Trích đăng

THỬ TÌM HIỂU

Ý NGHĨA VÀ MỤC TIÊU CỦA CẦU NGUYỆN

                                                                     TS.Nguyễn Anh Tuấn

                                                                              (Political Scientist)

CẦU NGUYỆN LÀ GÌ?

  

   Đây là một câu hỏi ít được đặt ra, mặc dù con người Việt Nam rất tin vào Trời - Phật, và trên môi miệng của con người vẫn thường bày tỏ lòng tín ngưỡng của họ qua câu "Cầu Trời Khấn Phật" để được cái này, để được cái kia cho riêng mình, nhưng thực ra cầu nguyện còn có ý nghĩa sâu thẳm hơn. Truyền thống tín ngưỡng của quốc gia đã thể hiện trọn vẹn trong ngày "Tế Nam Giao" của các vị Vua, lập đàn để "Cầu Trời Khấn Đất" cho Việt Nam được quốc thái dân an, cho trăm họ được hạnh phúc và ấm no.

   Những chiếc ngài vàng của đất Việt đã bị những người Cộng Sản Việt Nam Vô Thần giựt sập từ hơn 60 năm qua để hàng ngũ này xô đẩy cả một dân tộc có 4000 năm văn hiến vào một dòng sống hoàn toàn "nghịch Thiên", thay vì "thuận Thiên" như bao ngàn năm qua. Trong lúc tất cả mọi người vẫn nói "thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong", nhưng không mấy ai để ý đến tội lỗi vĩ đại này. Đó là tội lỗi vô thần chống lại đấng Tạo Hóa và tội đại bất kính với Trời Đất. Và vì thế, truyền thống TẾ NAM GIAO để cầu xin Trời Đất ban cho Việt Nam "quốc thái dân an" của các bậc đế vương đất Việt cũng bị chôn vùi từ hơn 60 năm qua (1945-2008) mà cho đến nay vẫn chưa thấy ai nói đến sự mất mát vĩ đại này. Đúng là dân tộc này rơi vào thảm cảnh bi thương "sẩy đàn tan nghé", hay "tan tác như đàn gà lạc mẹ".

   TẾ NAM GIAO cũng là một hình thức của một ngày TẠ ƠN (Thanksgiving) như Hoa Kỳ đã làm từ ngày các nhà lập quốc Hoa Kỳ đến Tân Thế Giới vào đầu thế kỷ 17 bằng hai chuyến tàu Mayflower và Speedwell. Và đó cũng là một quốc gia với muôn triệu tâm hồn hướng về Trời Đất, hướng về Thượng Đế, hay Thiên Chúa để cầu nguyện.

   Cầu nguyện là gì? Cầu nguyện thực sự mang ý nghĩa gì? Và mục tiêu của cầu nguyện hướng tới là gì?

   Theo các Nho gia, việc trị dân, trị nước là sứ mạng của kẻ sĩ, mà nếu không gặp thời thì bất đắc dĩ phải "độc thiện" thì ít nhất kẻ sĩ cũng phải truyền lại cái đạo lý của cổ xưa. Chính trị và giáo hóa cũng chỉ là MỘT (Đạo lý chính trị). Vì thế, Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử, Trang Tử, Tuân Tử,... đều đi theo "Tứ Thư Ngũ Kinh", và tất cả đều mang tinh thần nhập thế tích cực vào thế giới và sinh hoạt chính trị, xã hội, kinh tế và giáo dục. Đó là tinh thần cổ xưa của Nghiêu Thuấn, Chu Công và Khổng Tử. Tất cả đều coi Thượng Đế, Đấng Tạo Hóa hay Thiên Chúa là vua của Vũ Trụ, mà họ gọi là ĐẾ, Thượng Đế. Và loài người là con của Trời.

   Trời sinh dân đó, Trời yêu dân lắm. Cái Đạo của Đại Học là làm sáng cái ĐẠI ĐỨC của Trời Đất, đức đó chính là yêu dân. Người xưa muốn làm sáng cái đức sáng trong thiên hạ, thì trước nhất phải trị nước mình. Muốn trị nước mình thì phải tề gia. Muốn tề gia thì phải tu thân mình. Vì thế cả đời Phu Tử đã chu du thiên hạ để đem ĐẠO LÝ CHÍNH TRỊ mà giúp các bậc đế vương làm cho quốc thái dân an.

   Tuy nhiên, làm thế nào để tu thân và tu tâm thì các Nho gia bàn rất tổng quát. Trong lúc Phật giáo và Kito giáo thì lại bàn rất kỹ về việc TU TÂM và TU THÂN. Tu tâm có mối tương quan mật thiết đến CẦU NGUYỆN, đặc biệt đối với những tín đồ Thiên Chúa Giáo (Christinanity). Phật giáo cũng rất chú trọng tới ĐỨC TIN (Faith) của người Phật tử trên đường tìm đạo theo phái Thiền Tông, nhưng thường khuyên tự tu, tự chứng, và tự đốt đuốc lên mà đi, nên không mấy chú tâm tới CẦU NGUYỆN.

