Khảo luận về Chánh Ðạo và Tà Ðạo
Huệ Tâm-Vân Dương


Trong cuộc sống cá nhân của một người tín hữu (Cao Ðài, Phật, Thiên chúa ...) hay của một người chưa tin vào một tôn giáo nào, mấy ai chẳng bị chịu sự khảo đảo của Tà Quái và có lúc tưởng chừng như rơi vào cạm bẩy của Tà Ðạo, nếu chúng ta không vững đức tin nơi Ðấng Toàn Năng (Cao Ðài gọi là Ðức Chí Tôn, Ðạo Chúa gọi là Ðức Chúa Trời/Jehova, Ðạo Hồi gọi là Thánh Ala, Ðức Phật Thích Ca của Ðạo Phật ) và giữ vững mảnh áo giáp Ðạo Ðức thì chúng ta càng dễ bị giam hãm trước uy lực của Tà Quái.

Thật vậy, Thánh Ngôn Cao Ðài có dạy rằng: “Chung quanh các con dù xa dù gần Thầy đã thả một lũ hổ lang ở lẫn lộn với các con, Thầy hằng cho chúng nó thừa dịp mà cắn xé các con, song Thầy ) đã cho các con một bộ thiết giáp mà chúng nó chẳng hề thấy đặng, đó chính là Ðạo Ðức của các con...........”

Hay

“Ðạo cao nhất xích, Ma cao nhất trượng”
”Ðạo cao nhất trượng, Ma thượng đầu nhơn”

Nghĩa là :

”Ðạo cao 1 thước thì Ma cao 10 thước”
”Ðạo cao 1 trượng thì Ma cao khỏi đầu người”

Chú thích : Hai câu trên ý nói : Người tu hành sẽ bị ma khảo dữ lắm chứ không phải Quỉ Ma có tài phép cao hơn Tiên Phật. Nếu tinh thần của người tu không đủ vững chắc, tâm tu không đủ trung kiên, thì khi bị ma khảo sẽ ngã nhào, còn nếu vượt qua được tức là thắng được các cuộc cám dỗ của quỉ ma thì quỉ ma mới chịu phục tùng và người tu đắc đạo đặng phẩm vị cao trọng. Ma quỉ là giám khảo của người tu vi Ðức Chí Tôn đã cho chúng nó cái quyền khảo dượt ấy và đó cũng là việc cần thiết để đánh giá trị tinh thần và tâm đức người tu “ (trích Cao Ðài Tự Ðiển-HT Nguyễn Văn Hồng, Q1 trang 999)

Hay

“Vô Ma khảo bất thành Ðại Ðạo/Phật Ðạo”
Chú thích: “Khi hành đạo thì phải chịu sự khảo đảo của tà quái thì mới thành Chánh Ðạo/Ðại Ðạo/Phật Ðạo”

Ðạo Ðệ cãm hứng sáng tác bài thơ sau. Vần thơ đã diễn tả cuộc chiến giữa MA (Tà Ðạo) và ÐẠO (Chánh Ðạo) và cuối cùng Chánh cũng thắng Tà:

Ðạo-Ma bên tám lạng bên nửa cân
Bên giằng bên kéo biết bao giờ tàn
Ðạo ta sức mạnh vô song
Ra gươm thần huệ chém loài yêu ma
Yêu quái tung Pháp Lực mầu
Bủa vây Ðạọ Pháp nôn nao lòng thành
Ðạo bèn niệm chú Cao Ðài
Yêu Ma sợ trốn Ðạo Mầu hiện ra
Ðó là năm sắc hào quang
Lung linh tỏa ánh Ðạo vàng bừng lên ! ( )

“Hiệp nhập Cao Ðài bá tánh thập phương qui chánh quả”
“Thiên Khai Huỳnh Ðạo Ngũ Chi Tam giáo hội Long Hoa”

(Trời mở Ðạo Trời (Ðạo Cao Ðài), các Ðấng trong Tam Giáo và ngũ chi Ðại Ðạo tham dự Ñại Hội Long Hoa)

Ðể cho người tín đồ có cái nhìn sáng suốt và phân biệt đâu là Tà Ðạo đâu là Chánh Ðạo, Ðạo Ðệ xin mạo muội có một sự phân tích, nêu ra sự khác nhau giữa Tà Ðạo và Chánh Ðạo và sau đó là quy luật chuyển hóa hay tương duyên giữa Chánh và Tà.

1/ Giải thích về Chánh Ðạo:

Luôn dạy con người trau dồi đức hạnh, tu tâm dưỡng tánh (minh tâm kiến tánh), làm điều thiện, lánh điều ác, hay lánh dữ làm lành, lập Công bồi Ðức. (linh tánh).

Chánh Ðạo là con đường thẳng đi thẳng đến chân lý của Ðạo, không xiên quẹo, quanh co.
-Chánh Ðạo là sự thật đi thẳng vào lòng và làm lòng người cãm động phải “Tâm phục-khẩu phục” và tự nguyện tuân theo.
-Chánh Ðạo dạy sự thánh thiện (trong sáng) hay Thuần Lương Thánh Ðức .
-Chánh Ðạo là con đường rèn luyện tâm sửa tánh để nên Hiền nên Thánh .
- Chánh Ðạo dạy mở rộng lòng từ bi (trắc ẩn), sự hĩ xả( tha thứ) và phổ độ (cứu giúp) chúng sanh (Bồ tát Ðạo) .
-Chánh Ðạo dạy giữ ngũ giới cấm (cấm sát sanh, vọng ngũ, trộm cướp, tà dâm, nói dối, cờ bạc rượu chè) .
-Chánh Ðạo dạy mở rộng lòng bác ái : lòng thương rộng ra đến vạn vật bao gồm chúng sanh, thú cầm và thão cầm .

- Chánh Ðạo dạy phương pháp luyện Tâm để Tâm nên Thành, nên Chánh nên Ái và nên Hòa. Thật vậy Thánh-Ngôn Hiệp-Tuyển" của Cao Ðài có bài thi:

“Gắng sức trau giồi một chữ Tâm,
Đạo Đời muôn viêc khỏi sai lầm.
Tâm thành ắt đặng đường tu vững,
Tâm chánh mới mong mối Đạo cầm.
Tâm ái nhơn sanh an bốn biển,
Tâm hòa thiên-hạ trị muôn năm.
Đường Tâm cửa Thánh dầu chưa vẹn,
Có buổi hoài công bước Đạo tầm"

- Chánh Ðạo luyện Tâm thành hình ảnh của thiên lương, của lấy thiện trừ ác, lấy nhân nghĩa trừ bạo tàn, là sự quãng đại và khoan dung (trích phương luyện Kỷ của Ðức Hộ Pháp) .

