trang chủ