Từ Xã thôn tự trị đến Bàn Tri Sự Hương đạo Cao Đài. (Biên soạn: HT Mai Văn Tìm}
1- Lạc hầu, Lạc Tướng: trang ấp tự trị từ thời Hùng Vương đến hết thời Bắc thuộc.
Theo cụ Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược, nước ta từ thời vua Hùng được tổ chức theo chế độ phong kiến: “Lạc Long Quân phong cho con trưởng làm vua nước Văn Lang. Cứ theo sử cũ thì nước Văn Lang chia ra làm 15 bộ... Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu (huyện Bạch Hạc tỉnh Vĩnh Yên bây giờ) đặt tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng. Con trai vua gọi là Quang Lang, con gái vua gọi là Mị Nương. Các quan nhỏ gọi là Bố Chính. . Quyền chính trị cứ cha truyền con nối gọi là Phụ đạo”. (trg 9). Sử gia Phạm Văn Sơn còn diễn tả rõ nét hơn qua Việt Sử Toàn Thư: “Theo Maspéro trong Royaume de Văn Lang BEEO, trang 9, mỗi Lạc Tướng coi vài làng xóm, thuộc quyền Lạc Hầu là những đất đai rộng bằng một tỉnh hay vài huyện ngày nay. Cũng có khi một vị Lạc Hầu đem gia tài chia bớt cho các con cháu và phong chúng làm Lạc Tướng... Các vị Lạc Hầu, Lạc Tướng tuy giữ quyền tự trị ở khu vực của mình nhưng cũng phải theo về một vị Tù trưởng giàu mạnh ở Trung du gồm địa phận Phú thọ, Vĩnh yên, Sơn tây ngày nay. Đây là một miền có nhiều thung lũng phì nhiêu, đồi đất tốt, dân đông đảo phát đạt hơn cả...Các Lạc Hầu được đặt trên các Lạc Tướng và có thôn ấp lớn hơn. Hết thảy từ Vua cho đến các Lạc Hầu, Lạc Tướng đều có quyền thế tập (cha truyền con nối).” Chúng ta thấy chế độ tự trị của các Lạc Hầu, Lạc Tướng là khởi đầu cho Xã thôn tự trị của Việt Nam ta sau nầy. Chế độ tự trị nầy kéo dài từ thời Hùng Vương cho đến hết thời Bắc thuộc..... Nhà Đông Hán sau khi thôn tính nước Nam Việt (của nhà Triệu) thì đổi tên thành Giao Chỉ bộ chia ra làm 9 làm quận, trong đó có 4 quận thuộc phạm vi nước Việt là: Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam (thuộc Bắc Việt và mấy tỉnh Bắc Trung Việt ngày nay) còn 5 quận nữa thuộc Quãng Đông , Quãng Tây và đảo Hải Nam... Trên hết là chức Thứ Sử (giống như Toàn quyền đời Pháp), kế đến mỗi quận do một Thái thú cai trị. Quận chia ra làm nhiều huyện, mỗi huyện do một Huyện lệnh coi. Dưới huyện là các trang ấp của các Lạc Hầu, Lạc Tướng được quyền tự trị...Chính trong các trang ấp nầy dân ta sống quây quần giúp đỡ nhau và vẫn giữ được các phong tục tập quán đặc thù của dân tộc chớ không bị đồng hóa bởi người Hán qua hàng ngàn năm lệ thuộc...Dĩ nhiên các quan quân Tàu vẫn ra lịnh cho các Lạc Hầu, Lạc Tướng làm theo ý muốn của họ nghĩa là hà khắc với dân chúng, nhưng đa số các vị Lạc Hầu, Lạc Tướng là người thương dân mến nước vì họ là hậu duệ của các quan lại xưa truyền từ đời Hùng Vương đến bấy giờ, nên các Lạc Hầu, Lạc Tướng luôn đứng về phía dân chúng... Sử còn ghi lại chính Bà Trưng Trắc và chồng là ông Đặng Thi Sách cũng là con của các vị Lạc Tướng ở hai huyện gần nhau: Năm 39, Trưng Trắc và Thi Sách kết nghĩa vợ chồng, đây là cuộc hôn nhân giữa con gái của Lạc Tướng Mê Linh và con trai của Lạc Tướng Chu Diên...Đến khi Tô Định sang làm Thái Thú Giao Chỉ đã áp dụng chính sách vô cùng khắc nghiệt...Vì vậy hai vợ chồng Đặng Thi Sách và Trưng Trắc ngầm vận động cuộc khởi nghĩa, được anh hùng nhiều nơi khắp các Quận huyện ủng hộ, nhưng việc bại lộ mà sự chuẩn bị chưa đầy đủ nên ông Thi Sách bị Tô Định giết... Song Bà Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị vá các tướng vẫn không chùng bước phất cờ khởi nghĩa đến thành công... Tóm lại, dân ta trong suốt thời kỳ Bắc thuộc vẫn giữ được phong tục tập quán riêng, vẫn nêu cao được tinh thần bất khuất của dân tộc qua cuộc khởi nghĩa thành công của Hai Bà Trưng là nhờ vào chế độ tự trị nơi các địa phương trang ấp của các Lạc Hầu và Lạc Tướng nối truyền từ thời Vua Hùng dựng nước...
