Pháp Tu Một Đời Giải Thoát
Lời dạy Đức Chí Tôn: “. . .Nếu biết ngộ kiếp, một đời tu đủ trở
về cùng Thầy”.
Là môn đệ Cao Đài ,
sanh ra nhằm buổi Đạo mới khai, chúng ta hưởng đầy đủ ân huệ Thiêng Liêng của
thời kỳ Đại Ân Xá. Tuy vậy chúng ta phải biết lo tu như thế nào để được về cùng
Thầy, nghĩa là đoạt cơ giải thoát khỏi kiếp sanh tử luân hồi nội trong kiếp
sanh nầy mới là điều quý nhứt, bởi vì nếu còn luân hồi lại nữa biết kiếp tới có
còn được may duyên gặp Đạo hay không? Mà nếu không gặp Đạo để tu hành thì lại gây
ra nhiều nghiệp chướng tội tình và phải đọa trầm luân đời đời kiếp kiếp , mà bị
đọa có nghĩa là phải chịu khổ não muôn vàn , nghĩ nên quá khiếp sợ.
Khi Đức Thượng Sanh vừa
qui thiên , Ngài về cơ và có dạy:
“Bần
Ðạo lấy làm vui sướng được thoát nơi trần lụy. Cái kiếp phù sanh của con người
chỉ có giải thoát được là quí hơn hết. . .”
Ngài là bậc Chơn Tiên
giáng thế, khi làm xong sứ mạng trở về bái mạng Ngọc Hư Cung là điều dễ hiểu, còn chúng
ta là kẻ phàm phu phải lo tu như thế nào để được giải thoát, chớ nếu chúng ta cứ
tu tà tà, tu hưỡn đải, trong chớp mắt đã thấy gần mãn kiếp rồi mà con đường giải
thoát vẫn còn mờ mịt thì trông chi về đến cảnh an nhàn tự tại khi nhắm mắt xuôi
tay. Các Đấng dầu muốn đưa tay cứu độ , nhưng ta phải tỏ ra rằng cả kiếp sanh
ta có cố gắng lo tu, nếu không các Đấng cũng không cách gì bồng ẳm ta lên được.
Theo Thánh giáo Đức Chí
Tôn dạy muốn trở về cùng Thầy tức về đến Bạch Ngọc Kinh, chúng ta phải đi qua
các thế giới và các từng trời như sau:
“Các con đã sanh ra tại thế
nầy, ở tại thế nầy, chịu khổ não tại thế nầy, rồi chết cũng tại thế nầy. Thầy
hỏi: Các con chết rồi các con ra thể nào?
Các con đi đâu?
Chẳng một đứa hiểu đặng cơ
mầu nhiệm ấy. Thầy dạy: Cả kiếp luân hồi thay đổi từ trong nơi vật -chất mà ra
thảo mộc, từ thảo mộc đến thú-cầm, loài người phải chịu chuyển kiếp ngàn ngàn,
muôn muôn lần, mới đến Ðịa-vị nhơn-phẩm. Nhơn phẩm trên thế nầy lại còn chia ra
phẩm giá mỗi hạng. Ðứng bậc Ðế-Vương nơi trái địa-cầu nầy, chưa đặng vào bực
chót của Ðịa-cầu 67. Trong Ðịa-cầu 67, nhơn loại cũng phân ra đẳng cấp dường
ấy. Cái quý trọng cuả mỗi địa-cầu càng tăng thêm hoài, cho tới Ðệ-nhứt-cầu,
Tam-Thiên-Thế-Giái; qua khỏi Tam-Thiên-Thế-Giái mới đến Tứ-Ðại-Bộ-Châu, qua
Tứ-Ðại-Bộ-Châu mới vào đặng Tam-Thập-Lục-Thiên; vào Tam-Thập-Lục-Thiên rồi phải
chuyển kiếp tu-hành nữa, mới đặng lên đến Bạch-Ngọc-Kinh, là nơi Ðạo Phật gọi
là Niết-Bàn đó vậy”. . .
“Vậy Thầy lại dặn các con:
nếu kẻ không tu, làm đủ phận người, công-bình, chánh-trực, khi hồn xuất ra khỏi
xác thì cứ theo đẳng cấp gần trên mà luân hồi lại nữa thì biết chừng nào đặng
hội-hiệp cùng Thầy? Nên Thầy cho một
quyền rộng rãi cho cả nhơn-loại Càn-Khôn Thế- Giái, nếu biết ngộ kiếp một đời
tu, đủ trở về cùng Thầy đặng; mà... hại thay!... mắt Thầy chưa đặng hữu
hạnh hoan lạc, thấy đặng kẻ ấy”. (TNHT, trg 61)
Đọc qua đoạn Thánh
giáo trên, chúng ta thấy con đường về cùng Thầy còn dài dằng dặc, tuy nhiên ở đoạn
cuối Đức Chí Tôn có hé mở ra cho chúng ta một tia hy vọng qua câu:
“. . . Thầy cho một quyền rộng rãi cho cả nhơn-loại Càn-Khôn
Thế- Giái, nếu biết ngộ kiếp một đời tu, đủ trở về cùng Thầy đặng. . .”
Như
vậy, Thầy cho biết có những con đường tắt mà chúng ta có thể về cùng Thầy trong
nội một đời tu mà thôi. Những con đường đó là đường nào ?
-Phải chăng đó là
con đường lập công quả: Đức Chí Tôn từng dạy rằng: “Người ở dưới thế nầy, muốn giàu có phải kiếm phương thế mà làm ra của.
Ấy là về phần xác thịt. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật muốn cho đắc đạo phải có
công quả. (TNHT, 5 Juillet 1926)
Lập
công quả là để ta trả những món nợ tiền khiên mà bao kiếp sanh còn chồng chất, đây
là điều kiện cần nhưng chưa phải đủ để giải thoát trong một kiếp sanh. Công quả
là để làm bậc phẩm trổi hơn lên mà thôi chớ chưa biết bao giờ mới đủ để giải
thoát. Trừ
phi những bậc đại căn tạo được công nghiệp phi thường, còn hạng phàm phu như đa
số chúng ta,
một kiếp sanh lo lập âm chất thật nhiều nhưng
chưa chắc sẽ được giải thoát. . . Chưa kể nếu chúng ta lập công quả với cái tâm
nguyện là để được hưởng phước giàu sang danh vọng trong kiếp tới thì lại càng bị
ràng buộc trong luân hồi sanh tử .
-Phải
chăng đó là con đường tịnh luyện để sớm đoạt cơ giải thoát ? Điều nầy lại càng
xa vời hơn nữa như lời Thánh giáo Đức Chí Tôn: “Trong các con có nhiều
đứa lầm tưởng hễ vào Đạo thì phải phế hết nhơn sự, nên chúng nó ngày đêm mơ
tưởng có một điều rất thấp thỏi là vào một chỗ u nhàn mà ẩn thân luyện Đạo.
Thầy nói cho các con biết: nếu công quả chưa đủ, nhân sự chưa xong, thì không
thế nào các con luyện thành đặng đâu mà mong. (TNHT,trg 81). Vả lại, ngày nay việc tịnh luyện chưa
có chơn sư dắt dẫn, ngoại trừ khi Đức Hộ Pháp còn sanh tiền. . .