- Chánh Ðạo đem lại sự bình an, hạnh phúc vỉnh cửu cho nhân loại .
- Chánh Ðạo mang đến Chánh niệm.
- Chánh Ðạo đem đến Chánh Tín (Ðức tin sáng suốt) và rọi ánh sáng chân lý của sự giải thoát ra khỏi vòng luân hồi (Sinh, Lão, Bệnh, Tử) .
- Chánh Ðạo hợp nhất Tinh, Khí, Thần (Luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần và luyện thần hườn hư) .
- Chánh Ðạo luyện tâm thành Huệ Bát Nhã, Tâm Vô Phân Biệt, Lý Bất Nhị/Nhất Nguyên (Sắc không đồng nhất hóa) hay con đường về Phật Ðạo .
- Chánh Ðạo là đường “Thương Huệ Kiếm” (**) là phương pháp luyện Tâm, là sự đoạn trừ Tam Ðộc (tham sân si), Thất Tình (hỷ (mừng), nộ (giận) , ai (buồn), cụ (sợ), ái (thương)), ố (ghét), dục(muốn) (Ðạo Phật)/ hay Hỷ (mừng), Nộ (giận), Ai (buồn), Ố (ghét), Ái (thương), Lạc (Vui) Dục (thammuốn)) (Ðạo Cao Ðài)(*)và Lục Dục(*) (nhãn/sắc, nhĩ/thinh, tỷ/hương,thiệt/vị.,thân/xúc, ý/pháp) sinh từ Lục căn (6 giác quan của con người) (mắt, tai, mủi, lưỡi, thân, ý).

Chú Thích :(*) Thất tình tương trưng cho Thất Ðầu Xà (rắn bảy đầu) đã được Ðức Hộ Pháp khuất phục. Bên trong toà thánh Tây ninh, dưới ba cái ngai của Ðức Hộ Pháp, Ðức Thượng Phẩm và Ðưc Thượng Sanh, có đắp hình Thất Ðầu Xà, đuôi rắn quấn ngôi Thượng Sanh, mình rắn quấn ngôi Thượng Phẩm, còn bảy đầu rắn ở ngôi Hộ pháp chia ra:
3 đầu Hỷ, Ái, Lạc ngóc lên ở phía sau ngai Hộ Pháp,
2 đầu Ái và Nộ gục xuống thấp nhất để hai chân của Ðức Hộ Pháp đặt lên chế ngự nó,
2 đầu Ố và Dục gục xuống vừa thấp để hai tay của Ðức Hộ Pháp đặt lên như đè nén nó. (trích Giới thiệu Tòa Thánh Tây Ninh, HT Nguyễn văn Hồng) hay Thất tinh (7 con nhện tinh) trong Tây Du Ký. Luc Dục tương trưng cho sáu tên cướp (lục tặc) chặn đường Tam Tạng Thỉnh Kinh trong Tây Du Ký.

Chú thích: (**) “Huệ kiếm hay là gươm thần huệ là tượng trưng lợi khí sắc bén về tinh-thần, có năng-lực chặt lìa oan nghiệt, đoạn dứt trái oan, trị xảo trừ tà.

Trong kinh sách ta thường nghe :
“Nương gươm thần huệ đặng trừ nghiệt căn.(Kinh vào học)
Gươm huệ đưa trị xảo trừ tà” (Kinh xuất hội)

Gươm thần huệ là huệ trí, là sự sang suốt của tâm linh. Tâm linh sang suốt mới phân biệt thiện ác, tà chánh. Có phân biệt được thiện ác, tà chánh mới có thể luyện kỷ tu thân, lấy thiện mà trừ ác, lấy chánh trừ tà, lấy thương yêu xóa bỏ hận thù.

Những tánh của con người tạo nên bảy tình, hình thành bảy dây oan nghiệt, chỉ nhờ cái gươm, cái kéo vô hình mà cắt đứt được. Đó là gươm thần huệ hay "đường thương huệ kiếm".

Chúng ta rèn luyện cho tâm được minh, tánh được thông suốt thì tâm tánh sẽ biến thành gươm thần huệ, không còn là phàm nữa, tức là chúng ta sẽ đoạt được con đường siêu thoát ”(Trích chú thích phương luyện Kỹ của Ðức Hộ Pháp)

2/ Giải thích về Tà Ðạo

Tà Ðạo là tà vạy là con đường cong, quanh co, đầy thủ đoạn, mưu sâu kế độc để nhằm hại người và đưa con người đến bể khổ

-Tà Ðạo chủ trương chìu theo hay thỏa mãn bản năng, dục vọng thấp hèn của con người (thú tánh) .
-Tà Ðạo chủ trương lấy ác làm đầu, lấy sự đau khổ của con người làm thị hiếu làm sở thích, “Cười trên nỗi đau và bất hạnh của tha nhân” .
-Tà Ðạo gieo rắc nỗi lo sợ, kinh hoàng và chết chóc
-Tà Ðạo gieo rắc Tà Niệm (niệm phát sanh ra dục vọng) .
-Tà Ðạo dạy mở rộng lòng vị kỹ, cá nhân chủ nghĩa (ích kỹ) và cố chấp
-Tà Ðạo dạy mở rộng lòng hẹp hòi( ti tiện), đố kỵ và ganh ghét .
-Tà Ðạo dạy mở rộng sự bạo tàn, chủ nghĩa phi nhân .
-Tà Ðạo dạy sự lợi dụng, lừa gạt tha nhân .
-Tà Ðạo gieo rắc nỗi bất hạnh, đau khổ triền miên cho tha nhân .
-Tà Ðạo chìu theo “Tứ đổ tường” (Cờ bạc, rượu chè, trai gái(sắc dục), hút sách) hay vi phạm ngũ giới cấm.
-Tà Ðạo gieo rắc sự thù hận, nghịch lẫn nhau .
-Tà Ðạo gieo rắc sự dối trá, gian hùng, tai họa, mưu mô hại người khác .
-Tà Ðạo mang đến mầm bệnh tật, thiên tai, dịch bệnh .
-Tà Ðạo dạy làm điều ác (dữ), lánh điều lành (thiện) và cổ vũ chủ nghĩa vô thần
-Tà Ðạo gieo rắc Tam Ðộc (tham sân si), Thất Tình (hỷ (mừng), nộ (giận) , ai (buồn), cụ (sợ), ái (thương), ố (ghét), dục (muốn) (Ðạo Phật)/ hay Hỷ (mừng), Nộ (giận), Ai (buồn), Ố (ghét), Ái (thương), Lạc (Vui) Dục (tham muốn)) (Ðạo Cao Ðài) và Lục Dục (nhãn/sắc, nhĩ/thinh, tỷ/hương, thiệt/vị. thân/xúc, ý/pháp) sinh từ Lục căn (6 giác quan của con người) (mắt, tai, mủi, lưỡi, thân, ý) .
-Tà Ðạo đem đến sự băng hoại về Ðạo Ðức, đưa đến sự tận cùng của dục vọng dơ bẩn thấp hèn và cổ vũ thế lực kim tiền (vật chất).
-Tà Ðạo dạy dẹp bỏ lòng từ bi (trắc ẩn) và khuyến khích sự tranh chấp, chia rẻ, xung đột và chiến tranh .
-Tà Ðạo lạm dụng sự mê tín dị đoan và tà thuật (phép thuật như bùa chú, ngãi mê, thư yếm, bói toán) nhằm thỏa mãn dục vọng và hãm hại kẻ khác .

Nói tóm lại Tà Ðạo là con đường đưa con người xuống địa ngục A Tỳ (vạt dầu, khổ hình...) trong khi Chánh Ðạo là con đường giải thoát ra khỏi vòng luân hồi sinh tử và đưa con người đến một vùng ánh sáng, ở nơi đó có một niềm hạnh phúc vô biên và vĩnh cửu mà Ðạo Phật gọi là Niết Bàn, Chúa gọi là Thiên Ðàng và Cao Ðài gọi là Cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Chúng ta có thể ví Chánh Ðạo là động lực đưa con người đến cái Chân, Thiện và Mỹ ( Phật Tánh) tượng trưng cho “Ông Thiện” và Tà Ðạo là động lưc đưa con người đến cõi u tối (Vô Minh của Ðạo Phật) tượng trưng cho “Ông Ác”.(*)

Chú thích:(*) Ông Thiện và Ông Ác là hai pho tượng đứng trước cổng vào chánh điện của Tòa Thánh Tây Ninh.