   Trong ba trường phái chính của Phật giáo là:

-Tịnh Độ Tông

-Mật Tông

-Thiền Tông

   Theo Phật giáo giải thích thì Tịnh Độ Tông chuyên chú vào cầu nguyện rất phổ quát cho đại chúng, trong lúc Mật Tông và Thiền Tông thường là con đường tu tập dành cho các bậc thượng trí nên rất khó khăn trên đường giảo thoát. Chính Đức Thế Tôn cũng luôn nhắc đến CHƯ THIÊN. Như vậy Trời của Phật giáo không khác Thượng Đế của các Nho gia, và lại càng không khác Thiên Chúa của Do Thái giáo và Kito giáo.

   TẤT CẢ NHÂN LOẠI CÓ CHUNG MỘT NGƯỜI CHA, nhưng mỗi tôn giáo đều có tên gọi khác nhau về người CHA CHUNG đó. Ngoài người CHA CHUNG là đấng Tạo Hóa, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thiên Chúa hay bất cứ tên gọi nào khác để biểu thị cho người CHA CHUNG của muôn người và của cả muôn loài. Và nhân loại đều có lương TÂM, mà theo các Nho gia thì, "Vũ trụ chi tâm", và Phật giáo thì quan niệm, "vạn pháp qui tâm". Vì vậy, tinh thần VẠN GIÁO NHẤT LÝ đó y cứ vào hai chữ THIÊN và TÂM mà thôi -- nhưng khi "Thiên - Nhân hợp nhất" thì đó chính là cái LÝ NHẤT QUÁN, hay VẠN GIÁO NHẤT LÝ.

   Khi con người đã hiểu và ý thức được "vũ trụ chi tâm", và "vạn pháp qui tâm" là sự thật, và là chân lý thì tại sao Vạn Giáo lại không nhất lý được?

   Cầu nguyện là gì, đó không phải câu hỏi dành riêng cho tôn giáo nào, mà cầu nguyện phải được hiểu là một việc làm cực kỳ thiêng liêng và cực kỳ cần thiết và cực kỳ trọng đại cho tất cả các tín hữu (believers) của tất cả các chính giáo; bởi vì nhân loại chỉ có một người CHA CHUNG và nhân loại đều có LƯƠNG TÂM.  Vì thế tìm hiểu ý nghĩa và mục tiêu của cầu nguyện là một hành vi của những người con hoang (prodigal sons) tìm về với người CHA CHUNG  của mình. Muốn thế con người phải ăn năn sám hối, tu tập để bước vào con đường thánh tẩy và thánh hóa tâm thân của mỗi con người để dâng lên những lời cầu nguyện.

TRUYỀN THỐNG CẦU NGUYỆN TRONG ĐẠO LÝ VIỆT

   Theo lời kể lại của Hoàng Đế Bảo Đại, tại Việt Nam có hai ngày tế lễ quan trọng nhất, đó là ngày tết Nguyên Đán và ngày tế Nam Giao hàng năm do Hoàng Đế đứng chủ tế, thay mặt cho toàn dân Việt.

   Thượng Đế ban ơn hay trừng phạt hàng năm là căn bản của Đạo Khổng, đưa con người vào trật tự, vì biết kính Trời, sợ Đất. Quyền năng tối thượng của Thượng Đế chỉ được trao cho một vị chân mạng đế vương để cầm quyền thiên hạ (Divine Right). Vì Hoàng Đế là Đại Diện của Thượng Đế trên thế gian, nên được mọi người kính trọng và vâng lời. Như vậy, Hoàng Đế là chủ thể nắm trọn quyền hành trong các cơ cấu xã hội.

   Hoàng Đế Bảo Đại cho rằng đây là Mỹ Tục của tất cả các dân tộc Đông phương đã lập lên truyền thống tế lễ và cầu nguyện này để TẠ ƠN trời đất và Thượng Đế đã ban ơn cho khắp thần dân.

   Việc tế lễ và cầu nguyện này chỉ dành riêng cho Hoàng Đế, vốn kiêm nhiệm luôn chức vụ Đại Giáo Chủ để đứng làm trung gian giữa Thượng Đế và Con Người; và đại diện cho toàn dân và toàn quốc gia.

   Việc tế lễ và cầu nguyện này không liên quan gì đến Phật giáo hay thờ cúng tổ tiên, cũng không dính dáng gì đến những nghi thức tôn giáo nào. Đây là việc cúng tế và cầu nguyện nằm trong triều chính do nhà vua đặt ra, để tỏ lòng tôn sùng đối với Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, cai quản chư thần đồng thời mang một hình thái sám hối để cầu xin xá tội của bậc Hoàng Đế đối với Thiên Nhan, xin Đức Ngọc Hoàng đại xá cho những lỗi lầm đã trót phạm phải. Vì vậy, cuộc tế lễ phải tỏ ra đồ sộ và vô cùng trọng thể.

   Cũng theo Hoàng Đế Bảo Đại thì ngày tế lễ và cầu nguyện phải được công bố trước ba tháng. Lời cáo tri được một đại thần tuyên đọc không phải cho thần dân, mà để báo cho các vị thần linh.

   Bản cáo tri ấy đại để như sau:

"Đại Nam quốc, tuế thứ...

"Tiểu thần Nguyễn văn B... phụng ngự chiếu của Đức Việt Nam Hoàng Đế, kế thế các triều đại liệt thánh, cẩn tấu Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, đến ngày..., tháng..., toàn dân nước Việt Nam sẽ dâng lễ tế Nam Giao. Tiểu thần kính cẩn cáo tri trước Thiên nhan và chư thần. Cẩn Tấu.

