RẰM THÁNG BẢY                                                                                       (Năm 2015)

    * * *

Thưa Quí Huynh Tỷ Đệ Muội,

Hôm nay là Rằm tháng Bảy âm lịch.

Rằm tháng Bảy được gọi là Rằm Trung Nguơn.

Trong một năm có 3 ngày rằm lớn :

          - Rằm Thượng Nguơn :     15  tháng giêng âm lịch.

          - Rằm  Trung  Nguơn :      15  tháng  bảy âm  lịch.

          - Rằm   Hạ Nguơn :          15  tháng  mười âm lịch.

Rằm tháng Bảy là ngày Đại Lễ Trung Nguơn, ngày đặc biệt mà NGỌC HƯ CUNG đại ân xá các đẳng linh hồn, ngày mà Đức Chí Tôn dành riêng cho việc cầu nguyện cho các đẳng linh hồn chưa được cứu rỗi. Đồng thời cũng là ngày cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được bình an với trăm năm tuổi hạc. Nếu cha mẹ đã qua đời thì cầu nguyện cho Cha Mẹ và Cửu Huyền Thất Tổ sớm được cao thăng thiên vị.

Theo Phật Giáo, ngày Rằm Trung Nguơn là thuộc Mùa Báo Hiếu, nơi các chùa làm lễ Vu Lan, Phật tử đến chùa để  xin chư tăng ni chú nguyện giải thoát cha mẹ đã chết, được khỏi khổ hình nơi Âm Phủ và được siêu thăng lên miền tịnh độ, dựa theo sự tích Mục Liên Thanh Đề.

Sự Tích Mục Liên Thanh Đề được kể như sau :

Ngài Mục Kiều Liên, đệ tử của Đức Phật Thích Ca, tu hành chứng  quả A-La-Hán, mẹ là bà Thanh Đề đang bị đọa làm ngạ quỉ nơi Âm Phủ. Ngài Mục Kiều Liên đến bạch với Đức Phật Thích Ca, cầu xin Đức Phật dạy cho cách cứu độ thân mẫu.

Đức Phật Thích Ca dạy rằng :

Thanh Đề do lòng tham lam độc ác, tạo ra tội lỗi nặng nề, trải qua nhiều kiếp, nay bị đọa vào ác đạo làm loài ngạ quỉ, nên không thể một mình Mục Kiều Liên cứu độ được, mà phải nhờ oai thần của chúng tăng nơi mười phương đức lớn mới cứu độ được Thanh Đề. Đức Phật dạy Ngài Mục Kiều Liên: Ngày Rằm Tháng Bảy là ngày tự tứ của chư tăng trong 10 phương, sau 3 tháng an cư kiết hạ, tinh tấn tu hành, công đức tăng thêm nhiều. Vậy Mục Kiều Liên nên chọn ngày ấy làm lễ Vu Lan Bồn để báo hiếu cho cha mẹ, và cầu xin cho mẹ được giải thoát khỏi nơi ác đạo. Ngài Mục Kiều Liên vâng theo lời Phật dạy, nhờ đó mà thân mẫu của Ngài được thoát khỏi kiếp ngạ quỉ, và được siêu thăng về cõi giới lành.

Từ đó về sau, mỗi năm đến ngày Rằm tháng Bảy, các hàng Phật Tử có hiếu đều tham gia lễ Vu Lan để cầu phước cho ông bà cha mẹ quá vãng và hiện tiền.

Sự tích nầy được xãy ra trong thời Nhị Kỳ Phổ Độ.   

GHI CHÚ:  

*- Tự tứ : là tùy ý, tức tự mình khai tội ra trước Giáo Hội mà sám hối. Ngày tự tứ được Giáo Hội Phật Giáo qui định là ngày Rằm tháng Bảy.

*- An cư kiết hạ : ở yên kiết lại với nhau trong mùa hạ mà lo tu học. Thời gian an cư kiết hạ gồm 3 tháng, từ Rằm tháng Tư đếm Rằm tháng Bảy.

*- Vu Lan : phiên âm tiếng Phạn, có nghĩa là giải cứu cái nạn treo ngược (theo Bộ Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn), lần lần về sau có nghĩa : đền đáp công ơn sanh thành dưỡng dục của cha me, đồng thời cũng là mùa xá tội vong nhân.

Trong Đại Ân Xá Kỳ Ba, Đức Chí Tôn ban cho nhơn loại đặc ân là : Công Quả Hành Đạo của Người Tín Đồ Cao Đài cứu độ  được Cha Mẹ và Cửu Huyền Thất Tổ. Trong thời Nhị Kỳ Phổ Độ thì nhơn loại chưa được hưởng ân huệ nầy.

Trong Đạo Cao Đài, có nhiều gương cứu độ Ông Bà Cha Mẹ nhờ công quả hành đạo.

