Chúng sanh có khuynh hướng say mê vật chất và sanh nghịch lẫn nhau để tranh giành quyền lợi, bạc tiền, danh vọng vật chất và cũng vì sự khác biệt Tôn Giáo, phong tục . . đã gây ra chia rẽ vợ chồng, anh em, bè bạn.
Vì vậy Đức Chí Tôn mới dùng huyền cơ diệu bút mở ra một nền Đạo mới tại Việt nam vào năm 1926 với nguyên lý: Vạn Giáo Nhất Lý, hay là mọi Tôn Giáo đều là Một, cùng một nguồn gốc Đấng Thượng Đế, cùng một Nguyên lý, và là những hình thể "Hữu hình" của cùng một Chân lý.
Cao Đài nghĩa là cái Đài cao, nơi Thượng Đế ngự. Chữ Cao Đài được dùng để làm danh xưng của Đức Chí Tôn " Đức Cao Đài" và cũng là danh xưng của mối Đạo mới "Đạo Cao Đài".
Danh xưng chánh thức của Đạo Cao Đài là "Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ".
- Đại Đạo là một mối Đạo lớn, bao gồm tất cả mọi Tôn Giáo. Chữ Đạo có hai nghĩa: Một nghĩa chánh là mối Đạo Vô vi; là con đường dẫn Chúng sanh đến sự hiệp nhứt cùng Đức Chí Tôn. Nghĩa thứ hai là Tôn Giáo, là hình thể, cấu trúc hữu hình của mối Đạo Vô vi.
-Tam Kỳ là lần thứ ba.Nói như vậy là phải có Kỳ thứ nhứt và Kỳ thứ nhì.
Thật vậy, nền Đại Đạo được hoằng khai lần thứ nhứt qua các Sứ giả sau đây:
Nhiên Đăng Cổ Phật khai Ấn Độ Giáo (một hình thức Đạo Phật), Thái Thượng Đạo Quân khai Đạo Tiên, Vua Phục Hy khai Nhân Đạo, Moses khai Thánh Đạo (Dưới hình thức Do Thái Giáo).
Và lần thứ nhì nền Đại Đạo được hoằng khai qua các Sứ giả tiếp nối:
Đức Thích Ca Mâu Ni trùng tu Phật Đạo, Đức Lão Tử trùng tu Đạo Tiên dưới hình thức Lão Giáo, Đức GiêSu, Mohamed trùng tu Đạo Thánh dưới hình thức Đạo Thiên Chúa và Đạo Hồi. Đức Khổng Tử trùng tu Nhơn Đạo dưới hình thức Đạo Nho.
Và lần thứ ba, chính Đức Chí Tôn dùng huyền cơ diệu bút đích thân mở Đạo Cao Đài để đem tất cả mối Đạo Đông Tây trở về sự hòa hiệp với nhau, hay là quy Tam Giáo Hiệp Ngũ Chi.
-Phổ Độ là cứu vớt tất cả mọi sanh linh, không phân biệt. < br>
Đạo Cao Đài được chính thức khai mở (Đăng ký) vào năm 1926. Khi mở Đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn có dạy rằng: "Trước khi Thầy mở Đạo, Thầy đã cho Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đến khắp nơi trên Thế giới để phát huy đường lối Đại Đồng."
Thật vậy, trước đó vào năm 1862, Đạo Bahai được mở tại Ba Tư, năm 1875, Đạo Thông Thiên học được Helena Blavatski mở tại Newyork, năm 1893, Đại Hội Tôn Giáo toàn cầu được mở tại Chicago, năm 1900, Đại Hội Quốc tế về Lịch sử Tôn Giáo được tổ chức tại Paris, năm 1939 Radhakhrisnan bắt đầu giảng dạy khoa Tôn Giáo đối chiếu tại Đại Học Oxford.
Tại sao Đạo Cao Đài ? Thêm một Tôn giáo nữa? Nhân loai hiện không có đủ Tôn giáo sao?
