Radio Dallas 1600AM
Chương trình Tiếng Nói Da Vàng

Giáo dục Đại học ở Việt Nam


NM: Trong suốt hai kỳ vừa qua TS MTT nói về hiện trạng giáo dục Việt Nam và những nghịch lý tạo nên một nền giáo dục trong đó người công dân tương lai sau khi được đào tạo trở thành một người vô cảm, sống không có định hướng và ngay cả chủ quyền quốc gia cũng như tỉnh yêu quê hương, dân tộc hầu như không còn tồn tại trong tâm khảm người dân Việt. Hôm nay, một lần nữa xin mời Ông trình bày thêm về chương trình và cung cách đào tạo sinh viên  trong thời đại xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thưa Ông?

MTT: Thưa anh, trong phần nói chuyện về “Hiện trạng giáo dục Việt Nam”, số học sinh cấp trung học sơ cấp giảm năm 2006 từ 6,9 triệu xuống còn 5 triệu năm 2011, trong lúc đó dân số tăng khoảng 6 triệu trong cùng thời gian nầy. Cũng như tổng số học sinh, sinh viên từ lớp 1 cho đến cấp đại học ghi danh từ năm 2000 cho đến niên khóa 2012 – 2013 hầu như không thay đổi giao động khoảng trên dưới 22 triệu, trong lúc dân số tăng thêm trên 12 triệu.

Hai hiện tượng trên chứng minh rằng giáo dục Việt Nam đang đi xuống, nhứt là sau năm 2005, số trẻ em lớp 6 giảm sút bất thình lình, sau một thời gian tăng trưởng đều đặn từ năm 2000.

Như vậy, chuyện gì đang xảy ra cho Giáo dục Việt Nam đây?

Tôi có thể nói ngắn gọn là do    Vào niên học 2010-2011, Việt Nam có tất cả 163 Đại học bao gồm: Đại học (University, có khả năng cấp bằng Tiến sĩ), Trường Đại học (Senior College có khả năng cấp bằng Cao học – Master), và các Học viện (Institute). Có 143 Đại học Cộng đồng thuộc quyền quản lý của nhà nước. Ngoài ra, còn có 30 Đại học Cộng đồng và 50 Trường Đại học (Senior College) do tư nhân hay người ngoại quốc đầu tư và điều hành. Tổng cộng tất cả là 386 Đại học.

Trong niên học 2012-2013, tổng số trường Đại học tăng lên 419, trong đó có 82 trường do tư nhân hay người ngoại quốc đầu tư. Như vậy, trong vòng hai niên học, số trường Đại học tư lập tăng lên 2 trường, và trường do nhà nước điều hành tăng thêm 31 trường, tất cả là Đại học cộng đồng hay trung học chuyên ngành. Số sinh viên cho niên học nầy là 2,3 triệu.

So với niên học 1999-2000, Việt Nam chỉ có 153 trường Đại học đủ thể loại với 893.754 sinh viên.

Nhìn vào những con số vô tình trong khoảng thời gian 13 năm, chúng ta nhận thấy số trường ốc tăng 273%, nhưng số sinh viên tăng thêm 257%, trong lúc đó dân số tăng từ thêm khoảng 21 triệu và số thanh niên dưới 25 tuổi chiếm khoảng 56,4 triệu ở thời điểm 2012.

Như vậy trong khoảng thời gian trên, dân số tăng thêm 21 triệu, nhưng tổng số sinh viên hầu như giao động giữa số 2,3 và 2,4 triệu, hầu như không thay đổi. Đó mới chính là vấn đề thưa anh NM.

NM: Theo thống kê của World Bank, thì vào năm 1990, số lượng sinh viên trên 100.000 dân số ở Việt Nam là 200, thấp hơn Mã Lai (757), Indonesia (840), Thái Lan (1700), và Phi Luật Tân (2660). Vào năm 2011, số sinh viên Việt Nam tăng lên 2.300/100.000 dân, nhưng vẫn còn kém Mã Lai (2730), Phi (2930), và ngang hàng với Nam Dương.

Số sinh viên đại học /100.000 dân/năm – Tài liệu của Work Bank

Các câu hỏi được đặt ra sau đây có thể là:

-  Đại học không còn là một điểm đến hấp dẫn đối với thanh niên ngày nay?

-  Hoặc văn hóa Việt, từ ngàn xưa xem giáo dục là thước đo con người, nay đã chuyển hướng thành văn hóa xã nghĩa, lấy vật chất, tiền tài, quyền lực làm kim chỉ nam?

