Hôm nay ngày mùng 1 tháng 3 năm Giáp Ngọ là ngày Vía thứ 85 của Đức Cao Thượng Phẩm. Trước khi nói vài nét về thân thế của Ngài, tôi xin phép được trình bày sơ lược về giáo phẩm Thượng Phẩm trong đạo Cao Đài.
Theo Pháp Chánh Truyền, bất cứ ai bước chân vào cửa Đạo cũng đều được Đức Chí Tôn ban sẵn cho một Thiên Phẩm. Hễ có Thiên Phẩm rồi, Thầy lại đem lên cho tới Thượng Phẩm mới trọn câu Phổ Độ.
Trên con đường đi đến đích cuối cùng nầy, người tín đồ Cao Đài luôn luôn được sự trợ giúp của Đức Thượng Phẩm. Thật vậy, các Chơn Linh dù nguyên nhơn hay hóa nhơn đều nhờ Thượng Phẩm dìu dẫn để đức hạnh mỗi ngày mỗi thăng tiến hơn, hoặc kềm chế để khỏi phải vi phạm luật lệ và nhất là cấm đường không cho thoái bước.
Tóm lại, Thượng Phẩm là người nắm luật Đạo nơi tay mà gìn giữ cả Chư Chức Sắc Thiên Phong và các tín đồ để khỏi phạm luật. Đồng thời cũng lo đạo hạnh cho từng mỗi tín đồ trên con đường tu tiến.
Qua phần trình bày trên, chúng ta thấy Đức Thượng Phẩm luôn luôn ở bên cạnh người tín đồ Cao Đài để độ dẫn các con cái của Đức Chí Tôn đạt cho được phẩm vị cao nhứt mà Đức Chí Tôn dành sẵn cho từng người.
Trên đây, chúng ta vừa nhận định rõ sứ mạng cao cả mà Đức Chí Tôn đã giao phó cho Thượng Phẩm trong lần khai đạo Cao Đài thuộc thời Hạ Nguơn Mạt Pháp để giúp toàn cả chúng sanh được độ rỗi trong ơn Đại Ân Xá lần thứ III nầy.
Giáo phẩm Thượng Phẩm của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được Đức Chí Tôn ban cho Ngài Cao Quỳnh Cư.
Ngài Cao Quỳnh Cư sanh năm Mậu Tý (1888 ) tại làng Hiệp Ninh tỉnh Tây Ninh. Thân phụ của Ngài là Ông Cao Quỳnh Tuân làm Cai Tổng Hàm Ninh Thượng. Đức Chí Tôn cho biết Ông Cao Quỳnh Tuân là Xuất Bộ Tinh Quân giáng trần. Thân mẫu của Ngài là Bà Trần thị Huệ được Đức Chí Tôn ân phong Nữ Giáo sư.
Bào Huynh của Ngài là Ông Cao Quỳnh Diêu đắc phong Tiếp Lễ Nhạc Quân năm 1927 và Bảo Văn Pháp Quân năm 1929.
Người bạn đời của Ngài là Bà Nguyễn thị Hiếu, năm 1968 được đắc phong Nữ Đầu Sư.
Trong thời kỳ xây bàn và thời kỳ phò Ngọc cơ, Đức Cao Quỳnh Cư, Đức Phạm Công Tắc, Đức Cao Hoài Sang… cũng như thời gian xây dựng Tòa Thánh Tây Ninh…quí Ngài luôn luôn có bên nhau để cùng chung vượt qua muôn ngàn khó khăn mà gầy nên nghiệp đạo.
Riêng về Ngài Cao Quỳnh Cư được Đức Chí Tôn phong phẩm Tá Cơ Tiên Hạc Đạo Sĩ vào ngày rằm tháng 3 năm Bính Dần ( 1926 ) và đúng 7 tháng sau, Đức Chí Tôn chính thức phong Ngài là Thượng Phẩm Hiệp Thiên Đài.
Trong hai năm đầu, kể từ ngày Khai Đạo, Đức Hộ Pháp cũng như Đức Cao Thượng Phẩm đã gặp phải vô vàn khó khăn, quả như các bậc Tiên Nho đã nói : “ Đạo khai, Tà khởi “ nên Đức Hộ Pháp đành phải lui về Thủ Đức lánh nạn và Đức Cao Thượng Phẩm rời khỏi Tòa Thánh về đất nhà gần chợ Tây Ninh cất nên ngôi nhà tranh làm nơi an dưỡng. Thất Nương Diêu Trì Cung ban cho ngôi nhà nầy với tên là Thảo Xá Hiền Cung và tặng đôi liển :
THẢO XÁ TÙY NHƠN, NGU MUỘI BẦN CÙNG NGHINH NHẬPTHẤT
HIỀN CUNG TRẠCH KHÁCH, THÔNG MINH PHÚ QUÍ CẤM LAI MÔN
Nghĩa là: Thảo xá, tùy theo người, người ngu muội, nghèo khổ thì đón tiếp vào nhà.
