HẠ NGUƠN

(Soạn giả Nguyên Thủy – Cao Đài Đại Đạo Tầm Nguyên Tự Điển)

(Hạ là dưới, cũng là cuối cùng. Nguơn còn đọc là nguyên. Nguơn Hội là chỉ những khoảng thời gian dài. Theo Nho giáo của Trần Trọng Kim thì một nguơn là 12 Hội, một Hội = 30 Vận, một Vận = 12 Thế, một Thế = 30 năm). Hạ nguơn là phần cuối của một chu kỳ thời gian ấy.

Thánh Giáo ngày 13-10-Đinh Mùi (1967) của Đức Lý Đại Tiên giáng Cơ: "Trận đại họa này không riêng cho Thánh Điạ tại Việt-Nam-Quốc mà chung cho cả đia cầu, Thảm! Thảm! Thảm! Hạ Nguơn là Nguơn mạt kiếp, Nguơn điêu tàn, phải hiểu lý Đạo ẩn tàng trong hai chữ Hạ Nguơn: Hạ là dưới thấp, sau cùng là chữ Hạ gồm ý nghĩa: Tệ, Suy, Tàn, Hoại, là diệt chủng đó. Hạ Nguơn là Nguơn tiêu diệt. Vậy chư Đạo Hữu cố tâm tìm hiểu những lời dạy dỗ tiên tri của Thầy và Lão cùng các Đấng đã giáng dạy từ ngày khai Đạo tới giờ, những lời tiên tri đó ngày giờ tới sẽ ứng hiện từ từ, nạn tiêu diệt đã tới …Họa! …Thảm!. Cả Thế giới ngày nay còn trong vòng mê mệt, cả vinh hoa phù phiếm trong Đạo trở lại chuộng hư danh, lấy thế làm cứu cánh nên mới bày ra trò mị sanh chúng. Ôi! Tu thành hay không là nhờ tâm Đạo, chơn tâm, chơn tánh Thầy ban cho không lo trau-luyện, lại ham lợi chác quyền mến phẩm tước đến đỗi làm nhẹ thể Thánh-danh Thầy, nạn cân đai áo mão, đời cũng như Đạo đang là trường mộng ảo gạt người xa lần cội phước là cái nguơn thỉ chơn tâm. Thầy hằng thương con dại mới mở Đạo Kỳ Ba mà vớt chúng sanh. Hại thay! Thảm thay! Đám sanh linh vẫn ngơ ngơ, ngạnh ngạnh, dám đem tên tuổi Đạo Thầy mà đổi chác lợi quyền. Họa..Họa! Thảm..Thảm! Ôi! Lão vì lòng Từ-bi giáng dạy khuyên răn đủ lẽ, mà chúng sanh vẫn còn mê muội, theo Đạo mà chẳng tầm lý Đạo, lại chuộng hư danh, nên Đạo Thầy mới ra nông nỗi. Ngày giờ nhặt thúc, buổi Hạ nguơn cận kề cái chết, tâm thần mê mệt thì làm sao khai khiếu linh quang được mà mong sống sót. Ôi! Đời Đạo phải chịu nạn tai. Khổ! Khổ! Khổ! Nhơn sanh nào hay biết, cả một đám lố nhố lao nhao, ham vui thích lạ, nào hay đâu họa sầu đeo đẳng bên lưng, bước Đạo đã ngập ngừng, cánh hồng toan trở bước. Đại khảo… Khảo……Khảo"

"Đường Đạo mỗi ngày một bước tới, lòng thiện niệm của chúng sanh càng bữa càng dồi thêm. Lối Hạ nguơn nầy, nếu Đấng Chí Tôn chẳng lấy đức háo sanh mà gieo lần hạnh Đạo cho sanh linh thì mối Thiên tai chẳng chừa sót nhơn loại nơi cõi trần u-ám nầy. Buổi Hạ ngươn Tam Kỳ Phổ Độ là thời kỳ Ân xá tội tình cho toàn cả chúng sanh; lại nhơn buổi văn minh, nhơn loại thông đồng, càn khôn dĩ tận thức, cho nên Đức Chí Tôn dùng Huyền diệu Cơ bút giáng Cơ khai Đại Đạo, chủ nghĩa là độ tận 92 ức nguyên nhân qui hồi cựu vị cho khỏi sa đoạ cõi hồng trần nên gọi là cơ quan cứu thế. Nếu Đức Chí-Tôn chiết chơn linh giáng thế như các vì Giáo chủ trước thì phải tá mẫu đầu thai, mang phàm thể hữu vi, lại nữa là Đạo khai trong nước Việt-Nam thì phải thọ sanh hình hài người Nam Việt thì có thể nào chuyển ba mối Đạo khắp Ngũ châu và toàn cầu thế giới đặng. Lại nữa các dân tộc trong Vạn quốc không thể hiệp đồng sự Tín ngưỡng làm một thì khó mà độ tận chúng sanh, cho nên Đức Chí-Tôn giáng bằng Huyền diệu Cơ Bút đặng làm cho các nước để trọn đức tin rằng một Đấng Chí-linh giáng thế cứu đời qui tụ cả khối tinh thần của nhơn loại duy nhất. Chỉ rõ bằng cớ như kỳ các Tôn giáo tại Luân đôn thì các nước đều công nhận Đạo Cao-Đài là chơn thật có thể qui nguyên Đại Đồng Tôn giáo và tại Toà Nội-các năm 1933 Hạ Nghị Viện có 424 vị thân sĩ cùng đồng bỏ thăm toàn công nhận Đạo Cao-Đài.