2- Đình làng, chế độ xã thôn tự trị (dân chủ) thành hình từ đời Trần.
Sau khi giành được độc lập, các triều đại Đinh Lê Lý Trần bắt đầu tổ chức lại nền hành chánh địa phương. Các làng xã là đơn vị nhỏ nhứt, nhưng đặc biệt là được tự cai quản bởi người dân trong làng và mỗi làng có phong tục tập quán riêng, có khi luật lệ của vua đặt ra nhưng trái với phong tục của làng cũng phải xét lại có nên thi hành không, cho nên mới có câu tục ngữ phép vua thua lệ làng. “Năm 1242, Nhà Trần chia nước làm 12 lộ ( tỉnh ). Mỗi lộ chia ra làm nhiều xã. Đứng đầu mỗi lộ là chánh, phó an phủ sứ ( hai chức này đặt ra từ triều Lý ), dưới có các chức đại tư xã, bổ các quan từ ngũ phẩm trở lên và tiểu tư xã bổ các quan từ ngũ phẩm trở xuống ( Đại tư xã và Tiểu tư xã sau này đổi làm tri phủ và tri huyện ). Còn mỗi xã, bổ xã quan trực tiếp cai trị dân làng gọi là xã chánh và xã giám, tức như lý trưởng và phó lý trưởng trước đây.
Trong xã ( làng ) đã có quan do nhà vua bổ về cai trị thì phải có công đường để làm nơi hội họp bàn việc quan, việc làng và dùng làm công quán để vua quan, quí khách dừng chân lưu trú, một thứ dịch đình được thiết lập tại khắp các làng xã, vì vậy dịch đình từ nay trở thành Đình Làng. Trần Thủ Độ cũng khuyên vua nhà Trần nên năng đi tuần thú, vừa để tỏ lòng thân dân, vừa thị uy và tiểu trừ phiến loạn chống tân triều. Vừa khi những công quán đình làng được lập nên khắp nơi, thì những nơi đó cũng được tổ chức như những hành cung để tiếp rước nhà vua. Hoặc cũng có Đình sắm sẳn hương án, tàn lọng để phòng khi phụng mệnh sắc chỉ nhà vua, để bái vọng xa giá vua hay quan khâm mạng tuần du qua..... Cũng từ thời Trần, do sự hiện diện của các xã quan mà quy chế ngôi thứ, tôn ti trật tự được xếp đặt ở chốn đình trung, tại các làng xã Việt-Nam. Chỗ ngồi ở đây cũng quý không kém gì chỗ đứng ở sân chầu triều đình; thứ bậc trên dưới rồi đến lễ nghi, tế tự cũng được rập theo khuôn mẫu, kiểu cách của triều đình..... Các làng Việt-Nam ngay từ thời Lý, thời Trần đã có hương ước phân minh, xã hội Việt-Nam đã được tổ chức rất sớm cả ngàn năm nay. Đến khi nhà nước không bổ xã quan về cai trị nữa, dân làng tự bầu lấy người đại diện ra làm xã trưởng, để một đằng giao thiệp với quan trên, một đằng gánh vác, giải quyết việc làng cùng với các vị hương chức, các phe giáp, đoàn thể trong làng xã. Theo quy lệ này thì mỗi làng trở thành một đơn vị hành chánh gần như tự-trị, một nước nhỏ trong một nước lớn, hay một nước cộng hòa nhỏ trong một nước quân chủ lớn.....” (Đình Làng Việt Nam, Nguyễn bá Lăng, www.phusa.net) Sinh hoạt đình làng giữ một vai trò quan trọng trong xã hội cổ nước ta. Đình là nơi thờ Thần Hoàng là vị Thần hộ mạng, xem xét mọi hành vi toàn dân trong làng, có những việc oan khúc người ta đem nhau ra thề trước mặt Thần Hoàng để chứng kiến cho họ. Đây là một tín ngưỡng tốt đẹp kềm giữ con người sống theo thiên lương bổn thiện. Trong làng xã mọi người đều quen biết nhau, ra đường gặp nhau chào hỏi thân mật như bà con họ hàng. Khi có người gặp chuyện không may, đau ốm, hay có đám tiệc cưới hỏi, tang lễ,...người dân tận tình chung lo giúp đỡ lẫn nhau. Thường những người có uy tín, lớn tuổi như quan viên về hưu...