3/Quy luật chuyển hóa/tương duyên giữa Chánh và Tà

Ðã là con người ai lại chẳng muốn mình trở nên Hiền nên Thánh và mưu cầu hạnh phúc và an vui, loại trừ sự đau khổ như Ðức Ðạt Lai Ðạt Ma thứ 14 đã từng nói

“The very purpose of our lives is happiness and joyfulness, that is very clear” “Mục đích của đời người là hạnh phúc và an vui . Ðiều này rất rõ”

Tuy nhiên trong lúc hành đạo của người tín đồ hay trong đời sống bình thường của mỗi người chúng ta, trong mỗi giây phút (sác na) Tâm của ta dễ dàng biến đổi từ Chánh thành Tà và từ Tà thành Chánh.

Thật vậy, Chánh hay Tà không có tự ngã riêng, có Chánh mới có Tà và có Tà mới có Chánh. Như vậy, Chánh hay Tà chuyển hóa hay tương duyên lẫn nhau (**). Ðó chính là quy luật của hai mặt đối lập (Thiện/Ác, Tốt/Xấu, Hạnh phúc/Ðau khổ, Thành công/Thất bại v..) của thế giới nhị nguyên trong một thể thống nhất của thế giới nhất nguyên (*).

Chú thích: (*) Ðạo Phật nói về “Vạn pháp giai không” hay Cao Ðài nói về “Vạn giáo nhất Lý” đã diễn tả tư tưởng trên. Không ở đây là mỗi vật thể (pháp/giáo) không có tự ngã riêng biệt mà phải tương duyên để tồn tại (Trích Thích Nhất Hạnh/Bát Nhã Ba la mật Tâm kinh diễn giải trang 14) và Lý ở đây là Lý Ðạo hay là Lý Nhất Nguyên/Bất Nhị (Vạn thù quy nhất bổn của Cao Ðài /Vạn Vật đồng nhất thể của Nho Giáo).

(*) “Chánh và Tà là hai thể đối lập trong một ý nghĩ phát sinh trong tâm thức, hai thể đối lập ấy thúc đẩy sự tiến hóa của Tâm Thức (Tà kéo xuống, Chánh kéo lên làm quay theo chiều kim đồng hồ bánh xe tiến hóa của Tâm Thức)”

a) Sự biến đổi từ Chánh thành Tà

Ðây chính là sự biến đổi thụt lùi và rất nguy hiểm cho mọi người nhất là người hành đạo. Có những người Tâm rất trong sáng và Thánh Thiện (Tâm Phật) nhưng sau một thời gian thì do ảnh hưởng và cám dỗ của ngoại cảnh, Tâm của họ đã nhiễm Tà Ðạo và trở nên đen tối (Tâm Ma).


Sau đây là một câu chuyện tiêu biểu để minh họa cho những ý tưởng trên:

Chuyện Bà Thanh Ðề (sự tích Vu Lan Báo Hiếu)
“Bà Thanh Ðề là một người rất sùng Ðạo Phật (Tâm Phật). Bà thường siêng năng đi chùa lễ Phật và bà mong được cúng dường tam bảo những vật thực tinh khiết nhất làm bằng lúa nếp trong những gáo dừa đựng đất sạch treo trên cao vì sợ có người bước qua (bà cho rằng lúa gạo trồng ở đồng ruộng thì không thể nào tinh khiết được).

Một hôm trong chùa có lễ hội lớn. Vi trụ trì phân công một số sư tiếp nhận lễ vật cúng dường của chư thiện nam tín nữ. Nghe tin, không quản đường xa, bà vội đem nắm gạo nếp tinh khiết nhất của mình đến cúng dường. Không ngờ rằng đám sư kia chỉ chú ý đến lễ vật hậu hĩ của người khác mà không ai tưởng đến bà và nắm gạo của bà. Chờ suốt một ngày và không thấy ai nhận, bà tức mình, ném nắm gạo xuống đất và bỏ ra về.

Ít lâu sau, bà tổ chức một lễ cúng Phật tại nhà rồi mời hòa thượng và các sư sải đó đến tụng kinh. Theo lệ thường, trước khi ra về, chủ nhân phải làm bánh tặng họ ăn đường. Ðể làm nhục bọn sư bất lương, bà giết một con chó làm thịt băm nhỏ với các thứ rau thơm làm nhân bánh. Sau bửa cơm chay, bà ta đem bánh đó tặng mỗi người một chiếc. Biết được mưu mẹo của bà, Vị Hòa Thượng dặn các nhà sư cầm bánh về nhưng đừng ăn. Họ đều vâng lời nhưng nhưng có một sư dọc đường thấy bánh thơm ngon đã quên mất và bóc ra ăn. Các sư khác biết bánh nhân thịt chó nên đều quẳng vào gốc cây bồ đề trước chùa.

Tất cả những việc đó đều thấu đến tai Phật. Trước hết, Phật trị tội bọn sư bất lương và tham lam, đày chúng xuống địa ngục. Về phần Bà Thanh Ðề thì bị tội nặng bị đày xuống địa ngục A Tỳ. Có người nói là bà là mẹ của Ðại Mục Kiền Liên, sau này ông đã từng xuống đó thăm và hóa độ cho mẹ, từ đó mà có sự tích Vu Lan báo hiếu“

Lời Bình: Bà Thanh Ðề vì lòng sân hận tức thời các sư sải bất lương, tâm Phật của bà đã biến thành tâm Ma. Hậu quả là bà đã bị đày xuống địa ngục A Tỳ.

b) Sự biến đổi từ Tà thành Chánh (Cải Tà quy Chánh)

Có những người một thời đã làm những việc bất nhân thất đức như cướp của giết người, hại người đến thân bại danh liệt (Tâm Ma) nhưng nhờ nhân duyên đến và sự hối cải (ăn năn) chân thành của họ đã làm cãm động đến chư Phật. Chư Phật đã hóa độ họ. Tâm Ma của họ đã biến thành Tâm Phật. > Chuyện 18 vị A la Hán

“Ngày xưa, có một người giàu có đức hạnh, nuôi được một con ngựa đẹp, nước chạy hay nhất trong xứ. Đặc biệt hơn nữa là con ngựa biết nói tiếng người và đoán được cả việc tương lai. Người nhà giàu chăm nom thương mến con ngựa như tình cha đối với con.

Một hôm ngựa nói cho chủ hay: "Ngày mai sẽ có một bọn cướp mười tám đứa đến đánh nhà này để lấy của. Ông đừng sợ gì cả, vì tôi đã có cách đối phó với họ. Ông cho giết mười tám con lợn sữa quay lên, rồi dọn ra ở bàn, với xôi, các thức ăn, cùng một vò rượu. Đợi đến giờ Tý, ông đi đón bọn cướp tụ họp ở ngã tư, rồi mời họ về nhà ăn uống. Họ sẽ nhận lời mời, và sẽ không làm hại gì ông đâu".

Người nhà giàu vốn rất tin ở ngựa đã nhiều lần đoán trước được việc đúng, nên đã tin và nghe theo.Việc xảy ra quả y như lời ngựa đã nói. Bọn cướp sau khi ăn uống no say mới hỏi chủ làm sao mà lại biết trước được họ đến nhà để dọn đúng bữa tiệc cho mười tám người ăn? Chủ nhà đáp rằng chính con ngựa đã báo trước cho hay số tên cướp đến bao nhiêu người, mục đích của họ định làm hại ông ra sao.

