Tìm Hiểu Thánh Ngôn Đức Cần Kiệm
Thánh Ngôn: “Thầy Các con Vì tại sao Thầy muốn cho các con mặc đồ bô vải chăng? Vì bô vải là tấm gương đạo đức; Các con đã rõ đạo thì biết đức cần kiệm là đức hạnh đầu trong lúc các con còn ở thế gian nầy. Như sự lãng phí se sua ở đời nầy Thầy cũng cho là một việc tổn đức vậy”.(TNHT, trg 43) Vào đầu thế kỷ trước người dân làng quê ở nước ta thường dùng chỉ sợi từ cây bô để dệt vải, nên từ “bô vải” ý nói là loại hàng vải bình dân rẻ tiền chớ không phải lụa là gấm vóc dành cho những hạng quyền quí trong xã hội. Ngày nay kỹ nghệ dệt đã phát triển nên các loại vải rẻ tiền cũng vẫn tốt thì chúng ta cần gì phải mua những loại vải đắt tiền làm gì, đây là ý nghĩa của sự cần kiệm mà Thầy đã dạy. Chữ cần kiệm ở đây chúng ta cũng nên hiểu là tùy phận tùy duyên mà ăn mặc chớ không nên xa xỉ, se sua, mãi chạy theo thời trang là điều không tốt. Về sự xa xỉ : như nếu chúng ta không phải là giới nghệ sĩ hay những người mẫu trình diễn thời trang thì đâu cần phải ăn mặc áo quần thật đắt tiền. Vì đó là sự lãng phí. Còn về sự se sua: Những người làm thương mãi áo quần mỗi năm đều vẽ ra những kiểu mốt mới, nếu chúng ta chạy theo thời trang mỗi năm thì không bao giờ chấm dứt. Có nhiều người mua áo quần về mặc chỉ vài lần rồi bỏ đi và mua cái khác theo mốt mới cho đúng thời trang hiện đại, thành ra áo quần mặc không hết. Đó cũng là sự lãng phí. Mà theo luật nhân quả, hậu quả của sự lãng phí là có lúc sẽ không có đủ áo quần đề mặc. . .Cho nên Thầy mới nói sự lãng phí se sua sẽ tổn đức là vậy. Thầy dạy “cần kiệm là đức hạnh đầu trong lúc các con còn ở thế gian nầy”, tức là chúng ta phải cần kiệm trong mọi sinh hoạt trong đời sống hàng ngày như ăn, mặc, ở . . .chớ không riêng gì vấn đề mặc. Bây giờ ta thử xét đến việc ăn. Chúng ta may mắn được sang sống ở quốc gia giàu có như Hoa Kỳ, thức ăn tương đối rẻ so với lợi tức thu nhập nên người giàu và người nghèo trong xã hội đều ăn thức ăn tương đối như nhau. Vì thức ăn nhiều và rẻ nên người ta thường hoang phí. Có khi chỉ ăn một phần rồi bỏ đi chớ không để qua đêm . Nhất là gạo cơm còn dư cũng đem bỏ vào thùng rác. Chúng ta phải nhớ lại câu kinh : Gạo cơm hủy hoại quen chừng, Phạt ăn dơ dáy mới ưng tội hình. Đây là nói về hình phạt dưới địa ngục do thường hủy hoại cơm gạo nó cũng còn hơi xa, nhưng chúng ta phải nghĩ tới luật nhân quả là nếu mình coi thường hạt cơm hạt gạo thì có lúc mình phải chịu cảnh đói khát không có cơm để ăn. . . Khi nói về những tấm gương của sự hoang phí ta thường hay nghe nhắc đến vị công tử Bạc Liêu ngày nay có phổ biến nhiều trên các trang mạng. Suốt đời ông đã tiêu pha ăn chơi, phung phí hết khoảng 5 tấn vàng . Nay sang đến đời con ông phải chịu cảnh nghèo khổ. Nếu ông dùng số lớn tiền của làm việc phúc đức, chắc con cháu ông sẽ được hưởng phước lâu dài. . . Thánh Ngôn: “Các con phải chung hiệp nhau mà lo