Đức Chí-Tôn chẳng giáng bằng xác thân mà lại dụng tánh đức lương sanh lập quyền Hội-Thánh thay hình thể hữu vi cho Đức Chí-Tôn, thay thế và lập Vạn linh đối phó cùng quyền Chí linh, ấy là cơ mầu nhiệm cứu vớt quần sanh giải thoát khỏi chốn sông mê bể khổ. Kỳ Hạ nguơn này dầu chúng sanh có tàn bạo hung ác thế nào cũng không làm hại xác thân của Đức Chí Tôn như các vì Giáo chủ buổi trước vậy. Bởi quyền Vạn linh có đủ nghị lực tinh thần lập khuôn viên Luật pháp xây chuyển cơ Đạo và cơ Đời cho thuận theo lẽ tuần hoàn của tạo hoá. Đức Chí-Tôn khai Đạo kỳ ba này giáng bằng Huyền diệu Cơ Bút là do nơi Thiên Thơ tiền định chuyển Đạo vô vi hiệp Tam giáo Ngũ chi làm một" (ĐHP: 1-7 Mậu-Dần – 1938)

Thánh ngôn thầy có báo trước: "Kỳ Hạ Nguơn hầu mãn, nhơn vật vì tai nạn mà phải tiêu tan, mười phần chỉ còn lại một mà thôi.Than ôi! Buồn thôi! Nghĩ vì Thiên cơ đã định như vậy, thế nào mà cải cho đặng, duy có mở tấm lòng từ thiện, ăn năn sám hối, lo việc tu hành, đồng với nhau, cả quốc dân mà quì lụy khẩn cầu coi Trời có đoái tưởng đến chăng? Bởi thế nên Đức Ngọc Đế và chư Phật, chư Tiên, chư Thánh mới lập Hội Tam Kỳ Phổ Độ đặng cứu vớt chúng sanh đương linh đinh nơi bể khổ. Nếu gặp thuyền Bát Nhã mà không xuống không theo thì chắc thế nào cũng chơi vơi mé biển."

Theo Phật-giáo, Lão-giáo và Khổng-giáo thì đều dạy rằng: thời-kỳ này là thời-kỳ HẠ NGUƠN khiến đời tận diệt để chuyển xây trở lại Thượng-nguơn Thánh-đức với một kỷ nguyên mới. Đặc biệt Đức Thích-Ca Mâu-Ni khi lập giáo có cho biết đến năm 2.500 kỷ-nguyên Phật-giáo, là thời-kỳ để cho Đức Di-Lạc ra đời mở Hội-Long-Hoa lập một kỷ-nguyên mới đó vậy…Nơi Cung Hỗn-nguơn-Thiên chúng ta thấy đương giờ này đang trong Đệ Tứ chuyển. Thượng-nguơn Tứ chuyển giờ này giao quyền Chưởng-quản trị phần hồn và phần xác của Càn khôn vũ-trụ do nơi tay của Đức Di-Lạc Vương-Phật, mà trong Cung ấy là Cung chúng ta thấy mặt Đức Chí-Tôn, tức nhiên gần Đức Đại-Từ-Phụ hơn hết".

"Chơn-lý của Đạo Cao-Đài đã tỏ rõ cho toàn thể nhơn sanh đều hiểu lời tiên-tri của Phật-giáo đã nói: Qua cuối Hạ nguơn Đức Chí-Tôn đến để mở Hội-Long-Hoa đặng lập-vị cho Đức Di-Lạc Vương-Phật".

"Sứ-mạng thiêng-liêng của Hộ-Pháp là vì: Đức Chí-Tôn không đi nên mới có Hộ-Pháp của Ngài đến. Hộ-Pháp của Ngài đến cốt yếu thay-thế cho Ngài đặng lập vị cho Đức Di-Lạc Vương-Phật mở Hội-Long-Hoa, tức nhiên sứ-mạng của Hộ-Pháp là cầm cây cân Công-bình thiêng-liêng của Đức Chí-Tôn giao-phó, nắm cả tâm-lý tinh-thần nơi mặt địa-cầu này đặng hòa-giải, hầu sửa đương tâm đức của nhân-loại tức nhiên là Ngài đến trước khi mở Hội-Long-Hoa tạo Tiên, Phật. Tâm đức từ trong cửa Thánh của họ đặng họ từ-từ bước đến cửa Thánh của họ, đến phẩm-vị của họ tại mặt thế này".

Ngày giờ nào khi nhơn-sanh đã tiến bước, Bần-Đạo chỉ nói một người mà thôi đoạt được Phật-vị thì ngày ấy Hội-Long-Hoa mới mở, mà Hội-Long-Hoa chưa có mở thì Đức Di-Lạc chưa có đến".

Riêng Đức Hộ-Pháp thuyết về "luật nhân quả" tại Đền Thánh ngày 15 tháng 6 năm Mậu-Tý (dl: 21-7-1948)

"Hôm nay Bần Đạo giảng về Luật Nhân quả vay trả của nhân loại trong thời kỳ Hạ nguơn hầu mãn bước sang thời kỳ Thượng nguơn Thánh Đức. Các con rán ẩn nhẫn để Ông Trời hát từ màn cho các con coi; các con trông cho đời mau tới, tới chừng tới các con khóc mẹ khóc cha luôn. Bần Đạo nói thật cái quyền năng vô đối của Đức Chí-Tôn một nháy mắt không còn một sanh mạng ở quả địa cầu này, không cần một tích tắc đồng hồ, những nhân nào quả ấy trả cho rồi đặng lập đời Thánh Đức mà thôi."

 

HẠ NGUƠN MẠT KIẾP

Đức Hộ-Pháp nói: "Tam trấn Oai-nghiêm thay quyền cho Tam giáo lập Đạo vô-vi, không có hình thể như trước. Bởi nay là thời-kỳ Hạ-nguơn mạt kiếp tức là thời qui cổ, chính mình Đức Chí Tôn giáng trần dùng Huyền-diệu Cơ Bút mới biết đây: các nguyên nhân đắc Đạo trong hai kỳ trước đều tình nguyện nơi Ngọc-Hư-Cung, giáng trần chịu mạng lịnh nơi Đức Di-Lạc Vương-Phật lo cứu-rỗi 92 ức nguyên-nhân còn say đắm mùi trần. Do vậy, Tam Trấn Oai-Nghiêm là ba vị trấn-nhậm với một quyền-hành oai nghiêm. Ba vị này thay thế cho các vị Giáo-chủ của Nho, Thích, Đạo để phổ-độ chúng-sanh trong kỳ ba Ân-xá của Đức Chí Tôn".