Bọn cướp lấy làm ngạc nhiên, lo ngại, tỏ ý muốn xem con vật dị thường. Chủ nhà dẫn họ đến chuồng ngựa. Tên cầm đầu bọn cướp mới hỏi con ngựa: "Sao mày biết được chúng tao đến nhà mà báo cho chủ hay"?

Ngựa đáp: "Tôi không phải là một con ngựa như các người tưởng đâu. Trước đây tôi cũng là người, như các ông, một người ngay thẳng, nhưng nghèo khổ. Tôi thiếu tiền chủ tôi mà trước kia ông là ân nhân của tôi. Tôi khó nhọc làm việc ngày đêm để trả nợ, song nửa chừng thì chết. Xuống âm phủ, Diêm Vương nhận thấy tôi là người ngay thật, song trước khi cho đầu thai trở lại làm người, tôi phải hóa kiếp làm ngựa để đền bù, trả cho hết số nợ tôi còn thiếu lại của chủ. Vì vậy nên các ông mới thấy tôi làm ngựa như thế này. Ngoài ra số nợ kiếp trước như tôi vừa nói, kiếp này chủ tôi lại tạo cho tôi thêm một món nợ khác nữa, đó là nợ cảm tình, vì chủ tôi săn sóc chu đáo, đối đãi tử tế, không để cho tôi thiếu thốn gì hết. Bởi thế cho nên tôi thấy có bổn phận không được lặng im như các loài vật khác, mà phải nói ra, báo trước cho chủ tôi hay những sự không may có thể xảy đến và giúp chủ tôi tìm cách tránh đỡ tai họa".

Những lời thốt ra từ miệng con ngựa lay động tận đáy lòng bọn cướp. Họ bảo nhau: "Con người ngay thật như thế mà còn phải hóa thân làm ngựa để trả nợ dở dang kiếp trước, còn chúng mình bấy lâu chỉ sống bằng cướp của giết người, không biết rồi đây phải đến thế nào nữa? Chết xuống âm phủ chắc chắn chúng mình sẽ phải chịu hình phạt ghê gớm lắm. Có lẽ chúng ta còn có ngày giờ để hối cải mà chuộc lại bao nhiêu tội lỗi đã gây nên".

Nghĩ thế rồi bọn cướp cáo từ ngựa và cám ơn chủ nhà mà rút lui. Về đến sào huyệt, tên tướng cướp bảo đồng bọn:

"Anh em ơi, tội lỗi chúng ta đã đầy đầu đầy cổ, tôi thấy hối hận đốt cháy cả ruột gan. Riêng về phần tôi, ngay từ lúc này, tôi quyết tâm cải tà quy chánh. Trong anh em, ai nghĩ như tôi thì giơ tay lên".

Tất cả bọn cướp đều giơ tay. Tướng cướp nói thêm:
"Trước khi vào chùa để sám hối, ta cũng nên xem Phật có thuận lòng cứu vớt chúng ta không. Anh em hãy mang một nồi nước ra đây, bỏ những đồ nghề ăn cướp vào mà đun lên. Trong khi đó chúng ta quỳ sấp mặt xuống đất mà khẩn cầu đến chư Phật. Nếu hết ngày hôm nay mà đồ nghề của chúng ta đều tiêu tan hòa theo nước, thì đó là triệu chứng lời thỉnh cầu của chúng ta được như ý nguyện". Cả bọn cướp đều làm y theo lời đó.

Đến tối lại, bọn cướp đứng lên, dỡ nắp vung ra, mừng rỡ thấy trong nồi chỉ toàn là nước. Mười tám tên cướp bèn cạo đầu đi tu. Từ đó thành khẩn ăn năn sám hối, cho đến chết được thành quả làm 18 vị La Hán.

Do đó mà ở trong các nhà chùa ngày nay người ta vẫn thấy tượng 18 vị bao giờ cũng đứng chung với nhau, song mặt mũi vẫn dữ tợn, vì lẽ nhiệm mầu của Phật, chỉ thay đổi lòng của họ mà thôi. Mười tám vị La Hán còn cầm ở tay các đồ ăn cướp là để nhắc nhở cho người đời rằng sự hối cải chân thành có thể xóa bỏ các tội lỗi đã gây nên”

Lời bình : Ðây chính là sự tinh tấn trên bước đường tâm linh mà trong Ðạo Phật gọi là “Hồi Ðầu Thị Ngạn” (Quay đầu lại là bờ), hay “bỏ dao xuống thành Phật”. Tâm ma đã biến thành tâm Phật.

c)Trí huệ Bát Nhã - Sự phá chấp (ngã) (*) giữa Chánh và Tà

Với cái nhìn của Trí Huệ Bát Nhã (1) (Quán tự tại Bồ Tát) thì không có sự phân biệt giữa Chánh và Tà (Tâm vô phân biệt) hay nói khác hơn là sự phá chấp (ngã) giữa Chánh và Tà hay giữa hai mặt đối lập (sắc/không, xấu/tốt, đẹp/xấu, hạnh phúc/đau khổ ....) vì vậy mà Bát Nhã Tâm Kinh có câu:

“Sắc bất dị không, Không bất dị sắc, Sắc tức thị không, Không tức thị sắc” (*)

Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật (2) cũng cùng ý tưởng trên nhưng văn phong được diễn tả một cách độc đáo như sau:

A không phải là A thì mới chính là A” hay là «A được cấu thành bởi các yếu tố không A” hay “A tức chẳng phải A, nên gọi là A”

A : là mệnh đề chứa đựng các danh từ sau:

Ðạo Phật/Chúng sinh/Thiên Ðường/Hạnh phúc/Phiền não/Khổ đau/Trần gian/Sắc v..v..

Ðiều này có vẽ như nghịch lý hay mâu thuẩn đối với lý luận bình thường (trí phàm) nhưng xem rất là hợp lý, sâu sắc và thâm thúy đối với Trí Huệ Bát Nhã hay còn gọi là Trí Huệ Siêu Ðộ. (3)

Chú thích:

(*) Ngã chấp là cố chấp cái ta của mình, cố chấp vào cái thân thể của mình. Ngã chấp là nguồn gốc của phiền não, người giác ngộ không chấp vào cái ta nữa thì được an vui

.........Ðức Chí Tôn ban cho chúng ta một cách phá chấp triệt để là dâng tam bửu lên Ðức Chí Tôn. Mỗi khi cúng Ðức Chí Tôn, chúng ta dâng thể xác, chơn thần và linh hồn lên cho Ðức Chí Tôn dùng phương nào thì dùng, Ðây là cách vô cùng hữu hiệu để phá tan cái ngã chấp của mỗi tín đồ , bởi vì chúng ta đã dâng hết cho Ðức Chí Tôn rồi, thì đâu còn gì của chúng ta mà phải ngã chấp. Sự dâng hiến này phải thật sự chí thành trọn vẹn thì mới đạt kết quả. (trích Cao Ðài Tự Ðiển - HT Nguyễn văn Hồng Q2 trang 727)

(1) “Bát Nhã (Prajnã) là trí huệ, là thông triệt/biết rõ thật tướng các pháp, tròn đầy như Diệu Trí tuệ của đạo lý chân thật, Diệu Trí tuệ ấy khác với Trí tuệ của thế gian. Ba la Mật (Paramita) là sang bờ bên kia, đó là bờ chân thực tự tại hay thanh tịnh Niết-Bàn (Chân Ðế), phân biệt với bờ bên này là bờ của ảo hóa vô thường, tức Tục Ðế . Ba la Mật lấy diệu trí vô trụ ly tướng Kim Cang Bát Nhã để dứt ác trừ tội thành tựu công đức hi hữu của Như Lai.”

