Ý NGHĨA KHÓI NHANG VÀ LƯ HƯƠNG

Trong Bài Kinh Niệm Hương có đoạn:

Đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp,     
Lòng nương nhang khói tiếp truyền ra.
 MÙI HƯƠNG LƯ NGỌC bay xa,
 Kỉnh thành cầu nguyện Tiên gia chứng lòng.

Chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa của “Khói nhang” (mùi hương) và Lư hương (lư ngọc), biểu tượng cho cái gì trong việc tu hành?

Lư hương là một vật đặt trên Bàn thờ, dùng để đốt nhang rồi cắm vào đó. Có hai loại lư: Lư hương để đốt nhang, và Lư trầm để đốt trầm.

Còn nhang là một loại cúng phẩm được làm bằng tre, chuốt ra cọng nhỏ và xe vào một đoạn bột trộn hương thơm rồi phơi khô, dùng để đốt khi cúng kính Trời Phật hay Ông Bà.
Trong dân gian, người Trung Hoa, Việt Nam…v.v. tin tưởng Ông Bà hay Trời Phật thường đốt nhang khi tưởng niệm hay cúng kính các Đấng. Họ quan niệm rằng lòng cầu nguyện hay nói cách khác là nguyện lực sẽ hòa quyện cùng khói nhang bốc lên để được cảm ứng cùng Ông Bà và các Đấng.

Nhưng đối với người tu theo đạo Cao Đài, sự đốt năm cây hương mang một ý nghĩa sâu sắc hơn, đốt hương hàm ý đốt lên mùi thơm của pháp vô vi, có tác dụng đánh bạt các mùi ô uế, trược khí của tội chướng và ác nghiệp, vô minh đen dầy trong tâm thức ta. Hương này vừa tượng trưng cho “Ngũ khí”, vừa tượng trưng cho “Ngũ giới hương” còn gọi là ngũ phần pháp thân hương, nghĩa là năm sự thơm lành hợp lại tạo nên pháp thân. Vì thế hương nầy rất quý, biểu tượng cho “TÁNH”; còn chiếc Lư hương dùng để cắm nhang biểu tượng về “MẠNG” của con người

Nguyên con người được sinh ra ở cõi trần nầy thì thân là hình hài xác thịt, thuộc về “Mạng”, do thọ bẩm tinh cha huyết mẹ mà thành. Còn phần hồn tức là bổn tánh thiên lương, thuộc về “Tánh”, là do Đức Chí Tôn ban cho mỗi con người. Chính nhờ cái bổn tánh ấy mà con người có tánh linh hơn vật, có trí khôn ngoan, phân biệt điều lành điều dữ, lẽ thiện lẽ ác, việc phải việc quấy, biết lo buồn, biết nhơn nghĩa.

Khi con người chết đi thì hình hài xác thịt (mạng) dần dần tan rã đi, tức là trở lại lòng đất, nên mạng tượng trưng cho đất. Còn phần hồn tức là khí tinh anh hay tinh thần (tánh) thì trở về chỗ sáng rỡ của vũ trụ, nên tánh tượng trưng cho Trời. Thật đúng như lời bài

KinhTẩn Liệm” đã dạy:

          Hồn Trời hóa trở về Thiên cảnh,
          Xác Đất sanh đến lịnh phục hồi,

Và đúng với hai câu liễn trên thuyền Bát nhã đã viết:

          : ,
          Vạn sự viết vô: Nhục thể Thổ sinh hoàn tại Thổ,
          : ,
          Thiên niên tự hữu: linh hồn Thiên tứ phản hồi Thiên

Nghĩa là:

Muôn việc gọi không, thân xác Đất sanh thì trở về cho Đất,
Muôn năm tự có, Linh Hồn Trời ban cho thì trở về với Trời.

Chính vì thế khi đốt hương thì khói thơm nhẹ bay lên tỏa ra khắp cả mọi nơi thì làm trời (Trời là tánh), còn lư hương thì nặng, ở dưới dùng mà chở thì là Đất (Đất là mạng).

Vì vậy, khói nhang và lư hương chính là để tượng trưng cho “Tánh Mạng” của con người để thể hiện pháp môn “Tu Tánh luyện Mạng”, hay “Dưỡng sanh Tánh Mạng” hoặc “Tánh Mạng Song Tu”.

Trong Tam bửu Tinh, Khí, Thần để luyện đạo thì Tánh là Thần, Mạng gắn liền với Thân, tức là Tinh và khí.

Cho nên nói Tánh Mạng song tu là nói về phép luyện Đạo mà trong Cao Đài gọi là luyên tinh khí thần hiệp nhứt, tức tạo chơn thần huyền diệu để được đắc đạo.

Trong Đại Thừa chơn Giáo có dạy: Các con ngày trước thọ bẩm nơi Thầy một điểm "thanh hư huyền khí" giáng trần, bị khí Hậu Thiên hãm sát vào làm cho vật báu linh biến tan ra nơi thất tình, lục dục, lục trần, lục căn mà tiêu tan lần lần hết tam bửu ngũ hành. Càng ngày càng làm cho hư hỏng cái điểm thanh quang của Thầy ban cấp, biết đường sá đâu mà trở lại, dầu có muốn trở lại cũng chẳng dễ gì.

Tại sao các con phải chịu chuyển kiếp luân hồi?

Là vì các con xa nơi chỗ Ðạo, hư hỏng tinh thần, tiêu mòn khí huyết, chẳng biết đem TÁNH MẠNG HIỆP HÒA, luyện tam bửu cho đầy, qui năm hành nhứt khiếu…….

Các con muốn hiểu chỗ Ðạo thì trước phải phanh luyện tinh thần và phải tạo một cái xác thân thiêng liêng kêu rằng "Mâu Ni" hay là "Xá Lợi". Cái xác thân thiêng liêng ấy bất tiêu, bất diệt, bất tử, bất tồn, mà các con cần phải có xác thân ấy.

Xác thân ấy là chi?

Là cái bổn tánh thuần dương vậy. Khi các con bỏ xác phàm nầy thì điểm linh quang của các con nương theo đó mà về thẳng đến nơi Thầy. Còn các con không có cái xác thân ấy, các con phải chuyển kiếp khác hoài hoài, luân hồi khó dứt.

Chính trong bài Kinh Hạ Huyệt, Đức Quan Âm Như Lai cũng có dạy:

 Ngó Cực Lạc theo huờn Xá Lợi, 
 Cửu Trùng Thiên mở lối qui nguyên,

Tức là muốn hướng về cõi Cực Lạc phải tạo ra hườn Xá Lợi (còn gọi là Mâu Ni Bửu châu) thì lúc ấy Cửu Trùng Thiên sẽ mở ra con đường để chúng ta hội hiệp cùng Thầy.

(Thiên Vân)


No automatic alt text available.Image may contain: indoor