   Hai tuần lễ trước ngày tế lế, thì là cáo tri đối với các tiên đế để cung nghinh các ngài về dự lễ. Thế rồi, một sắc chỉ của Hoàng Đế được ban bố vào ba ngày trước ngày tế lễ, để nhắc nhở các người dự tế lễ, phải trai giới và dọn mình cho thật là tinh khiết.

   Hoàng Đế Bảo Đại cho biết, việc trai giới đó rất quan trọng. Để nhắc nhở nhà vua một cách cụ thể, trước đó bốn ngày, người ta mang đến một tượng người bằng đồng, gọi là đồng nhân rước đến cung điện của vua, để ngày đêm vua trông thấy vị thần tượng trưng cho trong sạch và chay tịnh này, hầu vua cũng giữ mình như vậy.

   Đúng hôm tế lễ, mới tám giờ sáng, khi tiếng súng thần công báo hiệu mở đầu, một đám rước đang tụ tập sẵn ở điện Cần Chánh, được khởi đầu rất nghiêm chỉnh ra đàn tế ở phía nam thành phố. Đám rước chia ra làm ba đoạn, mỗi đoạn với một đoàn quân gọi là tiền quân, trung quân và hậu quân. Thoạt đầu là một hàng voi choàng đầy phẩm phục, rất lộng lẫy.

   Hoàng Đế Bảo Đại kể rằng, sau đó là nhóm người vác cờ, thuộc các cờ biểu tượng của Thiên Đình như cờ Đại Hùng Tinh, cờ Nhật-Nguyệt và cờ Ngũ Hành theo tinh thần Kinh Dịch. Đức vua ngồi trong ngự liễu sơn son thiếp vàng đi giữa, xung quanh các kiện của các hoàng thân dòng huyết mạch.

   Đàn Tế Nam Giao ở giữa đồi, trên có những cây thông.   Đối với đức vua Gia Long, khi xây lên đàn tế này, là có ý minh định trước quốc dân ngài là bậc chí tôn của toàn thể sơn hà Việt Nam, và ngài có bổn phận phải tôn thờ Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế đã trao cho ngài sứ mạng lãnh đạo triều đại mới.

   Hoàng Đế Bảo Đại còn tiết lộ thêm, "Đến hôm cúng tế, mới hai giờ sáng, đại kỳ được kéo lên. Thật lạ lùng, dù cho đêm trước và hai ngày trước có mưa, thời hôm nay trời quang mây tạnh trong suốt buổi tế lễ. Tôi rời khỏi Trai cung, lên kiệu và vào cửa Tây. Ở đó, tôi đi bộ leo lên về phía phải, và cửa Nam tiến vào, và dừng lại là một nơi làm lễ rửa tay gọi là Mục dục.

   Nhiều bó đuốc thắp sáng tế đàn. Về góc Đông Nam có một đám lửa thiêu lớn, nay là nơi làm lễ tam sinh, gọi là thần trù, trên đó thiêu cả một con nghé để hy sinh.

   Trên tất cả các bàn thờ, những cây nến khổng lồ cả thước tây, cháy rực khắp nơi. Bóng tối đã lui... Trong ánh lửa bập bùng, nhạc bát âm hòa nhịp theo điệu của từng cử động làm cho con người bị say sưa quyến rũ vào một cõi u minh bát ngát nhiệm màu."

   "...Tôi dâng ngọc ngà, vóc lụa. Sau đó rót rượu cúng để lên bàn thờ cùng các lễ vật khác. Một chiếc khay có đựng thịt tam sinh (thịt nghé, thịt heo và dê) cũng được đặt lên bàn thờ."

   "Một viên quan Đại Thần đến trước hương án, lấy một bài văn tế do tôi đứng chủ tế. Ông ta quì xuống và tiến quì trước mặt tôi, và đây là giờ hành lễ."

   Bằng giọng văn tế, viên quan đọc lên:

"Tấu lạy Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế

"Hạ thần truyền nhân của liệt vị Hoàng Đế nước Đại Nam Quốc, nhân dịp đầu xuân, kính dâng Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế và Đức chúa tể cõi Trần, lòng tôn thờ bất diệt.

"Nhân dịp xuân về, giang sơn tô thắm, cây cỏ tốt tươi, người vật tràn trề nhựa sống, hạ thần thay mặt toàn thể thần dân, cùng các triều thần, hạ thần xin kính dâng lên Đức chúa tể muôn loài của cõi Trời và cõi Đất, lễ vật tam sinh, ngọc ngà, tơ lụa, gạo rượu, hương hoa phẩm vật.

"Theo lệ ba năm một lần, lễ Nam Giao năm nay, hạ thần kính cẩn cầu xin Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng như chư Thánh tiền triều Hoàng Đế."

   Hoàng Đế Bảo Đại sau đó viết lên lời kết luận, "Nhiều người đã muốn so sánh cúng tam sinh ở Tế Nam Giao nay với lễ dâng mình thánh của Thiên Chúa giáo. Tất nhiên hai cuộc lễ này cũng có nhiều chỗ gần như nhau; như chỗ trai giới, chỗ dâng vật cúng, chỗ khấn nguyện và chỗ chia phần, và hưởng lộc cúng tế. Để có một hình ảnh y hệt ngày Chúa Kito bị đóng đinh, đòi hỏi vị chủ tế phải tự dâng mình hy sinh cho đúng lế nghi. Bên Trung Hoa đã có vị Hoàng Đế tự sát làm vật hy sinh trong buổi tế lễ."