 

HẠ NGUƠN TAM CHUYỂN


E: The last Cycle of the Third Manvantara.
F: Le dernier Cycle du Troisième Manvantara.

Hạ: Dưới, thấp, đem xuống, truyền xuống. NguơnChuyển: chỉ những khoảng thời gian rất dài, hằng vạn năm. Tam: thứ ba.

Theo lời thuyết đạo của Đức Phạm Hộ Pháp thì:

• Một Chuyển có 36 000 năm.

Một Chuyển có ba Nguơn: Thượng, Trung, Hạ.

• Mỗi Nguơn có 12 000 năm.

Địa cầu 68 của nhơn loại đã trải qua ba Chuyển:

• Chuyển thứ nhứt gọi là Nhứt Chuyển,
• Chuyển thứ nhì gọi là Nhị Chuyển,
• Chuyển thứ ba gọi là Tam Chuyển.

Mỗi Chuyển chia làm ba Nguơn (Nguyên): Thượng nguơn, Trung nguơn và Hạ nguơn.

Hạ nguơn Tam Chuyển là ở vào thời kỳ Hạ nguơn thuộc Chuyển thứ ba của Địa cầu 68 của nhơn loại.

Hết Hạ nguơn Tam chuyển thì bắt qua Thượng nguơn Tứ Chuyển. (Xem chi tiết: Tam nguơn, vần T)

Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Nay là Hạ nguơn hầu mãn, phải phục lại như buổi đầu, nên phải phản tiền vi hậu.

(Soạn giả: Nguyên Thủy)

  

Khai Đạo - Tờ Khai Đạo

開道

(HT. Nguyễn Văn Hồng- Cao Đài Tự Điển)

A: The official declaration of the foundation of Caodaism.

P: La déclaration officielle de la fondation du Caodaïsme.

Khai: Mở ra, mở đầu, mở mang, bắt đầu. Đạo: tôn giáo.

Khai Đạo là mở ra một tôn giáo mới để cứu giúp nhơn sanh, tức là mở ra một con đường tu hướng dẫn nhơn sanh tu hành, đạt được sự an vui, hết phiền não và linh hồn sẽ được giải thoát khỏi luân hồi, lên sống an lạc nơi cõi TLHS.

Năm Bính Dần (1926), Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế dùng cơ bút mở ra tại miền Nam Việt Nam một nền tôn giáo mới gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, hay Đạo Cao Đài, để cứu vớt nhơn sanh trong thời Hạ Nguơn mạt kiếp, trước khi có cuộc Tận Thế và Hội Long Hoa.

Tờ Khai Đạo (Đạo Cao Đài) là một bản văn gởi cho nhà cầm quyền Pháp đương thời là Thống Đốc Nam Kỳ Le Fol để thông báo chánh thức với nhà cầm quyền Pháp biết là một số người có tên trong văn bản, đứng ra thành lập một nền Tân Tôn giáo gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, nói tắt là Đạo Cao Đài, và bắt đầu hoạt động tại miền Nam Việt Nam.

Tờ Khai Đạo nầy không phải là Đơn Xin Khai Đạo, mà là một bản Tuyên Ngôn chánh thức mở Đạo, chiếu theo luật lệ nước Pháp áp dụng cho NamKỳ, thuộc địa của Pháp, dân chúng được hưởng quyền tự do tín ngưỡng, sùng bái cúng kiếng Trời Phật, miễn là không làm rối loạn trật tự và an ninh trong xứ.

Những người đứng tên trong Tờ Khai Đạo cử Ngài Lê Văn Trung, cựu Thượng Nghị Viện Đông Dương, đích thân cầm Tờ Khai Đạo đem lên giao tận tay Thống Đốc Nam Kỳ Le Fol, được ông Le Fol tiếp nhận vui vẻ.

Tờ Khai Đạo không phải là Đơn Xin, nên không có sự chờ đợi nhà cầm quyền Pháp chấp thuận cho phép. Do đó, sau khi gởi Tờ Khai Đạo lên Thống Đốc Le Fol rồi, những vị đứng tên Khai Đạo lo gấp rút truyền Đạo, thâu nhận tín đồ, xúc tiến xây dựng cơ sở, chuẩn bị tổ chức Đại Lễ Khai Đạo ra mắt quốc dân và quốc tế.

Về việc lập Tờ Khai Đạo, diễn tiến thứ tự như sau:

- Đàn cơ ngày 16-8-Bính Dần (dl 22-9-1926), Đức Chí Tôn dạy: "Các con xin chánh phủ Lang Sa đặng khai Đạo thì cực chẳng đã Thầy ép lòng mà chịu vậy cho tùng nơi Thiên cơ. Thầy rất đau lòng mà chịu vậy, chớ biết sao!"

Đức Chí Tôn dạy hai Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt: "Trung, Lịch, hai con phải hội chư Thánh mà xin khai Đạo. Phải làm đơn mà dâng cho Thầy xem xét sửa trước nghe!" (TNHT, Bài 36, ngày 16-8-Bính Dần).

- Đúng một tuần lễ sau, ngày 23-8-Bính Dần (dl 29-9-1926), các môn đệ gồm cả thảy 247 tín đồ nam nữ họp đại hội tại nhà Ông Nguyễn Văn Tường, Thông Ngôn Sở Tuần Cảnh Sài Gòn, ở đường Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo, Quận I Sài Gòn) trong một đêm mưa to gió lớn, nước ngập hết các đường sá, xe hơi không chạy được, nhờ vậy nên buổi đại hội không bị mật thám Pháp ngăn trở. Tất cả môn đệ đều đồng ý ký tên vào Tờ Khai Đạo do Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt dự thảo bằng tiếng Pháp.

- Sau đó, quí Ngài lập đàn cơ tại nhà Ngài Cao Quỳnh Cư để dâng Tờ Khai Đạo lên cho Đức Chí Tôn duyệt xét.