-  Bộ mặt xã hội Việt đã thay đổi vì chính sách quản lý xã nghĩa không còn xem việc…tiên học lễ, hậu học văn nữa?

-  Hoặc chính vì Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đảng, Thành ủy, Tỉnh ủy, Quận ủy, Xã ủy, Tổng Giám đốc, Giám đốc Cty quốc doanh….đều xử dụng BẰNG CẤP GIẢ cho nên tuổi trẻ Việt Nam không còn tin tưởng vào giáo dục Việt Nam nữa hay sao?

Xin Ông cho biết ý kiến về những suy nghĩ nầy.

MTT: Câu trả lời phải chăng là tổng hợp của cả bốn câu hỏi trên, thưa anh NM?

Dù là thế nào đi nữa, chắc chắn hệ thống đại học Việt Nam đang có vấn đề. Và vấn đề cũng không khác gì những yếu tố đã nêu ra trong những phần trao đổi trước đây trong lãnh vực giáo dục tiểu học và trung học ở Việt NAm

Riêng ở bậc giáo dục đại học, vấn đề càng trầm trọng hơn nữa, vì nơi đây là nơi kết tụ nguyên khí quốc gia, quyết định cho sự phát triển và hưng vong của dân tộc.

Một chuyên gia giáo dục (xin không nêu danh vì tính cách tế nhị của vấn đề) thuộc Đại học Sài Gòn, nằm trong nhóm “Think Tank”, nhóm chuyên gia độc lập có nhiều nhận định về các viễn kiến có thể xảy ra trong tương lai Việt Nam nhận xét:”Chúng ta (Việt Nam) muốn làm quá nhiều việc cùng một lúc, nhưng thất bại trong việc tập trung chính sách để sửa chữa một vấn đề quốc gia”. “Tiếc thay, chúng ta phí phạm quá nhiều thời gian và tài nguyên tiêu tốn vào những chuyện vô ích khác để duy trì hệ thống”.

Nhận định trên thật là đúng cho tình trạng giáo dục Việt Nam hiện tại, nhứt là ở bậc đại học.

NM: Theo chỗ chúng tôi được biết, hiện tại, Việt Nam đang thực hiện hai kế hoạch có tính cách toàn diện trong giáo dục, đó là:

Dự án chính phủ với kinh phí 443 triệu Mỹ kim để đào tạo một thế hệ lao động thông thạo Anh ngữ cho đến năm 2020. Dự án nầy đã được chấp thuận kinh phí từ năm 2008, nhưng chỉ mới bắt đầu khai triển năm 2012(!). Và một dự án có nhiều tham vọng khác là đào tạo 20.000 Cao học và Tiến sĩ với trình độ quốc tế từ năm 2012 cho đến năm 2020. Như vậy, Việt Nam cũng có  nhiều cố gắng trong việc nâng cấp trình độ sinh viên phải không Ông?

MTT: Đứng về mặt lý thuyết thì đúng như vậy thưa anh NM, nhưng trên thực tế, sự việc không giản dị đâu anh. Đối với dự án đầu tiên về việc đào tạo thế hệ sinh viên rành Anh ngữ trong một thời gian ngắn trong vòng 8 năm, thì đây là một dự án có quá nhiều tham vọng trong điều kiện và khả năng Anh ngữ hiện có của thanh niên Việt rất yếu. Một dự án so với kinh nghiệm các quốc gia khác như Thái Lan cần phải mất hàng ba thập niên.  Vì vậy tính khả thi của dự án kể như không có, cũng như chưa kể đến mọi “nhấm gậm, rút ruột” dự án như trong quá khứ. Chúng ta vẫn không quên, mười năm trước đây, Việt Nam có một dự án quốc gia là điện toán hóa hệ thống công quyền và hành chánh Việt Nam, tiêu tốn hàng trăm triệu Mỹ kim…nhưng rồi tất cả đi vào quên lãng sau khi được tháo khoán, và hàng chục Ủy ban thanh tra, thanh lý …đều phải quy phục, không dám giải quyết vì có mệnh lệnh từ…quý “Anh Nhớn”.

Và dự án có nhiều tham vọng khác là đào tạo 20.000 Cao học và Tiến sĩ với trình độ quốc tế từ năm 2012 cho đến năm 2020. Đây lại thêm một dự án “không tưởng” cho các đỉnh cao trí tuệ Việt Nam. Hiện tại, với trên 3 triệu đảng viên, há lẽ, Việt Nam không có đủ 20 ngàn Tiến sĩ hay sao, mà phải đợi đến năm 2020? Đối với một dự án tương tự như trên, TC và Đại Hàn phải mất 20 năm và tiêu tốn nhiều tỷ Mỹ kim mới đạt được tiêu chuẩn trên, thưa anh.

