cuoi.jpg

Không ai có thể khẳng định cười là liều thuốc bổ tốt nhất, nhưng chắc chắn nó có tác dụng tốt cho con người. Thực tế khi chúng ta cười lớn, lồng ngực nở rộng, dung tích phổi có thể tăng lên gấp hai lần so với bình thường, khí huyết lưu thông nhiều hơn, người nóng lên, da mặt hồng đỏ. Tiếng cười là một hình thức làm cơ thể vận động , có thể giảm stress, giảm đau và cải thiện nhiều chức năng sinh lý của cơ thể. Bác sĩ William Fry, Giáo sư Đại học Stanford Hoa Kỳ, đã từng nghiên cứu về tiếng cười trong 30 năm, ông cho biết cười 100 lần một ngày tương đương với 10 phút vận động chèo thuyền. Theo những nghiên cứu của ông, cười làm hoạt động các cơ bắp, mạch máu giãn nở và kích thích tuần hoàn huyết. Bác sĩ Dean Ornish, một chuyên gia về bệnh tim người Mỹ, cho biết những người thường sống cô độc hoặc hay âu sầu, buồn bã thường dễ mắc bệnh tim. Ngược lại, tính lạc quan là một trong những yếu tố quan trọng để các bệnh nhân tim mạch dễ phục hồi. Sự lạc quan, thoải mái sẽ làm cho tâm hồn được bình an, đấy là điều kiện cơ bản của các phương pháp duỡng sinh. Bởi thế tiếng cười thường xuất hiện ở người lạc quan, yêu đời .

 Nhiều nghiên cứu cho thấy cười có tác dụng rất tốt trong việc giảm đau và gia tăng cảm giác thoải mái cho người bệnh. Ký giả Causins thì cho rằng: “Cười giúp người bệnh có khả năng chịu đựng và tự điều chỉnh tốt hơn”. Trong một số bệnh viện , những chương trình tạo tiếng cười được thực hiện dưới nhiều hình thức : thư viện cười (được trang bị nhiều loại sách báo, tranh ảnh gây cười, những poster hài, những băng cassette hoặc video về những chuyện vui nhộn), xe diễn lưu động hoặc những chương trình chăm sóc của những diễn viên hề, những chuyên viên về liệu pháp cười được đào tạo riêng cho chương trình nầy.

Cười là liều thuốc bổ

Tiếng cười thơ ngây của đứa trẻ có thể làm giảm căng thẳng giữa hai vợ chồng. Nụ cười thân thiện trong một buổi họp có thể làm dịu đi những tranh chấp. Ngày nay, với nhịp sống nhanh của thời đại công nghiệp hoá, con người dễ bị stress làm gia tăng sự mệt mỏi, làm giảm năng lực sáng tạo, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giao tiếp ... Tạo dựng nụ cười là biện pháp đơn giản để cải thiện tình trạng nầy.

 Một nhà văn Tây Phương viết : "Cười là một liều thuốc bổ." Marcel Pagnol lại còn cho rằng: "Những kẻ không còn cười nữa vì những lý do bên ngoài, lần lần sẽ mất sinh lực, mất cả sự nhanh nhẹn và mất cả lòng nhân ái." Thời đại văn minh cơ khí, con người phải sống trong khuôn mẫu của máy móc, trong gò bó của các chủ thuyết độc đoán, không dám nói , dám làm theo ý mình và hoàn toàn chỉ là một sản phẩm của xã hội . Bởi thế những tác phẩm hài hước (văn, thơ, kịch...) đều nhắm vào cái bi đát của con người hiện đại để phản kháng hoặc đặt lại mọi giá trị của xã hội.

 Xã hội Trung Hoa, thời Xuân Thu Chiến Quốc, đầy nhiễu nhương đã sản sinh hai nhà hiền triết Lão Trang mang những tư tưởng khá trào lộng. Xã hội Âu Mỹ hiện nay được coi là nền văn minh vĩ đại của thế giới, nhưng con người lại khốn khổ hơn so với thời xưa, nên có những ngòi bút trào lộng bất hủ của đại văn hào Pháp như Voltaire, Rousseau... Đầu thế kỷ 20, xuất hiện chú hề Charlot chọc cười khán giả bằng cách đả kích những thói xấu, áp bức, bất công của xã hội, châm biếm thời đại kỹ nghệ mà máy móc gần như chế ngự con người.