Đức Chí Tôn giáng phê:

"Mấy con không nói một điều gì đến Thầy hết, nhưng thôi kệ, cứ gởi đi." "Thầy dặn con, Trung, nội thứ năm tuần tới, phải đến Le Fol mà khai cho kịp nghe!"

Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt tuân lịnh Đức Chí Tôn, chờ đến thứ năm tuần tới là ngày 7-10-1926 (âl 1-9-Bính Dần), Ngài đến dinh Thống Đốc Nam Kỳ nạp Tờ Khai Đạo cho Ông Le Fol và được Ông Le Fol tiếp nhận.

Bổn lưu của Tờ Khai Đạo ấy đã thất lạc từ lâu, nay được thấy trong Luận văn thi Tiến Sĩ Đệ Tam Cấp của một sinh viên Pháp tên là Pierre Bernardini nhan đề: Le Caodaïsme au Cambodge, Université de Paris VII, 1974, page 282, 283, 284.

Chúng tôi xin chép ra sau đây để rộng đường tham khảo:

DÉCLARATION OFFICIELLE ADRESSÉE PAR LES FONDATEURS DU CAODAISME À M. LE FOL, GOUVERNEUR DE LA COHINCHINE.

Saigon, le 7 Octobre 1926.

Monsieur le Gouverneur,

Les soussignés, ont l'honneur de venir respectueu-sement vous faire connaïtre ce qui suit:

Il existait en Indochine Trois Religions (Bouddhisme, Taoisme, Confucianisme). Nos ancêtres pratiquaient religieu- sement ces trois doctrines et vivaient heureux en suivant strictement les beaux préceptes dictés par les Créateurs de ces religions.

On était, pendant cet ancien temps, tellement insoucieux qu'on pouvait dormir sans fermer les portes et qu'on dédaignait même de ramasser les objets tombés dans la rue (Gia vô bế hộ, lộ bất thập di), tel est l'adage inscrit dans nos annales.

Hélas! Ce beau temps n'existe plus pour les raisons suivantes:

1. Les pratiquants de ces religions ont cherché à se diviser, tandis que le but de toutes les religions est le même: Faire le bien et éviter le mal, adorer pieusement le Créateur.

2. Ils ont dénaturé complètement la signification de ces saintes et précieuses doctrines.

3. La course au confort, à l'honneur, l'ambition des gens, sont aussi des causes principales des divergences d'opinions actuelles. Les Annamites de nos jours ont complètement abandonné les bonnes moeurs et traditions de l'ancien temps.

Ecoeurés de cet état de choses, un groupe d'Annamites, fervents traditionalistes et religieux, ont étudié la refonte de toutes ces religions, pour n'en former qu'une seule et unique appelée CAODAISME ou ĐẠI ĐẠO.

Le nom "ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ", qui signifie la Troisième Amnistie Générale, est donné par l'Esprit Suprême qui est venu aider les soussignés à fonder cette Nouvelle Religion.

L'Esprit Suprême est venu sous le nom de NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ dit CAO ĐÀI ou "LE TRÈS HAUT, DIEU TOUT PUISSANT ".

Par l'intermédiaire de médiums écrivants, Ngọc Hoàng Thượng Đế transmet au soussignés des enseignements divins ayant pour but de concentrer et d'enseigner les beaux préceptes de ces Trois Anciennes Religions.

La Nouvelle Doctrine enseignera aux peuples:

1. La haute morale de Confucius.

2. Les vertus dictées dans les religions bouddhique et taoique.

Ces vertus consistant à faire le bien et éviter le mal, aimer l'humanité, pratiquer la concorde, éviter totalement la dissention et la guerre.

Les soussignés ont l'honneur de vous soumettre:

1. Quelques extraits du recueil des "Saintes Paroles" de Ngọc Hoàng Thượng Đế, paroles estimées plus précieuses que tout ce qui existe ici-bas.

2. La traduction de quelques passages du livre de prières que Ngọc Hoàng Thượng Đế nous a enseignées.

Le but poursuivi par les soussignés est de ramener les peuples à l'ancien temps de paix et de concorde. On sera ainsi dirigé vers une époque nouvelle tellement heureuse qu'il est difficile de la décrire.

Au nom de très nombreux Annamites qui ont entière- ment approuvé ces études et dont la liste est ci-jointe, les soussignés ont l'honneur de venir respectueusement vous déclarer qu'ils vont propager à l'humanité entière cette Sainte Doctrine.

Persuadés d'avance de cette Nouvelle Religion apportera à nous tous la paix et la concorde, les soussignés vous prient de recevoir officiellement leur déclaration.

Les soussignés vous prient d'agréer, Monsieur le Gouverneur, l'assurance de leurs sentiments respectueux et dévoués.

Ont signé:

Mme LÂM NGỌC THANH,

M. LÊ VĂN TRUNG,

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

 

Bản dịch Tờ Khai Đạo ra tiếng Việt:

TUYÊN NGÔN CHÁNH THỨC ĐƯỢC NHỮNG NGƯỜI SÁNG LẬP ĐẠO CAO ĐÀI GỞI TỚI ÔNG LE FOL, THỐNG ĐỐC NAM KỲ.

Sài Gòn, ngày 7 tháng 10 năm 1926.

Kính Ông Thống Đốc,

Những người ký tên dưới đây hân hạnh kính báo cho Ông biết những điều dưới đây:

Tại Đông Dương đã có ba nền tôn giáo (Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo). Tổ Tiên của chúng tôi tu hành theo ba giáo lý ấy và đã sống hạnh phúc nhờ nghiêm chỉnh tuân theo những lời giáo huấn tốt đẹp của các vị Tổ Sư Tam giáo truyền dạy.

Vào thời xưa, người ta sống không lo âu, đến nỗi người ta có thể ngủ không đóng cửa và cũng không thèm lượm của rơi ngoài đường. (Gia vô bế hộ, lộ bất thập di), ấy là câu ngạn ngữ ghi chép trong sử sách của chúng tôi.