Việc
đi tìm câu giải đáp cho vấn đề đặt ra thật không phải dễ, tuy nhiên cũng may mắn
thay trên dòng suy tư chúng ta bắt gặp những lời giảng giải thật khúc chiết của
Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa qua bài thuyết Đạo vơi tựa đề: CON NGƯỜI CÓ THỂ TRẢ HẾT NỢ
TRONG MỘT KIẾP SỐNG HAY KHÔNG ? Ở cuối bài
thuyết đạo, câu trả lời của Ngài Bảo Đạo là: Có thể. Mà hễ ta trả hết nợ thì ta
sẽ được giải thoát trong một kiếp sanh. . ..
Kế đó chúng ta cũng đọc được lời hứa của Đức Chí Tôn
khi Đức Hộ Pháp hỏi về cơ tận độ:
“Dầu cho có kẻ
nào phạm tội dẫy đầy mặt đất mà khi hấp-hối rồi chỉ kêu lấy danh ta thì cũng
đặng siêu-thoát”.
Nhưng trước
hết chúng ta hãy tìm hiểu về bài thuyết đạo của Ngài Bảo Đạo:
1.Con
người có thể trả hết nợ trong một kiếp sống hay không ?
Trước tiên Ngài Bảo Đạo chứng minh con người mang
nhiều món nợ dẫy đầy trên con đường tiến hoá từ vật chất hồn cho đến bực nhơn
phẩm:
“Chúng ta đã có dịp nói qua rồi về con đường
tiến-hóa của Vạn-Linh hay là con đường Thiêng-Liêng-Hằng-Sống tức là con đường
tiến-hóa từ vật-chất đến thảo-mộc, thú cầm mới lên phẩm người. Giai đoạn đó
phải đòi hỏi cả muôn năm, muôn kiếp trong mỗi phẩm.
Vì vậy, từ buổi mới được kết tạo nơi chốn bào
thai thì mọi đơn-vị nhơn-loại đã phải chịu ảnh-hưởng của nợ tiền-khiên là công
chuộc quả của các bậc tiến-hóa trước từ kim-thạch đổ lên đã phải chịu trong
vòng vận-chuyển của Bát-Hồn.
Hiểu vậy thì mỗi chúng ta khi mới tượng-hình
trong bào-thai đã có nợ rất nhiều rồi trong tiền-kiếp trên bước đường tiến-hóa
từ khi còn là kim-thạch đổ lên. Như vậy thì mỗi kiếp sanh đã sẵn nặng nợ của
Tạo-vật dẫy-đầy, mặc dầu là chưa làm chi nên tội.
Rồi một khi lọt lòng mẹ bước ra chào đời thì
lại còn thêm nặng nợ xã-hội nhơn-quần, bắt đầu là nợ sanh thành dưỡng-dục, mớm
cơm vú sữa, rồi đến nợ áo cơm ăn học, nợ tình-cảm trong gia-đình, cha mẹ, anh
em, thân tộc rồi đến bạn tác. Một khi đến lúc trưởng-thành thì lại thêm
quả-nghiệp tạo dựng gia-đình nên chồng nên vợ, nên nhà nên cửa, nhứt nhứt mỗi
nhu-cầu trong sự sanh sống hằng ngày đều là cơ hội để vay thêm nợ của xã-hội.
Đó là định-nghiệp của một kiếp. Lấy lý mà suy-nghiệm, thì cả một kiếp sanh, mỗi
đơn-vị con người đã phải chịu ơn tấn-hóa của hóa-nhơn, rồi lại chịu ơn
cấp-dưỡng của đồng loại. Hai cái ơn ấy muốn cả đơn-vị chơn-hồn con người phải
đi theo đà sanh-hóa, luân-chuyển mãi thôi ! Trong cơ vay trả biết bao giờ mới
hết?. . .”
Khi chúng ta lớn lên, chỉ nội cái ăn cái mặc, chúng ta cũng gánh
bao nhiêu là món nợ chồng chất:
“Bát cơm của chúng ta ăn hằng ngày để nuôi
sống thân phàm nầy là do ơn của bao nhiêu người đã phải khổ cực, dầm sương dãi
nắng để tạo ra, từ người nông phu luôn cả con súc vật đã cực khổ cày bừa, dọn
dẹp thửa đất cho sạch-sẽ để rồi gieo lúa lên mạ. Khi cây mạ đúng sức rồi, phải
nhờ bao nhiêu công để cấy. Khi cấy xong rồi còn phải chăm nom, săn-sóc, giữ cỏ,
giữ nước, giữ sâu bọ, chim chóc, đến lúc chín còn phải cắt, gặt, đập, giê xay,
giã .v.v...Ra hột gạo rồi còn phải vo nấu cho ra hột cơm mình ăn. Cái áo chúng
ta mặc , cũng do bao nhiêu công nợ mà chúng ta phải chịu, từ kéo ra sợi chỉ,
dệt lại thành bức cắt ra rồi may ráp lại cho ra kiểu vỡ một cái áo để ta mặc.
Đó là chưa kể những nợ mà ta phải chịu về những người tạo ra máy móc, hoặc tạo
ra cái kéo, cây kim .v.v...
Đấy là kể sơ hai thí-dụ cụ thể để nhận-thức
những món nợ vô cùng lớn lao và đầy-dẫy mà ta phải lo trả”.
Những món nợ vĩ đại nầy , ta phải lấy công mà trả công chớ không
dùng tiền mà trả được:
“Chúng ta cũng nên nhớ là nghiệp-quả ở
trong sự cấp-dưỡng của đồng loại về cái ăn, đồ mặc, chỗ ở, thì chẳng phải lấy
của mà trừ công cho đặng, mà là phải lấy thiện-ý của chơn-chánh để phục-sự, hầu
cứu an nhơn khổ, tức là ta phải lấy công mà trả công chớ không phải thế ỷ có
tiền rồi lấy tiền làm trọng và xem công quả của đồng-loại là rẻ. Đó là Đạo
vậy”.
Lấy
lý mà suy, món nợ vĩ đại này nếu ta trả công lại một cách sòng phẳng thì khó mà
đền đáp hết được, nhưng quyền Thiêng Liêng cho ta trả hết nợ nếu ta đem hết tâm thành hy-sinh trọn vẹn mãnh thân
phàm để phụng sự cho nhơn-loại, hay cho những kẻ chung quanh mình mà không có
một điểm gì nhỏ mọn để nghĩ đến mình :
“Nếu lấy theo lý đó mà suy ra, thì mối nợ
xã-hội này chúng ta trả biết bao giờ mới hết, và như thế thì phải chịu
luân-chuyển cùng đà sanh-hóa mãi hay sao?
Không đâu! Nếu chúng ta biết luật tiến-hóa của
vạn-linh đã định là hy-sinh về kiếp sống của mọi xác-thân nơi mặt thế này. Mọi
xác-thân nơi mặt thế nầy phải là vật hy-sinh trên đường thế sự.
Thêm nữa trong cửa Đạo, chúng ta vẫn biết rằng
Đức Chí-Tôn và các Đấng Thiêng-Liêng chú-trọng nơi tâm thành, và chỉ lấy Tâm là
quí. Vì thế, nếu chúng ta biết, thì cả món nợ hay nói cách khác, cả công ơn của
xã-hội chúng ta có thể trả trong một kiếp mà quyền Thiêng-Liêng Vô-Hình vẫn
chấp-nhận cho ta, nếu ta đem hết tâm thành hy-sinh trọn vẹn mãnh thân phàm để
phục-vụ cho nhơn-loại, hay cho những kẻ chung quanh mình mà không có một điểm
gì nhỏ mọn để nghĩ đến mình, tức là phải sống một đời hoàn-toàn vị tha không
còn một điểm gì nhỏ nhít vị-kỷ, mặc dầu kết quả về mặt hữu-hình không xứng đáng
là bao, nhưng tấm lòng chơn-thành quyết chí trọn vẹn hy-sinh đã bao trùm hết,
và nếu quả quyết làm đúng theo vậy, thì quyền Thiêng-Liêng sẽ cho TRỪ HẾT NỢ
TRONG MỘT KIẾP !