NM: Thưa TS, chính vì tầm quan trọng của giáo dục đại học, ảnh hưởng trực tiếp và dài hạn đến tương lai của dân tộc, theo nhận định của một số chuyên gia giáo dục trên thế giới thiết nghĩ các tác giả của những chương trình, dự án quốc gia cần phải: 1- thực tế, 2- có tâm và tầm, 3- có trình độ khoa học kỹ thuật đủ để lượng định tình hình, và 4- đừng “hoang tưởng” vẽ ra hình ảnh…thiên đàng xã hội chủ nghĩa, mà cần phải nhìn vào sự thực đến từ những nhà giáo dục thực sự trên thế giới như:

- Trong một báo cáo năm 2008 của Trường đại học Kennedy thuộc Đại học Harvard ghi nhận rằng:”Đại học Việt Nam đã “khuấy động” ra một tầng lớp lao động trang bị một cách “bịnh hoạn” để giải quyết những thách thức về kinh tế, xã hội của đất nước trước tiến trình toàn cầu hóa”. (Vietnamese universities were churning out a workforce ill-equipped to tackle the nation’s socio-economic challenges in a globalizing world).

- Phòng Thương mại Âu Châu (EuroCham) đã nêu ra trong cuốn Bạch Thư (White Book) ấn hành cuối năm 2012 nêu rõ:”Hệ thống giáo dục Việt Nam đang đối mặt với cơn khủng hoảng trầm trọng ảnh hưởng đến lực lượng lao động hiện có và các tài năng đang được đào tạo”. Thêm nữa, Bạch thư nhấn mạnh:”Học trình và phương pháp giáo dục trong đại học hiện tại đã tạo ra một nhịp tấu không hòa điệu (discord) giữa khả năng và kỷ năng mà các công ty đòi hỏi trong hành trang của sinh viên khi bước vào thị trường lao động”

Ông nhận định thế nào về hai suy nghĩ của hai cơ quan quốc tế trên?

MTT:  Rất xác đáng thưa anh. Qua hai nhận định chính xác trên, chúng ta thấy ngay sự thất bại của những nhà làm giáo dục Việt Nam. Và chính những thất bại căn bản nầy sẽ là một hậu quả tai hại không lường vì tham vọng không tưởng quá lớn của Việt Nam trong việc “mưu sinh thoát hiểm” để thoát khỏi cơn khủng hoảng kinh tế hiện đang xảy ra trong nước cũng như việc mưu cầu cho một nền kinh tế phát triển phồn thịnh trong tương lai!

Việt Nam hiện có hai phần ba dân số sinh sau 1975 và 1/3 dân số nằm trong khoảng tuổi từ 10 đến 25, và đa số ở lứa tuổi nầy đều thất nghiệp vì không có đủ kỷ năng làm việc trong các hảng xưởng. 60% sinh viên tốt nghiệp hiện tại không có việc làm và cần phải được đào tại lại về kiến thức, kỷ năng và nhứt là thái độ (attitude) khi giao tiếp trong môi trường làm việc!

Chính vì lý do nầy mà các công ty ngoại quốc ngại việc đầu tư vào Việt Nam vì mang nhân viên, chuyên viên từ hải ngoại về rất tốn kém, và việc “tái huấn luyện” lao động tại chỗ càng tốn kém hơn và đôi khi không có hiệu quả. Chúng ta còn nhớ, khi Công ty INTEL mở một chi nhánh ở Sài Gòn năm 2010, trong hơn 2.000 ứng viên đã tốt nghiệp đại học nộp đơn xin việc, họ chỉ chọn được 50 người và cần phải gửi đi huấn luyện lại! Nicola Connolly, Phó Tổng Giám đốc EuroCham, nói việc huấn luyện nầy đòi hỏi phải huấn luyện các cô cậu Cử Việt Nam trên một năm mới có thể hội nhập vào dòng tiêu chuẩn quốc tế.

Đặc biệt hơn nữa, đối với một số sinh viên tốt nghiệp và có khả năng Anh ngữ tốt, họ dễ dàng xin việc tại các công ty ngoại quốc hiện có ở Việt Nam vì biết rõ trong các công ty quốc doanh luôn đặt tiêu chuẩn “hồng hơn chuyên” hạn chế con đường tiến thân của họ. Từ đó, tạo ra một hội chứng “mackeno” trong tâm trí người chuyên viên Việt…và hậu quả là các công ty quốc doanh đa số phải chịu thua lỗ.