Than ôi! Thời đại tốt đẹp đó không còn nữa vì những lý do sau đây:

1. Những người hành đạo của các tôn giáo ấy đã tìm cách phân chia, trong lúc đó, mục đích của tất cả tôn giáo đều giống nhau: Làm điều thiện, tránh điều ác, và thành kính thờ phượng Đấng Tạo Hóa.

2. Họ đã làm sai lạc hoàn toàn bản chất, ý nghĩa của các giáo lý thiêng liêng quí báu ấy.

3. Sự tranh đua về lợi danh, lòng tham vọng của con người, đều là những lý do chánh của sự bất đồng tư tưởng hiện nay. Những người VN ngày nay đã hoàn toàn từ bỏ những phong tục và truyền thống tốt đẹp của thời xưa.

Ngao ngán trước tình trạng các sự việc nêu trên, một nhóm người VN có nhiệt tâm với truyền thống và tôn giáo, đã nghiên cứu cải cách các tôn giáo nói trên, để nắn đúc thành một tôn giáo duy nhứt gọi là Đạo Cao Đài hay Đại Đạo.

Danh từ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có nghĩa là Đại Ân Xá Kỳ Ba, được Đấng Chí Linh ban cho và Ngài đã đến giúp đỡ những người ký tên dưới đây thành lập nền Tân Tôn giáo ấy.

Đấng Chí Linh đã đến dưới danh xưng Ngọc Hoàng Thượng Đế, gọi là Cao Đài hay Đấng Tối Cao, Thượng Đế Toàn Năng.

Qua trung gian của các đồng tử phò cơ, Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế truyền cho những người ký tên dưới đây những bài Thánh giáo có mục đích cô đọng và giảng dạy các giáo huấn tốt đẹp của ba nền tôn giáo xưa.

Tân Giáo lý sẽ dạy cho dân chúng:

1. Luân lý cao thượng của Đức Khổng Tử.

2. Đạo đức ghi trong Phật giáo và Lão giáo. Đạo đức ấy bao gồm làm điều thiện, tránh điều ác, yêu thương nhơn loại, thực hành sự hòa hợp, hoàn toàn tránh chia rẽ và chiến tranh.

Những người ký tên dưới đây hân hạnh trình bày với ông:

1. Vài đoạn trích lục của tập Thánh Ngôn của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, những lời nói được đánh giá là quí báu hơn hết tất cả những gì hiện có nơi cõi phàm trần.

2. Bản dịch vài đoạn trong quyển Kinh Cầu Nguyện mà Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế đã dạy chúng tôi.

Mục đích theo đuổi của những người ký tên dưới đây là đem dân chúng trở lại thời thái bình và hòa hợp của thời xưa. Như thế, con người sẽ hướng về một thời đại mới rất hạnh phúc, khó tả ra đặng.

Nhân danh đông đảo dân chúng VN mà họ đã hoàn toàn tán thành những điều nghiên cứu nầy, có danh sách đính kèm theo đây, những người ký tên dưới đây hân hạnh và kính cẩn bày tỏ với Ông là những người ấy sẽ đi phổ thông cho toàn thể nhơn loại Giáo lý thiêng liêng nầy.

Tin tưởng trước rằng, nền Tân Tôn giáo nầy sẽ đem lại cho tất cả chúng ta hoà bình và hòa hợp, những người ký tên dưới đây yêu cầu Ông tiếp nhận chánh thức Bản Tuyên Ngôn của họ.

Những người ký tên dưới đây xin Ông Thống Đốc vui lòng chấp nhận sự chắc chắn của những tình cảm tôn kính và chân thành của họ.

KÝ TÊN:

       Bà Lâm Ngọc Thanh, Nghiệp chủ ở Vũng Liêm.

       Ông Lê Văn Trung, Cựu Thượng NghịViện thọ Ngũ đẳng bửu tinh, Chợ Lớn.

       Lê Văn Lịch, thầy tu làng Long An, Chợ Lớn.

       Trần Đạo Quang, thầy tu làng Hạnh Thông Tây Gia Định.

       Nguyễn Ngọc Tương, Tri Phủ, Chủ Quận Cần Giuộc.

       Nguyễn Ngọc Thơ, Nghiệp chủ Sài Gòn.

       Lê Bá Trang, Đốc Phủ Sứ, Chợ Lớn.

       Vương Quan Kỳ, Tri Phủ, Sở Thuế Thân, Sài Gòn.

       Nguyễn Văn Kinh, thầy tu, Bình Lý Thôn, Gia Định.

       Ngô Tường Vân, Thông Phán, Sở Tạo Tác Sài Gòn.

       Nguyễn Văn Đạt, Nghiệp chủ Sài Gòn.

       Ngô Văn Kim, Điền chủ, Đại Hương Cả Cần Giuộc.

       Đoàn Văn Bản, Đốc học trường Cầu Kho.

       Lê Văn Giảng, Thơ ký kế toán hãng Ippolito Sài Gòn.

       Huỳnh Văn Giỏi, Thông Phán Sở Tân Đáo Sài Gòn.

       Nguyễn Văn Tường, Thông ngôn Sở Tuần Cảnh Sài Gòn.

       Cao Quỳnh Cư, Thơ ký Sở Hỏa Xa Sài Gòn.

       Phạm Công Tắc, Thơ Ký Sở Thương Chánh Sài Gòn.

       Cao Hoài Sang, Thơ Ký Sở Thương Chánh Sài Gòn.

       Nguyễn Trung Hậu, Đốc học trường Tư thục Dakao.

       Trương Hữu Đức, Thơ ký Sở Hỏa Xa Sài Gòn.

       Huỳnh Trung Tuất, Nghiệp chủ Chợ Đủi Sài Gòn.

       Nguyễn Văn Chức, Cai Tổng Chợ Lớn.

       Lại Văn Hành, Hương Cả Chợ Lớn.

       Nguyễn Văn Trò, Giáo viên Sài Gòn.