Và để chứng minh cho lời giải
thích nầy, Ngài Bảo Đạo nêu lên sự tích Ông Phật Dám đã hy sinh trọn vẹn, không
màng đến cả mạng sống mình để phụng sự cho Đạo pháp:
“Từ xưa đến nay ta chỉ thấy có một tấm
gương để ấn chứng lẽ này trong cửa Phật Giáo mà ít người đuợc hiểu rõ ý nghĩa.
Đó là vị Phật thường gọi à Ông Dám, được các chùa Phật để thờ nơi Hậu-Đường.
Sự tích sơ lược như sau: Ông là một người dốt
nát thật-thà, xin ở chùa làm công quả, lãnh phận sự nấu nước cúng Phật, và cho
mọi người dùng. Mặc dầu hết sức tận tụy với nhiệm vụ, nhưng những người ở trong
chùa, nhất là mấy chú Tiểu ngỗ nghịch rầy la, mắng nhiếc hiếp đáp đủ điều mà
ông vẫn vui vẻ âm thầm quên mình tận tụy với nhiệm vụ, không một lời oán trách
hay than-thở.
Thường bữa đến tối là Ông lo vùi một cục than
lửa, để khuya Ông thổi lên nhen-nhúm có lửa nấu nước cho Ông Sư công-phu cúng
Phật, vì thưở ấy không có diêm quẹt.
Một hôm có kẻ ác tâm lén tưới nước tắt mấy cục
than lửa. Đến khuya Ông thức dậy dụm lửa, thì khổ thay không biết lấy lửa đâu
mà nhen nhúm. Buổi ấy là nhà ở thưa thớt. Muốn đến xóm trên xin lửa phải qua
một khu rừng có đầy ác thú, nhưng vì nhiệm vụ Ông không kể thân sống, quyết đi
xin cho có lửa đem về nấu nước cúng Phật cho kịp giờ, nên một mình trong đêm
tối Ông băng mình đi đại.
Khi đến giữa rừng, gặp một con cọp đòi ăn thịt
Ông, thì Ông van lạy để Ông đi xin đặng lửa về nấu nước cúng Phật cho kịp giờ,
rồi Ông sẽ trở ra nạp thịt. Cọp bằng lòng, nên Ông đi xin đặng chút lửa than về
nhen nhúm lên nấu nước cho kịp giờ cho Ông Sư cúng Phật .
Khi ấy, Ông quyết giữ lời hứa, nên lén một
mình trở ra rừng nạp thịt cho cọp. Hại thay, Ông lại gặp cọp già nói với Ông là
răng cọp không còn cứng bén, mà xương Ông lại cứng, ăn không nổi, nên yêu cầu
Ông leo lên cây cao buông tay rớt xuống cho dập xương thịt, cọp mới ăn đặng.
Ông cũng bằng lòng hy-sinh trọn vẹn leo lên ngọn cây thiệt cao buông tay cho
rơi xuống đất.
Theo tích kể lại, lúc Ông buông tay rớt xuống,
thì Ông được Phật rướt luôn và cọp già kia cũng là do Phật hóa hình để thử lòng
Ông. Chuyện kể nghe có vẽ thần thoại, nhưng ý nghĩa là nêu lên một gương hy
sinh trọn vẹn với một tinh thần vị tha bất vụ lợi, thì được quyền thiêng liêng
chứng cho quả Phật-vị, tức là Ông đã trả hết nợ trong một kiếp. Người ta đặt
tên Ông là Ông Dám, vì Ông dám làm một việc mà chưa có ai dám làm.
Trong sự hy sinh thì quyền Thiêng-Liêng chỉ
chứng cho TÂM THÀNH CHƠN CHÁNH không vụ danh, mà cũng không vụ-lợi. Nếu sự
hy-sinh đó càng ầm thầm kín đáo chừng nào thì giá-trị tinh thần lại càng cao
chừng ấy, chớ quyền thiêng liêng không kể sự hy-sinh ấy kết quả to lớn hay nhỏ
mọn.
Nếu sự hy-sinh có tính cách rầm rộ, quảng cáo,
kích động quần chúng với mục đích vì hữu danh thì sự hy-sinh ấy chẳng có giá
trị gì hết với quyền Thiêng-Liêng .
Vậy ai muốn hết nợ, hay đắc quả trong một kiếp
thì chỉ có phải dám hy sinh trọn vẹn quên mình âm thầm phục vụ cho mọi người là
đặng”.
Chúng ta cám ơn Ngài Bảo Đạo đã vạch cho nhơn sanh một con đường
tắt để có thể trở về cùng Thầy trong một kiếp sanh. Chúng ta có thể kể thêm những
tấm gương dám hy sinh trọn vẹn cuộc đời phụng sự nhơn loại như Đức Mẹ Têrêsa ở Ấn
Độ suốt đời lo cho nguời nghèo khổ. Một truyện khác về một vị linh mục tình
nguyện vào phục vụ trong một trại cùi, sau cùng ông cũng bị bịnh cùi mà qua đời.
Ta cũng có thể kể về những vị Thánh Tử Đạo, dám hy sinh mạng sống chớ không hề
chối Đạo. . .
2. Pháp Môn Niệm Danh Thầy.
Lời Hứa của Đức Chí Tôn.
Trong quyển Lời Phê Đức Hộ Pháp, có
đoạn:
“Đức
Chí-Tôn là Đại-Từ-Phụ, khi đến độ Bần-Đạo. Bần-Đạo có hỏi về phương tận-độ các
vong linh nhân-loại thì có nói quả quyết như vầy: Dầu cho có kẻ nào phạm tội dẫy đầy mặt đất mà khi hấp-hối rồi chỉ
kêu lấy danh ta thì cũng đặng siêu-thoát”.
Chúng ta cần suy ngẫm lời dạy trên của Đại Từ Phụ.
Các chữ “phạm tội dẫy đầy mặt đất” có nghĩa là người đó phạm những tội lỗi
thật nặng và thật nhiều mà theo nhà Phật là phải bị đọa vào ba đường ác là địa
ngục, ngạ quỷ và súc sanh hay vào địa ngục vô gián đời đời kiếp kiếp. . .Còn nói
theo đạo Cao Đài phải bị những hình phạt như tận đọa tam đồ bất năng thoát tục
hay chơn thần bị Ngũ lôi tru diệt. . . Đó là những hình phạt thật khủng khiếp, nhưng theo
lời dạy của Đức Chí Tôn thì những người đó khi đến giờ phút lâm chung, hấp hối
mà kêu được danh Thầy, có nghĩa là niệm được câu Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ
Tát Ma Ha Tát thì Thầy sẽ cứu độ về cõi an nhàn siêu thoát. . .
Mới nghe qua chúng ta tưởng điều nầy đâu có gì khó,
nhưng thực tế những người gây nhiều nghiệp chướng trong kiếp sanh khi đến lúc
ra đi phải bị hôn mê, đau đớn qua nhiều ngày tháng rồi mới chết. . .Như thế những
người nầy không thế gì còn tĩnh táo để niệm được danh Thầy lúc lâm chung.
