Lễ kỷ niệm Đức Thượng Sanh
(HT. Phạm Văn Khảm)




Hôm nay ngày 26 tháng 3 âm lịch là ngày Lễ Kỷ Niệm Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang. Nhân dịp nầy, chúng ta tìm hiểu Ngài là ai, và Ngài giữ vai trò trọng yếu như thế nào trong nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ?

Ông Cao Hoài Sang sanh ngày 11 tháng 9 năm 1901 tại Thái Bình Tây Ninh, lúc nhỏ học trường Chasseloup Laubat và tốt nghiệp bằng Thành Chung. Ra trường Ông giúp việc ở Sở Thương Chánh Sài Gòn. Thời bấy giờ, Ông có tiếng là một công chức đúng mực thanh liêm và là một chí sĩ thương dân yêu nước. Ngoài ra Ông còn là một nhạc sĩ cổ nhạc lừng danh tại Sài gòn và nhờ đó, Ông đã góp nhiều công lao cho nền nhạc lễ của Đạo Cao Đài.

Đức Hộ Pháp cho biết nguơn linh của Đức Thượng Sanh là Đại Tiên Lữ Đồng Tân, một trong Bát Tiên, giáng trần cùng Đức Cao Thượng Phẩm, hiệp với Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc để làm tướng soái cho Đức Chí Tôn khai đạo.

Theo Pháp Chánh Truyền : Trong các kiếp hữu sanh, duy có phẩm người là cao hơn hết nên gọi là Thượng Sanh. Lập Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nầy, Thầy đem các Chơn linh dầu nguyên sanh, quỉ sanh hay hóa sanh lên phẩm vị nhơn loại mới trọn câu phổ độ. Chơn linh các nguyên nhân bị đọa trần, quỉ nhân chuộc tội hay hóa nhân thăng cấp đều nhờ Thượng Sanh độ rỗi nên Thượng Sanh làm chủ của Thế Đạo, nắm luật nơi tay mà dìu dắt cả chúng sanh vào cửa Đạo. Ai làm ngăn cản bước đường tu của thế gian thì Thượng Sanh có quyền kiện cùng Tòa Thánh. Chư Chức Sắc phạm luật làm cho chúng sanh phải xa lánh đạo, thì người có quyền xin trị tội .

Nói tóm lại, Thượng Sanh là cây cờ của thế, tức là đời, Ấy vậy đời nơi nào thì Thượng Sanh nơi đó.

Thượng Sanh đối quyền Chưởng Pháp bên Cửu Trùng Đài. Dưới quyền của Thượng Sanh có 4 vị Thời Quân là : Tiếp Thế, Khai Thế, Hiến Thế và Bảo Thế.

Sau ngày khai đạo tại Từ Lâm Tự ( Gò Kén ) Tây Ninh, Đức Cao Thượng Sanh trở về Sài gòn, chỉ lên xuống Tây Ninh để cùng Đức Hộ Pháp, Đức Thượng Phẩm lo việc đạo. Ngài chưa hoàn toàn phế đời hành đạo như Đức Cao Thượng Phẩm.

Mãi đến năm 1956, vì biến cuộc Đức Hộ Pháp phải sang Campuchia, con thuyền Đạo giữa lúc khó khăn, không người lèo lái nên Hội Thánh yêu cầu Đức Cao Thượng Sanh về Tòa Thánh cầm giềng mối Đạo do Vi Bằng ngày 9/4/1957.

Kể từ đấy, Đức Ngài trở về Tòa Thánh Tây Ninh và phế đời hành đạo. Trong giai đoạn nầy, phải nói con thuyền đạo đang lao vào một vùng biển lắm đá ngầm, nhưng với một người trầm tĩnh, đức độ trong sáng nên Ngài đã lèo lái con thuyền Đạo chẳng những đã vượt qua cơn nguy hiểm mà còn làm sáng danh thêm cho Đạo.

Kể từ ngày phế đời hành đạo cho đến ngày qui thiên, tính ra là 14 năm thiếu 20 ngày, Đức Thượng Sanh ngoài sự ổn định đối nội cũng như đối ngoại, Ngài còn để tâm rất nhiều việc phát triển các Cơ Sở đạo như xây cất nhà Hội Vạn Linh, làm vòng rào và các cửa nội ô Tòa Thánh, xây Văn Phòng Cơ Quan Phát Thanh Phổ Thông Giáo Lý, Văn Phòng Ban Thế Đạo, Bắc Tông Đạo, Đường Nhơn, Tần Nhơn, Đầu Sư Đường, Đại Đạo Thanh Niên Hội Trung Ương, Bộ Nhạc, cửa Chánh Môn và mở Đại Lộ Chánh Môn. Ngoài ra Ngài còn đôn đốc kiến thiết dãy lầu trường Đạo Đức Học Đường, Trung Học Lê văn Trung và tiến hành xây Viện Đại Học Cao Đài.

Đức Thượng Sanh qui thiên lúc 17 giờ ngày 26 tháng 3 năm Tân Hợi ( 1971 ) và ngay ngày hôm sau lúc 20 giờ 20 phút Đức Thượng Sanh giáng cơ, xin trích đoạn như sau:“ Bần Đạo lấy làm vui sướng được thoát nơi trần lụy. Cái kiếp phù sanh của con người chỉ có giải thoát được là quí hơn hết.” Ngoài ra, trong đàn cơ nầy Đức Thượng Sanh cũng bày tỏ ý chí dấn thân phục vụ đạo lúc còn tại thế qua hai câu đầu bài thài của Ngài:

Từ lúc đưa tay nắm Đạo quyền,
Nguyện đem thi thố tấm trung kiên.

Đó quả là tấm gương sáng cho mỗi chúng ta tự soi mình và nguyện cũng dấn thân như thế nào để xứng đáng là một tín đồ Cao Đài nhất là trong giai đoạn tại hải ngoại.

Cầu xin Đức Ngài độ trì cho tất cả chúng ta.

Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát

Hiền Tài Phạm văn Khảm