       Nguyễn Văn Hương, Giáo viên Dakao.

       Võ Văn Kỉnh, Giáo tập Cần giuộc.

       Phạm Văn Tỉ, Giáo tập Cần Giuộc.

Nhận xét về TỜ KHAI ĐẠO:

Chúng ta nên lưu ý rằng: Tờ Khai Đạo không phải là Đơn Xin Khai Đạo, mà là Bản Tuyên Ngôn chánh thức của một số tín đồ Cao Đài, khai báo cho nhà cầm quyền Pháp lúc bấy giờ biết: một số người đứng ra thành lập một nền Tân Tôn Giáo với một Tân Giáo lý, sẽ truyền bá trong nước VN và cho toàn nhơn loại trên thế giới.

Ông Gustave Meillon, Giám Đốc Viện Pháp Việt, có viết: Le 7 Octobre 1926, le Gouverneur de la Cochinchine recoit la Déclaration Officielle de la fondation du Caodaisme. Prudent il se contente d'en prendre acte, sans toute fois s'engager formellement à le reconnaïtre.

(Ngày 7-10-1926, Thống Đốc Nam Kỳ nhận được Bản Tuyên Ngôn chánh thức về sự thành lập Đạo Cao Đài. Ông khôn khéo tiếp nhận văn kiện, tuy nhiên không cam kết công nhận chánh thức mối Đạo.)

Ngày 23-8-Bính Dần là ngày Đại Hội đầu tiên của các tín đồ Cao Đài để soạn thảo Bản Tuyên Ngôn Khai Đạo, tại nhà ông Nguyễn Văn Tường, Sài Gòn. Đây là một ngày lịch sử quan trọng của Đạo Cao Đài.

Cho nên, hằng năm, khi đến ngày 23 tháng 8 âm lịch, bổn đạo làm Lễ Kỷ Niệm ngày Lập Tờ Khai Đạo. Khi ông Nguyễn Văn Tường còn sinh tiền thì Lễ nầy tổ chức tại nhà của ông. Sau khi ông Tường qui vị, lễ nầy được tổ chức tại Thánh Thất Cầu Kho, nhà của ông Đốc học Đoàn Văn Bản.

Khi xây dựng Thánh Thất Nam Thành thay thế Thánh Thất Cầu Kho, thì cuộc Lễ Kỷ Niệm lập Tờ Khai Đạo tổ chức tại Thánh Thất Nam Thành, đia chỉ ngày nay là: 124 -126 đường Nguyễn Cư Trinh, Quận I, Sài Gòn.

Ngày 23-8-Mậu Thìn (1928), tức là đúng 2 năm sau ngày Lập Tờ Khai Đạo, Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt tổ chức Lễ Kỷ Niệm tại nhà ông Nguyễn Văn Tường.

Trong dịp nầy, Ngài Thượng Trung Nhựt đọc một bài Thuyết đạo nhắc lại gốc tích ngày Lễ Kỷ Niệm nầy, như sau:

Chư Đạo hữu rất yêu dấu,

Chư Đạo tỷ, chư Đạo muội.

Tôi rất hữu hạnh vì ngày nay được thay mặt trong ĐĐTKPĐ đặng thố lộ ít lời nhắc tích ngày Kỷ Niệm hôm nay.

Máy Âm Dương chuyển vận, cơ Tạo Hóa vần xoay, ngày tháng như thoi đưa, ngảnh lại ngày Đấng Chí Tôn hiệp chúng ta nơi đây đặng lo LẬP TỜ KHAI ĐẠO tới nay là 2 năm chẵn. Tôi xin nhắc lại cho chư Hiền hữu, chư Hiền muội lãm tường:

Đấng Chí Tôn có dạy:

Bàn Cổ sơ khai, nhơn sanh ư Dần, cho nên ngày Đấng Chí Tôn mở Đạo là ngày mùng 1 Tết năm Bính Dần. Ngày ấy, Thầy sắp đặt 12 người lo khai ĐĐTKPĐ, mỗi người lãnh phận sự lo đi truyền bá.

Bước qua tháng 8 năm Bính Dần, gần lúc Trung Thu trăng thanh gió mát, tôi cùng hai em: Cư, Tắc, cầu nguyện cùng Đấng Từ Bi xin phép đến bữa Nguyệt đán cho phép sắm lễ cúng Diêu Trì Cung và cầu Cửu Thiên Huyền Nữ Nương Nương và Chín vị Tiên Nữ hầu bà xin dạy Đạo.

Đấng Chí Tôn rộng lượng cho cầu Diêu Trì Cung bữa rằm Trung Thu. Khi cầu cơ thì Đấng Chí Tôn giáng, kêu tôi, dạy phải cho môn đệ của Thầy, tối 23 tháng 8, tựu tại nhà Đạo hữu Tường đây.

Tôi không biết rõ Thánh ý, điều tôi vâng mạng cho chư Đạo hữu hay lời Thánh truyền, tới bữa 23 tháng 8 năm Bính Dần, là ngày 29 Septembre 1926, chư Đạo hữu tựu tại đây, rồi cầu Đấng Chí Tôn giáng dạy tôi phải biên tên hết các nam nữ lưỡng phái đặng đứng TỜ KHAI ĐẠO cho Chánh phủ. Khi ấy có mặt nơi đàn hết thảy là 240 vị Đạo hữu nam nữ.

Tôi có nạp tên mấy vị ấy tại Chánh phủ khi tôi dâng Tờ Khai Đạo, là ngày 7 Octobre 1926.

Khi ấy, tôi có bạch với Đấng Chí Tôn rằng, tôi không có giờ đủ mà đệ Tờ Khai Đạo cho ông Thái Lão Trần Đạo Quang ký tên.

Đấng Chí Tôn có phán dạy tôi cứ việc đem tên Trần Đạo Quang vô Tờ Khai Đạo. Đấng Chí Tôn có phán rằng: "Con cứ đem tên nó vô Tờ Khai Đạo, Đạo Quang không chối cãi đâu mà con phòng ngại."