   Hoàng Đế Bảo Đại cho rằng, thật sự những điểm tương đồng này chỉ chứng tỏ niềm khát vọng, thì ở đâu cũng thế thôi. Khát vọng về lẽ huyền vi, khát vọng được che chở, khát vọng được bình an ở cõi đời này cũng như ở kiếp sau. Cũng do nguyện vọng tín ngưỡng, nguyện vọng được Trời chiếu cố và cứu rỗi, nên dù ở phương Tây hay phương Đông, mong mỏi những kết quả y như nhau, nên đã thể hiện bằng những lễ nghi có nhiều điểm tương đồng giống nhau y hệt mà thôi.

   "Đối với tôi, bao giờ tôi cũng hoàn tất lễ tế Nam Giao như một hình thức công khai của vị Hoàng Đế đã phục tùng vương đạo để giữ niềm tin kính Trời sợ Đất, vốn đem đến trật tự hòa bình cho con người trong cuộc sống hàng ngày. Đó là hành động mang tính chất của một NỀN VƯƠNG CHÍNH, để đưa con người vào vị trí đúng với đại nghĩa, mà trong nền vương chính này, nhà vua phải có một thái độ khuôn mẫu gấp đôi.

   "Có một người đã hỏi Khổng Tử là tại sao con người lại phải kính Trời? Khổng Tử đáp: "Chính ta cũng chẳng rõ. Nhưng ai hiểu rõ, thì trị dân dễ như trở bàn tay."

(Viết theo Hoàng Đế Bảo Đại "Con Rồng Vàng Việt Nam" (1990), CA, USA).

SÁM HỐI ĂN NĂN, THÁNH HÓA TÂM THÂN TRONG Ý NGHĨA CẦU NGUYỆN VÀ MỤC TIÊU CẦU NGUYỆN

   Tinh thần của ngày tế Nam Giao của các vị Hoàng Đế của Đại Việt là một kinh nghiệm quá lớn lao trong lịch sử của Dân Tộc Việt. Tinh thần đó không khác gì lời phán của Thiên Chúa với Do Thái và các quốc gia:

   "Nếu dân của Ta, chúng kêu gọi tên Ta, và tự biết mình để sống khiêm cung và cầu nguyện và tìm kiếm Nhan Ta, và từ bỏ con đường tội lỗi hư hỏng, từ đó Ta sẽ lắng nghe chúng từ Trời cao, và sẽ tha thứ tội lỗi cho chúng và đất nước quê hương của chúng sẽ được cứu vớt và được chữa trị để trở nên mạnh. (2 ch 7:14)

   Nhà thần học Bernie Smith cho rằng, "What is pray?" -- cầu nguyện là gì? Đây là một câu hỏi rất quan trọng, bởi chúng ta phải nắm bắt được ý nghĩa của cầu nguyện nếu chúng ta muốn cầu nguyện.

   Như Spurgeon đã nói, cầu nguyện là nắm bắt lấy sợi giây chuông trên Thượng Giới, và sự lắng nghe tiếng chuông rung lên từ chiếc ngai của Thiên Chúa. Cầu nguyện chân chính nhất là hòa đồng hợp nhất -- để thành MỘT với Thiên Chúa (Thiên Nhân hợp nhất của Đông phương) như con người đang cúi đầu trước đấng Tạo Hóa.

   Nếu cầu nguyện là biểu lộ sự dâng hiến của Tâm Hồn cho Thiên Chúa, nếu sự tĩnh lặng trong tâm hồn có thể được lắng nghe trên Thiên quốc thì cầu nguyện có thể và không thể ồn ào. Cầu nguyện là chuyện trò bày tỏ tâm sự của mình với Thiên Chúa. Vì thế cầu nguyện là một sợi giây chuyền vàng nối kết Tâm của chúng ta với Giới Tâm Linh của Thiên Chúa hay Thượng Đế (vũ trụ chi tâm).

   B. Smith nhận thấy, thế hệ này thường xuyên sống trong sợ hãi, thất vọng chán chường căng thẳng, phiền nhiễu vây bủa, lo âu và ham muốn. Và cầu nguyện là hướng về Trời cao để tìm kiếm sự an lạc trong một đời sống đầy bất an, bất ổn và bất định. Khi con người nhận thấy đời sống tinh thần suy vi tàn tạ, thì cầu nguyện là nâng tinh thần lên vút cao hơn cả những đám mây, vượt xa cả những vì sao và tinh tú để đưa tâm hồn đứng trước mặt Thiên Nhan.

   Sự yếu đuối và rũ liệt trong đời sống tinh thần đã tạo cơ hội cho các quyền lực chính trị xấu xa tồi bại làm tình làm tội con người mà con người không làm gì chúng được, đành thúc thủ chịu đựng trong uất nghẹn tủi buồn, và câm nín. Trong lúc đó các nhà thần học Kito giáo cho rằng cầu nguyện là đưa sự yếu đuối của tâm hồn tiếp cận và nương tựa với sức mạnh của Thiên Chúa Toàn Năng. Cầu nguyện, vì thế, là một nguồn mạch để Thiên Chúa tuôn quyền năng của Thần Khí (khí hạo nhiên trong trời đất) đến tràn ngập trong tâm hồn con người. Đó là thứ võ khí tuyệt vời để phá vỡ triệt để bức màn sắt của ngờ vực nghi kỵ trong tâm con người.

