Nước vinh Đạo sáng

Lạp Chúc Nguyễn Huy

 

Nhờ khẩu hiệu « Không gì quí hơn độc lập tự do » mà nay dân Việt mới hiểu thấu đáo thế nào là độc lập, tự do. Và nay, các tín đồ tôn giáo cũng đã thấu hiểu  Đạo của mình nhờ khẩu hiệu sâu sắc nhưng đơn giản, dễ hiểu : « Nước Vinh Đạo Sáng ».

 Người dân bình thường thì hiểu nghĩa nôm na là Nước phải vẻ vang (Vinh) thì Đạo mới sáng được. Còn các tín đồ tôn giáo sống thực tế với khẩu hiệu chỉ đạo đều hiểu rằng trong xã hội cộng sản Việt nam, tín đồ không muốn cho Đạo bị mờ tối thì Đạo phải được nhà nước quản lý và phải tuân theo Pháp Lệnh Tín Ngưỡng. Như thế thì Nước mới được vẻ vang (Vinh ) trên trường quốc tế và Đạo mới sáng.

Chúng ta thử cùng nhau lý giải quan điểm của các tín đồ tôn giáo về khẩu hiệu « Nước vinh Đạo sáng » để cùng suy nghĩ về phương pháp cộng sản làm cho Đạo « Sáng » ra và Nước   « Vinh » vẻ vang hơn lên.

1. Nước Vinh

Vinh có nghĩa là vẻ vang, vậy làm thế nào cho Nước vẻ vang trên trường quốc tế với vinh dự là một quốc gia có tự do tín ngưỡng? Muốn làm được vậy, điều kiện đầu tiên là chính quyền cộng sản phải có một chính sách rõ rệt về « tự do tôn giáo » cho thế giới chiêm ngưỡng. Chính sách đó tóm tắt lại là muốn nước Vinh thì phải quản lý các tôn giáo từng giai đoạn.

 Sau năm 1975, chính sách tôn giáo của chính quyền cộng sản gồm 3 giai đoạn chính.

a) Giai đoạn 1. Vô hiệu hóa giới lãnh đạo các tổ chức tôn giáo

Biện pháp này được áp dụng cho Đạo Cao Đài bằng thủ tiêu, nhốt tù các chức sắc chống đối. Thí dụ như Ngài Phối Sư Thượng Vinh Thanh (Trần Quang Vinh) bị bắt và thủ tiêu ngay sau 1975.

Năm 1976, bị tù giam 4 năm : Ngài Tiếp Dẫn Đạo Nhân Nguyễn Văn Hợi, Ngài Cải Trạng Nguyễn Minh Nhựt…

 Năm 1978, Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh Tây Ninh ban hành bản án Cao Đài, kết tội Đức Hộ Pháp.

Từ 1979 đến nay cả một danh sách chức sắc, chức việc, tín đồ bị cộng sản bắt và giam tù. 

b) Giai đoạn 2. Ban hành một đường lối quản lý tôn giáo rõ rệt và hiệu quả.

Sau khi đã vô hiệu hóa những vị lãnh đạo tôn giáo uy tín, chính phủ cộng sản tích cực áp dụng chính sách quản lý tôn giáo bằng những biện pháp sau.

-Thành lập Ban tôn giáo chính phủ thuộc bộ Nội Vụ tại trung ương và Sở nội vụ tại mỗi tỉnh lãnh trách nhiệm kiểm soát mọi hoạt động tín ngưỡng;

- Ban hành : Pháp Lệnh Tôn Giáo Tín Ngưỡng, nghị quyết  của ban chấp hành trung ương đảng về công tác tôn giáo, thông tư của bộ Nội vụ … Các tổ chức tín ngưỡng phải hoạt động hợp pháp theo Pháp Lệnh và pháp luật cộng sản.