Bát Nhã Ba La Mật Ða là Ðại thần Chú, là chú của Ðại Minh Huệ, là chú cao tuyệt. Thần chú vô giá này trừ tuyệt hết mọi đau khổ, đó là chân lý vì không sai lầm, đó là chú được công bố trong kinh Bát Nhã Ba La Mật:

Chú nói rằng : “Yết Ðế, Yết Ðế, Ba La Yết Ðế, Ba La Tăng Ðế, Bồ đề Tát Bà Ha” (3 lần) “Ði đi, đi đi , đi qua đi, đi qua bờ chân chính đi, giác ngộ chân thực viên mãn” (3lần) (trích Bát Nhã Ba La Mật Ða diễn giải-Thích Nhất Hạnh/nghiên cứu Bát Nhã Tâm Kinh- Tuệ Từ- Nguyễn Ngọc Bách/Câu chuyện cuộc đời tổ thứ sáu Ðại Sư Huệ Năng)”

(2) ”Kinh Kim Cang lấy thực tướng chủ thể vô trụ làm kinh, lấy lìa tướng mà tu hành, lấy nhất thiết thiện làm giáo pháp, lấy vô trụ mà sanh tâm làm diệu dụng. Ðiều cốt yếu của bổn tâm là vô trụ, vô trụ thì không có chấp trước, không chấp trước thì phá được ngã và ngã kiến, và do đó dứt trừ điên đão vọng tưởng mà được minh tâm kiến tánh. Nói một cách đơn giản rằng: trước là lìa tướng, thứ là lìa kiến, sau nữa ly niệm là phép thứ tự tu hành của cuốn kinh này.

Kim Cang (Kim Cương) là một lọai đá quý cứng nhất, nó có thể phá tất cả mọi vật, nhưng không một vật nào có thể phá được nó, Phật Pháp dẫn dụ là vô năng thắng, vô năng động, không có gì phá hoại được diệu trí Bát Nhã” (trích “Câu chuyện cuộc đời Tổ thứ sáu Ðại Sư Huệ Năng)”

(3) ”Sắc không phải là sắc (không) mới chính là Sắc, Sắc được tạo thành bởi các yếu tố không sắc (không)” “Sắc tức chẳng là Sắc (không), nên gọi là Sắc” (**), ta thấy rằng vế (**) có cùng ý tưởng như (*) chỉ khác do lối hành văn mà thôi.

Sau đây là một số ví dụ tiêu biểu minh họa cho tư tưởng trên

1/« Thiên đường được cấu thành bởi những yếu tố không thiên đường (địa ngục) hay là Thiên đường (Chánh Ðạo) chỉ có mặt ở nơi địa ngục (Tà Ðạo)»

Nếu ta ví thiên đường cấu thành bởi sư hạnh phúc/giải thoát/bồ đề/đạo mầu/Phật Ðạo và Ðịa Ngục cấu thành bởi su Khổ đau/Phiền não/Trần gian/Chúng sinh thì đây là các câu có ý tương tự :

2/« Hạnh phúc chỉ có mặt trong khổ đau. Phiền não chính là giải thoát. Khổ đau, phiền não là Bồ-Ðề (câu này do Lục Tổ Huệ Năng thuyết pháp trong kinh Pháp Bảo Ðàn). Trần gian là cõi sum xuê đạo mầu. »

Thật vậy khi bị khổ đau (phiền não)/cảnh giới của địa ngục tức chúng sinh ta mới tìm kiếm giải pháp diệt khổ để đạt hạnh phúc hay giải thoát/đạt bồ đề//đạt đạo mầu/Phật Ðạo/Ðại Ðạo/cảnh giới của thiên đàng. Vậy cảnh giới thiên đàng được tạo nên bằng những yếu tố không Thiên Ðàng (Ðịa Ngục). Ðiều này đã được giải thích rõ ràng trong Tứ Diệu Ðế (1) của giáo lý Ðạo Phật .

3/« Chúng sinh không phải là chúng sinh mới chính là chúng sinh hay chúng sinh được cấu thành từ những yếu tố không chúng sanh tức Phật Tánh) (2)»

Câu này mang ý tưởng tương tự như 2 câu sau :

4/Thánh ngôn Cao Ðài có câu : “Các con là Thầy và Thầy là các con” cũng nói lên tinh thần phá chấp ngã và vô phân biệt giữa chúng sinh và Thượng Ðế

5/Và Phật cũng có dạy rằng : “Chúng sinh là Phật sẽ thành, Ta là Phật đã thành”

Thật vậy : trong chúng sinh (các con) có chứa đựng các yếu tố vô chúng sinh (phật tính) tức là khối tiểu linh quang (Tiểu Ngã/Tiểu Hồn/Tiểu Thượng Ðế) được chiết xuống từ khối Ðại linh quang (Ðại hồn/Ðại Ngã) của Thượng Ðế . Câu (5) còn có ý nghĩa nói lên lòng đại từ đại bi của Ðức Phật muốn khuyến khích chúng sanh sớm vén bức màn vô minh và tu tập để sớm giác ngộ Phật Ðạo.

Chú thích (1) :«Tứ Diệu Ðế là Khổ chỉ ra mọi thứ khổ : sinh, lão, bệnh, tử, muốn mà không được, chia ly với người ta yêu, sống với người ta không thích, sinh ly tử biệt... ,

Tập chỉ ra nguyên nhân của khổ:
Thập nhị nhân duyên,
Tam độc-(Tham Sân Si,)
Lục Hại (nhãn/sắc, nhĩ/thinh, tỷ/hương, thiệt/vị. thân/xúc, ý/pháp).

Diệt chỉ ra phương tiện để diệt khổ:
Tam học (Giới/Ðịnh/Huệ),
Lục Ðộ (1/Bố thí (2/Trì giới 3/Nhẫn nhục 4/Tinh Tấn 5/Ðịnh (Quán hơi thở, Quán Thân Bất Tịnh, Quán từ bi, Quán nhân duyên vô thường, Quán pháp vô Ngã) 6/Tuệ (sáng suốt giác ngộ sinh ra Huệ thấy được lẽ chân thật)).

Ðạo (chỉ ra Bát Chánh Ðạo (1/Chính kiến, 2/Chính Tư Duy, 3/Chính Ngữ, 4/Chính Nghiệp,5/Chính mệnh, 6/Chính Tinh Tấn, 7/Chính Niệm, 8/Chính Ðịnh).
(Tóm lược « Nghiên cứuBát Nhã Tâm Kinh » - Tuệ Từ - Nguyễn Ngọc Bách).

Chú thích (2):

« Phật tánh còn gọi là Tánh Giác Chân Như. Ví như cái gương, soi chiếu rõ ràng, tùy duyên bất biến, tuy ảnh hưởng thì có hàng vạn nhưng soi nhiếp tất cả khôngbị chướng ngại và tánh chiếu của gương chưa từng bị sanh diệt hay tăng giãm.