được dân làng bầu lên trong Ban hương chức, nên biết thương dân và giải quyết mọi việc bằng tình thương yêu và công bằng. Khi có tranh chấp nhau đem ra đình làng phân xử , chừng nào xử không xong mới đưa lên quan trên. Khi có người phạm tội lỗi hay phạm thuần phong mỹ tục thì rất khó sống trong làng vì mọi người đều biết hết, ra đường gặp mặt hổ thẹn với bà con chòm xóm... Đình làng còn là nơi xuất phát những câu cao dao thơ mộng trử tình của những cặp trai gái yêu thương nhau... Như vậy sinh hoạt đình làng hay xã thôn tự trị là một nếp sống tốt đẹp của dân ta từ xa xưa cho đến thời cận đại...Điều đáng nói, đây là một chế độ dân chủ, người dân sống thương yêu, hòa hiệp nhau và kềm giữ những phong tục tập quán lưu truyền qua hàng ngàn năm mà không phai lạt...Đây chính là nơi tiềm ẩn của tinh thần, của sức sống dân ta đó vậy.
3- Bàn Tri Sự Hương Đạo Cao Đài, một nền dân chủ đặc biệt tiếp nối từ xã thôn tự trị.
Ngay từ khi mới khai mở, nền hành chánh đạo Cao Đài được lập song hành với hành chánh của quốc gia. Ở Tòa Thánh thì trên hết có Hội Thánh và cửu viện (đối chiếu với chánh phủ với các bộ ngoài đời). Kế đó là Trấn đạo (vùng). Châu đạo (tỉnh), Tộc đạo (quận) Hương đạo (xã). Ấp đạo (ấp). Hội Thánh bổ nhiệm chức sắc đến trấn nhậm các Trấn, Châu, Tộc đạo, nhưng Hương đạo thì do chư tín đồ họp nhau công cử người điều hành rồi phúc trình về Hội Thánh công nhận, ra quyết định. Hương đạo được điều hành bởi Bàn Tri Sự gồm có ba phẩm là : Chánh Trị Sự (CTS), Phó Trị Sự (PTS) và Thông Sự (TS). Chánh Trị Sự là anh cả trong Hương đạo, phải lo lắng , dạy dỗ, săn sóc chư tín đồ trong Hương như anh ruột lo cho em vậy. Yếu tố đầu tiên là mọi người trong Hương coi nhau như anh em ruột thịt, giúp đỡ nhau trên đường đời và khuyên bảo, dạy dỗ lẫn nhau để lo tiến bước trên đường lập công đức tức là đường đạo... Vai trò của Xã thôn tự trị trong việc gìn giữ phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc như thế nào thì ngày nay đơn vị Hương đạo Cao Đài cũng giữ vai trò như thế ấy...Bởi vì trong Hương đạo mọi người là anh em, chị em nhau thì hằng ngày giúp đỡ dạy bảo nhau cùng giữ giềng mối tốt đẹp của Đạo và Đời...Đặc biệt Hương đạo Cao Đài ngày nay vẫn tổ chức khắp cả phường khóm nơi thị tứ nếu có đủ số tín đồ... Ngoài ra còn một ưu điểm nữa là : các tôn giáo khác muốn thành lập một đơn vị hành chánh đạo mới phải có hàng giáo phẩm hay tu sĩ đứng ra trụ trì... Còn riêng Đạo Cao Đài chỉ cần có một số tín đồ hợp lại rồi công cử Bàn Tri Sự thì lập tức có giáo quyền ngay...như lời Đức Lý Giáo Tông hằng dạy bảo: “Lão muốn thế nào cho Lão có mặt khắp nơi tận ven trời cùng góc bể...”. Ngày nay ra Hải ngoại, người môn đệ Cao Đài thực hiện theo lời dạy của Đức Lý mà thành lập Bàn Tri Sự khắp nơi có người tín đồ cư ngụ...