Con chim hòa bình đang đau nặng

images2YPS7GM3.jpg

Nhớ lại, thuở nhỏ (khoảng cuối thập niên 1940) tôi có nghe một bài hát (hát dĩa trong máy hát Columbia), tuy chưa hiểu gì nhưng sao vẫn còn nhớ lõm bõm mấy câu:

"Con chim hòa bình đang đau nặng,

Ngày và đêm càng thêm lo lắng.

Đang lau chùi mà dao gươm đặng

Phòng ngày phải gặp nguy biến chăng?

Âu Á la cháy đâu, cháy đâu?" 

Giờ nghĩ lại thấy lời bài hát này vẫn còn đầy tính thời sự.

Chiến tranh và nguy cơ chiến tranh ẩn hiện khắp nơi, nước nào cũng lo trang bị các loại phi cơ, hỏa tiển, tiềm thủy đỉnh tối tân, thị trường vũ khí phát triển mạnh. Đáng lưu ý nhứt là lò lửa Trung Cận Đông đang hừng hực cháy, kế đến là vùng biển Đông Á, cuồng phong chưa nổi dậy nhưng các tín hiệu sóng ngầm ngày càng rõ nét. 

Ở Trung Cận Đông, từ khi quân Mỹ can thiệp vào Irak năm 2003, triệt hạ nhà độc tài Saddam Hussein đến khi rút hết quân đi (2011), cảnh đầu rơi máu chảy vẫn luôn tiếp diễn, kế đến là cuộc nội chiến ở Syrie (2011), dân chúng nổi dậy chống nhà độc tài Bachar al Assad, cảnh chết chóc hầu như xảy ra hàng ngày, mức cao điểm khốc liệt kể từ khi xuất hiện tổ chức nhà nước Hồi giáo EI vào giữa năm 2014, thủ lãnh là Abou bakr al Baghdadi với chủ trương thánh chiến jihad, thế giới kinh hoàng trước cảnh giết người hàng loạt một cách cực kỳ dã man của đạo quân này.

Một liên quân hùng hậu do Mỹ dẫn đầu oanh tạc dữ dội lực lượng jihad của EI ở cả Irak và Syrie (vùng kiểm soát của EI) để yểm trợ lực lượng Kurdes và Irak, tình hình chiến sự vẫn luôn sôi động, cuộc chiến dai dẳng kéo dài đến nay, chưa thấy chút tia sáng le lói nào ở cuối đường hầm và đang có nguy cơ lan rộng.

Đây là một cuộc chiến vô cùng phức tạp, phát xuất từ sự tranh chấp ảnh hưởng, quyền lợi giữa hai hệ phái Hồi giáo, Sunnite do Arabie saoudite lãnh đạo và Chiite do Iran cầm đầu, tỷ lệ tín đồ hai hệ phái này khác nhau từng nước, thông thường người đứng đầu nhà nước thuộc phái đa số như Iran (Chiite), Arabie saoudite (Sunnite), đặc biệt do hoàn cảnh lịch sử, Irak dưới thời nhà độc tài S. Hussein, phe thiểu số Sunnite (35%) lại "đè đầu cởi cổ" phe đa số Chiite (65%), dầu vậy, guồng máy nhà nước vẫn vận hành êm xuôi, cuộc sống chung hòa bình này bị phá vở từ khi Mỹ can thiệp vào Irak, chiến tranh từ đó xảy ra triền miên, giống như huyền thoại Hy lạp về hộp Pandore, một khi khui ra thì các tai họa phát sinh, không có thế lực nào kềm hãm nổi, chẳng những ở vùng Trung cận Đông mà lan sang cả Bắc Trung Phi.

Thật vậy, cuộc chiến Irak kết thúc, nhà độc tài S. Hussein bị triệt hạ, hệ phái Chiite lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, họ lại được hậu thuẫn của Iran, việc oán hận xưa giờ lại trút lên đầu tín đồ sunnite, nhà nước Hồi giáo EI nẩy sinh từ môi trường thù hận đó, không giải quyết tận gốc mối thâm thù này thì mọi dàn xếp tạm thời (nếu có) chỉ như loại thuốc trấn thống, căn bịnh nội tạng vẫn còn nguyên chờ thời cơ tái phát (có khi lại dữ dội hơn), giống như tình trạng giữa Do Thái và Palestine, không tiêu diệt được lại loại bỏ mọi cách sống chung, chỉ tổ hại lẫn nhau mà thôi. 

Ở vùng biển Đông Nam Á thì tình hình không còn duy trì nguyên trạng như từ khi Tàu mới bắt đầu mở cửa kinh tế, cần nhờ Tây phương, Nhựt Bổn giúp đở thì theo sách lược «Thao quang, dưỡng hối» (là che giấu ánh sáng, nuôi dưỡng bóng tối) của Đặng Tiểu Bình, đại ý là đừng để lộ diện sớm cái ý đồ của mình, ông mất năm 1997, lúc đó ông dự trù phải ẩn nhẩn chờ thời cơ vài ba chục năm nữa, nhưng đám đàn em nóng vội sau khi thấy đất nước phát triển quá nhanh, tính về PNB (Produit national brut: Tổng sản lượng quốc gia, tiếng Anh, GDP: Gross domestic product) từ hạng 9 năm 2000, giờ đã qua mặt Hoa kỳ, Nhựt bổn, vượt lên hàng thứ nhứt, nhứt là từ thời Tập Cận Bình thì nanh vuốt bá quyền đã lộ hẳn ra.