   Các nhà thần học Hoa Kỳ cũng tiết lộ rằng, các cuộc chiến thắng nhờ cầu nguyện nhiều hơn là các cuộc chiến thắng trên các trận tuyến hữu hình. Họ cho rằng, cầu nguyện hàng ngày sẽ đưa sức mạnh tinh thần vào cuộc sống, và tự nhiên có sự bảo đảm khi các tín hữu có thể đối mặt với sự can trường đảm lược và Chúa Kito là trung tâm điểm để hướng tới và hy vọng (vũ trụ chi tâm) -- bởi vì lòng can đảm và hy vọng chính là những vì tinh tú mà Thiên Chúa đã ra lệnh chiếu ánh sáng lung linh vào tâm hồn con người (ánh sáng giác ngộ).

   Tâm hồn của chúng ta giống như một thế giới mà trong đó Chúa Kito đã sống (vạn pháp qui tâm). Trong lúc con người phải sống trong những xã hội đang suy vi tàn tạ, với những rối loạn tơi bời về chính trị, nỗi lo âu về kinh tế và nỗi đe dọa của chiến tranh, chỉ dẫn đến sự đổ vỡ, mất mát, đau khổ và sự chết. Và con người đã có một vị THẦY (Master) đã mở ra cuộc cách mạng tâm linh (spiritual revolution) để chống lại sự suy vi mục nát và sự chết ấy.

   Đó là Thiên Chúa của chúng ta và Chúa Kito của chúng ta. Đó là người mà tâm hồn của chúng ta hướng về để cầu nguyện. Các thần học cho rằng, ân sủng hồng ân đặc biệt biết bao khi con người chuyện trò tâm sự với Chúa. Hãy suy nghĩ về điều đó, tức là tạo ra một cuộc hàn huyên với đấng Tạo Hóa. Thiên Chúa tạo nên con người để đồng hành trong việc sáng tạo. Chúng ta là tạo vật của sự sáng tạo trong bàn tay đầy quyền năng của Thiên Chúa.

   Vì thế Chúa là đấng Tối Cao (Most Height) --- là trung tâm của ý thức hoạt động trong sáng tạo --- người CHA CHUNG trên Thượng Giới, là người đang chờ đợi trợ giúp tất cả con cái của Thiên Chúa trên khắp trần gian này. Chúa đã ngưng lại các hoạt động sáng tạo để làm ra những thế giới mới trong vũ trụ để xuống với trần thế, giúp đỡ những tâm hồn tan nát đau khổ và tuôn sức mạnh đến các tâm hồn tan nát khổ đau và chúc phúc lành cho con người khi còn đang phải gánh những gánh nặng trên đôi vai, vỗ về an ủi những kẻ rã rời suy liệt bơ phờ, và cho con người được sống trong an lạc khi con người tìm đến với Chúa trong sự cầu nguyện. Ôi! Ân sủng lớn lao biết bao cho con người biết cầu nguyện.

   Thánh Kinh nói rằng, Thiên Chúa lắng nghe chúng ta; vì thế chúng ta không cần van nài ỉ ôi. Chúng ta cứ can đảm bước tới trước mặt Chúa. Vì thế chúng ta không cần thiết "kêu nài xin xỏ như những kẻ nô lệ tôi đòi". Hãy mạnh dạn bước tới trước Ngai Thiên Chúa xin được trợ giúp. Từ đó, chúng ta nhận được lòng nhân từ và sẽ tìm thấy sự trợ giúp khi nào chúng ta cầu nguyện để xin sự trợ giúp (Hebrew 4:16).

   Thánh Kinh cũng nói rằng, con người có một thứ "Quyền" (Right), đó là quyền được xin và quyền được nhận, và tất cả điều gì, dù bất cứ điều gì, ta kêu xin trong lúc cầu nguyện với ĐỨC TIN mạnh mẽ, thì ta sẽ nhận được (Mathew 21:22).

   Điều quan trọng hơn cả là: THÁNH KINH CŨNG NÓI RẰNG, CHÚNG TA PHẢI CẦU NGUYỆN VỚI TÂM HỒN TRONG SẠCH, VÔ TÌ VẾT và THÁNH THIỆN. Từ đó chúng ta biết, CHÚA KHÔNG LẮNG NGHE NHỮNG KẺ TỘI LỐI, nhưng nếu họ thực sự ăn năn sám hối để thành kẻ thờ lạy Thiên Chúa và làm theo lời Chúa đã dậy, Chúa sẽ lắng nghe họ cầu xin (John 9:31).