- Đào tạo cán bộ công chức (tức là công an tôn giáo) thành một ngành quản lý nhà nước về lãnh vực tôn giáo, công tác là phối hợp và khảo sát cơ sở, nhân sự của tôn giáo, tổ chức các hội nghị công tác tôn giáo, thực hiện chỉ thị nghị định của thủ tướng qui định chi tiết,và biện pháp thi hành theo đúng chủ trương  đường lối của đảng, pháp luật của nhà nước theo đúng khẩu hiệu :« Nước vinh Đạo sáng ».

c) Giai đoạn 3. Phân hóa tổ chức tôn giáo

Cộng sản biết rằng qua lịch sử các tôn giáo, đức tin không thể diệt được nên chỉ có thể khống chế tôn giáo bằng các cách sau :

Kiểm soát nhân sự

Ngày 11-11-1977, để dọn đường cho cộng sản kiểm soát nhân sự các tôn giáo, nghị quyết 297 qui định khoản 3 phần 6 : Việc phong chức, bổ nhiệm những người chuyên hoạt động tôn giáo (kể cả những người do tín đồ bầu cử) phải được chánh quyền chấp thuận trước…

Với nghị quyết này công sản có thể gài chức sắc quốc doanh để :

- kiểm soát guồng máy tổ chức,

- phong chức các chức sắc quốc doanh và chức sắc được mua chuộc  bằng quyền lợi, áp lực đe dọa;

Chức sắc nào kiên cường bất khuất không tùng theo thì có mỗi con đường là rút lui tu Đạo tại gia.

Giải tán

 Ngày 23-12-1978, báo Tây Ninh bộ mới đăng quyết nghị của Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Tây Ninh :

Điều 3. Giải tán và nghiêm cấm hoạt động hệ thống tổ chức hành chánh Đạo từ trên đến cơ sở, xóa bỏ và nghiêm cấm cơ bút. Chánh quyền sẽ quản lý toàn bộ các cơ sở vật chất mà Đạo đang quản lý kinh doanh không thuộc chức năng tôn giáo để phục vụ cho lợi ích xã hội. Đồng thời căn cứ vào tính chất tu hành, chính quyền sẽ qui định cụ thể số cơ sở để lại Đạo quản lý và số người trong từng cơ sở để chuyên lo về mặt tín ngưỡng.

Năm 1979, cộng sản áp lực chức sắc ký tên ban hành Thông tri 001 ngày 12-2-1979 và Đạo lịnh 001 ngày 1-3-1979 với mục đích :

- Cấm cơ bút để xóa tính chất thiêng liêng, huyền diệu của Đạo,

- Giải thể Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh

- Giải thể 5 cơ cấu hành chánh Đạo từ trung ương tới địa phương,

- Nhà nước tịch thu và quản lý toàn bộ cơ sở vật chất của Đạo,

Xóa bỏ gốc

Xóa bỏ tôn giáo Cao Đài (gốc) bằng dựng lên Hội Đồng Chưởng Quản thay thế Hội Thánh Tây Ninh. Năm 1997 cộng sản cấp pháp nhân cho Hội Đồng Chưởng Quản chính thức lập một chi phái mới « Cao Đài Tây Ninh » dưới sự lãnh đạo của đảng.  Báo Xa Lộ Pháp Luật số 36 ra ngày 17/8/2013 trang 16 cột bốn dòng 26 viết:"...Hiện nay, Cao Đài Tây Ninh được nhà nước công nhận là một trong chín chi phái Cao Đài hoạt động hợp pháp ở Việt Nam. "

Xóa bỏ tôn giáo Cao Đài (gốc) bằng đem chi phái (cành) thay vào. Các chi phái nay trở thành Hội Thánh có qui chế giáo hội đều có danh xưng bắt đầu bằng Cao Đài, thí dụ Ban Chỉnh Đạo nay gọi là Cao Đài Ban Chỉnh Đạo, tôn giáo Cao Đài nay là Cao Đài Tây Ninh theo lệnh của cộng sản. Như vậy không còn phân biệt gốc (Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ) với cành (chi phái). Đó là cách làm cho gốc cây mục rã dần sau khi chặt hết cành và ngọn đem cắm xuống các mảnh đất riêng rẽ.