Nhìn lại lịch sử Tàu, luôn tự coi mình là trung tâm vũ trụ (theo sát nghĩa danh từ Trung quốc), các nước xung quanh toàn là man ri mọi rợ (bắc nhung, đông di, nam man, tây địch), mộng chinh phục thiên hạ luôn ám ảnh đầu óc giới lãnh đạo Tàu, nhớ lại viễn kiến của Hoàng đế Nả Phá Luân đệ nhứt (1769-1821) của Pháp: «Một khi Tàu thức dậy, thế giới sẽ rung chuyển.» (Lorsque la Chine s'éveillera, le monde tremblera) nhân đọc một tài liệu về chuyến du hành Trung hoa của vị Đại sứ Anh đầu tiên ở bên Tàu (Lord Macartney) hồi năm 1816 (cách nay đúng 2 thế kỷ).

Theo suy đoán thông thường thì bạo phát bạo tàn, thực hư thế nào chưa biết nhưng trước mắt chỉ thấy sự lớn mạnh thần kỳ của Tàu là nguy cơ cho nền an ninh khu vực Đông Nam Á, họ tự vẽ bản đồ đường lưỡi bò (còn gọi là đường chữ U hay chín đoạn) lấn sát biên giới nhiều nước lân bang, bao gồm hầu như toàn bộ biển Hoa Nam, coi đó là thuộc chủ quyền không thể chối cãi của họ, nói thế nhưng họ tránh mọi tranh tụng trước các tòa án trọng tài quốc tế, cố trì hoãn các cuộc thương lượng đa phương hầu sớm đưa ra một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC Code of Conduct in the South China sea), việc hiện đang tăng tốc thực hiện bồi đắp các đảo nhân tạo, xây dựng các phi đạo và cơ sở có thể dùng vào mục tiêu quân sự (Tin RFI ngày 2/3/2015: Căn cứ vào ảnh vệ tinh chụp được, trận đồ mà Trung Quốc đang bố trí tại Biển Đông được thấy rất rõ, liên kết quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã chiếm trọn và bồi đắp từ lâu, với một hệ thống 7 bãi đá, rạn san hô tại quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã lấy từ tay Việt Nam và Philippines, và đang cấp tốc cải tạo : Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef), Đá Gạc Ma (Johnson South Reef), Đá Ga Ven (Gaven Reef), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), Đá Én Đất (Eldad Reef) và Đá Vành khăn (Mischief Reef). Tại Hoàng Sa - chiếm trọn từ tay Việt Nam năm 1974 - Bắc Kinh đã cải tạo bồi đắp đảo chính Phú Lâm (Woody Island), và từ lâu rồi, đã cho xây trên đó một phi đạo dài 2,7 km. Còn tại vùng Trường Sa, theo ảnh vệ tinh vừa chụp được, thì Bắc Kinh đang xây trên Đá Chữ Thập một đường băng dài 3 km, và có thể sắp hoàn thành một phi đạo có độ dài tương tự trên Đá Gạc Ma, chiếm vào năm 1988.) cho thấy Tàu muốn đặt các nước ĐNÁ và quốc tế trước một chuyện đã rồi, một khi vùng biển coi như đã thuộc chủ quyền của mình, có bãi đáp phi cơ lên xuống để tuần tra khu vực thì việc tự ấn định vùng nhận diện phòng không ADIZ (Air Defense Identification Zone) như ở biển Hoa Bắc là điều tất đến.  

Liệu quốc tế nhứt là Hoa Kỳ và Nhựt Bổn có điềm nhiên tọa thị hay không?

Chắc chắn là không và Tàu cũng hiểu như thế, như vậy thì tình hình sẽ biến chuyển ra sao? 

Mỹ và Nhựt không thể làm ngơ cho Tàu mặc tình múa gậy vườn hoang, Nhựt đã chống đối kịch liệt mọi đòi hỏi chủ quyền của Tàu trên vùng biển Hoa Bắc, sẵn sàng đương đầu dầu chỉ để bảo vệ một hòn đảo nhỏ không người (Senkaku, Tàu gọi là Điếu ngư), không công nhận vùng nhận diện phòng không do Tàu đơn phương quyết định ở biển Hoa Bắc, dĩ nhiên sẽ không công nhận sự kiện tương tự ở biển Hoa Nam, chính quyền Mỹ thì từ lâu thấu hiểu ý đồ của Tàu, kế sách chuyển trục sang châu Á -Thái bình dương của tổng thống B. Obama nhằm hạn chế tham vọng bá quyền khu vực của Tàu, nhưng rất tiếc là tín hiệu của "chú Sam" không đủ sức làm chùn bước "anh ba Tàu", đến độ quốc hội Mỹ phải công khai lên tiếng cảnh báo Tàu, thúc dục hành pháp phải có những phản ứng cụ thể và tích cực hơn.