Đây là lời dạy vô cùng quan trọng của Đức Chí Tôn,
có liên quan đến cơ Tận độ trong Đạo Cao Đài, vì vậy trong quyển Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống, Đức Hộ
Pháp thuyết đêm 12 tháng 2 năm Kỷ Sửu (1949) có đoạn giảng về ý nghĩa của việc
niệm danh Thầy như sau:
“Hỏi thử
tội tình của chúng ta đã làm trong kiếp
sanh, Đức Chí Tôn để trong phương pháp nói rằng: tội tình các con đầy dẫy nơi mặt
địa cầu nầy mà đến giờ chót các con biết kêu danh Thầy thì Thầy đến cứu, Thầy
đem bí pháp giải thoát để trong tay các con đặng các con đoạt chơn pháp giải
thoát đó vậy. Kêu danh Thầy là: Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Chúng
ta đã ngó thấy Bần Đạo đã thuyết minh rằng:
khi ngươn linh của chúng ta đã hiện tượng của nó, thì nó đồng tánh với càn khôn
vũ trụ, đồng tánh với Chí Linh là đoạt Đạo.
Càn khôn
vũ trụ là nơi sản xuất Đấng ấy mà Đấng ấy đồng tánh với nhau tức nhiên Đấng ấy
có quyền tự giải thoát cho mình, vì cớ cho nên kêu danh Đức Chí Tôn thì đoạt cơ
giải thoát dầu tội tình bao nhiêu chúng ta
đã tạo thành nơi mặt địa cầu nầy, dầu có đầy dẫy đi nữa mà giờ chót
chúng ta biết kêu danh Đức Chí Tôn, tức
nhiên biết kêu ngươn linh của chúng ta, tức nhiên chúng ta chối cái quyền làm tòa buổi chung qui của
chúng ta. Hễ ta chối cái quyền làm tòa thì còn ai xử ta đâu.
Đấng Chí
Linh duy chủ mà để quả kiếp trong tay Đấng Chí Linh thì còn ai xử ta đâu, cơ
quan giải thoát đoạt pháp là vậy đó”.
Lời Nguyện của Đức Phật
A Di Đà.
Từ lời dạy của Đức Chí Tôn, chúng ta cũng liên tưởng đến lời nguyện
thứ 18 của Đức Phật A Di Đà trong kinh Vô Lượng Thọ:
“Giả sử khi tôi thành Phật,
chúng sanh ở mười phương chí tâm tin ưa muốn sanh về nước tôi nhẫn đến mười niệm,
nếu không được sanh thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác, trừ kẻ tạo tội ngũ nghịch
cùng hủy báng chánh Pháp.”
Lời nguyện nầy có ý nghĩa
là: những người muốn sanh về nước của Phật
A Di Đà là cõi Cực Lạc Thế Giới, thì khi lâm chung chỉ cần niệm được 10 niệm
danh hiệu: Nam Mô A Di Đà Phật thì sẽ được về nước Phật, trừ kẻ phạm tội ngũ
nghịch cùng hủy báng chánh pháp.
Ngoài ra trong kinh A Di
Đà , Đức Phật Thích Ca cũng có dạy: Nếu người nào niệm Phật một đến bảy ngày nhất
tâm bất loạn, lúc lâm chung sẽ được Phật A Di Đà và thánh chúng tiếp độ về cõi
Tây Phương Cực Lạc.
So ra lời hứa của Đức Chí Tôn còn dễ dàng hơn của Phật A Di Đà vì Đức
Chí Tôn không kể bất cứ tội gì cũng đều được vãng sanh và chỉ cần thành tâm niệm
danh Thầy một niệm cũng đủ chớ không cần đến mười niệm. . .
Căn Bản của Pháp môn
Tịnh Độ.
Nhìn
vào lời nguyện của Đức Phật A Di Dà hay lời hứa của Đức Chí Tôn tuy đơn giản nhưng
rất khó thực hiện, vì khi lâm chung ít có người nào còn bình tĩnh để niệm được
nếu hàng ngày không có sự tu tập. Vì vậy nên Đức Phật Thích Ca mới giảng giải
các phương pháp niệm Phật hằng ngày để khi lâm chung được vãng sanh, các phương
pháp nầy tựu trung qua các bộ kinh căn bản : Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh A Di Đà,
Kinh Quán Vô Lượng Thọ. Về sau người ta lấy các kinh nầy làm căn bản để tu tập
cho pháp môn gọi là Tịnh Độ Tông .Theo pháp môn nầy căn bản nhứt khi niệm Phật
gồm 3 món tư lương là Tín, Nguyện và Hạnh.
Tín
là tin mình có Phật tánh, mình có khả năng thành Phật. Tin sâu tiếng niệm Phật
là hạt giống, là cái nhân để thành Phật. Tin Phật A Di Đà sẽ độ dẫn về cõi Tây
phương Cực Lạc.
Nguyện
là hàng ngày phát nguyện thiết tha tận đáy lòng cầu sanh về Tịnh Độ và chán cảnh
ta bà nầy.
Hạnh
là chuyên cần trì niệm hằng ngày danh hiệu A Di Đà Phật không gián đoạn.
Theo
ngài Ngẫu Ich đại sư : “Được vãng sanh
hay chăng toàn là do có tín nguyện hay không, phẩm vị cao hay thấp toàn là do
trì danh sâu hay cạn”. Tóm tắt qua câu tin
sâu, nguyện thiết, hành chuyên. Hoặc niệm Phật cần phải : không hoài nghi, không xen tạp, không gián
đoạn.
Và
còn phải giữ các hạnh nguyện như:
Hiếu dưỡng phụ mẫu
: nuôi dưỡng, kính trọng, làm cho cha mẹ vui lòng.
Phụng
sự sư trưởng: phụng sự bậc thầy dạy đạo. Còn nói
theo Đạo Cao Đài tuân theo lời dạy của Hội Thánh.
Từ
tâm bất sát: ăn chay trường, không sát hại sanh vật
dầu là con vật nhỏ nhít như kiến. .
Hành
thập thiện nghiệp: gồm:
Không sát sanh
Không trộm cắp
Không tà dâm
Không nói dối
Không nói hai lời
Không nói ác
Không nói thêu dệt
Không tham lam
Không sân hận
Không si mê (nhận
thức không đúng chơn lý)
Phát bồ đề tâm: nguyện
tu thành Phật để độ chúng sanh.
.
. . . . . . . . . . . . . .
Nghiệp chướng sanh ra từ thân, khẩu, ý.
Chúng ta biết rằng sỡ dĩ con người mắc
vào vòng sanh tử luân hồi là do ba nghiệp: Thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.
Các giới luật như : Ngũ giới cấm, Tứ đại điều qui mà người môn đệ Cao Đài phải
gìn giữ là để khỏi gây nên các ác nghiệp nầy. Tuy nhiên, thân nghiệp và khẩu
nghiệp xem ra còn dễ giữ, riêng ý nghiệp thì khó mà giữ được vì mỗi phút giây có
hàng trăm ý tưởng thiện ác, chạy qua trí não chúng ta. Các tư tưởng nầy đều tồn
tại trong A Lại Da thức mà trở thành nghiệp ta phải trả sau nầy.