Ðạo Phật nhấn mạnh Vạn Vật đều có tánh Phật, tuy phiền não vô lượng , sanh diệt không ngừng nhưng tánh giác chân như vẫn như như. Chúng ta thử lấy nước làm thí dụ: nước thì có đục có trong nhưng tánh ướt của nước vẫn là một; tâm chúng sanh cũng thế, tuy có sạch có dơ nhưng Tánh Phật thì vẫn bình đẳng không khác. (Trích «Câu chuyện cuộc đời Tổ thứ sáu Ðại Sư Huệ Năng »)

6/Quy luật âm dương (kinh dịch với 2 thái cực âm dương gọi là lưỡng nghi- âm là đối lập của dương) cho thấy vật thể được tạo thành từ Ngôi Thái Cực mà Ðạo Cao Ðài gọi là Thượng Ðế, Thái Cực sanh lưỡng nghi, lưỡng nghi sanh tứ tượng, tứ tượng sanh bát quái sanh sanh hóa hóa tạo ra muôn vật và càn khôn vũ trụ. Vậy âm và dương không thể tồn tại riêng biệt và phải tương duyên trong một thể thống nhất. (*)

Chú Thích :

Luật âm dưong la luật tiến hóa của Càn Khôn Vũ Trụ, Âm và Dương hay các cặp mâu thuẩn (Thiện/Ác, Chánh/Tà ...) tạo nên hai lực đối nghịch - một lực kéo xuống- Âm/Tà/Ác, một lực kéo lên - Dương/Chánh/Thiện làm chuyển động chiếc bánh xe tiến hóa của Càn Khôn Vũ Trụ và tạo ra vạn vật. Dưong cũng tượng trưng cho quẻ Càn (Trời) / Người Nam và Âm cũng tượng trưng cho Quẻ Khôn (Ðất)/ Người Nữ. Nam Nữ kết hợp với nhau để duy trì nòi giống.

7/Trong chuyện tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung, nêu lên cái cười ngạo nghể giữa chốn giang hồ khi tác giả cho người đọc thấy trong Chánh có Tà trong Tà có Chánh, Giáo phái được mệnh danh là danh môn chánh phái lại có những con người làm chuyện tà ác (Nhạc Bất Quần của phái Hoa Sơn) trong khi Nhật Nguyệt Thần Giáo đươc gọi là Ma Giáo lại có những nhân vật anh hùng và khí khái (Khúc Dương-Tả hữu sứ của Ma Giáo)

Nhân vật Lệnh Hồ Xung là sự kết hợp giữa Chánh và Tà với võ công tà thuật (hấp tinh đại pháp) và Chánh (dịch cân kinh & độc cô cầu bại kiếm pháp) và do đó võ công của anh ta đã trở nên đệ nhất thiên hạ.

8/Ðức Ðạt lai Ðạt Ma thứ 14 đã từng nói

“To me there is no difference whether president, beggar or king” “Ðối với tôi, tổng thống hành khất hay quân vương thì cũng thế thôi” Nói lên ý niệm về nhân loại đại đồng và vô phân biệt (phá ngã chấp) giữa các giai cấp trong xã hội.

9/«Ðạo Phật không phải là Ðạo Phật (Không Phật tức chúng sinh) mới chính là Ðạo Phật hay là Phật được cấu thành bởi các yếu tố không Phật (*) (Bát Nhã Tâm kinh diễn giải Thích Nhất Hạnh trang 38) »

Trong quyển sách này Thiền sư Nhất Hạnh đã dùng lối văn chương u mặc (cười triết lý) của Thiền để kể lại một cuộc gặp gỡ và đối thoại hy hữu giữa Phật (Chánh) và Ma Vương (Tà). > Sau đây là đoạn trích được tóm lược như sau :

«Một ngày kia Ma Vương tìm gặp Phật. Sứ giả Anan rất lo ngại nghĩ rằng Phật sẽ không tiếp, nhưng lạ lùng thay Phật vẫn vui vẻ tiếp đón và tiếp chuyện với Ma Vưong. Sau đây là một đoạn đối thoại giữa Phật và Ma :

« Sau khi chuẩn bị trà cỏ cho Phật và Ma vương, sứ giả Anan cố gắng nghe câu chuyện giữa Phật và Ma Vương
Phật dịu dàng hỏi : « Lâu nay ông khỏe chứ, mọi việc suông sẻ chứ ? »
Ma Vương đáp : «Mọi việc chẳng vui vẻ gì. Tôi chán làm Ma Vương rồi. Tôi muốn làm cái gì khác hơn ».

Anan kinh hoàng.

Ma Vương bảo : «Ngài biết đó, làm Ma Vương thật không dễ dàng. Vì khi nói phải nói cho thật tối nghĩa, còn khi làm một việc gì, phải thật hung ác và quỷ quyệt. Tôi chán mọi chuyện như thế. Nhưng có một điều tôi không chịu nỗi là bọn đệ tử của tôi. Chúng đang hô hào bàn tán về công bằng xã hội, hòa bình, bình đẳng giải thoát, bất nhị, phi bạo lực và tất cả những thứ đại loại như thế . Tôi đã quá đủ. Tốt nhất là tôi giao hết bọn chúng cho ngài . Tôi muốn làm một cái gì khác hơn. »

Anan bắt đầu rùng mình vì sợ Ðức Thế Tôn sẽ quyết định đảm nhận vai trò khác. Ma Vương sẽ trở thành Phật và Phật sẽ trở thành Ma Vương. Ðiều đó làm Anan rầu rĩ.

Phật chăm chú lắng nghe Ma Vương giải bày mà lòng đầy thương cãm. Cuối cùng Ngài từ tốn nói : « Ông nghĩ làm Phật vui lắm sao ? ông đâu biết các đệ tử của tôi cũng gây lắm phiền hà. Họ đặt vào miệng tôi những lời mà tôi không bao giờ nói . Họ xây chùa chiền lộng lẫy và đặt tượng của tôi lên bệ thờ, để thu chuối, cam, gạo ngon chỉ để cho chính họ . Và họ gói tôi lại, rồi biến giáo lý của tôi trở thành vật bán buôn. Ma Vương này, nếu ông biết sự thật rằng làm Phật như thế nào, tôi dám chắc ông không muốn làm Phật một chút nào »(Trích Bát Nhã Tâm kinh diễn giải Thích Nhất Hạnh trang 40,41,42)

Lời bình: Chúng ta thấy rằng sở dĩ Ma Vương muốn đổi vai trò vì bọn đệ tử tượng trưng cho Tâm Ma âm mưu làm phản, vậy trong Tâm Ma vẫn có những yếu tố không Ma (Phật tánh) và đệ tử của Phật lại làm sai giáo lý của ngài vậy trong Phật vẫn hiện diện cái yếu tố không Phật (Vô Minh tánh).

Chú thích : (*) « Khi bạn dựng một vỡ kịch có anh hùng, bạn phải tạo ra nhân vật phản diện dể anh hùng là người hùng. Cho nên Phật cần Ma vương đãm nhiệm vai ác để có thể là Phật ..... Phật được tạo bởi các thành tố không Phật. Nếu những thành tố không Phật như chúng ta đây không có ở đây, làm cách nào có được Phật. Nếu không có người cánh hữu , sao ta có thể gọi ai đó là cánh tả ? »(trích Bát nhã Tâm kinh diễn giải-Thiền sư Nhất Hạnh,trang 34).

