Năm mới, vùng bắc California có tin mới. Tây Ninh Đồng Hương Hội Bắc California đã ra đời.
Sau nhiều năm tháng chuẩn bị, kêu gọi, họp bàn…mà chẳng đi tới đâu. Người Tây Ninh mỗi năm cứ phải chạy về nam để chung vui với bà con Tây Ninh tại Nam CA…Sau khi ăn Tết xong, một số người đã họp bàn, khuyến khích nhau và đi đến cuộc họp mặt để cùng xây dựng Hội Đồng Hương Tây Ninh.
Tại nhà hàng Phú Lâm, San Jose lúc 10:30am ngày Chúa Nhật 16/.3/2014 đã đánh dấu một chuyển biến mới của bà con Tây Ninh đang sanh sống tại San Jose. Cuộc họp mặt đã diễn ra đầm ấm thân thương và rất Tây Ninh: Thiệt thà, chất phát đậm đà như hương vị Bánh Canh Trảng Bảng.
Với sự vận động của quý ông Ông Bùi Đức Tài, Ông Nguyễn Ngọc Dũ, Ông Nguyễn Thanh Liêm, Ông Trần Minh Khiết, Ông Duy Văn, Ông Nguyễn Đăng Khích, Ông Trần Văn Sung, Ông Trần Minh Quan, Ông Nguyễn Thành Hưng, Ông Trần Kim Đãnh, Ông Dương Văn Ngừa buổi họp mặt đã có kết quả tốt đẹp.
Khoảng 130 đồng hương Tây Ninh đã họp mặt để thành lập Tây Ninh Đồng Hương Hội Bắc California.
Buổi họp mặt bắt đầu với Lễ Chào Quốc Kỳ khai mạc lúc 11:00am. Sau đó giới thiệu thành phần tham dự. Ban Tổ Chức ghi nhận có sự hiện diện của Hội Quân Cảnh, Hội Cảnh sát Quốc Gia, Hiền tài Nguyễn Thanh Liêm, Ông Mai Khuyên Khu Hội, Ban Trị Sự Tộc Đạo Cao Đài tại địa phương cựu Chánh Trị Sự Mai Ngọc Tuyết, Chánh Trị Sự Đào Minh Ánh, Chánh Trị Sự Nguyễn Văn Bé, Điện Thờ Phật Mẫu Hiền Huynh Nguyễn Văn Y và đồng hương đến từ Sacramento, Oakland, San Francisco…v.v. Đặc biệt có sự tham dự của Ông Phạm Thái đại diện Tây Ninh Đồng Hương Hội Nam California. Các cơ quan truyền thông báo chí có Ông Hoàng Hoa Sài Gòn Film, Đài Truyền Hình Việt Today, nhà báo Phạm Lễ CM Magazine, phòng viên Nghê Lữ, nhật báo Cali Today, Nàng Thế Kỷ, Tin Việt News, Báo Thằng Bờm…v.v.
Sau lễ chào cờ khai mạc, Ban Tổ Chức ngỏ lời chào mừng đồng hương và quan khách. Trình bày mục đích của buổi họp mặt. Sau đó một Chủ Tọa Đoàn đã được bầu lên gồm có: Ông Nguyễn Ngọc Dũ, Ông Trần Minh Quan, Ông Trần Văn Sung, cô Trương Thị Vân Lan, Ông Nguyễn Đăng Khích. Tiếp theo là việc đề cử nhân sự vào Ban Chấp Hành. Có quý ông Trần Minh Khiết, Ông Nguyễn Cười, Ông Duy Văn, Ông Nguyễn Thanh Hưng…và nhiều vị lão thành được đề cử, nhưng vì bận rộn và tuổi cao sức yếu nhiều vị đã không thể đảm đương công việc. Cuộc bầu phiếu diễn ra vui vẻ, thẳng thắn: Đồng hương tham dự bắt đầu cuộc bầu cử theo lối phổ thông và trực tiếp. Sau nhiều lần trình bày, thảo luận, bầu phiếu, đếm phiếu. Ban Tổ Chức đã chọn ra được một Ban Chấp Hành với thành phần như sau:
Hội trưởng: Nha sĩ Trần Minh Khiết
Phó Hội trưởng: Ông Nguyễn Thành Hưng, Ông Duy Văn, Cô Trương Vân Lan
Tổng Thư Ký: Ông Nguyễn Đăng Khích
Thủ Quỹ: Nha sĩ Tô Mỹ Huệ
Ban Giám Sát: Nha sĩ Nguyễn Hữu Tường và Ông Minh Đức Nguyễn Văn Phép.