Phân hóa tôn giáo  

Ngày 12-7-1965, chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa ban pháp nhân cho tôn giáo Cao Đài. Hiến chương 1965 ghi rõ :

Điều thứ 1: Danh hiệu là : Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, gọi tắt là Đạo Cao Đài

Điều thứ 2: Hội Thánh Cao Đài đặt địa điểm trung ương tại Tòa Thánh Tây Ninh.

Điều thứ 27: Hiến chương này sẽ là luật căn bản thống nhứt đối với tất cả chi phái Cao Đài nào ngày sau chấp nhận và ký tên.

Từ năm 1997, Tôn giáo Cao Đài không có tư cách trung ương nữa vì được thay thế bởi chi phái Cao Đài Tây Ninh do cộng sản dựng lên sau này. Tất cả đều hành Đạo theo luật pháp  của cộng sản và Hiến chương 2007 của Hội Đồng Chưởng Quản do cộng sản chứng nhận,

Đánh phá tín đồ độc lập tu tại gia

Theo ông Chánh Trị Sự Hứa Phi tộc đạo Vĩnh Long, năm 2014, tộc đạo có 37 tín đồ Cao Đài độc lập không đăng ký xin phép hành Đạo vì không tùng phục Đạo Cao Đài quốc doanh đã chiếm cứ thánh thất. Muốn hiểu mấy vị này hành Đạo như thế nào thì hãy nghe Hiền Huynh Hứa Phi dũng cảm trả lời với bằng chứng cụ thể (hình ảnh, thơ công an làm áp lực…) ông Heiner Bielefeldt, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo, ngày 27-7-2014, tại Vĩnh Long.

Ngày 23-3-2000, công an chiếm thánh thất Vĩnh Long, chức sắc chức việc không tùng phục Hội Đồng Chưởng Quản  rút về tu tại gia. Mỗi khi Thượng Tượng thờ Thượng Đế, cầu siêu, hội họp, đám giỗ thì bị công an đàn áp, khống chế lập biên bản, gởi thơ đòi lên sở công an điều tra nhiều lần… Muốn được tổ chức hội họp cúng lễ thì phải xin phép Ban Cai Quản Thánh Thất (thuộc Cao Đài quốc doanh) tức là ép buộc phải đăng ký xin phép, tùng phục Cao Đài quốc doanh… Vì bị đe dọa trong việc học hành và công ăn việc làm, các thanh niên phải tránh sinh hoạt của Đạo…

2. Đạo sáng

Khi nước đã « Vinh » nhờ chính sách quản lý trên, người cộng sản làm cho Đạo « Sáng » bằng các cách sau:

- Xóa bỏ trước mắt người dân và trên thế giới thực thể tôn giáo của Đại Đạo Cao Đài. Cộng sản ra lịnh cho báo chí  khi đề cập đến tôn giáo Cao Đài thì dùng danh từ Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh  như là các Hội Thánh khác nguyên là chi phái . Lý do Tòa Thánh Tây Ninh trước đây nay thuộc về chi phái Cao Đài Tây Ninh với  danh hiệu  Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh. Kể từ năm 1997 , việc trồng tên tráo tuổi nầy có thể ảnh hưởng đến việc nghiên cứu của những người ngoại quốc không am tường Đạo.