10/ Ðiều này cũng có thể chứng minh bằng câu nói của Pascal “con người không phải là một vị Thánh (Phật tánh) cũng không phải là một con thú (vô minh tánh) mà là cả hai”

d) Trí huệ Bát Nhã- Phân biệt thế nào là cứu cánh (Ðạo) và phương tiện (Giáo Lý) và sự phá chấp (phủ nhận) phương tiện

1/ Trang tử có viết :

« Có nơm là vì cá, đặng cá hãy quên nơm »
«Có dò là vì thỏ đặng thỏ hãy quên dò »
« Có lời là vì ý, đặng ý hãy quên lời »

« Ta tìm đâu đặng người biết quên lời hầu cùng nhau đàm luận » (*)
2/ Phật có dạy rằng : « Pháp ta nói như chiếc bè qua sông, qua sông rồi pháp còn phải bỏ huống chi là phi pháp » (**)

3/ Phật có dạy rằng « Ta thuyết pháp trong khoảng 49 năm mà chưa từng nói một lời nào, kìa đệ tử hãy xem ngón tay ta mà thấy mặt trăng, nhưng nên nhớ ngón tay ta không phải là mặt trăng » (***)

(*)Trang tử cho rằng nơm, dò, lời là những phương tiện để đạt mục đích (khi bắt được cá, thỏ và đạt ý thì phải phủ nhận (phá ngã chấp) các phương tiện thì mới đạt sự rốt ráo của Ðạo Pháp mà đàm luận cùng Trang tử.

(**) Phật cho là giáo lý (pháp) là chiếc bè (phương tiện) mang hành giả sang sông (đáo bĩ ngạn) để đắc Ðạo. Khi giác ngộ rồi (cứu cánh là qua sông) thì phải phá chấp các giáo lý ấy đi. Sự phá chấp ấy gọi là phá chấp Pháp.

Chú thích : Trong Cao Ðài có Thuyền Bát Nhã đưa người quá cố qua sông có lẽ muốn thể hiện tư tưởng Phật Giáo trên chăng ?

(***) Tương tự như 2, Phật phá Pháp chấp để đi tới chân lý nên Phật thuyết pháp trong 49 năm nhưng coi như chưa hề nói một lời nào, phương tiện là ngón tay hay lời thuyết Pháp của Phật nhưng cứu cánh là mặt trăng (chân lý Ðạo), và đừng lầm tưởng (mê vọng, tâm điên đảo, vọng tưởng) ngón tay Phật chỉ là mặt trăng .

e) Ý nghĩa của sự phá ngã chấp /pháp chấp

- Ðức Phật muốn dạy chúng ta về sự thực hành hạnh Từ Bi Hĩ Xã (*) thương xót chúng sinh, không phân biệt giai cấp giàu/nghèo/bệnh tật/bất hạnh qua việc thực hành hạnh bố thí, làm công quả và phổ độ chúng sinh (*)

- Ðức Phật dạy chúng ta về sự thực hành Trí Tuệ, Trí Tuệ mãi mãi bừng sáng lên để giác ngộ và xua tan sự tăm tối của Vô Minh.

Ðức Phật dạy chúng ta về sự thực hành Dũng Khí là sự can đảm, không hề sợ hãi, mạnh mẽ đi theo con đường chân thật để đến bờ giác

-Ðức Phật cũng muốn dạy cho ta phương pháp diệt khổ của Tứ Diệu Ðế (Khổ, Tập, Diệt ,Ðạo)

- Nói tóm lại kinh Ðại thừa Kim Cang Bát Nhã dạy chúng ta thực hành hạnh Bi-Trí-Dũng của Bồ Tát Ðạo để đưa tới sự giải thoát (diệt khổ và thoát ly ra khỏi vòng luân hồi của Sinh, Lão, Bệnh, Tử).(**).

Chú thích:

(*) Phổ Ðộ: Phổ là bày, Ðộ là cứu, Phổ Ðộ là cứu hộ hay cứu giúp chúng sinh . Từ Bi: là lòng trắc ẩn, thông cãm, thương xót chúng sinh . Hỉ Xả: là hoan hĩ, buông bỏ , xả bỏ , tha thứ mọi lổi lầm của chúng sinh và xoa dịu mọi đau khổ của bản thân và của tha nhân .

(**) Nên nhớ đây là sự thoát ly ra khỏi vòng luân hồi của “Sinh, Lão, Bệnh Tử” của Tâm thức, lúc ấy Tâm đã biến thành gươm thần huệ hay kim cương bất hoại, Tâm không còn sợ hãi, điên đảo, diệt trừ mọi phiền não, tâm tỉnh mịch vắng lặng và đạt cảnh giới của Niết Bàn hay giác ngộ chân thực viên mãn (Chân Ðế)/Tâm Phật Thanh Tịnh). Tuy nhiên thể xác được tạo thành bởi Tứ Ðại Giả Hợp (đất, nước, lửa, khí) sẽ tan rã và trở về với cát bụi, đó là lý do tại sao Ðức Phật tuy là một Ðấng Giác Ngộ có Ðại Từ, Ðại Lực và Ðại Bi nhưng cũng nhập diệt (Nhập niết bàn) khi Ðức ngài được 80 tuổi.

Ðể kết thúc bài viết này Ðạo Ðệ xin mạn phép được trích dẫn một câu chuyện để thay cho lời kết luận:

Chuyện Thiện Ác trong một ý Nghĩ (Trích 100 câu chuyện triết lý về cuộc đời-Huy Sanh biên soạn)

“Có một chàng võ sĩ đến khẩn cầu một thiền sư già
- Ông già, nói cho ta biết thế nào là thiên đường, thế nào là địa ngục

Vị sư già không hề phản ứng, tựa như chẳng nghe thấy gì. Nhưng ông từ từ mở mắt ra, mép khẽ nhếch một nụ cười . Võ sĩ đứng đứng bên cạnh không thể chờ đợi, lòng như có kiến bò trong chảo nóng.

Vị sư già hỏi: Ngươi muốn biết bí mật của Thiên Ðường và Ðịa Ngục ư ? Con người thô ráp như ngươi, tay chân dính đầy bùn đất, đầu tóc bù xù, râu ria bẩn thỉu, thanh kiếm thì để han rỉ, vừa nhìn đã biết không bảo quản cẩn thận.Ngươi là con người xấu xí, ngươi còn đến hỏi ta bí mật của thiên đường và địa ngục làm gì ?

Võ sĩ hậm hực chửi một câu, rút kiếm ra nghe đánh soạt, giơ lên bổ vào đầu vị sư già. Mặt võ sĩ đỏ lựng, cổ nổi gân xanh và thực sự muốn chém vở đầu vị sư già, thanh kiếm vừa bổ xuống, vị sư già nói nhẹ nhàng :

-Ðây đúng là địa ngục!

Trong nháy mắt, võ sĩ ngớ người ra, y bỗng trở nên mềm yếu và yêu mến vị sư già dám đem tính mệnh ra để dạy mình. Thanh kiếm dừng lại ở trên không và y bổng chảy nước mắt.

Vi sư già nói : Ðây là thiên đường!”