Hiền cung lựa khách, người thông minh, giàu sang thì cấm đến cửa.
Tại Thảo Xá Hiền Cung, ngày mùng 1 tháng 3 năm Kỷ Tỵ (1929 ), Đức Cao Thượng Phẩm cho mời Đức Hộ Pháp, Ông Bảo Văn Pháp Quân, Bà Giáo sư Hương Hiếu, Giáo hữu Thượng Trí Thanh, Giáo Hữu Thượng Kỳ Thanh, Lễ sanh Thượng Nguơn Thanh . . .Đức Cao Thượng Phẩm nhìn Đức Hộ Pháp mà nói rằng:
“ Nay qua về chầu Đức Chí Tôn, em ở lại hiệp với Chức sắc chung lo nền Đạo của Thầy cho được vẹn toàn mọi sự…Anh dầu có nhắm mắt thì sự mất cũng như còn”
Sau 6 ngày Đức Cao Thượng Phẩm đăng tiên, đó là ngày mùng 7 tháng 3 năm KỷTỵ(1929) Vào giờ Tý, Đức Chí Tôn giáng cơ giải thích về việc qui hồi cựu vị của Đức Cao Thượng Phẩm như sau :
“ Thầy đã nói rõ rằng: Thượng Phẩm phải về với Thầy trước các con, nhưng mà hại thay, vì biếng nhác, các con không đọc Thánh Ngôn của Thầy mà kiếm hiểu.
Tắc ! con có nhớ Thầy nói với các con rằng : Đạo vốn vô vi, nếu Thượng Phẩm không trở lại Thiêng Liêng chi vị thì ai đem các chơn hồn các con vào cửa Thiên dùm đó con. Lại nữa, các con vốn là kẻ dẫn đường cho cả chúng sanh, thay mặt Thầy nơi thế nầy về phần Đời, còn về phần Đạo cũng có đôi đứa con mới đặng cho…”
Theo lời thuyết đạo của Đức Hộ Pháp, Đức Cao Thượng Phẩm là chơn linh của Hớn Chung Ly thuộc đời nhà Hán bên Tàu, nay giáng trần làm tướng soái cho Đức Chí Tôn khai đạo, có nhiệm vụ xây dựng nền Đạo lúc sơ khai.
Đức Cao Thượng Phẩm hợp với Đức Hộ Pháp thành cặp phò loan phong Thánh để lập Hội Thánh và lập Pháp Chánh Truyền làm Hiến Pháp của Đạo.
Sau ngày qui Thiên, Đức Cao Thượng Phẩm thường giáng cơ góp ý kiến với Đức Hộ Pháp để điều hành nền Đạo. Có lần Chức Sắc Hiệp Thiên Đài cầu cơ ngỏ ý muốn biết về tình trạng của Ngài sau khi giã từ trần thế và được Ngài cho biết nỗi vui mừng được về bái mạng Đức Chí Tôn ở Bạch Ngọc Kinh và Đức Phật Mẫu nơi Diêu Trì Cung. Hai Đấng đều ban ân công nghiệp buổi khai đạo đã làm tròn sứ mạng. Ngoài ra Ngài cũng nói lên lòng sung sướng khi thoát khỏi biển trần về cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống.
Nhân dịp nầy Đức Cao Thượng Phẩm cũng cho bài thơ tứ tuyệt như sau :
CAO thanh miệng thế mặc chê khen,
THƯỢNG trí màng chi tiếng thấp hèn.
PHẨM cũ ngôi xưa dầu rõ giá,
Từ bi tập tánh được thường quen.
Chỉ trong 28 chữ như trên, chúng ta cũng đủ nhận ra được một bài học vô vàn quí báu. Hễ bước vào cửa Đạo rồi thì chỉ biết một lòng hành đạo, chỉ biết lo việc tu tiến, không quan tâm đến miệng thế chê khen và cũng không để ý đến sự thấp hèn. Hãy trải rộng lòng từ bi bao phủ lên tất cả mọi việc với mưu cầu tầm về phẩm cũ, ngôi xưa mà Đức Chí Tôn đã dành sẵn cho mỗi người.
Hôm nay, trong bầu không khí trang nghiêm của đàn cúng Vía Đức Cao Thượng Phẩm, một lần nữa chúng ta thành tâm dâng lên Đức Ngài lời nguyện ước được Đức Ngài trợ duyên và dìu dắt chúng ta vững tiến trên bước đường Đạo hầu đạt đến phẩm vị tột cùng mà Đức Chí Tôn đã định sẵn cho từng mỗi môn đồ.
Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Tát.
Phạm văn Khảm
Khấn nguyện