NM: Nếu nói như thế, thì trước những bế tắc trong giáo dục và nhứt là giáo dục đại học, trước những rào cản trong công ăn việc làm, tuổi trẻ Việt Nam, những sinh viên ưu tú chỉ còn một lối thoát duy nhứt là…đi học ở ngoại quốc. Và tình trạng “tỵ nạn giáo dục” (education asylum) đã và đang diễn ra khắp nơi ở Việt Nam, tạo ra hiện tượng xuất não trí thức ngày càng trầm trọng hơn, không khác gì tình trạng “xuất cảng lao động” và “xuất cảng thân xác người phụ nữ”. Theo ông, thì tình trạng xuất não nầy như thế nào, mức độ trầm trọng ra sao?

MTT: Nói về tình trạng “xuất não” ở Việt Nam, nếu không kể đến những sinh viên con cháu các cụ (CCCC), thái tử đảng xuất ngoại du học chỉ nhằm mục đích:

- Di tản tài sản ra ngoại quốc,

- Thỏa mản cơ hội ăn chơi nơi hải ngoại,

- Chuẩn bị ngày về nối nghiệp cha/ông “cai trị” đất nước,

- Và thâm sâu hơn nữa là chuẩn bị cho phe cánh cha/ông “hạ cánh an toàn”.

Đa số sinh viên du học ngày hôm nay đến từ những gia đình tương đối thuộc thành phần trung lưu, có kiến thức, có đạo đức, cố gắng gửi con cái ra ngoại quốc để mong cho con cái được đào tạo nghiêm chỉnh và hy vọng dùng những kiến thức thu thập được để kiến quốc trong tương lai khi hoa tự do, dân chủ nở trên quê hương.

Việc xuất não trên đã được một chuyên viên có nhiều nghiên cứu về giáo dục ở Việt Nam, Bà Vũ Thị Phương Anh nhận được một cách xác đáng rằng:”…chỉ vì người dân đã mất niềm tin nơi Đại học Việt Nam”.

Tính đến cuối năm 2012, có tất cả 106.000 sinh viên Việt ghi danh học ở 49 quốc qia trên thế giới, tăng từ 98.500 trong năm 2011. Có 13.000 sinh viên đang học ở TC theo thống kê 2011, 7.000 ở Singapore, 4.000 ở Đài Loan, và 22.551 ở Úc

Tại Hoa Kỳ, chúng ta có thể nhận biết được các em sinh viên trên qua các nhân viên trẻ làm việc trong những hàng quán, tiệm ăn. Khi được một nhân viên trẻ, ăn nói lễ độ (có giáo dục), đó là những con em thuộc gia đình trung lưu ở Việt Nam, họ chỉ đủ khả năng “chạy chọt” cho con em qua Mỹ mà thôi. Chính vì vậy các em phải tự mưu sinh cho cuộc sống và học tập.

Còn lớp “du sinh thuộc hàng “CCCC” (con cháu các cụ), chúng ta cũng nhận rõ nét qua cung cách hành xử của tầng lớp nầy qua việc ăn nói to tiếng, ồn ào, cung cách xem thường khách chung quanh, kêu gọi thức ăn thức uống quen thói hống hách bên nhà, uống rượu Cordon Bleu, đi xe đắt tiền, ở nhà trả bằng tiền mặt (cash) v.v…Đó  chính là kết quả của giáo dục xã nghĩa sau hơn 39 năm tiến chiếm miền Nam.

Việc xuất ngoại học tập là một trong những việc làm đúng đắn của những nhà hoạch định kế hoạch trong giai đoạn sau chiến tranh như trường hợp Việt Nam. Nếu thực hiện một cách đúng đắn và nghiêm chỉnh, có kế hoạch cùng với hệ thống quản lý Đất và Nước có tâm và có tầm, có đạo đức, Việt Nam sẽ biến thành rồng và thong dong…đi vào biển lớn chỉ sau một thời gian ngắn mà thôi.

Nhưng điều đó đã không xảy ra cho xã hội xã nghĩa ngày hôm nay, thưa anh.

NM: Ông vừa vẽ ra một bức tranh bi thảm cho giáo dục đại học ở Việt Nam và tình trạng xuất não sinh viên, xin Ông có thể cho thính giả biết thêm về tình trạng và con số sinh viên đi di học ở các nước trên thế giớ cũng như việc chọn lựa ngành học như thế nào, thưa Ông?

