Ngày mùng 5-5 âm lịch hằng năm:
Sinh Nhựt Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc
(HT. Phạm Văn Khảm)


TIỂU SỬ ĐỨC HỘ PHÁP PHẠM CÔNG TẮC

Đức Phạm Công Tắc sinh ngày mùng 5 tháng 5 năm Canh Dần ( 21 tháng 6 năm 1890 ) tại làng Bình Lập tỉnh Long An. Thân phụ của Ngài là Ông Phạm công Thiện và thân mẫu là Bà La thị Đường. Đức Chí Tôn cho biết Ông Phạm Công Thiện là Chơn Linh của Ngân Hà Công Bộ nơi Thiên Đình giáng trần.

Đọc lịch sử Đạo, chúng ta ai ai cũng thấy cái sống của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc bàn bạc khắp nơi, không chút nào cách biệt giữa Đạo và Đời. Hôm nay, nhân dịp mừng Lễ Giáng Sinh của Đức Ngài, chúng tôi xin được trình bày tóm lược về phầnTiểu Sử để làm sống lại cái tinh thần phục vụ trong sáng của Đức Ngài đã cống hiến cho Đạo, cho Đời,… với mong người đi sau nối bước.

Như mọi tín đồ Cao Đài đều biết, Đức Chí Tôn đã trục Chơn Thần của Ông Phạm công Tắc để Chơn thần của Ngự Mã Thiên Quân giáng vào xác thân của Ông Phạm Công Tắc vào đêm 23 tháng 4 năm 1926 và Đức Chí Tôn đặt Ngài vào Phẩm vị Hộ Pháp của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Bắt đầu từ đó , Đức Phạm Hộ Pháp xả thân hành đạo, phổ độ chúng sanh

Với thời gian 33 năm 13 ngày , kể cả hơn 5 năm bị Pháp bắt lưu đày trên đảo Madagasca ở Châu Phi, Ngài đã để lại một sự nghiệp lớn lao cho Đạo lẫn Đời, xin tóm lược như sau:

1/VỀ PHẦN ĐẠO:

Thử nhìn về quê nhà, ở vùng Châu Thành Thánh Địa thuộc tỉnhTây Ninh, chúng ta thấy từ việc xây cất ngôi Tòa Thánh, những Đền Thờ, dinh thự để làm các Cơ Sở Đạo, những con đường lớn, nhỏ, cầu cống, chợ búa, các Trường Trung Tiểu Học cho đến các Y viện, Dưỡng lão, Cô nhi viện.. đâu cũng có những dấu vết với đôi bàn tay của Đức Hộ Pháp.

Đặc biệt, việc xây dựng ngôi Tòa Thánh, với một con người như Đức Ngài, không có mảnh bằng Kiến Trúc Sư, đôi tay chưa hề cầm đến một dụng cụ xây cất nào … thế mà đã điều hành một số công thợ không chuyên nghiệp , phát nguyện làm công quả, ngày 2 bữa cháo rau không đủ no…để hoàn thành một công trình xây dựng ngôi Tòa Thánh với lối kiến trúc độc đáo, hài hòa giữa Cổ và Kim, giữa Âu và Á. Nhứt là dung hợp được những sắc thái của các Tôn giáo đủ để nói lên sự Qui Nguyên Tam giáo và Hiệp Nhứt Ngũ Chi. Đây quả là một lối kiến trúc có một không hai đối với quá trình lịch sử xây dựng của Việt Nam đã hơn 4 ngàn năm Văn Hiến.

Ngoài ra, cũng xin được nói qua qui trình độc đáo trong việc định cư cho người tín đồ ở từ bốn phương qui tụ về vùng Thánh Địa càng ngày càng đông. Lúc bấy giờ, nơi đây là vùng rừng sâu nước độc, Đức Hộ Pháp chắc chắn không có bằng cấp về khoa Thiết Kế Đô Thị, vả lại, vào thời buổi đó làm gì có chuyên khoa nầy. nhưng Ngài đã lập một Sơ Đồ hết sức khoa học, phân lô cất nhà, khu chợ búa, trường học, bịnh viện… và hình thành các con đường theo đúng hướng Đông Tây Nam Bắc, có lộ trước và lộ sau nhà để dễ bề cấp cứu khi cần. Ngoài ra còn có kinh đào làm thủy lộ đáp ứng chợ Long Hoa.

Theo các điều qui định cho việc cư trú tại Vùng Thánh Địa Cao Đài, đem đối chiếu lại với sách Thiết Kế Đô Thị ngày nay, quả chưa có điều nào hóa ra lỗi thời.