Chúng ta suy ngẫm câu chuyện trong sách
Phật như sau:
Một
hôm có một người tuổi cũng khá già rồi, ông đã chán cõi đời giả tạm, khổ đau muốn
đến tịnh xá của Phật xin xuất gia tu hành. Nhằm lúc đó Đức Phật đi vắng, ông
vào tịnh xá ra mắt các vị A La hán, đệ tử của Phật. Các vị nầy dùng huệ nhãn quán
xét xem cụ già nầy có cơ duyên với Phật pháp không, bởi vì có câu Phật chỉ độ
người hữu duyên với Phật mà thôi. Sau khi quán xét, các vị nầy thấy ông cụ cả mấy
trăm kiếp không có làm được một việc gì hữu ích cho Phật pháp nên từ chối không
nhận ông qui y. Ông cụ vô cùng buồn khổ bèn ra đứng ngoài cửa tịnh xá nét mặt
âu sầu. Kịp đến khi Phật về gặp ông mới hỏi tự sự, ông trình bày đầu đuôi câu
chuyện, Phật sau khi quán xét liền nhận lời cho ông xuất gia. Các vị đệ tử Phật
sau đó mới thưa chuyện quán xét của mình với Phật thì Phật mới bảo với họ rằng:
Các ông mới đạt A La Hán chỉ quán xét đến mấy trăm kiếp mà thôi, nhưng xa xưa hơn
nữa có một kiếp ông già nầy làm một thợ săn. Một hôm vào rừng săn thú thì có một
con cọp tấn công ông; trong lúc hoảng hốt ông trèo lên cây và có kêu lên: Phật ơi cứu con. Nhờ tâm thành của ông lúc đó
mà ngày nay cái quả chín rồi nên ta nhận ông. Và sau đó ông già tu cũng đắc
thành quả vị. . .
Chúng
ta thấy chỉ một niệm thiện nghĩ đến Phật phát sinh trong khoảnh khắc mà sau nhiều
đời kiếp đã sinh ra quả lành to lớn đưa đến giải thoát, huống hồ khi ta niệm Phật
ngày này qua ngày khác.
Muốn
thực hành pháp môn niệm Phật hay pháp môn niệm danh Đức Thượng Đế, trước tiên
ta phải tin tưởng nguyên tắc kể trên : tạp niệm trong tâm ta vốn là hạt giống của
sanh tử luân hồi.
Nguyên lý tiêu nghiệp
chướng.
Nghiệp
chướng vốn xuất phát từ thân, khẩu và ý , vậy muốn dứt sự sanh tử luân hồi ta
phải làm thế nào để tiêu trừ nghiệp chướng cũ
và đừng gây thêm nghiệp mới nữa. Khi ta niệm danh Phật và trong tâm chỉ
nghĩ đến Phật thì ta tạo được cái nhân sẽ thành Phật. Vậy khi ta niệm danh Chí
Tôn và trong lòng tâm nguyện sẽ về cùng Thầy là ta đã tạo được cái nhân giải
thoát.
Và
chính khi ta niệm danh Phật hay niệm danh Thầy một cách thành khẩn, không xen tạp
niệm nào khác thì cũng là lúc tiêu trừ được những nghiệp chướng, trọng tội
trong quá khứ, giống như ta có một ly nước bẩn, bây giờ ta rót nước sạch vào
ly, nước sẽ tràn ra ngoài và đến một lúc nào đó ly nước sẽ hoàn toàn sạch. Nguyên
lý là ở chỗ đó.
Ấn
Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục có câu: “Chỉ
chí thành niệm tự nhiên nghiệp chướng tiêu mà phước huệ thảy đều tăng trưởng”.
. .(trang 36)
Đới Nghiệp Vãng Sanh.
Đới
nghiệp vãng sanh có nghĩa là mang theo nghiệp mà vãng sanh. Những người tu tập
theo Tịnh độ, có đủ tín, nguyện khi lâm chung niệm Phật được một đến mười niệm
thì Phật A Di Đà đến rước về Tây phương Cực Lạc Thế Giới. Cõi nầy chia ra làm
chín phẩm :
Thuợng phẩm Thượng sanh, Thượng phẩm
Trung sanh, Thượng phẩm Hạ sanh.
Trung phẩm Thượng sanh, Trung phẩm
Trung sanh, Trung phẩm Hạ sanh.
Hạ phẩm Thượng sanh, Hạ phẩm Trung
sanh, Hạ phẩm Hạ sanh.
Tùy
theo nghiệp lực của chúng sanh còn nhiều hay ít mà sanh vào phẩm nào. Về đến đây
không có nghĩa là thành Phật hay Bồ Tát liền mà phải chuyển kiếp xuống trần để
trả nghiệp và lập công thêm từ một đến mười hai kiếp , rồi mới đắc vị Phật là
hoàn toàn giải thoát.
Về đến Cực Lạc Thế Giới , theo như Đức Hộ Pháp
thuyết giảng thì ta hưởng ở cõi này từ 1200 năm, hay 2400 năm, hay 3600 năm, rồi đầu kiếp xuống trần lập công
tiếp cho đến khi đắc thành quả vị.
Vế
đến cõi nầy không còn cảnh khổ não mà chỉ hưởng khoái lạc, không phải lo ăn mặc
ở, chỉ lo tu hành, nghe chư Phật, Bồ Tát thuyết pháp, do đó nghiệp quả cũng sẽ
tiêu trừ bớt. Và đặc biệt về đến đây thì được bất thoái chuyển nghĩa là tăng tiến lên cao hơn mà thôi chớ không bị
đọa trần theo dòng luân hồi sanh tử nữa. Cho nên về đến Cực Lạc Thế Giới coi như
ta đã được giải thoát. . .Cho nên, trong Đạo Cao Đài chúng ta cũng cầu nguyện
cho người qui vị được siêu thăng Tịnh độ là vậy. . .
Trong
Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục (trg 7) có đoạn nói về đới nghiệp vãng sanh như
sau:
“Nên biết rằng, chúng ta từ vô thỉ
đến nay đã tạo ác nghiệp vô lượng vô biên. Kinh Hoa Nghiêm dạy: Giả sử ác nghiệp có thể tướng thì mười phương
hư không chẳng thể chứa đựng nổi. Lẽ đâu tu trì lơ mơ, hời hợt lại tiêu nổi
được nghiệp ư ? Bởi vậy Thích Ca, Di Đà giáo chủ hai cõi đau đáu nghĩ đến chúng
sanh không sức đoạn hoặc, riêng mở ra một pháp môn nương vào từ lực của Phật để
đới nghiệp vãng sanh. Lòng hoằng từ
đại bi ấy dù Trời Đất, cha mẹ cũng chẳng thể bằng được một phần hằng hà sa”. .
.
“Công đức, lợi ích của pháp môn đây
vượt trổi hơn các giáo pháp khác trong cả một đời giáo hóa của Đức Phật. Bởi lẽ
các giáo pháp khác toàn dạy dùng tự lực để thoát ly sanh tử. Kẻ chưa đoạn hoặc
nương vào từ lực của Phật liền có thể đới
nghiệp vãng sanh. Kẻ đã đoạn hoặc nếu nương theo từ lực của Phật sẽ chóng
chứng được phẩm vị cao”. (trg 8)
Phương Pháp Niệm Phật theo Tịnh Tông.