Ban Tổ chức cũng đọc lên những lá thư chào mừng của đồng hương, quan khách không thể đến dự: Lá thư của ông Trịnh Quốc Thế từ Texas, lá thư của ông Từ Hiếu Côn, Gò Dầu, chủ hãng lịch Hương Quê, lá thư của ông Chu Tấn, Hội Nhân Sĩ đã đến và phục vụ tại Tây Ninh 6 lần…v.v. Những lá thư tràn đầy tình cảm thân yêu.
Chủ Tọa Đoàn hoàn tất nhiệm vụ, Tân Hội Trưởng Trần Minh Khiết và thành phần nhân sự của ban Chấp Hành lên chào mừng và trình diện đồng hương. Ông Trần Minh Khiết ngỏ lời chào mừng và nhận nhiệm vụ đồng hương giao phó.
Trong diễn từ chào mừng ông cho biết ông được tín nhiệm giao cho trọng trách, nhưng từ bây lâu nay ông chỉ là một người yểm trợ các hoạt động chưa bao giờ có kinh nghiệm làm việc cộng đồng. Xin bà con giúp đỡ và cùng làm việc để mỗi ngày hội sẽ phát triển nhiều hơn. Ông cũng cho biết sẽ cố gắng chu toàn trách nhiệm, sẽ cố gắng tổ chức nhiều cuộc họp mặt đồng hương để tình đồng hương càng ngày càng nẫy nở hơn. Sẽ tham dự các sinh hoạt với các hội đoàn bạn trong các công tác cộng đồng…v.v.
Sau cuộc bầu cử là phần tiệc mừng họp mặt và văn nghệ giúp vui. Như bao nhiêu cuộc họp mặt của đồng hương, buổi họp mặt của tây Ninh cũng diễn ra vui vẻ, náo nhiệt và đằm thắm. Những ca khúc về vùng đất “nắng cháy da người…” do người Tây Ninh sáng tác được hát lên như “ Tây Ninh Quê Mẹ” và “ Chuyến Xe Tây Ninh” của nhạc sĩ Duy Văn được hát lên trong ngày Xuân với nổi nhớ miên man vô tận. Tha La Xóm Đạo, những con đường rợp bóng tre, những vườn tầm vông đất Trảng Bàng…ruộng lúa Thanh Điền nằm hiền hòa bên dòng Vàm Cỏ Đông…là những kỷ niệm khó quên.
Lần đầu tiên họp mặt có nhiều xúc động kể sao cho hết! Đồng hương cùng tỉnh, cùng quê, cùng trường nhưng chưa bao giờ gần gủi để biết nhau. Ông Phạm Bằng Tường đã gặp ông Dương Quốc Dân trong xúc động. Ông Dương Quốc Dân là học trò cũ của thân phụ ông Phạm Bằng Tường tại trường Lê Văn Trung. Hai người gặp nhau với biết bao kỷ niệm. Họ kể lại cho nhau nghe những chuyện đã xảy ra hơn nửa thế kỷ trước khi còn là học sinh trung học. Chuyện thầy trò, chuyện học sinh, về ngôi trường cũ. Ông Trần Văn Sung sanh ra tại Tây Ninh, sống và lớn lên ở Sài Gòn nghe nhắc đến những địa danh, những vùng đất ông chưa đặt chân tới.
Có người bùi ngùi nói, thành lập Tây Ninh Đồng Hương Hội sau bao nhiều năm sinh sống tại vùng nầy là việc quá trể, nhưng trể còn hơn không. Hội sẽ là sợi dây nối kết tình làng nghĩa xóm, Cho cháu con nhớ đến quê hương.
Buổi họp mặt kéo dài đến 3:00pm, sau lời cảm tạ của Ban Tổ Chức mọi người quyến luyến chia tay.