MTT: Đối với số sinh viên xuất ngoại, có thể nói, Úc, Hoa Kỳ, TC là ba nơi sinh viên Việt Nam du học nhiều nhứt. Các thống kê sau đây cho chúng ta hình dung được mức “xuất não” Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Từ năm 1998, có 1.210 sinh viên Việt ở các đại học Hoa Kỳ phần đông ghi danh ở các đại học cộng đồng. Một số đi “tu nghiệp” dưới cung cách “ngoại giao” dành cho cán bộ, đảng viên, qua học tập hay làm một số “nhiệm vụ quốc ngoại”.

Cho đến tháng 6, 2012, có tất cả 15.571 sinh viên Việt các cấp ghi danh vào Đại học khắp nước Mỹ. Con số trên lại tăng vọt bất thường hơn 3.000 chỉ trong vòng 6 tháng, nghĩa là vào tháng 12, 2012, có 18.740 sinh viên ghi danh.

Về việc chọn lựa ngành nghề: Theo thống kê Hoa Kỳ, con số 18.740 sinh viên Việt hiện đang theo học tại đây được chia ra như sau:

- 68% ghi danh ở Đại học Cộng đồng;

- 17% ghi danh ở bậc Cao học ở Đại học (graduate school);

- 5,5% đang học ở các lớp thuộc Chương trình huấn luyện Anh ngữ;

- 5,2% ghi danh vào các Trung tâm huấn luyện khác nhau.

Và 50% trên tổng số sinh viên chọn tiểu bang Washington, Texas và California để học tập.

Về ngành nghề, trong số 17% đang học cấp Cao học (Master) có:

- 40% học về Quản trị và Kinh doanh (Business & Management);

- 9,6% học về Toán;

- 7,1% học về Điện toán (Computer);

- 6,8% học về Vật lý và Khoa học;

- 4,5% học về Y tế  (Health);

-Và 4,5% học về Khoa học xã hội.

Nhìn chung, đa số học về Quản trị & Kinh doanh là một ngành nghề tương đối mới và cần thiết cho Việt Nam để hội nhập vào cung cách “làm ăn” theo tiêu chuẩn quốc tế, có cạnh tranh công bằng trong sản xuất về phẩm và lượng. Hy vọng lớp chuyên viên trẻ được đào tạo sau nầy sẽ chuyển hóa được các tệ trạng đang hoành hành ở Việt Nam trong lãnh vực thương mại, đầu tư, và việc ăn chận, ăn huê hồng dự án, rút ruột dự án, hối mại quyền thế, áp dụng chuyên chính vô sản để trấn áp đối thủ trong việc tranh chấp hợp đồng v.v…

Rất tiếc, những môn học rất cần thiết cho việc xây dựng quốc gia như Y tế công cộng, giáo dục và thiết lập giáo trình giáo dục thích hợp với điều kiện Việt Nam, môi trường, năng lượng tái tạo (renewable energy), xử lý rác, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm v.v… những môn học rất thực tế góp phần thiết thực vào việc cải thiện quốc gia như trường hợp Việt Nam hiện tại không được lưu tâm hay hướng dẫn trong thời gian lựa chọn môn học cho thích hợp với tình trạng phát triển Việt Nam tương lai.

NM: Vì thời gian không cho phép xin Ông đúc kết buổi nói chuyện hôm nay.

MTT:  Thưa anh Ngọc Minh, trong suốt loạt bài nói chuyện về giáo dục Việt Nam, nhiều vấn nạn cũng như tình trạng cùng nhiều mặt tiêu cực trong giáo dục đã được nêu ra. Nêu ra đây nhằm mục đích chia xẻ hình ảnh bi thảm của nền giáo dục Việt Nam để bà con ở hải ngoại và quốc nội thấy rõ và ý thức một tệ trạng hệ trọng hàng đầu của quốc gia. Một thông báo mới đây nhứt của Hoa Kỳ là đã liệt kê tên của 21 trường Đại học Hoa Kỳ ở Mỹ và Việt Nam là những đại học “dỡm”, chỉ có tên trên giấy tờ mà thôi

Nói chung, tình trạng giáo dục Việt Nam, nhứt là giáo dục đại học thể hiện các yếu kém như sau:

- Về lượng vì số sinh viên tăng trưởng không đồng biến với mức gia tăng số học sinh tốt nghiệp. Vã lại, số học sinh trung học lại giảm súc so với mức gia tăng dân số, nhứt là những năm gần đây.