Theo Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục, cách niệm Phật như
sau:
“Về chánh hạnh niệm Phật
nên tùy sức mỗi người mà lập, chẳng thể chấp chặt một bề. Nếu thân mình không
bận việc, cố nhiên nên từ sáng đến tối, từ đêm đến sáng, đi, đứng, nằm, ngồi,
nói năng, im lặng, động, tịnh, ăn cơm, mặc áo, đại tiện, tiểu tiện, trong hết
thảy thời, hết thảy chỗ, giữ sao cho một câu hồng danh thánh hiệu chẳng rời
tâm, miệng! Nếu rửa ráy, súc miệng thanh tịnh, áo mũ chỉnh tề và nơi chốn thanh
tịnh thì niệm Phật ra tiếng hoặc niệm thầm đều được cả.
Còn lúc ngủ nghỉ, lúc thân
hình hở hang, tắm gội, đại tiểu tiện, cũng như khi đến chỗ dơ bẩn chẳng sạch,
chỉ nên thầm niệm, đừng niệm ra tiếng. Thầm niệm cũng có cùng một công đức [với
niệm ra tiếng]. Niệm ra tiếng chẳng cung kính. Chớ bảo ở những chỗ ấy chẳng thể
niệm Phật. Phải biết là ở những nơi ấy, chẳng được niệm ra tiếng mà thôi. Hơn
nữa, lúc nằm ngủ nếu niệm ra tiếng chẳng những không cung kính lại còn bị tổn
khí. Chẳng thể không biết điều này!” (trg 26)
Thể
thức tụng kinh và niệm như sau:
“Dù là
niệm Phật lâu ngày chẳng hề gián đoạn, nhưng mỗi sáng chiều nên hướng về Phật lễ
bái. Lễ xong, trước hết, niệm một biến kinh A Di Đà, ba biến chú Vãng Sanh; đoạn
niệm tám câu kệ tán Phật: “A Di Đà Phật thân kim sắc...” Niệm kệ xong, niệm
“nam mô Tây Phương Cực Lạc thế giới đại từ đại bi A Di Đà Phật”. Tiếp đó, niệm
sáu chữ “nam mô A Di Đà Phật” một ngàn lần hoặc năm trăm lần, nên vừa nhiễu Phật
vừa niệm. Nếu chẳng tiện nhiễu Phật thì quỳ, hoặc ngồi, hoặc đứng niệm đều được
cả”.(trg 26)
Đối với người công việc
bề bộn, không có thời giờ thì niệm 2 khoá sang và tối :
“Nếu như
công việc bộn bề, không lúc rảnh rỗi, thì sáng tối sau khi rửa ráy, súc miệng
xong, nếu có tượng Phật thì nên lễ Phật ba lạy, đứng ngay, niệm nam mô A Di Đà
Phật. Hết một hơi là một niệm. Niệm đến mười hơi liền niệm Tiểu Tịnh Độ Văn, hoặc
chỉ niệm bốn câu kệ “nguyện sanh Tây Phương Tịnh Độ trung...”. Niệm xong, lễ Phật
ba lạy, lui ra”.
Niệm Phật phải nhiếp
tâm, chớ không thể suy nghĩ lung tung:
“Nếu niệm
Phật tâm khó quy nhất thì nên nhiếp tâm niệm khẩn thiết, tâm sẽ tự có thể quy
nhất. Tâm chẳng chí thành, muốn nhiếp tâm cũng chẳng được. Nếu đã chí thành,
nhưng vẫn chưa thuần nhất thì hãy nên lắng tai nghe kỹ; chẳng luận là niệm ra
tiếng hay niệm thầm, mỗi niệm đều phải từ tâm khởi, tiếng từ miệng thoát ra, âm
thanh lọt vào tai (khi niệm thầm, miệng chẳng động, nhưng trong ấy vẫn có thanh
tướng). Tâm và miệng niệm được rõ ràng, tách bạch; tai nghe cho rõ ràng, phân
minh. Nhiếp tâm như thế vọng niệm sẽ tự dứt”.
Nếu tâm vẫn còn vọng động
thì nên áp dụng phương pháp Thập Niệm Ký Số như sau:
“Pháp Thập
Niệm Ký Số : Trong khi niệm Phật, từ một câu đến mười câu phải niệm
cho phân minh, nhớ số phân minh. Niệm hết mười câu lại niệm từ một câu đến mười
câu, chẳng được niệm hai mươi, ba mươi câu. Niệm câu nào nhớ câu nấy, chẳng được
lần chuỗi, chỉ dựa vào tâm để nhớ. Nếu thấy khó nhớ cả mười câu thì chia ra làm
hai hơi: từ câu thứ nhất đến câu thứ năm và từ câu thứ sáu đến câu thứ mười. Nếu
vẫn chưa được, hãy niệm thành ba hơi: từ câu thứ nhất đến câu thứ ba, từ câu thứ
tư đến câu thứ sáu, và từ câu thứ bảy đến câu thứ mười. Niệm cho rõ ràng, nhớ
cho phân minh, nghe cho rành rẽ, vọng niệm không chỗ chen chân, lâu ngày sẽ tự
được Nhất Tâm Bất Loạn”.
Phương Pháp Trì Niệm
Danh Thầy theo Tịnh Độ Tông.
Về kỹ thuật niệm giống y như cách niệm Phật: Đi đứng nằm ngồi đều niệm, lớn
tiếng hoặc niệm thầm hay nhép môi đều được. . .và tùy theo hoàn cảnh . Niệm từ
sáng đến tối, nghỉ ngơi hay làm việc, bất cứ lúc nào có thể.
Về Thể thức niệm:
-Nếu nhà có Thiên bàn, mỗi ngày nên cúng Tứ thời hay một, hai, ba
thời cũng được tùy hoàn cảnh. Đây là Bí pháp giải thoát theo lời dạy của Đức Hộ
Pháp. Phần cầu nguyện nên nguyện câu: Nguyện mãn báu thân nầy con sẽ về cùng Thầy,
hoặc về cõi Tây Phương Cực Lạc Thế Giới.
-Tụng Tứ thời xong tụng tiếp Di Lạc Chơn Kinh và Kinh Cứu Khổ, đây
là kinh Tận độ có tác dụng tiêu trừ nghiệp chướng.
-Trì niệm danh Thầy là : Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha
Tát suốt ngày lúc nào có thể.
-Phương pháp làm cho nhứt tâm cũng giống như cách niệm Phật: khi
niệm danh Thầy, tai lắng nghe tiếng niệm , hoặc đếm số từ một đến mười, rồi trở
lại một đến mười. . .
-Trong pháp môn niệm Phật có phần hồi hướng công đức về cõi Tây phương,
nhưng chúng ta trong phần cúng tứ thời cầu nguyện cũng đủ rồi. Nếu không có Thiên
bàn thì sau một hồi niệm thì thêm cầu nguyện về cùng Thầy hoặc về Tây Phương Cực
Lạc khi mãn báu thân nầy.
-Khi
làm công quả chớ nghĩ rằng mình làm để kiếp sau mình được hưởng giàu sang phú
quí, mà làm vì lòng thương người hay vì lợi ích cho chúng sanh mà làm, tức là làm
với tâm Bồ Tát đạo. . .
Phương Pháp Niệm Danh
Thầy theo phái Vô Vi Huyền Bí Phật Pháp.
Trong
quyển Thượng Đế Giảng Chơn Lý, Kim Thân Cha (là điển quang của Đức Thượng Đế) có
giảng về phương pháp niệm danh Đức Thượng Đế (cũng tức là niệm danh Thầy) như
sau:
-Ý nghĩa việc niệm
danh Cha:
Con niệm danh
Cha có ý nghĩa gì? Con niệm danh Cha tức là niệm chính
danh của linh hồn con đó. Vì con chính thật là gì?