 Yếu tố quan trọng của tư tưởng hài hước và trào lộng là sự bất ngờ, không dự liệu trước được, và sự đánh thức con người bằng những nghịch thuyết. Đó là cái biến hóa của tư tưởng hài. Có biến mới thông. Thông tức tiếng cười của chúng ta đó. Thông thường, một số trí giả tỏ ra rất đạo đức và luôn luôn đóng vai trò "cảnh sát kiểm tục", trái lại nhà văn trào lộng thì khác, có giọng "ngạo mạn khinh đời", cười đùa cái đạo đức giả dối.

 Có một người đến hỏi một đạo sĩ về thuật trường sinh bất lão. Đạo sĩ bảo phải tiết dục, ăn sương nằm gió, xa lánh đàn bà, cấm ăn cao lương mỹ vị... thì mới có thể trường sinh. Người ấy nói: - Như thế thọ đến nghìn năm cũng chả có ích gì! Thà chết yểu còn hơn!

 Theo Marcel Pagnol, có hai loại cười : cười tích cực - người cười cảm thấy mình cao hơn người khác ; cười tiêu cực là cái cười gắt gỏng chua cay về chỗ thấp kém của người khác hoặc cái cười khinh bạc ngạo nghễ của kẻ thất thế. Bergson thì cho hài hước là đem "hình thức máy móc mà trồng lên sự sống" (du mécanique plaqué sur du vivant) . Thật vậy, con người cử động máy móc, không tự nhiên, y hệch những con rối bị giật dây, như sự đạo mạo, trịnh trọng của một số người trong một buổi lễ, hay trong một phiên tòa, dễ trở thành lố bịch, làm cho người khác bật cười. Những méo mó nghề nghiệp của một nhân viên quan thuế sau khi lội xuống biển cứu người còn quen miệng hỏi : "Các anh không còn gì khai nữa chăng?". Trong xã hội, người ta cũng thường sử dụng lối văn chương trào lộng "tục mà thanh" như chuyện Trương Vương vẽ mày cho vợ, bị nhà vua cật vấn, trả lời: "Trong khoảng buồng the, việc vợ chồng há chỉ có vẽ chân mày mà thôi đâu!"

 Chế giễu người nhiều uy quyền, ăn trên ngồi trước là giúp cho những người thường dân... có cơ hội phục thù những kẻ bốc lột họ. Bởi vậy, những vở hài kịch luôn luôn được nhiều khán giả ái mộ. Đối với những bệnh nhân trầm uất, chán chường, mệt mỏi... cười quả là một liều thuốc bổ. Người ta đâu có cười kẻ si tình tầm thường trong dân gian, mà cười lăn ra khi gặp phải một ông sư mà lại tương tư:

"Sư đang tụng niệm nam mô!
Thấy cô xách giỏ mò cua bên chùa.
Lòng sư luống những mơ hồ,
Bỏ cả kinh kệ, tìm cô hỏi chào
Ai ngờ cô đi đường nào,
Tay cầm tràng hạt ra vào ngẩn ngơ!

Thời đại máy móc

 Cười có nhiều cách như cười chua, cười đắng, cười nhạt, cười điên, cười nụ, cười vang, cười xã giao, cười nhạo báng, cười gằn, cười gượng khóc thầm.... Nhưng trong tất cả mọi thứ cười, cười thiền có tính siêu thoát, thấu đạt nhân tình đạo lý, một thứ cười hồn nhiên phát từ một trí huệ tuyệt vời, một tâm hồn cao thượng, là nụ cười ôn nhu hòa hoãn, vượt lên những cái nhỏ nhen cố chấp của người đời. Nếu châm biếm hài hước mà chỉ để chỉ trích cá nhân thì sẽ không còn nội dung của thiền. Theo Nguyễn Duy Cần, khi đọc kinh Kim Cang, chúng ta thấy dường như Phật viết tới đâu, là xé tới đó. Đến cùng, không còn một câu một chữ nào để cho người đời sau bấu víu: "Phật đã xé kinh mà nói Pháp." Cho nên các nụ cười thiền chỉ cười qua những bài văn ngụ ngôn, nói bâng quơ, nói bông lông, không nhắm việc của ai cả, không cổ, không kim, không sách, không vở... Có những việc dở, nhờ chữ "nhưng" mà trở thành hay, cũng có lắm chuyện hay, chỉ vì chữ "nhưng" mà đâm ra dở. Trong khi mọi người xem nặng cái chết, câu chấp việc tang ma lễ nghi phức tạp chung quanh một cái xác thúi, thì Trang Tử cất tiếng cười vang... cười về cái chết của mình mà mọi người muốn hậu táng .