Tưởng cũng nên biết thêm, Tây Ninh là một tỉnh ở miền Đông Nam Phần, cách Sài Gòn khoảng 100 km theo đường quốc lộ 1.
Theo sách vỡ và tài liệu vể còn lưu trữ, vùng đất Tây Ninh từ thời xưa vốn là một vùng đất thuộc Thủy Chân Lạp, tên là Romdum Ray, có nghĩa là “Chuồng Voi” vì nơi đây chỉ có rừng rậm với muôn thú dữ như cọp, voi, beo, rắn…. Những người dân ở đây sống rất thiếu thốn, cơ cực cho đến khi người Việt đến khai hoang thì vùng đất này mới trở nên phát triển.
Năm 1802, vua Gia Long lên ngôi, đồng thời đổi tên phủ Gia Định thành trấn Gia Định.
Năm 1808, trấn Gia Định đổi lại đổi là thành Gia Định, gồm có 5 trấn là Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và Hà Tiên.
Năm 1832, vua Minh Mạng tiếp tục tổ chức ở Gia Định, từ 5 trấn chia thành 6 tỉnh gồm có Phiên An (Gia Định), Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Lúc bấy giờ, vùng đất Tây Ninh thuộc Phiên An.
Năm 1838, vua Minh Mạng đổi Phiên An thành là tỉnh Gia Định gồm có 3 phủ, 7 huyện. Các phủ là Phủ Tân Bình có 3 huyện, Phủ Tân An có 2 huyện, Phủ Tây Ninh có 2 huyện là: huyện Tân Ninh và huyện Quang Hóa.
Huyện Tân Ninh: phía Bắc giáp Cao Miên (núi Chiêng, tức núi Bà Đen), phía Đông giáp huyện Bình Long phủ Tân Bình, phía Nam giáp huyện Bình Dương phủ Tân Bình và huyện Cửu An phủ Tân An, nguyên là đạo Quang Phong.
Năm Minh Mạng thứ 19 (1838), bỏ đạo lập phủ với tên gọi phủ Tây Ninh, quản lý 2 huyện (với 7 tổng có 56 làng xã), theo Đại Nam nhất thống chí: Tân Ninh còn tiếp giáp với cả huyện Kiến Hưng phủ Kiến An tỉnh Định Tường nhà Nguyễn, vốn chỉ nằm bên bờ Tây sông Vàm Cỏ Tây.
Năm 1890, sau khi lập Liên bang Đông Dương, người Pháp cắt một phần đất hạt Tây Ninh (hạt Tây Ninh nguyên là toàn bộ phủ Tây Ninh) là phần đất dọc theo rạch Ngã Bát cho Campuchia thuộc Pháp, trong đó có lẽ gồm cả phần đất tỉnh Svay Rieng (tức Soài Riêng). Các bản đồ của người Pháp xứ Nam Kỳ thuộc Pháp, vẽ với kỹ thuật Tây phương khá chính xác, vào các năm 1872 và 1886 (trước khi thành lập Liên bang Đông Dương năm 1887) đều vẽ “vùng lồi” Svay Rieng thuộc đất Nam Kỳ (Cochinchine).
Huyện Quang Hóa, phía Bắc và Đông giáp huyện Tân Ninh, phía Nam giáp huyện Cửu An phủ Tân An, phía Tây giáp huyện Kiến Hưng phủ Kiến An tỉnh Định Tường. Huyện lỵ ở thôn Cẩm Giang sau chuyển sang thôn Long Giang, có 4 tổng Hàm Ninh Hạ, Mộc Hóa, Giải Hóa, Mỹ Ninh, có 32 làng xã. (Đất huyện Quang Hóa phủ Tây Ninh nhà Nguyễn nay có thể là địa phân các vùng đất phía Nam tỉnh Tây Ninh như Bến Cầu, Gò Dầu, Trảng Bàng, các huyện Đông Bắc tỉnh Long An như Đức Huệ, Hậu Nghĩa, Mộc Hóa, và phần phía Nam của tỉnh Svay Rieng Campuchia.