   Thêm vào đó, Thánh Kinh cũng dặn dò, con người phải cầu nguyện với ĐỨC TIN, vì không có đức tin thì không làm hài lòng được Thiên Chúa. Vì thế người nào đến với Chúa phải có niềm tin mãnh liệt nơi Thiên Chúa, thì người đó sẽ nhận được phần thưởng khi họ tận tụy và thành khẩn tìm kiếm Chúa. Thánh Kinh nhắc nhở con người rằng, cầu nguyện là mở cánh cửa Thiên Đàng, là làm cho mặt trời ngương lại, và làm cho nước bắn lên tung tóe, là làm cho miệng sư tử khép lại, và làm nguội lại cơn lửa cháy. Vì lẽ đó, tại sao chúng ta cầu nguyện mà vẫn sống trong ngờ vực nghi kỵ? ĐỨC TIN KHÔNG ĐEM RA THỰC HÀNH LÀ ĐỨC TIN CHẾT, và cầu nguyện không có đức tin cũng là CẦU NGUYỆN CHẾT. Hãy tin vào sức mạnh đầy quyền năng của Thiên Chúa -- đừng tin vào sự yếu đuối vật vờ của chính mình, bởi vì Chúa sẽ xây dựng từng bước cho chúng ta bước qua những đỉnh núi cao và băng qua những chiếc cầu đầy mê hoặc. Nếu có một đức tin bằng hạt cải có thể dời núi, và con người sẽ thành can đảm lạ thường.

   B. Smith cho rằng, cầu nguyện có những mục đích của nó. Mục đích cầu nguyện không phải tìm đến với Chúa như kẻ nô lệ tôi đòi: "give me, give me" --- "cho tôi xin, cho tôi xin" --- làm như Chúa chẳng khác gì hơn là một ông già Noel đầu tóc bạc phơ đến cho ta. Cầu nguyện còn mang một ý nghĩa sâu thẳm vô cùng.

   Chúa là Thiên Chúa, không phải của riêng ai --- mà là Thiên Chúa của tất cả nhân loại. Tối thượng của toàn thể vũ trụ siêu nhiên và thiên nhiên. Từ vĩnh cửu đi vào thiên thu vạn đại. Ngài là Thiên Chúa của tất cả chúng ta --- và chúng ta là tạo vật sáng tạo của Thiên Chúa.

   Vì thế cầu nguyện không phải kêu xin với cái tâm ích kỷ, vị kỷ, vị ngã đến xin cái này cái nọ, cũng không phải nói về cái "ta" của chúng ta, từ đó tự xây nên hàng rào ngăn cách giữa CHA và CON. MỤC TIÊU LỚN NHẤT CỦA CẦU NGUYỆN LÀ HÒA ĐỒNG, HIỆP NHẤT VÀ HIỆP THÔNG (Harmony) VỚI THIÊN CHÚA. Khi chúng ta cầu nguyện, nhớ thưa rằng, ANH EM YÊU THIÊN CHÚA, SẼ SỐNG VÌ THIÊN CHÚA, VÀ SẼ PHỤC VỤ THIÊN CHÚA ĐẾN MUÔN ĐỜI.

   Nhà thần học B. Smith nói trong hân hoan: Ôi! Phúc đức lớn lao thay về sự HÒA ĐỒNG HỢP NHẤT GIỮA TÂM CỦA CON NGƯỜI VỚI THẾ GIỚI TÂM LINH NHIỆM MÀU CỦA THIÊN CHÚA. (Thiên - Địa - Nhân đồng nhất thể). Làm sao tưởng tượng ra được chúng ta có thể bước đi bên Chúa và trò chuyện hàn huyên với thiên Chúa. Tâm hồn của chúng ta dâng lên những cảm xúc bồi hồi khi tâm ấy có thể hòa đồng hợp nhất với Thiên Chúa hằng sống, luôn luôn có đó và ở đó đến muôn đời.

   Hãy để những vì sao và tinh tú rơi xuống từ trời cao. Hãy để mặt trăng khuất mặt đi, và mặt trời phải lùi bước khi có sự hiện hữu của Thiên Chúa. Hãy để những bầu trời cuốn tròn như những cuộn giấy và quăng nó vào quên lãng. Hãy để những đại dương trở nên khô cạn và núi non vỡ ra như cát bụi. Nhưng Thiên Chúa vẫn đời đời còn đó, và ngai của Thiên Chúa sẽ vĩnh cửu đời đời, và đó là đấng đang lắng nghe chúng ta --- đó là đấng mà chúng ta cận kề gắn bó trong lời cầu nguyện để hòa đồng hiệp nhất và hiệp thông (Communion).

   Các nhà thần học Kito giáo Hoa Kỳ tiếp tục ca ngợi:

-- Phúc thay cho sự hòa đồng hiệp nhất, vì sẽ mang sức mạnh để chiến đấu trong các                               trận chiến trong đời.

-- Phúc thay cho sự hòa đồng hiệp nhất, vì sẽ đem đến cho thân tâm ta thường an lạc   giữa một thế giới đảo điên cuồng loạn.

-- Phúc thay cho sự hòa đồng hiệp nhất, vì sẽ đem đến "nguồn cội nương tựa êm đềm vững chắc trong cơn hỗn loạn đang chờ đợi kéo đến.

-- Phúc thay cho sự hòa đồng hiệp nhất, vì sẽ chỉ cho anh em thấy rằng anh em đang sống trong trung tâm của phép lạ.

-- Phúc thay cho sự hòa đồng hiệp nhất, vì sẽ mang đến cho anh em sức mạnh nội tâm để đương đầu với bao biến đổi vô thường.