Đức Hộ Pháp đã làm nhiều việc mà người tín đồ Cao Đài phải nễ phục và cũng phải nhận là có một sự trợ lực mầu nhiệm ban cho Đức Ngài.

Đó là chưa nói đến cái rộng lớn của một nền Tân tôn giáo do Đức Chí Tôn khai sáng là đạo Cao Đài, là một tôn giáo bao hàm đủ tinh ba của các giáo lý từ cổ chí kim, tứ Đông sang Tây, là một qui trình “ VẠN THÙ QUI NHỨT BỔN mà Ngài lãnh lịnh từ Đức Chí Tôn với vô vàn khó khăn để thực thi cho ra hình tướng của một tôn giáo với tôn chỉ: Tam Giáo Qui Nguyên - Ngũ Chi Phục Nhứt hầu hiệp nhứt các đức tin vào một Đấng tạo ra Càn Khôn Vũ Trụ. Đó là Đức Chí Tôn, là Giáo Chủ đạo Cao Đài, là Đấng Cha chung của nhơn loại.

Với sứ mạng là Hộ Pháp, Ngài giữ vững Chơn Truyền, hoằng hóa giáo lý, truyền Bí Pháp. Ngài đã soi sáng cho chúng sanh qua những bài thuyết Đạo vô vàn quí giá. Vạch màn bí mật huyền vi trên cõi Hư Linh bằng quyển Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống, Ngài chỉ rõ từng nét, từng bước tu tập với Phương Luyện Kỷ để người tín đồ Cao Đài chỉ một đời tu cũng nên Đạo.

Nói tóm lại, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc thọ lịnh từ Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế làm tướng soái khai mối Đạo Trời, là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ để cứu độ toàn cả nhơn loại trong thời Hạ Nguơn Mạt Pháp và lập đời Thánh Đức trên Qủa Địa cầu nầy
Công nghiệp của Đức Ngài đối với Đạo quả không đủ lời để nói lên cái thành quả đã gầy dựng so với thời gian 33 năm 13 ngày!

2/VỀ PHẦN ĐỜI:

Mặc dù là vị lãnh đạo Tôn giáo, nhưng Đức Hộ Pháp không thể điềm nhiên ngồi nhìn ngoại bang với mưu đồ dày xéo quê hương và dân tộc Việt Nam. Nhân ngày Đại lễ Vía Đức Chí Tôn năm Đinh Hợi 1947, Đức Hộ Pháp tuyên bố: “ Đừng để ngoại bang xâm nhập vào nội quyền Việt Nam rồi đưa đến cảnh tương tàn, tương sát và làm món hàng cho các cường quốc đổi chác.”

Biết trước mưu đồ chia đôi đất nước của ngoại bang, Đức Hộ Pháp tự nguyện nhận lãnh trách nhiệm làm trung gian cho việc hòa giải giữa hai khối Cộng Sản và Tư Bản đang tranh giành quyền bá chủ, Ngài đề xướng thuyết Trung Lập cho Việt Nam như ở Thụy Sĩ.

Khi được biết ngoại bang có mưu đồ bán đứng Việt Nam trên bàn Hội Nghị Genève, Đức Hộ Pháp liền mở một cuộc họp báo tại Genève lúc 17 giờ ngày 18 tháng 7 năm 1954 để phản đối ngoại bang áp đặt chia đôi lãnh thổ Việt Nam. Tại buổi họp báo nầy, Đức Hộ Pháp đã tuyên bố: “ Nếu Việt Minh và Pháp tuân lịnh ngoại bang chia nước Việt Nam làm hai mà không có sự chấp thuận của toàn dân Việt Nam thì Bần Đạo quyết chống cả hai.”

Trở về Việt Nam, sau chuyến Âu du, tại Tòa Thánh Tây Ninh, Đức Hộ Pháp gởi một bức Thông Điệp thiết tha kêu gọi những vị cầm quyền Chánh phủ, các nhà lãnh đạo Quốc gia cần nhận định nhiệm vụ một cách sáng suốt hơn. Đối với quốc gia Việt Nam các vị lãnh đạo miền Nam cũng như miền Bắc, Bần Đạo xin các Ông hiến cho một tấm gương sáng về sự đoàn kết. Trách nhiệm của các Ông thật nặng nề, nếu các Ông cứ cố chấp theo đuổi một cuộc chiến tranh lý tưởng Quốc tế đầy dẫy những dục vọng và phe đảng thì các Ông là người có tội với Tổ quốc.