Thiệt, từ ngày ấy, anh cả chúng ta là Trần Đạo Quang hết lòng sốt sắng vì Đạo nên Đấng Chí Tôn phong cho chức Chưởng Pháp trong ĐĐTKPĐ.

Ấy là sự tích ngày Kỷ Niệm hôm nay.

Nhìn mặt nhau đây thì chúng ta thấy chúng ta phản lão hoàn đồng, chúng ta trẻ lại hai tuổi, vì chúng ta trở lại thấy việc hai năm trước.

Vậy là ngày vui, ngày quí báu của chúng ta.

Biết vui biết quí báu chừng nào thì phải biết cái ân huệ của Đấng Chí Tôn ban thưởng cho chúng ta chừng nấy. Muốn đền ơn quí trọng ấy, phải làm sao? Phải hết lòng vì Đạo, hết lòng tín ngưỡng Đấng Chí Tôn và chư Phật, chư Tiên, vì háo sanh, vì cuộc tuần hoàn mà gieo mối Đạo Trời TKPĐ, ngõ hầu độ rỗi sanh linh khỏi hết trả vay nơi trầm luân khổ hải nầy. . . .

(Trích Tiểu sử Đức Q. Giáo Tông, trang 33, do Hội Thánh in 1973)

Vấn đề đặt tên 2 ngày Lễ Kỷ Niệm: 23 tháng 8 và 15 tháng 10:

1. Một số vị đặt tên ngày 23-8-Bính Dần là ngày KHAI TỊCH ĐẠO. Từ ngữ Tịch Đạo dùng ở đây có nghĩa là Bộ sổ ghi chép tên họ những người theo Đạo. Nhưng đối với Đạo Cao Đài chúng ta, từ ngữ Tịch Đạo mà Đức Chí Tôn ban cho trong bài Thánh Ngôn ngày 1-7-Bính Dần có một ý nghĩa đặc biệt hơn, nó là Thánh danh của Chức sắc trong một đời Giáo Tông, qua đời Giáo Tông khác thì Tịch Đạo cũng thay đổi theo. Như đời Giáo Tông thứ 1, Tịch Đạo của Chức sắc là Thanh Hương, Thánh danh Chức sắc nam phái lấy chữ Thanh và Chức sắc nữ phái lấy chữ Hương.

Chúng ta thấy danh sách của 28 vị đứng dưới Tờ Khai Đạo, hay 247 vị trong danh sách kèm theo đều biên thế danh và chức vụ ở ngoài Đời, không ai biên Thánh danh cả, mặc dầu lúc đó, chư Chức sắc đã có Thánh danh rồi.

Cho nên chúng tôi xin đề nghị không gọi ngày đó là ngày Khai Tịch Đạo, mà gọi chánh danh là ngày LẬP TỜ KHAI ĐẠO.

2. Ngày 15-10-Bính Dần là ngày Hội Thánh làm Đại Lễ Khai Đạo tại Chùa Gò Kén, tức là ngày mà Đạo Cao Đài chánh thức ra mắt quốc dân đồng bào và các dân tộc trên thế giới.

Đây là một ngày rất trọng đại, vì nó mở ra một kỷ nguyên mới là kỷ nguyên ĐĐTKPĐ.

Chúng ta không nên gọi ngày nầy là ngày Khai Minh Đại Đạo mà nên gọi chánh danh là ngày ĐẠI LỄ KHAI ĐẠO.

Mỗi năm, khi đến ngày 23 tháng 8 âm lịch, Nam Thành Thánh Thất tại Sài Gòn, tiếp nối các bậc tiền bối làm Lễ Kỷ Niệm ngày Lập Tờ Khai Đạo; và khi đến ngày 15 tháng 10 âm lịch, tại Tòa Thánh Tây Ninh đều có tổ chức Lễ Kỷ Niệm Đại Lễ Khai Đạo.

 

Đại Lễ Khai Đạo

A: Great Festival of the Advent of Caodaism.

P: Grande Fête de l'Avènement du Caodaïsme.

Ngày tổ chức Đại Lễ Khai Đạo được Đức Chí Tôn ấn định là ngày rằm Hạ nguơn năm Bính Dần (15-10-Bính Dần), tại Thánh Thất tạm đặt tại chùa Gò Kén, Tây Ninh.

Đức Chí Tôn ra lịnh cho các Chức sắc tạm ngưng công cuộc truyền Đạo ở Lục tỉnh, để về chung lo cho ngày Đại Lễ, để Đạo Cao Đài chánh thức ra mắt trước các cấp Chánh quyền thuộc địa Pháp, ra mắt quốc dân và các dân tộc trên thế giới.

Chúng ta đọc bài Thánh Ngôn sau đây trích trong TNHT:

Ngày thứ bảy 12-8-Bính Dần (dl 18-9-1926).

NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ viết
Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát
Giáo Đạo Nam Phương.

"Các con! Thầy đã lập thành Thánh Thất, nơi ấy là nhà chung của các con, biết à!

Thầy lại qui Tam giáo lập Tân Luật, trong rằm tháng 10 có Đại Hội cả Tam giáo nơi Thánh Thất. Các con hay à!

Sự tế tự sửa theo Tam Kỳ Phổ Độ, cũng nơi ấy mà xuất hiện ra, rõ à!

Thầy nhập ba Chi làm một là chủ ý qui tụ các con trong Đạo Thầy lại một nhà, Thầy làm Cha chưởng quản, hiểu à!

Từ đây trong nước Nam duy có một đạo chơn thật là Đạo Thầy đã đến lập cho các con, gọi là Quốc Đạo, hiểu à!

Thầy buộc các con phải hiệp chung trí mà lo vào đó, nghe à! Từ đây các con sẽ cực nhọc hơn, vì Thầy phân phát phậnsự cho mỗi đứa, vì chẳng vậy, các con sanh nạnh nhau, tựa hồ chia phe phân phái là điều đại tội trước mắt Thầy, nghe à!

Các con phải ngưng mọi việc mà chung lo trong Đại Hội."