Là một chiết hồn, một Tiểu Linh Quang của Thượng Đế xuống thế để đi học, để hiểu biết mọi bản chất của mình, rồi
trở về ngôi vị
cũ, khi linh quang con đã thật sự đủ sáng để hòa vào Đại Khối Linh Quang.Cho
nên, khi con niệm danh Cha, tức danh thật của con thì chơn thần con hay linh hồn
con cũng vậy, lúc ấy sẽ thức tỉnh. Con niệm danh Cha, tức là con niệm danh con,
con đảnh lễ con, con kích động, nhắc nhở con bừng dậy, sinh động, nắm lại quyền
Chủ Nhơn Ông điều khiển cái Tiểu Càn Khôn của con. Bấy lâu nay, con để con hôn
trầm trong mê muội, ngụp lặn trong tăm tối, con chẳng biết làm chủ, chẳng biết
điều hành chỉ huy cái Tiểu Vũ Trụ của con, khiến cho mọi trật tự bị đảo lộn, mọi
tổ chức bị rối loạn, vì con quá yếu ớt, vì con mãi mơ màng trong giấc cô miên,
như đã quên đi chính mình. Thế nên, khi niệm danh Cha là lúc con tưởng nhớ đến
con, lay gọi con thức dậy, sự kiện này sẽ kích thích Tiểu Linh Quang sinh động
lại, dần dần bừng tỉnh khỏi cơn mê trầm, để nắm lại quyền Chủ Nhơn Ông của nó.
Nhờ đó, Tiểu Hồn sẽ từ từ thức giác, biết nó là ai, từ đâu đến và phải về đâu?
Nó sẽ biết nó hơn dần dần, để càng lúc càng thức giác vai trò lãnh đạo của nó
trong cái Tiểu Càn Khôn mà nó phải cai quản, để nó lo điều động tổ chức lại những
trật tự đã bị hư hỏng vì sự mê ngủ của nó.
-So sánh việc niệm danh Cha và niệm A Di Đà.
Cho nên, niệm A Di Đà là đánh thức phần sáng suốt trong con. Niệm
danh Thượng Đế là đánh thức trực tiếp chính con vậy. Và khi con đã thức dậy, sinh động lại, có nghĩa là thể tính sáng suốt
trong con tự nhiên nó phải sinh động lại rồi, vì nó là một thành phần của con,
con ngủ thì nó ngủ, con thức thì tự nhiên nó thức. Do vậy, để con thấy rằng niệm
danh Thượng Đế tức là đã niệm A Di Đà trong đó rồi, khỏi có gì thắc mắc, sợ niệm
danh Cha, bỏ niệm A Di Đà không mở được lục thông. Mở luôn chớ con! Vì khi
chính con tỉnh dậy, phần sáng suốt trong con, dĩ nhiên sẽ sinh động lại, phát
triển dần, các luân xa trong con nhờ đó mà mở và phát triển.Con ơi, Thượng Đế
là càn khôn vũ trụ, niệm Thượng Đế là gồm cả càn khôn trong đó rồi. Mọi Phật,
Tiên, Thần, Thánh đều có trong đó, con chẳng sợ thiếu thứ gì, các con khỏi phải
lo vừa niệm Thượng Đế, vừa niệm cả Di Đà, Quán Âm v.v... Nhiều đứa, Cha thấy vừa
niệm danh Cha, vừa niệm Di Đà, vừa niệm danh nhiều vị Phật khác. Nghĩ rằng nhiều
vị như vậy “chắc ăn” hơn, nhiều vị
sẽ phò hộ cho mình tốt hơn! Nghĩ vậy, vì các con này chưa hiểu nguyên lý của Trời
Đất, chưa hiểu nó là ai, chưa biết bản chất Thượng Đế của nó. Nó chưa thấy được
sự vĩ đại của nó đến ngần nào. Nó không biết nó vốn dĩ là vị chúa tể cai quản cả càn khôn vũ trụ, Di Đà, Quán
Âm, Đại Thế Chí v.v... thật sự, đều có trong bản thể nó, là những thành phần của
nó, đều dưới quyền coi sóc quản trị của nó đó thôi! A Di Đà là phần sáng suốt tức
thể Trí của nó, Quán Âm là tính yêu thương tức thể Bi của nó, Đại Thế Chí là ý
lực tức thể Dũng của nó đó thôi.
Thế nào là chánh niệm ?
Các con, phần
đông không hiểu chơn lý nên chỉ cầu Chúa, niệm Phật, niệm Thượng Đế, trong tinh
thần ỷ lại vào sự cứu giúp, sự phò hộ, vì nghĩ rằng, các vị Phật, Chúa ấy ở đâu
đâu ngoài con, chớ không hiểu rằng các vị này đều vừa có ở ngoài Đại Vũ Trụ, vừa
có cả trong bản thể con nữa.
Đấy là những
thể tính của Thượng Đế mà cũng là của con, và Thượng Đế chính thật là con đó!
Chưa hiểu được điều này, mà chỉ cầu hoặc niệm để được sự phò hộ, sự cứu rỗi, đấy
là còn mê tín, là vọng cầu, vọng niệm mà thôi! Đa số các con niệm Di Đà để xin
Di Đà che chở, niệm Quán Âm để xin Quán Âm cứu nạn, giờ đây biết niệm danh Thượng
Đế thường là cũngxin Thượng Đế cứu độ con thoát qua tai ách v.v... ấy là những
vọng cầu, vọng niệm, vọng tưởng, vì con chưa hiểu con đó thôi! Vậy thế nào là
chánh niệm?
Khi con niệm
danh Thượng Đế, con phải hiểu con cũng đang niệm chính danh của con đó. Con vốn
dĩ là Thượng Đế phân hồn ra thành Tiểu Linh Quang xuống đây đi học, con là Chủ
Nhân Ông đang điều khiển cái Tiểu Thiên Địa của con, bản chất của con y như bản
chất của Đấng Tạo Hóa muôn loài và khi đọc danh hiệu này, tâm thức con hãy hòa
vào tâm thức của càn khôn, rung động cùng một nhịp với Đại Hồn Vũ Trụ. Đấy là con biết tưởng Thượng Đế như ý Thượng Đế muốn, và con cũng đã đặt con
ở đúng vị
trí của con. Niệm như vậy mới là biết niệm. Đấy là chánh niệm
mà cũng là chánh kiến, chánh tín, chánh định, chánh tư duy của Phật Giáo đó
con. Và Cha cho chúng con rõ, khi con biết chánh niệm, thì dù không cầu, không
vọng, sự phò hộ chở che cứu giúp, con lại được hộ giúp, che chở hữu hiệu hơn, đắc
lực hơn nữa. Tại sao? Lẽ dễ hiểu là vì kẻ vọng niệm phần trí tuệ chưa sáng bằng
kẻ chánh niệm. Linh hồn nó yếu đuối và kém tiến hóa hơn vì chỉ biết hướng tới
tha lực mà không biết tự lực, chỉ thấy sức mạnh bên ngoài mà không thấy sức mạnh
có sẵn trong chính nó để biết tận dụng sức mạnh đó. Cho nên, khi con niệm để cầu
được cứu giúp, điển của con không sáng bằng khi con biết chánh niệm. Vì nếu con
biết chánh niệm, khi ấy điển trong bản thể con sẽ hòa cảm với khối điển sáng suốt
của càn khôn. . .