Theo Đại Nam Thực Lục thì vào khoảng năm 1845, Cao Hữu Dực (quyền Tuyên phủ sứ Tây Ninh) cho chiêu mộ dân trong phủ Tây Ninh lập ra 26 làng: Tiên Thuận, Phúc Hưng, Phúc Bình, Vĩnh Tuy, Phúc Mỹ, Long Thịnh, Long Khánh, Long Giang, Long Thái, An Thịnh, Khang Ninh, Vĩnh An, An Hòa, Gia Bình, Long Bình, Hòa Bình, Long Định, Phú Thịnh, Thái Định, Hòa Thuận, An Thường, Thuận Lý, Thiên Thiện, Hướng Hóa, Định Thái, Định Bình, đều thuộc phủ Tây Ninh. Vua Thiệu Trị phê chuẩn quyết định này.
Năm 1861, Sau khi thực dân Pháp chiếm Tây Ninh, sau nhiều lần thay đổi, năm 1897 Tây Ninh gồm có 2 quận là Thái Bình, Trảng Bàng, trong đó có 10 tổng, 50 làng.
Ngày 1 tháng 1 năm 1900, Toàn quyền Paul Doumer cho áp dụng nghị định ký ngày 20 tháng 12 năm 1899 đổi các khu tham biện (inspections) là tỉnh (province). Thời Pháp thuộc, Nam Kỳ được chia làm 20 tỉnh để cai trị và sau đó Cap St. Jacques (Vũng tàu) tách ra thành tỉnh thứ 21. Tây Ninh lúc đó là tỉnh thứ 12.
Gia, Châu, Hà, Rạch, Trà
Sa, Bến, Long, Tân, Sóc
Thủ, Tây, Biên, Mỹ, Bà.
Chợ, Vĩnh, Gò, Cần, Bạc và Cấp (Vũng Tàu)
Ngày 9 tháng 12 năm 1942, Thống đốc Nam kỳ ban hành Nghị định 8345 ấn định ranh giới Tây Ninh. Năm 1950, cắt một phần đất của Thái Hiệp Thạnh cũ thành lập thị xã Tây Ninh. Năm 1957, Tây Ninh chia thành 3 quận gồm có Châu Thành, Gò Dầu Hạ, Trảng Bàng. Năm 1963, tỉnh Tây Ninh thêm 4 quận là quận Phú Khương, Phước Ninh, Hiếu Thiện, Khiêm Hanh.
Tây Ninh nổi tiếng với những phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Núi Bà Đen cao 986m là ngọn núi cao nhất miền Nam Việt Nam và là nơi có nhiều truyền thuyết nổi tiếng, ở đây có động Kim Quang và một ngôi chùa cùng tên. Tây Ninh là thánh địa của đạo Cao Đài với Tòa Thánh Tây Ninh nguy nga, tráng lệ. Ngoài ra còn có đạo Phật, đạo Kitô, đạo Hồi và nhiều đạo khác.
Núi Bà đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Trông xa xa, ngọn núi như chiếc nón lá nằm úp giữa vùng đồng bằng trù phú với những cánh đồng lúa xanh bát ngát, cây cối tươi tốt quanh năm. Núi Bà trải rộng 24km², gồm 3 ngọn núi là núi Bà Đen, núi Phụng và núi Heo, trong đó cao nhất là núi Bà Đen. Nói đến núi Bà, có Điện Bà, tức là chùa Linh Sơn Tiên Thạch Tự. Điện Bà ở lưng chừng núi với hai ngôi chùa là chùa Thượng và chùa Hang.
Ngọn núi này thu hút khách thập phương vì cảnh núi trời hùng vĩ, nhiều hang động, nhiều ngôi chùa linh thiêng vốn là nơi ẩn cư của nhiều sư sãi. Trên núi có một số hang động được làm nơi thờ tự như động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà… Với chiều cao 986m so với mực nước biển, ngọn núi Bà Đen được mệnh danh là “nóc nhà” Đông Nam Phần.
Theo các vị bô lão truyền miệng trong dân gian thì ngày xưa, núi Bà Ðen có tên gọi là Núi Một. Trên đó có một tượng Phật bằng đá, rất linh thiêng. Dân chúng chặt cây lá dọn đường lên núi cúng Phật. Người lên núi thường phải đi từng đoàn, vì dọc đường có rất nhiều beo cọp. Có một người con gái tên là Lý Thị Thiên Hương, ở Trảng Bàng văn hay võ giỏi. Vào mỗi ngày rằm cô hay lên núi lễ Phật. Trong làng, có chàng trai tên là Lê Sĩ Triệt để ý cô, đem lòng thương mến.