Trang Tử gần chết. Các đệ tử muốn hậu táng. Trang Tử không cho: "Ta có trời đất làm quan quách, nhật nguyệt làm ngọc bích, tinh tú là ngọc châu, vạn vật làm lễ táng. Đám táng như thế, chưa đủ sao? Lại thêm chi lắm việc."

Đệ tử thưa: "Chúng con sợ diều quạ ăn xác thầy!

 Trang Tử cười nói: "Trên thì diều quạ ăn, dưới thì giòi kiến ăn. Cướp đây cho đó, sao có thiên lệch thế?"

Tiếng cười của Trang Tử quả thật là siêu thoát tách rời khỏi các ràng buộc hình thức của luân lý đạo đức vô cùng khắc khe phức tạp.

 Nụ cười Thiền, trước tiên là sự ngạc nhiên, vì nó là một nhận xét nghịch lại với lối suy tư và thành kiến lâu nay của mình. Vừa ngạc nhiên, thì vừa tỉnh ngộ. Giác ngộ thường được biểu thị bằng một tiếng cười rất đặc biệt: Cái cười của người đắc Đạo vừa phá được cái vô minh của mình.

Đọc một đoạn văn thiền, chúng ta có cảm tưởng đầu tiên gặp một đối thủ, một kẻ thù dám nói nghịch lại với ta. Nhưng rồi kẻ thù ấy biến thành bạn, và người bạn ấy lại trở thành một người thầy! Đối thoại thiền gần như là những nghịch thuyết vô cùng táo bạo. Cho nên mới nói: "Thiền mà không có "cười" chưa phải là Thiền." Lời thì đùa nghịch, nhưng ý thì trang nghiêm. Các thiền sư thường căn dặn: "Mỗi khi một câu hỏi được nêu ra, hãy trả lời nghịch lại hoặc làm thinh... vì chân lý có hai chiều, coi chừng bị kẹt. Nếu ai có hỏi ta về cái Hữu, hãy trả lời bằng cái Vô. Nếu hỏi ta về cái Vô, hãy trả lời bằng cái Hữu..." Thử đọc một câu văn trong kinh Kim Cang: "Cái gọi là Phật pháp, tức chẳng phải là Phật pháp, nên gọi là Phật pháp... Phật nói chúng sinh, tức chẳng phải là chúng sinh, cho nên mới gọi là chúng sinh". Không hiểu nổi giọng trào lộng này, tụng kinh niệm Phật vô ích.

 Sách Truyền Đăng Lục, có chép một đoạn thiền thoại của tôn giả Nghiêm Dương như sau:

Có thầy tăng hỏi: Phật là gì? - Cục đất
Pháp là gì? - Đất lăn
Tăng là gì? - Ăn cháo ăn cơm.

 Nụ cười đầu tiên trong Thiền học chính là nụ cười của Tôn giả Ma Ha Ca Diếp.

Phật Thích Ca thiền tọa trên đỉnh Linh Thứu. Bấy giờ có hơn một ngàn đệ tử tập họp để nghe Ngài thuyết pháp, nhưng Ngài im lặng. Một lát sau, Ngài đưa một cành hoa lên trước hội chúng. Không ai hiểu gì cả. Chỉ một mình ngài Đại Ca Diếp mỉm cười.

 Đó là nụ cười ngộ đạo.

 Thiền sử Trung Hoa cũng có ghi lại trường hợp ngộ đạo của Thiền sư Thủy Lạo trong lần đầu đến tham bái Mã Tổ được Mã Tổ tặng cho một đạp té nhào, lồm cồm bò dậy, chợt chứng ngộ “chấp tay cười ha hả”.

Hiểu được cái cười nầy, chúng ta mới cảm thông được nụ cười nhẹ nhàng hiện trên môi tượng Phật hoặc nụ cười tạm biệt của các Thiền sư khi từ giã cuộc đời.

 Cái cười của thế gian đều thuộc về tình cảm sanh diệt. Cái cười của đức Phật, của Ma Ca Ha diếp, của Thiền sư Thủy Lạo... là nụ cười giác ngộ thoát ra ngoài mọi thứ mê lầm, chỉ có cười mà không có khóc, gọi là "nụ cười bất diệt". Cười thiền là cái cười rất nhẹ nhàng, nhân hậu, là một sự ngạc nhiên đồng tình, thấy được tư tưởng sai lầm của mình, cái cười tỉnh ngộ khi phá được cái vô minh của chính mình.

Lê Tấn Tài (USA)