- Vì không có sự phối hợp giữa các trường và các ngành công kỹ nghệ trong sản xuất cho nên việc học của sinh viên và giáo trình của người thầy không đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội.

- Về phẩm chất giáo dục: người thầy không có điều kiện phát huy chuyên môn và nghiên cứu thêm, và sinh viên cũng chưa đủ trang bị để thích ứng trước nhu cầu thực tế.

- Và quan trọng hơn hết là cơ chế chuyên chính vô sản. Chính cơ chế nầy đã biến người thầy giáo là một công cụ rao giảng chính sách của đảng. Người thầy xã nghĩa không đóng vai trò của một người thầy đúng nghĩa, không thể hiện được lương tâm của một người thầy là …khai trí cho học sinh, sinh viên. Người thầy xã nghĩa là một “nhân viên” đào tạo ra một tầng lớp “sản phẩm” theo dây chuyền sản xuất để phục vụ tiếp tục cho đảng. Trường Đại học Sư phạm chính là nơi sản xuất những sản phẩm “thầy giáo” cho xã hội, tiếp nối con đường xã nghĩa mà thôi. “Kỹ sư tâm hồn” xã hội chủ nghĩa là như thế đó.

Việt Nam hiện đang là một quốc gia chuyển tiếp, lần lần hội nhập vào sân chơi thế giới. Nhưng suốt hơn 39 năm qua, chỉ vì đảng cộng sản Bắc VIệt mang một não trạng bất di bất dịch là chuyên chính vô sản, cho nên Đất và Nước vẫn còn bị thụt lùi, đi sau các nước lân bang Đông Nam Á hàng chục năm, dù trước năm 1975, Việt Nam Cộng Hòa trong chiến tranh vẫn có lợi tức đầu người cao hơn Thái Lan, Mã Lai, Singapore, thậm chí cao hơn cả Đại Hàn.

Mà hôm nay, tuy với hơn 60% lao động trẻ, Việt Nam vẫn còn bế tắc trong việc phát triển kinh tế và tạo dựng những bước tiến an sinh và phúc lợi căn bản cho người dân. Việc cho sinh viên xuất ngoại là một hành động đúng đắn. Nhưng vấn đề được đặt ra là làm thế nào hướng dẫn các em chọn đúng ngành nghề do nhu cấu phát triển xã hội đòi hỏi, và nhứt là làm thế nào thu hút được các ưu tú Việt Nam trở về phục vụ quốc gia sau khi thành tài là một việc khác.

Cho đến nay, tuy không có thống kê chính thức, nhưng dường như đa số các sinh viên tốt nghiệp đều tìm cách ở lại nơi quốc gia đang học tập bằng cách lấy vợ lấy chồng, hay tìm một lý do nào đó để ở lại. Còn một thiểu số “thái tử đảng”, sau khi có một “bằng cấp” nơi …đèo heo hút gió, hay một đại học tư chỉ có tên trên giấy tờ, sẽ trở về tiếp tay với cha anh để nối tiếp việc “cai trị” đất nước.

Thật là một bất hạnh cho tương lai Việt Nam nếu tình trạng trên không thay đổi theo chiều hướng tích cực. Trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, truyền thống trọng giáo dục trong môi trường gia đình là một nền tảng tinh túy đúc kết từ bao nhiêu thế hệ cha ông để lại, từ một ông đồ già cho tới người mẹ trẻ lao động cực khổ…đều cố gắng hy sinh cho con cái học đến nơi đến chốn.

Bao tấm gương hy sinh của bậc cha mẹ và gương thành công của con cái vẫn còn đó.

Tại sao và vì lý do nào, chỉ trong vòng 39 năm qua, tinh thần trọng học vấn của dân tộc Việt ngày càng bị bào mòn trong tâm trí người dân?

Dù sao, chúng ta vẫn khẳng quyết một niềm tin rằng câu chuyện Việt Nam đang sửa soạn bước qua một khúc quanh mới trong một tương lai ngắn. Ánh sáng tự do sẽ soi chiếu vào mãnh đất quê hương sau những đêm đen dài đăng đẳng dưới ách thống trị của những Thái thú TC biết nói tiếng Việt.

Xin mời gọi tất cả những người con Việt khắp nơi, ở trong cũng như ở ngoài nước chuẩn bị cho một ngày về xây dựng quê hương một khi đất nước hồi sinh hậu cộng sản.

Mai Thanh Truyết