Vì thấy cô có nhan sắc, một ông quan định dùng võ lực bắt cô đem về làm thiếp. Ông cho một thầy võ thi hành kế gian. Khi cô Lý bị thầy võ kia đánh bại, sắp gặp nạn, thì Lê Sĩ Triệt cứu thoát. Về nhà, cô thuật truyện lại, được cha mẹ đồng ý, trai tài gái sắc yêu nhau, cha mẹ gả cô cho chàng trai họ Lê. Lúc bấy giờ, Võ Tánh đang chiêu binh, Lê Sĩ Triệt ra tòng quân. Lý Thị Thiên Hương ở nhà chờ chồng. Một hôm, cô đang lễ Phật trên núi thì gặp một bọn cướp đến cướp chùa, thấy người con gái đẹp vây bắt. Cô đánh đuổi bọn cướp, nhưng thế cô, mở vòng vây chạy thoát vào rừng rồi mất tích.
Trên chùa, vị hoà thượng trụ trì một ngày kia đang tụng kinh, bỗng thấy một người con gái mặt đen nhưng xinh đẹp hiện ra nói: “Ta đây họ Lý, khi 18 tuổi bị rượt nên té xuống hố chết. Nay ta đã đắc quả, xin Hoà Thượng xuống triền núi phía Ðông Nam tìm thi hài ta mà chôn cất dùm”. Vị hoà thượng này y lời, đi tìm xác cô, đã chết lâu ngày nắng thiêu đốt thành màu đen nhưng không tan rã, bèn đem về chôn cất sau chùa. Lý Thị Thiên Hương rất linh hiển, ai cầu chi được nấy. Dân chúng quanh vùng tấp nập đến cầu xin. Từ đấy, ngọn núi được dân chúng truyền tụng là Núi Bà Đen (kính trọng gọi là Núi Bà)
Câu chuyện ra tới tai Tả Quân Lê Văn Duyệt. Ông bèn lên núi tìm hiểu, và hứa dâng sớ về triều phong chức cho cô gái họ Lý này, nếu cô linh hiển cho ông thấy tận mắt Cô bèn nhập vào xác một ngưòi con gái, nói rằng: “Hồn của thượng quan sau này sẽ được chức thần kỳ vinh hiển, nhưng xác của thượng quan sẽ bị hành hạ”. Lê Văn Duyệt nói: “Bổn chức không cầu xin cho biết tương lai mình, mà chỉ muốn biết rõ căn nguyên của nàng”. Cô gái rơi nước mắt, kể lại câu chuyện chết oan ức của mình, và nhắc lại duyên nợ tiền định với chàng Lê Sĩ Triệt.
Theo lời kể, sau khi thành Bình Ðịnh thất thủ, Võ Tánh tự hoả thiêu, chồng nàng đã thác, còn nàng chết trở thành tiên thánh, xuống cõi trần thế để cứu nhân độ thế. Lê Văn Duyệt dâng sớ, phong cho cô Lý thị Thiên Hương “Linh Sơn Thánh Mẫu”, ngự ở Núi Một, tức là núi Bà Ðen ngày nay. Núi Bà Ðen nổi danh linh hiển, kỳ bí, nhiều phép lạ, khó ai giải thích được.
Ngoài ra, Tây Ninh nổi tiếng với các loại sản vật:
Bánh Tráng nướng phơi sương: Sản vật độc đáo của Trảng Bàng. Lọai sản phẩm này ngày nay được sản xuất theo lối công nghiệp, là loại bánh tráng hai lớp, nướng và phơi sương, màu trắng ngà. Để làm ra Bánh Tráng phơi sương phải tốn nhiều công phu và khá cầu kỳ.