-- Phúc thay cho sự hòa đồng hiệp nhất, vì sẽ mang đến cội nguồn của sự thanh bình trong một thời đại khi con người phải đối mặt với mọi vấn nạn lớn lao khi khả năng con người lại quá giới hạn.

-- Phúc thay cho sự hòa đồng hiệp nhất, vì sẽ giúp anh em tưởng như đã bị thảm bại diệt vong trong đời -- nào ngờ lại dẫn ta đến với chiến thắng tối hậu.

   

   Nếu có những giọt nước mắt ứa ra trên khóe mắt trong đời thì nên nhớ rằng đó là những viên ngọc lung linh được khóa lại trong ngăn kéo chứa đựng tài sản trên Thiên quốc. Vì thế hãy cầu nguyện -- bởi vì cầu nguyện là câu trả lời đơn giản cho cuộc sống quá nhiều phức tạp và rối rắm phải chịu đựng.

   Và anh em hãy thoáng nhìn xem cầu nguyện là gì, và nhớ đó là một ĐẶC ÂN, và anh em sẽ nhớ lại quyền năng thực sự của cầu nguyện và tầm quan trọng của sự cầu nguyện. Tâm anh em sẽ thấy tiếng gọi để nhớ rằng Thiên Chúa là đấng tối cao với quyền năng vô hạn.

   Vì vậy khi anh em đến bên Thiên Chúa trong sự cầu nguyện, hãy xin Thiên Chúa chữa lành lạnh xác thân, lành lạnh trí tuệ và lành lạnh tâm hồn. Hãy kêu xin Thiên Chúa vỗ về băng bó lại trái tim tan nát -- Hãy kêu xin Thiên Chúa đưa anh em đến một định hướng để vượt qua những khó khăn và những thất vọng ê chề. Hãy thú nhận với Thiên Chúa sức mạnh của anh em đang suy sụp rã rời và kêu xin Thiên Chúa nâng đỡ cho gánh nặng để anh em có thể vượt qua. Hãy xin thì anh em sẽ được chúc phúc trong phút giây cầu nguyện.

 

   Nguyên tắc đầu tiên của đạo lý hiện nay là ĐỨC TIN -- đó là sức mạnh của niềm tin yêu. Con người vinh danh ngợi khen Thiên Chúa khi chúng ta tin tưởng vào Thiên Chúa -- Sự tin tưởng vào Thiên Chúa dẫn ta đến với ĐỨC TIN. Chúng ta được quyền tin vào Thiên Chúa -- và Thiên Chúa có tất cả quyền để đòi hỏi chúng ta tin vào Thiên Chúa. Sự hỗn loạn bệnh hoạn trong thế giới tinh thần thời hiện đại chỉ vì con người thiếu đức tin.

   Tôi phải có đức tin vào Thiên Chúa, do đó Thiên Chúa có thể tin vào nơi tôi.

   Nhà thần học Bernie Smith cho rằng, đức tin là chìa khóa dẫn đến kho tàng của nước trời. Với chìa khóa này, chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh cần thiết để vượt qua sự đau khổ và đưa đến một hướng đi cho sự bấn loạn và những vấn đề sẽ trở thành thảm họa cho con người.

   MẤT CHÌA KHÓA ĐỨC TIN, ĐỜI SỐNG TINH THẦN SẼ PHÁ SẢN.

 

 Đây là chìa khóa có thể thay đổi sức khỏe.

 Đây là chìa khóa có thể thay đổi đời sống.

 Đây là chìa khóa có thể cứu rỗi linh hồn anh em.

 Đây là chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề.

 

   Thiên Chúa biết chúng ta hơn chúng ta biết về mình.

   Thiên Chúa không đáp lại lời cầu nguyện mà không có chìa khóa -- là ĐỨC TIN. NHỮNG CUỘC CHIẾN THẮNG TRONG ĐỜI TÌM THẤY TRONG PHẠM VI TINH THẦN, và chúng ta tìm thấy tinh thần ấy trong ĐỨC TIN. Vì vậy chìa khóa này trở thành một võ khí siêu việt. Với nó, chúng ta vượt qua những khó khăn trở ngại, và thắng các trận chiến đấu trong hành trình của đời sống.

   Phần lớn con người đã sống với đời sống ngoại tại, cùng với tiếng than khóc trong đời sống nội tâm. Họ lang thang mất lối như con tàu lênh đênh trên biển đời đầy bão tố, và không thấy bến bờ là đâu! Đây là một thế giới nhiều người cảm thấy họ không đủ sức chịu đựng sức ép của đời sống để tìm thấy một sự thanh bình trong một thời đại quá nhiều điên loạn; và họ cảm thấy bị bấn loạn.

   Nhưng những nỗ lực tìm kiếm sự sống thanh bình an lạc mà không nương tựa vào Thiên Chúa, hoặc cầu nguyện không có đức tin thì sự tìm kiếm sẽ thành ảo vọng hão huyền.

   Trong cầu nguyện con người đã tìm được cho chính họ sự sống, và vì Thiên Chúa đã ban cho họ thần khí và thần khí đã đem đến cho họ sự hồi sinh. Và cầu nguyện với đức tin là một khuôn thước -- đây là một thứ quyền năng bí mật. Hãy xin Thiên Chúa ban cho anh em đức tin mạnh mẽ. Đức tin có thể đưa đến sự lớn mạnh và phát khởi. Một đức tin mạnh mẽ là sức mạnh chống lại sự tăm tối của đời sống tinh thần.