Các Ông cầm đầu chánh phủ miền Bắc cũng như miền Nam, các Ông còn ngại gì mà không nêu gương đoàn kết, thành lập một Chánh Phủ Lâm Thời duy nhất, thoát ly mọi ảnh hưởng ngoại bang với sự tham dự của các phần tử thuộc mọi khuynh hướng chánh trị, tôn giáo hầu tiến tới một cuộc Tổng Tuyển Cử toàn quốc Việt Nam. Toàn dân sẽ ghi công các Ông.

Khi hiệp định Genève ký ngày 20 tháng 7 năm 1954 không được tôn trọng, hoàn cảnh nước Việt Nam lúc bấy giờ trở nên đen tối và dần đưa cuộc chiến Việt Nam càng ngày càng khốc liệt.

Trước cảnh đồng bào bị ngoại bang áp đặt, gây cảnh nồi da xáo thịt và vì yêu nước , thương dân nên Đức Hộ Pháp phải lưu vong sang Cao Miên vào ngày 16/2 / 1956 để tìm phương gở rối cho thế cuộc.

Ngày 26 /3/1956 Đức Hộ Pháp có gởi 2 bức thư cho Chủ Tịch Hồ chí Minh và Tổng Thống Ngô đình Diệm kêu gọi cuộc thi đua Nhân Nghĩa giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam. Đồng thời trình bày Bản Cương Lĩnh Hòa Bình Chung Sống, nhưng cả 2 đều không dám ngồi lại với nhau để bàn bạc vì đang chịu ảnh hưởng nặng nề của ngoại bang, cả hai nhà lãnh đạo Nam Bắc không có quyền định đoạt đến vận mạng của dân tộc mình.

Tại Phnom Penh, ngày 17 -5- 1959 nhằm ngày mùng 10 tháng 4 năm Kỷ Hợi Đức Hộ Pháp qui Thiên và để lại một Đại nghiệp cho Đạo.

Sự nghiệp của Đức Ngài là sự nghiệp chung của Đạo. Ngoài ra Đức Hộ Pháp không có bất cứ một tài sản nào gọi là riêng tư của Ngài. Cả một cuộc đời chỉ biết dâng hiến cho Đạo và cho Đời. Thật vậy ngay sau khi vừa thoát xác được 3 ngày, Đức Hộ Pháp giáng cơ cho bài Thài, trong đó với 2 câu kết đủ nói lên tấm lòng của Đức Ngài luôn luôn lo cho Đạo cũng như Đời:

Rồi đây ai đến cầm Chơn Pháp
Tô điểm non sông Đạo lẫn Đời.

Tóm lại, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc ngoài cương vị Lãnh Đạo trong sáng của một Tôn giáo, Ngài còn là một công dân yêu nước nồng nàn.

Giờ đây, tuy vắng bóng Ngài nhưng đối với người tín đồ Cao Đài luôn luôn hằn sâu trong tâm khảm hình ảnh khả kính và lòng ngưỡng mộ Đức Ngài trong trái tim cùng với Đức Thích Ca Mâu Ni, Đức Chúa Jesus Christ, Đức Khổng Tử, Đức Lão Tử…

Nhất là với Đạo, mặc dầu Ngài đã vắng bóng tại thế, nhưng quyền Thiêng Liêng Ngài vẫn là Hộ Pháp, vẫn là Thiên sứ của Đức Chí Tôn trong sứ mạng:

Giáng Linh Hộ Pháp Di Đà < br> Chuyển cây Ma Xử đuổi tà trục tinh.
Và:
Tạo đời cải dữ ra hiền,
Bảo sanh nắm giữ diệu huyền Chí Tôn.

Hôm nay, nhân Đại Lễ Mừng Ngày Giáng Sinh của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, chúng ta vừa nhắc qua vài nét về Đại Nghiệp mà Đức Ngài đã cống hiến cho Đạo cũng như cho toàn cả nhơn loại, không phải chỉ để dành riêng cho người tín đồ Cao Đài. Tuy nhiên, mặc dầu là chung nhưng cũng là riêng cho những ai biết trân quí nó.

Cầu xin Đức Ngài ban nhiều hồng ân cho tất cả mọi người và cơ đạo Cao Đài sớm giải trừ Pháp nạn, Hội Thánh sớm phục quyền đúng theo Tân Luật Pháp Chánh Truyền.

Nam Mô Tam Châu Bát Bộ Hộ Pháp Thiên Tôn
Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát

Trân trọng kính chào quí Quan Khách và toàn thể chư Đồng Đạo.