Bánh Canh: Bánh Canh Trảng Bàng là thức ăn nổi tiếng của Tây Ninh có từ rất lâu đời. Nó đã trở thành một sản phẩm nổi tiếng, Trảng Bàng là điểm dừng chân của du khách. Sợi bánh canh ở đây làm từ gạo ngon vừa dai, vừa thơm lại mềm mướt. Nước lèo ngọt mùi xương và cộng với gia vị tạo thành vị thanh nhẹ. Ngoài ra, những thành phần khác như rau sống, giá, ớt tươi, chanh…đặc biệt thịt heo cuốn với Báng Tráng nướng phơi sương và 2 loại rau độc đáo: Cần nước và rau Vỵ làm món ăn trở thành độc nhất vô nhị không nơi nào có. Tất cả hòa quyện với nhau cho ra món ăn tuyệt vời.
Muối tôm: là một món ăn khác rất nổi tiếng của Tây Ninh. Trong muối có trộn tôm khô rang chín, giả nhỏ; chấm trái cây cóc, xoài, me, ổi… với muối Tôm Tây Ninh thì khó có thể quên được hương vị. Muối có thể để được lâu, trong hộp hay túi, bọc ni-lông được bày bán làm quà cho du khách.
Muối tôm không chỉ gồm muối và tôm, làm cũng mất nhiều thời gian và công sức nên muối khá đắt. Trong muối có tôm, thịt, tỏi, cải đỏ, muối, ớt, bột nêm… rồi cho vào xay đều, rang và phơi cho muối dậy mùi thơm. Tên thì như vậy “Muối”, nhưng muối tôm lại phân thành vô số các loại với mùi vị và cảm nhận rất khác khi ăn. Muối tôm Tây Ninh gồm nhiều thành phần và công đoạn làm khá phức tạp nên giá cao hơn so với các loại muối bình thường.
Mãng cầu Bà Đen: Trồng tại khu vực gần núi Bà Đen của Tây Ninh.
Bánh tráng trộn là món hấp dẫn khác. Bánh tráng me với những bịch mắm me, hành phi thơm lừng, đậu phộng, muối ớt dành cho người thích tiện lợi cũng hấp dẫn lắm. Chỉ một bịch với các thành phần chuẩn bị sẵn, người ăn cứ thế trộn lẫn các gói gia vị, làm thành nước chấm cay, ngọt ngọt, chua chua để chấm chung với bánh tráng dẻo và dai, ngon khó tả.
Ốc Xu sống trên núi Bà có hình dáng gần giống loài ốc bươu nhưng mình dẹt và nhỏ hơn. Người dân ở đây cho rằng, ốc này ăn vào không những ngon vì thịt dai mà còn có tác dụng chữa nhức mỏi. Ốc Xu ăn luộc hoặc hấp là ngon nhất, giữ nguyên hương vị nhất.
Người ta nói, đơn giản là ốc xu luộc với sả hoặc hấp gừng, ăn dai và giòn. Đặc biệt, khác vời nhiều loại ốc chấm mắm, ốc xu ăn với muối tiêu chanh mới đúng vị. Nếu thích đậm đà và lạ miệng hơn, có thể dùng ốc trộn gỏi, xào me, xào tỏi, xào sa tế…
Nem bưởi: Món nem (ăn chay và ăn mặn đều dùng được) là một trong những “món ngon vật lạ” của đất Tây Ninh. Nem bưởi dễ ăn và tiện lợi. Chua chua, mặn mặn, ngọt ngọt, cay ớt và tiêu và mùi đặc biệt khó lẫn vào đâu đã làm nên “tiếng tăm” của nem bưởi.
Người Tây Ninh tài tình lắm khi loại bỏ được vị đắng của vỏ bưởi và biến nó thành thứ đồ ăn phổ biến. Nhìn những chiếc nem màu tươi rói, được gói như nem thịt hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên lắm khi biết thành phần của nó. Nguyên liệu chính của món này là vỏ bưởi và đu đủ xanh bào phơi khô trộn với nhiều vị như khế chua, ớt hiểm, tiêu, lá vông nem, chùm ruột, lá chuối.
Kể về Tây Ninh biết bao giờ mới cho hết chuyện? Năm mới Tây Ninh Đồng Hương Hội Bắc Cali vừa thành hình. Chúc bà con càng ngày càng đông, càng vui nhiều và nhắc cho con cháu biết nơi đó ông bà cha mẹ đã ra đi.