-- Cầu nguyện với đức tin có thể chữa lành bệnh.

-- Cầu nguyện với đức tin có thể được cứu rỗi.

-- Cầu nguyện với đức tin có thể được thánh hóa.

-- Cầu nguyện với đức tin có thể phục hồi.

-- Cầu nguyện với đức tin làm cho con người thành dũng mãnh trước Thiên Chúa.

  

   Thánh Augustine nói, "Thiên Chúa có một người con không có tội lỗi, hoàn toàn trong sạch vô tì vết, nhưng không có ai không chịu đau khổ. Nếu Thiên Chúa không cho phép Chúa Jesus thoát khỏi khổ đau, thì Thiên Chúa không có ngoại lệ nào dành cho con người. "CHÚNG TA PHẢI TRẢI QUA CÁC THỬ THÁCH KHỔ ĐAU ĐẺ BƯỚC VÀO NƯỚC TRỜI".

   Thiên Chúa không hứa sẽ có ngoại lệ từ khổ đau cho con người, nhưng Chúa đã hứa sẽ trợ giúp cho con người vượt qua mọi thử thách gian nan và đau khổ -- nếu con người cầu nguyện với đức tin.

   Khi cầu nguyện, hãy trao lên Thiên Chúa tất cả những gánh nặng trong dòng đời; hãy để lại trong tay Thiên Chúa tất cả gánh nặng để tiếp tục bước đi.

   Chính Chúa Kito đã hứa:

   "I will never leave thee -- never forsake thee"

   "Ta sẽ không bao giờ rời bỏ các con ra đi -- không bao giờ bỏ bê các con đâu".

   Các nhà thần học Kito giáo cũng nhận rằng, đời sống là một đấu trường xung đột. Cuộc đời là một hành trình ngắn ngủi, nó đánh dấu bằng mồ hôi và nước mắt với tất cả những thử thách gian nan, và vì được thí nghiệm nên được gọi là hóa chất nhiệm màu của Trời cao -- vì thế hãy cầu nguyện!

   Để nỗ lực chạy trốn trước những khổ đau, điều đó chỉ làm cho đời sống tinh thần thêm non nớt yếu đuối mà thôi.

-- Tôi đã bước qua lửa bỏng da người của thù nghịch.

-- Tôi đã lảo đảo ngả nghiêng, nhưng không gục ngã dưới một cây Thánh Giá.

-- Tôi đã biết khổ đau rồi sẽ rơi xuống như cơn mưa phùn.

 

   Chúng ta đều là những con người đã bước qua những thung lũng của khổ đau nghiệt ngã và tủi nhục, biết rằng cầu nguyện không phải bất động. Cầu nguyện là một quyền năng. Chúng ta đều đã học ở nơi thế giới đầy thương đau này rằng -- một tâm hồn đau khổ, nếu không cầu nguyện và tin tưởng vào quyền năng vô biên trợ giúp của Thiên Chúa, thì đời sống này nương tựa vào ngọn cỏ hay sao?

   Kết cục các nhà thần học Hoa Kỳ khuyên con người rằng, để chiến thắng các trận đồ cám dỗ, người Kito hữu phải cầu nguyện và giữ lấy TÂM LINH làm hàng rào chống đỡ. Bởi vì ma quỉ đang tìm mọi cách để tàn phá đời sống tâm linh của con người. Chúng ta phải cầu nguyện và vượt thoát ra ngoài hàng rào của tham lam, sự xấu xa tồi bại, sự ích kỷ, kiêu căng tự mãn, nỗi ngờ vực, sự sợ hãi --- tất cả những thứ đó đều dẫn ta đến sự nghèo nàn khánh tận giá trị tâm linh. Hãy cầu nguyện và lấy đức tin che chở, hãy bước đi đồng hành với Thiên Chúa, với sự thật và với tình yêu -- tất cả những thứ đó đưa dẫn ta đến sức mạnh của tâm linh và tinh thần.

   Hãy tìm cách chế ngự những cơn gió bão của si mê vừa bắt đầu thổi lên, và hãy tự dập tắt những ngọn lửa của dục vọng thấp hèn, và hãy thanh lọc thánh hóa tâm mình trước khi cầu nguyện.

   Và Thiên Chúa nhìn vào tâm con người. Nếu chúng ta không dùng tâm trong sạch để cầu nguyện, thì sức mạnh tinh thần và tâm linh không bao giờ đến với chúng ta.

   Isaiah có lần nói rằng, khi kẻ thù xuất hiện như một cơn nước lụt, thần khí của Thiên Chúa sẽ nâng tâm hồn con người lên một tiêu chuẩn thật cao để chống lại chúng (Isaiah 59:19).

   Và sau chót, cầu nguyện đưa đến hy vọng cho cá nhân và đưa đến chung cho cả xã hội. Nếu cầu nguyện có thể giải quyết những vấn đề riêng tư cho con người, thì cầu nguyện cũng đem hy vọng đến cho cả quốc gia và thế giới.

(Viết theo Bernie Smith "Meditation on Prayer" (1966), Baker Book House Co., Michigan)

TS. Nguyễn Anh Tuấn

 (Political Scientist)