- Chi phái nào quan trọng về số thánh sở và tín đồ (trên 10 000) thì được ( hoặc bị ép buộc) ban pháp nhân  nếu đăng ký xin phép, và được danh xưng Hội Thánh có tổ chức theo quy cách giáo hội, thí dụ Hội Thánh Chơn Lý;

- Các Hội Thánh đều ngang hàng và độc lập về mọi phương diện tức là cắt bỏ sự phụ thuộc về thờ kính Đức Chí Tôn và giáo lý của tôn giáo gốc Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Từ năm 1995 đến 2011, chính quyền bắt đầu công nhận các tổ chức tôn giáo Cao Đài như những tổ chức hợp pháp, gồm 9 Hội Thánh Cao Đài, 1 tổ chức giáo hội Cao Đài Việt Nam (Bình Đức), 1 Pháp môn Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi và 18 tổ chức Cao Đài hoạt động như pháp nhân độc lập. Ước tính hiện tại, toàn đạo có khoảng gần 3 triệu tín đồ trong cả nước, sinh hoạt tại 38 tỉnh thành, tập trung chủ yếu ở Nam Việt. Ngoài ra, có khoảng 50.000 tín đồ nữa sống ở Hoa Kỳ, Canada, Campuchia, Châu ÂuÚc.

 

Hội Thánh

9 Hội Thánh Cao Đài có tổ chức Giáo Hội được chính quyền công nhận về tổ chức (theo thứ tự thời gian) được hoạt động hợp pháp ở Việt Nam .

Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên (Quyết Định số 51/QĐ/TGCP ngày 29/7/1995 của Ban Tôn Giáo Chính Phủ). Còn gọi là Hội Thánh Tiên Thiên ở Bến Tre, do Giáo Sư Lê Kim Tỵ sáng lập.

Hội Thánh Cao Đài Chiếu Minh Long Châu (Quyết Định số 1562/QĐ.CT.HC.96 ngày 27/7/1996 của UBND tỉnh Cần Thơ). Còn gọi là Chiếu Minh Đàn do Ngài Ngô Văn Chiêu sáng lập.

Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo (Quyết Định số 39/QĐ/TGCP ngày 02/8/1996 của Ban Tôn Giáo Chính Phủ). Còn gọi là Tòa Thánh Ngọc Sắc ở tỉnh Bạc Liêu, do Chưởng Pháp Trần Đạo Quang xây dựng, tiếp nối là Ông Cao Triều Phát.

Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài (Quyết Định số 40/QĐ/TGCP ngày 24/9/1996 của Ban Tôn Giáo Chính Phủ). Còn gọi là Trung Hưng Bửu Tòa tại TP. Đà Nẳng.

Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh (Quyết Định số 10/QĐ/TGCP ngày 09/5/1997 của Ban Tôn Giáo Chính Phủ). Còn gọi là Tòa Thánh Tây Ninh, nguồn gốc Đạo Cao Đài.

Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo (Quyết Định số 26/QĐ/TGCP ngày 08/8/1997 của Ban Tôn Giáo Chính Phủ). Còn gọi là Hội Thánh Bến Tre của Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương.

Hội Thánh Cao Đài Bạch Y (Quyết Định số 2363/1998/QĐ-UB ngày 08/7/1998 của UBND tỉnh Kiên Giang). Còn gọi là Tòa Thánh Ngọc Kinh ở tỉnh Kiên Giang.

Hội Thánh Cao Đài Chơn Lý (Quyết Định số 16/2000/QĐ-TGCP ngày 14/3/2000 của Ban Tôn Giáo Chính Phủ). Còn gọi là Tòa Thánh Minh Chơn Lý ở Mỹ Tho, do Phối Sư Nguyễn Văn Ca thành lập. 

Hội Thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan (Quyết Định số 199/2000/QĐ-TGCP ngày 28/4/2000 của Ban Tôn Giáo Chính Phủ). Còn gọi là Tòa Thánh Cầu Kho ở tỉnh Bình Định – Qui Nhơn. 

Ngày nay, tín đồ của các tôn giáo đều hiểu thấu « Nước Vinh » là như thế, « Đạo Sáng » là như vậy. (Trích trong cuốn « Chi Phái Cao Đài » sắp in của tác giả).

Lạp Chúc Nguyễn Huy

Cựu chuyên viên khảo cứu Đại Học Laval, Canada