Ngày Đại Lễ Khai Đạo là một sự kiện vô cùng quan trọng trong lịch sử tiến hóa của nhơn loại trên quả Địa cầu nầy, vì nó báo cho nhơn loại biết một thời kỳ tiến hóa mới bắt đầu.

* Cho nên, ngày Khai ĐĐTKPĐ đã được Thiên Thơ tiền định, đó là ngày rằm Hạ nguơn năm Bính Dần.

- Tại sao ngày Khai Đạo phải là rằm Hạ Nguơn mà không là một ngày nào khác? Bởi vì Đạo Cao Đài mở ra để cứu độ nhơn sanh thời Hạ Nguơn mạt kiếp.

- Tại sao phải là năm Bính Dần mà không là một năm nào khác? Bởi vì khởi đầu một Nguơn là năm Giáp Tý tức là năm Khai Nguơn (2 chữ Giáp và Tý là khởi đầu của Thập Thiên Can và Thập nhị Địa chi), kế đó là Ất Sửu, rồi Bính Dần, tương hợp với câu: Thiên khai ư Tý, Địa tịch ư Sửu, Nhơn sanh ư Dần. Khai Đạo là để phổ độ nhơn sanh nên phải khai vào năm Bính Dần, sau năm Khai Nguơn.

Thánh Ngôn của Đức Chí Tôn đã có nói:

Ký thành một cuốn gọi Thiên Thơ,

Khai Đạo muôn năm trước định giờ.

* Việc lựa chọn nước VN, một nước nhỏ nhoi trong vạn quốc, để Đức Chí Tôn khai Đạo, rồi từ đó, nền Đại Đạo truyền bá ra khắp hoàn cầu, cũng đã được chư Tiên, Phật nơi Ngọc Hư Cung quyết định từ trước.

Thánh Ngôn của Đức Chí Tôn có dạy rõ:

"Vì TKPĐ, Thiên Địa hoằng khai, nơi Tây phương Cực Lạc và Ngọc Hư Cung mật chiếu đã truyền siêu rỗi chúng sanh. Trong Phật Tông Nguyên Lý đã cho hiểu trước đến buổi hôm nay rồi, tại tăng đồ không kiếm chơn lý mà hiểu." (TNHT)

"Vốn Thầy tạo lập nền Chánh giáo cho dân Nam Việt chẳng phải là việc nhỏ đâu. Các con ví biết Đạo là quí thì phải ân cần thận trọng, đợi đến ngày thành tựu, các con mới thấy rõ Thiên cơ thì chừng ấy các con muốn lập công bằng buổi nầy sao đặng? vì mỗi việc khó khăn trắc trở là lúc sơ khai." (TNHT)

"Thầy có hội chư Tiên, Phật lại mà thương nghị về sự lập Đạo tại Đại Nam Việt quốc." (TNHT)

"Thầy vì đức háo sanh, nên chẳng kể bực Chí Tôn cầm quyền thế giới, đến lập Đại Đạo Tam Kỳ trong lúc Hạ Nguơn nầy mà vớt sanh linh khỏi vòng khổ hải." (TNHT)

"ĐĐTKPĐ chiếu theo luật Thiên đình, Hội Tam Giáo, mở rộng mối Đạo Trời, ấy cốt để dìu dắt nhơn sanh bước lên con đường Cực Lạc, tránh khỏi đọa luân hồi." (TNHT)

"Thầy đã lập Đạo nơi cõi Nam nầy là cốt để ban thưởng một nước từ thử đến giờ hằng bị lắm cơn thạnh nộ của Thầy, Thầy lại tha thứ, lại còn đến ban thưởng một cách vinh diệu. Từ tạo Thiên lập Địa, chưa nước nào dưới quả Địa cầu 68 nầy đặng vậy." (TNHT)

Trong Đại Lễ Khai Đạo ngày 15-10-Bính Dần, Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt thay mặt Hội Thánh mời đủ các quan chức cao cấp của nhà cầm quyền Pháp tại Nam Kỳ, các Chủ nhiệm và ký giả các báo chí ở Sài Gòn, đông đảo nhân sĩ trí thức, đến tham dự Đại Lễ Khai Đạo tổ chức rất long trọng tại Thánh Thất tạm là chùa Gò Kén Tây Ninh.

Tại Thánh Thất, Hội Thánh được Đức Chí Tôn dạy bảo, sắp đặt, phân trách nhiệm, nên tổ chức tiếp đãi các quan khách rất ân cần và nồng hậu. Bổn đạo và chư thiện nam tín nữ từ khắp các nơi trong nước đổ dồn về dự lễ rất đông, ngoài sức tưởng tượng của chánh quyền Đời.

Đặc biệt trong ngày Đại Lễ nầy, Hội Thánh không thâu nhận tiền bạc hỷ cúng của nhơn sanh, chỉ thâu nhận những cúng phẩm như trái cây, bông, trà, nhang đèn.

Đại Lễ Khai Đạo đã gây được một tiếng vang rất lớn đối với toàn cả Nam Kỳ, đối với nước Pháp và đối với quốc tế nữa. Nhiều tờ báo ở Sài Gòn, chữ Việt và chữ Pháp, đều có bài tường thuật tỉ mỉ Đại Lễ Khai Đạo, với nhiều hình ảnh kèm theo, rồi báo chí bên nước Pháp cũng đăng tiếp theo, gây được sự chú ý trên trường quốc tế.

Tuy Đại Lễ Khai Đạo tổ chức trong 3 ngày đã chấm dứt, nhưng thiện nam tín nữ từ khắp các tỉnh vẫn tiếp tục kéo về Thánh Thất Gò Kén nhập môn và lễ bái không ngớt, đồng thời, người Cao Miên từ tỉnh Soài Riêng cũng lũ lượt đi xuống nhập môn và làm công quả, kéo dài ngót 3 tháng như vậy.

HT Nguyễn Văn Hồng (Cao Đài Tự Điển)

TLHS: Thiêng Liêng Hằng Sống.

ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.