Điều nầy còn nói lên tính chất dân chủ và tính trường tồn của Cao Đài vì rằng Hội Thánh trung ương dầu có bị cấm cản hoạt động chăng nữa thì còn hằng hà sa số các Hội Thánh em ở địa phương xa xôi nhất... Về phương diện hành chánh (hành pháp) ba vị Bàn Tri Sự có quyền hành giống như Hội Thánh ở trung ương nhưng cai quản trong phạm vi địa phương... CTS được gọi là Đầu Sư em, PTS được gọi là Giáo Tông em, TS được gọi là Hộ Pháp em. CTS có quyền cả về chánh trị (hành pháp) lẫn luật lệ, phân xử các vụ tranh chấp, xích mích giữa đồng đạo, có quyền xử phạt nhẹ như quì hương, tụng kinh sám hối...(tư pháp) PTS là người trưởng ấp đạo, quyền về hành chánh, bên cạnh có TS coi về luật lệ. TS còn có quyền về giám sát sự hành đạo của CTS và PTS xem có đúng theo luật pháp chơn truyền của đạo hay không. Ngoài ra mỗi Tộc đạo công cử một vị CTS, một vị PTS, một vị TS vào trong Hội Nhơn Sanh là một trong ba Hội của quyền Lập pháp (Quốc Hội). Hội Nhơn Sanh có quyền hành rộng lớn trong Ba Hội (Quốc Hội), kể cả quyền cứu xét việc thăng phẩm của chư chức sắc cấp Trấn, Châu , Tộc đạo...Mỗi kỳ cầu phong thăng cấp, Hội Thánh lập danh sách rồi đưa ra Hội Nhơn Sanh cứu xét trước rồi mới trình lên quyền Thiêng Liêng chấm phong. Vị nào bị Hội Nhơn Sanh bác đơn vì có bằng chứng về thành tích không tốt sẽ không được cầu phong... Ngoài ra nếu có vấn đề gì Bàn Tri Sự trình lên theo hệ thống hành chánh mà cấp Tộc, Châu đạo ém nhẹm hay không giải quyết thì TS có quyền mang thẳng về Hội Thánh trung ương xin giải quyết... Và Hội Thánh phải giải quyết chớ không thể cho chìm xuồng rồi thôi... Tóm lại, quyền hành của Bàn Tri Sự rất lớn về cả Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp và Giám sát...Mà Bàn Tri Sự có mặt khắp mọi nơi thôn xã, do đó không có vấn đề chèn ép, áp bức nhơn sanh,...mà bị khuất lấp, không giải quyết được... Nhìn lại cơ chế chánh quyền trong xã hội cổ ông cha ta có hai phần, như trên kia có nói: Từ triều đình cho đến tỉnh, huyện, phủ là thuộc chế độ quân chủ; còn nơi làng xã có Ban hương chức thuộc dân chủ vì ban nầy do dân trong xã bầu lên. Ngày nay, cơ chế Đạo Cao Đài cũng có hai phần như vậy nhưng ở trung ương thì thêm Hiệp Thiên Đài là cơ quan Giám sát và Tư pháp. Còn ở địa phương quyền hành của chức việc làng xã rộng lớn hơn về mọi mặt và có tương liên mật thiết với trung ương chớ không phải gần như độc lập như xưa... Nhìn chung cơ chế tổ chức Đạo Cao Đài cũng là cơ chế chánh quyền cổ của ông cha ta nhưng canh tân, uyển chuyển việc phân quyền để trở thành một cơ chế dân chủ đặc biệt, tăng cường quyền hạn ở hạ tầng của dân chúng đối lại quyền hạn của vua như Thánh giáo Đức Chí Tôn cho phép Quyền Vạn linh đối lại với quyền Chí Tôn tại thế...tức là quyết nghị của Ba Hội quyền Vạn linh hiệp nhứt có thể phủ quyết quyết định của hai vị Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp lại...Một cơ chế dân chủ đặc biệt do các Đấng Thiêng Liêng dạy bảo lập thành, một nền dân chủ vi diệu như hai câu đối trước Tòa Thánh: Cao Thượng Chí Tôn Đại Đạo Hòa Bình Dân Chủ mục, Đài Tiền Sùng Bái Tam Kỳ Cộng Hưởng Tự Do Quyền.
Biên soạn: HT. Mai Văn Tìm |