Bát Nương Diêu Trì Cung cho biết : Nhờ công quả hành Đạo của Đức Quyền Giáo Tông mà song thân của Ngài được siêu thăng nơi Cực Lạc.

Đức Chí Tôn cho biết :

-Thứ Nhứt : Công quả hành đạo của Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu cứu được Cửu Huyền Thất Tổ và Cha Mẹ của Bà,

-Thứ nhì : Nhờ công quả Hành Đạo của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu mà Thân Mẫu của Ngài được thăng cấp vào Đông Đại Bộ Châu, ngoài ra còn được Đức Chí Tôn cho phép giáng cơ để thông báo cho Ngài Bảo Pháp biết.    

 Thưa Quí Huynh Tỷ Đệ Muội,

Giúp cha mẹ lúc khó khăn, con cái còn phải tùy thuộc hồn cảnh.

Giàu thì mọi việc sẽ dễ dàng, ngược lại nghèo thì coi như bất lực. Đó là việc nơi trần gian. Nhưng về phương diện tâm linh cũng không khác gì. Thật vậy, khi cha mẹ đã qua đời, đối với con cái lập được nhiều công quả, tạo nhiều phúc đức (Nghĩa là giàu về âm đức) thì việc cầu nguyện sẽ sớm được viên mãn. Ngược lại, nếu con cái kém công quả và phúc đức (Nghĩa là nghèo về âm đức) thì khó mà cứu độ được cha mẹ.

Trong bài Kinh Tụng khi Cha Mẹ qui liễu có hai câu :

          Thong dong cõi thọ nương hồn,

          Chờ con lập đức giúp huờn ngôi xưa.

Với những chữ CHỜ và GIÚP có nghĩa là con cái chưa đủ công đức, chưa có sẵn nên chưa giúp gì được. Để khỏi phải CHỜ, thiết tưởng phận làm con cần suy nghĩ và sẵn sàng dấn thân lập cơng, bồi đức trước lo cho chính mình có được một đời sống Đạo Đức, sau có đủ năng lực để cầu nguyện cho cha mẹ siêu thoát khi  qua đời.

Thật vậy, trong đàn cơ ngày 1 tháng 10 năm 1926, Đức Chí Tôn tiết lộ cho Bà Hương Hiếu (lúc chưa thọ phẩm Nữ Đầu Sư ) biết rõ rằng:

“Bao nhiêu của thế gian, con đã đổ đặng cầu siêu rỗi cho Mẹ con, mà chẳng đặng. Duy nhờ từ ngày con biết thờ phượng Thầy, mà Mẹ con đã vào Bạch Thiên Cung Án, con đâu thấy điều ấy cho đặng. Tự nơi con, bởi công quả của con mà Cửu Huyền Thất Tổ con đặng rỗi.” (Trích từ Thánh Ngôn Sưu Tập của HT.Nguyễn Văn Hồng).

Qua các dẫn chứng nêu trên, chúng mình khơng còn ngờ vực cái công tu tập và phổ độ chúng sanh đủ là hành trang hữu ích trên con đường giải thoát cho chính bản thân mình mà còn cho cả Cửu Huyền Thất Tổ nữa.

Chính vì vậy, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc cũng đã từng khuyến nhủ :

 “ Bần Đạo nói thật, thời buổi nầy, chúng ta không tìm phương giải thoát cho Cửu Huyền Thất Tổ thì không còn buổi nào khác độ rỗi Cửu Huyền Thất Tổ của mình đặng.”

 *Trong Bộ Đạo Sử Nhựt Ký, tác giả Hiền tài Nguyễn Văn Hồng (quyển I, trang 138) Đức Chí Tôn có cho biết :

“ Hễ tu thì cứu đặng Cửu Huyền Thất Tổ”.

*- Trong bài Kinh Tụng Cha Mẹ Đã Qui Liễu, Tiên Nương Đoàn Thị Điểm cho biết là con cháu có thể xin tội cho cha mẹ qua hai câu kinh sau đây :

          Sấp mình cúi lạy Từ Bi,

          Tiền khiên phụ mẫu Tam Kỳ xá ân.

Để kết luận, xin nói tóm lại: Trong Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn mở Đại Ân Xá Kỳ Ba, Đức Ngài ban cho nhơn loại đặc ân là : Công quả Hành Đạo của Người Tín Đồ Cao Đài cứu độ được Cha Mẹ và Cửu Huyền Thất Tổ. Trong thời Nhị Kỳ Phổ Độ thì nhơn loại chưa được hưởng ân huệ nầy.

Vậy người Tín Đồ Cao Đài hãy cố gắng lập công bồi đức để giải thoát cho chính bản thân mình, cho Cha Mẹ và Cửu Huyền Thất Tổ.

(HT. Nguyễn Trung Đạo biên soạn)