Các nhà hoạt động chính trị hẳn biết tương quan quốc tế chỉ là tương quan quyền lợi và quyền lực, khi quyền lợi còn dính dáng nhau thì còn tương trợ, dầu là siêu cường như Mỹ, không ai bỏ công không ra làm cái chuyện gánh bàn độc mước, lại mang tiếng là "sen đầm quốc tế", chỉ khi nào quyền lợi trùng hợp, họ bắt buộc phải ra tay cứu khổn phò nguy (ai biết lợi dụng thì nhờ!).

Nhiều tài liệu khảo sát cho thấy tiềm năng (dầu khí, thủy sản, ...) phong phú của vùng này, Mỹ và Nhựt không thể nào chấp nhận cho Tàu độc quyền khai thác, để như thế thì có khác nào giúp cho hùm thêm vi, mặt khác về mặt lưu thông hàng hải thì tuyến đường xuyên qua vùng này có tầm chiến lược quan trọng đối với thế giới, đặc biệt đối với Nhựt, nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào con đường huyết mạch này, có tài liệu cho biết hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông. 

Nhìn chung trên cục diện thế giới, nơi nào có tranh chấp là có sự hiện diện của Mỹ, ngoại trừ một số trường hợp đơn phương hành động vì sinh mạng hay quyền lợi bị trực tiếp đe dọa, kỳ dư là để yểm trợ bên yếu thế, các biến cố trong thế kỷ qua đã chứng minh, Mỹ không có tham vọng bành trướng lãnh thổ, sức mạnh của Hoa kỳ không đe dọa nước nào, trái lại còn giúp nhiều vào việc bảo vệ trật tự thế giới, lại nhờ có truyền thống dân chủ từ thời lập quốc, quyền hành pháp và lập pháp được phân định rạch ròi, hiến pháp được tôn trọng tuyệt đối, nhờ đó mà có một chế độ ổn định, các sai lầm đều được công khai thừa nhận và chấn chỉnh kịp thời, vậy về một chừng mực nào đó, có thể nói Hoa kỳ là một cường quốc khả tín.

 Trái lại, Tàu tuy mới nổi về mặt kinh tế, với khối ngoại tệ dự trữ khổng lồ, cứ tưởng: "vai mang bị bạc kè kè, nói quấy nói quá chúng nghe rầm rầm"; rồi đây sẽ được cả thế giới thần phục.

Sự thực trái lại, thế giới đã sớm nhận chân "họa da vàng":

- Khi còn yếu thế thì không có vần đề gì (sẵn sàng tiếp nhận sự giúp đở của Mỹ, Nhựt), vừa khi bắt đầu mạnh thì gợi lại các hiềm khích cũ.

- Bất chấp các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền, đàn áp và đồng hóa các dân tộc thiểu số ở Tân Cương, Tây Tạng, ngăn cấm các tổ chức nhân quyền quốc tế bén mảng.

- Đối với các lân bang Đông Nam Á, lối hành xử độc đoán hiện nay cho thấy Tàu là mối đe dọa đến sự sống chung hòa bình trong khu vực nói riêng và gây bất ổn cho an ninh thế giới.

- Đối với quốc tế, Tàu đề ra việc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, nghe thì hay lắm nhưng thực chất là để tự do yểm trợ các chế độc độc tài (Bắc Hàn, Iran, một số nước Phi châu).

- Chế độ độc đảng tuy có mạnh trong nhứt thời nhưng không ổn định, mọi việc bình thường có thể bị xáo trộn khi thay đổi lãnh đạo, Tập Cận Bình nhân danh bài trừ tham nhũng để thanh trừng nội bộ và củng cố phe cánh để độc quyền tham nhũng, vì gốc tham nhũng phát xuất từ chế độ độc tài.

- Tàu có phải hào phóng khi tung tiền viện trợ cho các nước nghèo? Hãy so sánh các khoản trợ giúp nhân đạo cho nạn nhân trận bảo khủng khiếp Haiyan năm 2013 ở Phi Luật Tân, Nhựt tháo khoán ngay 30 triệu mỹ kim với hàng ngàn lính cứu hộ, Mỹ 20 triệu với huy động cả hàng không mẫu hạm, phi cơ và nhân lực, trong khi cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới hứa giúp 100 ngàn mỹ kim (!), sau tăng lên được 1,2 triệu euros bằng chăn mền, Phi luật tân cám ơn, không nhận. 

Mới có được chiếc hàng không mẫu hạm tân trang mà đã coi biển Đông như ao nhà của mình thì thử hỏi khi có hàng chục chiếc như Mỹ, nghênh ngang khắp năm châu bốn biển như Mỹ thì Tàu còn coi thiên hạ ra gì?

Họa da vàng như vậy đã rõ, cứ đà này, Tàu tiến tới mức không thể lùi, Mỹ không thể từ bỏ quyền lợi thiết thân của mình, không thể bỏ rơi đồng minh, chuyện tất yếu phải xảy ra, tuy không ai mong nhưng còn hơn tiếp tục sống trong căng thẳng. 

Lê Huỳnh

4-2015