Niệm danh Thượng
Đế thì chơn thần con rung động, Tiểu Linh Quang lóe sáng hòa với khối Đại Linh
Quang. Nhờ đó, đứa biết chánh niệm, sẽ tự bao quanh nó một khối lượng điển lành
nhiều hơn đứa vọng niệm. Khối điển tốt lành đó sẽ che chở, hóa giải bớt cho nó
điều khổ nạn do nghiệp lực khảo đảo nó, và nếu khối điển lành bao quanh, càng lớn
chừng nào thì nó được hưởng sự che chở, sự hóa giải điều khổ nạn nhiều hơn chừng
ấy, dù nó không cầu, không vọng sự cứu giúp phò hộ như kẻ vọng niệm. Ấy chính
vì nó đã biết tự cứu, tự phò hộ, tự che chở nhờ hiểu được và biết tận dụng sức
mạnh của chính nó có sẵn. Nhờ cái biết đó, mà nó đã tự bảo vệ nó hữu hiệu,
trong khi kẻ vọng niệm, do ít sáng hơn nên không được hưởng bằng.
Cách niệm danh Thượng Đế :
Các con nên
nhớ, khi niệm bất cứ điều gì, phải niệm trong tâm, niệm bằng tư tưởng, đừng niệm
trong miệng khiến hao khí điển. Con nên ngậm miệng lại, co lưỡi răng kề răng bế
kín khẩu. Động tác này sẽ giúp cho mạch Nhâm, mạch Đốc nơi đó được giao nhau và
điển trong người con, lúc ấy sẽ được chuyển động liên tục, mà không bị thất
thoát ra ngoài theo cửa khẩu do sự nối liền của hai mạch này. Nhờ vậy, mà điển
lực trong con được sung mãn hơn. Cho nên trong ngày, nếu không có điều hữu ích
hay cần thiết phải nói nên tịnh bớt khẩu, dành tâm trí niệm Cha để tâm đỡ tán
loạn, bế miệng lại càng nhiều càng tốt để đỡ mất điển. Con nên nhớ, lo nghĩ nhiều
thì thần tán, nói nhiều thì khí hao, dục nhiều thì tinh mất. Muốn đi vào thiên
đạo, lên đến chỗ sáng suốt an lạc, các con phải rán giữ tam bửu: Tinh, Khí, Thần,
lo vun bồi nó luôn luôn, để khỏi bị suy điển lực, khiến tiêu mòn dần sự sang suốt
trong con.(hết phần trích dẫn)
Cách niệm và sự hữu ích khi niệm Danh Thầy:
-Thể thức niệm cũng giống như trên: miệng ngậm, co lưỡi , răng kề răng,
niệm trong tâm: Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, đồng thời sau mỗi
câu niệm mình liền nghĩ điển quang mình hòa
nhập với khối Đại Hồn Vũ Trụ hay hợp
nhứt với khối Đại Linh Quang của Đức Chí Tôn Thượng Đế, và không xen tạp niệm nào
khác.
-Về hữu ích của pháp môn nầy như phần giải thích trên:
Khi điển quang ta hòa nhập hay bao phủ bởi khối điển quang của Đức
Chí Tôn sẽ hóa giải được nhiều khổ nạn do nghiệp lực mang đến. Tức là dù ta không
cầu nguyện, tự nhiên nghiệp lực cũng được hóa giải, tránh bớt được những khổ nạn
xảy đến cho ta.
Nếu ta niệm thường xuyên mỗi ngày, bất cứ lúc nào tâm trí không phải
làm việc ta đều niệm danh Thầy thì điểm linh quang hay chơn linh ta sẽ trở nên
sáng suốt sẽ dành lại quyền chủ nhơn ông chớ không còn bị sai khiến bởi thất tình
lục dục.
Khi cúng đàn nơi Tòa Thánh hay Thánh Thất, chúng ta được hưởng điển
lành chư Phật mang ra từ Bát Quái Đài bao trùm quanh ta để ta được hóa giải khổ
nạn và được ngày càng sáng suốt hơn lên. Vậy pháp môn niệm danh Thầy và quán tưởng
nầy cũng có cùng tác dụng, tại sao ta không thực hành.
Và hơn nữa khi nghiệp lực được hóa giải và tâm ta sáng suốt thì giờ
phút lâm chung ta còn tỉnh táo để niệm danh Thầy thì Thầy độ cho ta giải thoát
về cùng Thầy hay về cõi nào đó như Cực Lạc Thế Giới thì còn gì bằng.
Phải chăng đây là pháp tu mà Đức Chí Tôn đã dạy:
“. . .Thầy cho một quyền
rộng rãi cho cả nhân loại Càn khôn Thế giái, nếu biết ngộ kiếp một đời tu đủ trở
về cùng thầy đặng”.
Kết luận:
Chúng ta vừa luận qua vài pháp môn tu tập mà có thể được giải thoát
khỏi luân hồi sanh tử trong một kiếp sanh . Những pháp môn nầy đều chú trọng đến
cái tâm, như câu “vạn sự do tâm tạo” mà ta thường nghe. Cũng như lời Thánh giáo
Đức Phật Mẫu:
Gắng sức trau giồi một chữ Tâm,
Đạo đời muôn việc khỏi sai lầm. . .
Tâm ta hướng về điều thiện sẽ hưởng được quả thiện, tâm ta hướng về
giải thoát tức nhiên sẽ hưởng quả giải thoát. Hơn nữa, như pháp môn Tịnh độ hay
niệm danh Thầy rất dễ tu tập mà không sợ những sơ xuất có hại nào. Điều cần là
chúng ta có đức tin và nguyện lực mãnh liệt hay không. Khi giảng về pháp môn nầy
chính Đức Phật Thích Ca cũng có nhấn mạnh: đây là pháp môn khó tin, nan tín chi
pháp. Nhưng trải qua nhiều thế kỷ số người được vãng sanh có bằng chứng rất nhiều,
trong Tịnh tông của nhà Phật.
Và chính ngày nay Đức Chí Tôn đến cũng có lời hứa về sự kêu danh Thầy
trong lúc lâm chung không khác gì lời nguyện của Đức Phật A Di Đà. Chúng ta thầm
hiểu rằng pháp môn nầy vẫn còn hiệu lực trong thời Hạ ngươn tam chuyển nầy.
Và đặc biệt gần đây chính điển quang Đức Thượng Đế khai thị về phương
cách niệm danh Thượng Đế với lời giảng giải thật minh triết, mới lạ. Phải chăng
đây cũng là một pháp môn của thời buổi Tam Kỳ, Đức Thượng Đế dùng nhiều phuơng
tiện để tận độ chúng sanh cho kịp kỳ Long Hoa đại hội.
Chúng ta không dám coi thường việc lo lập công quả, hay việc phổ độ
chúng sanh , nhưng vừa lập công vừa tập thêm pháp môn này lại càng gia tốc
nhanh hơn để có thể đoạt được giải thoát trong một kiếp sanh . Nhất là những
người già yếu, bệnh hoạn không còn sức để lập công quả nữa lại càng nên chuyên
cần tập theo pháp môn này.
Chúng tôi cố gắng biên soạn một cách dễ hiễu, dễ thuyết phục mong sẽ
là món quà hữu ích cho chư Đồng Đạo, đặc biệt những người có tâm nguyện tu
hành thế nào để được một đời giải thoát..
HT Mai Văn Tìm
(12-2014)