4/Lời bình và kết luận

Trong mỗi giây phút Thiện (Chánh) hay Ác (Tà) đều phát sinh trong ý nghĩ của ta, mỗi ý nghĩ Ác, hành động Ác đối bản thân và người khác đều là địa ngục, mỗi ý nghĩ Thiện, hành động Thiện đối bản thân và người khác đều là thiên đường. Nếu mọi người đều bỏ Ác theo Thiện thì dù địa ngục cũng trở thành thiên đường. Vì vậy mỗi người cần tỉnh tâm nghĩ về quá khứ, thường xuyên kiểm điểm, quán xét nội tâm của mình để loại bỏ tư tưởng/ý nghĩ Ác trong tâm, vứt bỏ những lời nói hành động làm tổn thương người khác để tâm hồn mang đầy những tư tưởng/ý nghĩ lành/thiện. Từ đó, họ sẽ cãm vui sống một đời sống an lành và hạnh phúc .

Ý nghĩ lành / hành động thiện tượng trưng cho Chánh Ðạo, và đời sống Ðạo Ðức, làm lành, lánh dữ, dưỡng tánh tu tâm, phá chấp ngã (tâm vô phân biệt) để đem lòng từ bi và nhân ái cứu giúp người nghèo khổ, đói rét, bất hạnh và bệnh tật. Những đìều đó phải chăng là chiếc chìa khóa vàng giúp chúng ta giữ vững Chánh Ðạo, mở rộng và thâm nhập vào được cánh cửa huyền diệu của chân lý Ðạo và đạt được cảnh giới Niết Bàn trong tâm thức?

Nhân đây Ðạo Ðệ cãm khái làm nên hai bài thơ sau. Xin được tặng chư hiền :

Pháp Bất Nhị

Thiện Ác đều do bởi Tâm Sanh (*)
Chánh Tà hai nẻo của Tâm Lành (*)
Tâm sanh phân biệt gieo phiền não (*)
Ðau khổ nổi lên phá Ðạo Tâm ! (*)

Dưỡng tánh tu tâm là Phương Pháp Làm lành lánh dữ, là Phương Châm

Từ Bi, Phổ Ðộ phá Chấp Ngã (**)
Chân Như tỏa rạng Niết Bàn Tâm ! (***)

Chú thích:

(* )«Chúng ta chỉ muốn có thiện và muốn loại trừ mọi điều ác. Nhưng đó vì chúng ta quên rằng thiện được tạo thành bởi các các thành tố không thiện. Giả sử tôi đang cầm một nhánh cây xinh đẹp. Khi tôi ngắm nó với tâm vô phân biệt, sẽ thấy nhánh cây tuyệt vời . Nhưng ngay khi chúng ta khởi tâm phân biệt đầu này là trái đầu kia là phải, chúng ta sẽ trở nên bối rối ...................và có ngay phiền não..............

Tôi không muốn phía phải của nhánh cây này, tôi chỉ muốn phía trái . Vậy tôi bẻ một nữa thực tại và ném đi. Nhưng ngay khi tôi ném một nửa không ao ước đó đi, phần cuối còn lại trở thành phải, phía phải mới vì chừng phần trái còn, phía phải cũng còn ......

Vậy bạn không hy vọng loại bỏ được ác, vì nhờ ác thiện tồn tại và ngược lại . ?» (trích Bát nhã Tâm kinh diễn giải-Thiền sư Nhất Hạnh,trang 34). Khi đau khổ nổi lên thì chúng sẽ phá họai Ðạo Tâm, làm Tâm sanh phiền não tức Vô Minh .

(**)”Lời Phật dạy : Thiện căn có thể chia làm 2 loại, thường và vô thường. Nhưng Phật Tánh thì đã chẳng thường cũng không phải vô thường cho nên sẽ không đoạn tuyệt, đây chính là Pháp môn bất nhị. Ngoài ra, đem sự vật phân thành hai pháp thiện và bất thiện, nhưng Phật Pháp không phải Thiện cũng không phải bất thiện, không phân biệt thiện ác (phá ngã chấp ), đây mới là pháp môn Bất Nhị. Người phàm thì thấy hai loại phân biệt (Xấu/Tốt, Sạch/Dơ, Tăng/Giãm, Sinh/Diệt....), nhưng người có Trí Huệ Bát Nhã thì thấy vạn pháp đều tương duyên (do duyên sinh), tánh của nó là không (không có tự ngã riêng) nên không có phân biệt. Tánh thật bất nhị này chính là Phật Tánh” (trích “câu chuyện cuộc đời tổ thứ sáu Ðại Sư Huệ Năng”).

(***) “Niết bàn Tâm tượng trưng cho Tâm tĩnh lặng hay Tâm Phật, Chân Như tượng trưng cho lẽ chân thật hay Phật Tánh”

Tâm Ðạo

Tâm Ðạo lý trông thật nhiệm mầu
Thân Tâm không động tĩnh lặng mau
Ðạo mầu tình thương bao la ấy
Rọi chiếu hồn ta một sớm mai
Sớm mai mặt trời kia tỏa sáng
Mở ánh bình minh rạng ước mơ
Ước mơ đường Ðạo ta vui bước
Ðường về Ngọc Hư đã định rồi (1)
Ðường ấy là nơi không sắc tướng (2)
Chân như Phật Ðạo hẳn phơi bày
Ðường ấy là nơi không chiều hướng (2)
Không lý không luận hẳn cao vời
Sắc Không hai thể đồng nhất hóa
Không gian thời gian cũng hóa không (2)
Ngũ uẩn giai không Huệ Bát Nhã
Rạng chiếu hồn ta ánh Ðạo vàng !
(xem chú thích trang 1)

Chú thích

(1) “Cao Ðài gọi Ngoc Hư là Ngọc Hư Cung: Cung điện ở cõi thiêng lìêng hằng sống/Thiên Ðàng (chúa)/Niết Bàn (Phật).
(2) Do ”Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc, (Bát Nhã Tâm Kinh),Vật thể (không gian và thời gian) cũng hóa không, không sắc tướng và không chiều hướng
(3) ”Vì là Trí Huệ Bát Nhã nên không lý luận giống như trí phàm của thế giới nhị nguyên”.
(4)”Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Ða thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách” (Bát Nhã Tâm Kinh)
“Năm uẩn là qui trình nhận thức cơ bản của con người áp dụng cho năm gíác quan và cả ý thức con người tức Lục căn (mắt, tai, mủi, lưỡi, thân, ý).

Quy trình này liên hệ với nhaunhư chuổi xích. Áp dụng cho giác quan đầu tiên của mắt thì năm uẩn là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Sắc tức hình sắc, là tất cả hình sắc mà mắt có thể nhìn thấy được.
Sắc ấy chạm vào mắt thi sinh ra Thọ tức là sự cãm thụ của mắt và từ đó sinh ra ảnh tượng của mắt gọi là Tưởng. Ảnh tượng đó vậ.n chuyển theo đường thần kinh thị giác để vào đến trung khu thần kinh là não bộ nên gọi là Hành. Ở não có bộ phận nhận và giải mã tín hiệu thần kinh này ở thùy chẩm thành ra nhận Thức của mắt (Nhãn Thức) ... Vì khi thấy rõ ngũ uẩn đều không, thì từ đó vượt qua được khổ ách
(Tóm lược “Nghiên cưu Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh - Tuệ Từ Nguyễn Ngọc Bách)

Xin thành tâm cầu nguyện Ðức Chí Tôn, Ðức Phật Mẫu và các Ðấng Thìêng Liêng ban phước lành và hồng ân cho chúng con hầu giữ vững và phát huy Ðạo Tâm.

Nam Mô Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát
Viết xong ngày 25/08/06,
hiệu đính vào ngày 17/09/06 nhằm mồng 25 tháng 7 năm Bính Tuất .

Huệ Tâm-Vân Dương