cho hoàn toàn Tòa Thánh, chi chi cũng tại Tây Ninh đây mà thôi ; các con đã hiểu Thánh ý Thầy phải cần kiệm, mỗi sự chi vì phương tiện mà thôi”. (TNHT, trang 78) Chúng ta thấy việc kiến tạo Tòa Thánh là công trình lưu lại ngàn sau và là biểu tượng cho hình thể của Đạo nhưng Đức Chí Tôn không dạy xây dựng cho tốt đẹp sang trọng, trái lại Thầy dạy phải cần kiệm, mọi sự chỉ vì phương tiện mà thôi; nghĩa là không mua những vật liệu đắt tiền, không xây thêm những chi tiết nào không cần thiết. . .Nghe đâu thời buổi ấy Đạo không có đủ tiền để mua sắt làm khuôn đổ xi măng, Đức Hộ Pháp đã dạy dùng cây tầm vông già để thay thế sắt. Nếu không vậy thì bổn Đạo đa số hoàn cảnh nghèo phải hy sinh thêm nữa thì tội nghiệp. Ông Cha Thiêng Liêng đã thấy điều đó nên dặn dò từng chút, cho thấy lòng thương yêu con cái bao la của Người. Đây cũng là bài học cho những Chức sắc, Chức việc hành Đạo ngày nay. Có khi những người trách nhiệm chi tiêu tiền của nhơn sanh mà không cân nhắc kỹ lưỡng sẽ phí phạm đồng tiền mồ hôi nước mắt của nhơn sanh , suy cho kỹ cũng là điều mất đức. Việc hành Đạo cũng phải tùy theo khả năng của nhơn sanh, thí dụ ở một địa phương còn ít đạo hữu mà lại xây cất Thánh Thất cho rộng lớn thì nhơn sanh phải gồng gánh số nợ quá lớn , tinh thần lúc nào cũng lo kiếm tiền để trả nợ, còn đâu thanh tịnh mà lo việc tu thân học đạo. . . Đó là ý nghĩa lời dạy “mọi sự chị chỉ vì Phương tiện mà thôi”. . . Thánh Ngôn: "Thơ con làm Thánh tượng vậy đặng; con phải tính thế in cho nhiều một lần thì giá rẻ chút ít nghe. . . Thầy biết một điều là trong hàng em út con đều là phần nghèo , một đồng nó đỡ một đồng nghe con" (Trích Đạo Sử, Nữ Đầu Sư Hương Hiếu, Quyển 2, trang 53). Câu Thánh giáo trên Đức Chí Tôn dạy khi Ngài Thái Thơ Thanh trình lên kiểu mẫu Thánh tượng đã vẽ. Thầy chấp thuận nhưng dặn dò thêm phải kiếm thế in một lần cho nhiều thì giá sẽ rẻ hơn. Giá rẻ hơn thì mỗi khi thỉnh Thánh tượng về thờ tại tư gia thì con cái Chí Tôn trả rẻ hơn. . . Có lẽ Thầy thấy Ngài Thái Thơ Thanh thuộc hàng nghiệp chủ giàu có thời bấy giờ nên có khi Ngài không nghĩ đến sự tiết kiệm cho đa số đồng đạo nghèo nên mới dạy những lời Thánh giáo thật chí thiết như câu "một đồng nó đỡ một đồng nghe con " . Câu này nói lên tình thương yêu, lo lắng vô bờ cho con cái của Ông Cha Thiêng Liêng vậy. Tóm lại, Thầy dạy chúng ta phải tập tánh cần kiệm vì sự lãng phí se sua cũng là một điều thất đức. Sự lãng phí se sua chứng tỏ tâm chúng ta còn nhiều ích kỷ và nhiều ham muốn vật dục thế gian. . . Là người tu, chúng ta phải đẹp bớt lòng dục vọng ham muốn thế gian thì mới mong giải thoát khỏi luân hồi nghiệp chướng, bởi vì tâm con người còn ham muốn lưu luyến thế gian thì sẽ chuyển kiếp trở lại thế gian để thỏa mãn lòng dục vọng đó. Nhà Phật dạy muốn vãng sanh về nơi Tịnh độ thì phải xã bỏ hết thế trần dục lạc là vậy.
Quang Thông (07-2015)
|