Thật ra thì nhân loại đang có quá nhiều Tôn giáo riêng rẽ nhiều đến nỗi những Tôn giáo ấy cạnh tranh kỳ thị, hiềm khích lẫn nhau đến nỗi gây nên thù hận, chiến tranh giữa người và người. Chính vì vậy mà Đức Chí Tôn đã phải đến để đem nhiều nền Tôn Giáo trở về hòa hiệp với nhau.
Đức Cao Đài dạy rằng:
"Vốn từ trước Thầy lập ra Ngũ Chi Đại Đạo là:
Nhơn Đạo
Thần Đạo
Thánh Đạo
Tiên Đạo
Phật Đạo.
Tùy theo phong hóa của Nhân loại mà gầy Chánh Giáo, là vì khi trước Càn vô đắc khán, Khôn vô đắc duyệt, thì Nhơn loại duy có hành Đạo nội tư phương mình mà thôi.
Còn nay thì nhơn loại đã hiệp đồng, Càn khôn dĩ tận thức, thì lại bị phần nhiều Đạo ấy mà nhơn loại nghịch lẫn nhau, nên Thầy mới nhứt định Qui Nguyên Phục Nhứt."
Lịch sử Đạo Cao Đài
Năm 1920, Đức Chí Tôn dùng huyền cơ diệu bút độ Ngài Ngô văn Chiêu, lúc Ngài làm quan Phủ đảo Phú Quốc. Lúc đầu không ai hiểu ý nghĩa hai chữ Cao Đài là gì. Đức Chí Tôn mới giải thích Cao Đài là cái Đài cao, nơi Đức Chí Tôn ngự và dùng hai chữ Cao Đài để tượng trưng Đức Chí Tôn. Và sau nầy hai chữ Cao Đài dùng làm tên của nền Tôn Giáo mới.
Đức Cao Đài dạy Đức Ngô văn Chiêu rằng " Mọi Tôn giáo đều là Một và sứ mạng của Đạo Cao Đài là qui Tam Giáo hiệp Ngũ Chi hay nói cách khác, đem những mối Đạo của Thế gian về với nhau trong sự hòa hiệp. Đức Chí Tôn còn dạy Ngài Ngô văn Chiêu dùng Thiên Nhãn để thờ và cũng là biểu hiệu của Đạo Cao Đài. Sau đó vào năm 1924, Ngài Ngô văn Chiêu được đổi về Sài Gòn. Nơi đây, Ngài truyền dạy cho những người có căn cơ Pháp môn Thiền định do Đức Chí Tôn truyền dạy.
Cũng ở tại Sài Gòn, vào năm 1925, phong trào cầu Cơ rất thịnh hành, có một nhóm công chức thường họp nhau để xây bàn cầu Cơ. Lúc đầu có vong linh của thân nhân các vị hầu đàn về, sau đó có các chư Tiên, chư Phật giáng Cơ dạy Đạo. Sau rốt, có một vị Tiên Ông xưng danh là AĂÂ, giáng Cơ làm thơ họa vận.
Vì cầu Cơ bằng cách xây bàn rất chậm chạp bất tiện, Đức AĂÂ dạy Chư vị hầu đàn dùng Ngọc Cơ thay thế để có thể viết chữ mau lẹ hơn. Ngọc Cơ được đan bằng vỏ tre, các cây dương liễu, đầu chạm hình chim loan, cây cọ bằng mây dùng để viết chữ xuống mặt bàn Cơ. Đến đêm 24-12-1925, Đức AĂÂ giáng Cơ cho biết Ngài là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, bấy lâu nay mượn tên AĂÂ để độ dẫn Chư đệ tử vào đuờng Đạo. Ngài thâu Chư vị hầu Đàn làm Đệ tử và giao phó phận sự truyền Đạo Cao Đài tại phương Nam. Trong số Chư vị hầu đàn có Quý Ông Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang, Trương hữu Đức và Nguyễn Trung Hậu.
Thánh Ngôn đêm 24-12-1925.
  "Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền,
  Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiêng.
  Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế,
  Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên"
" Đêm nay 24-12, các con phải vui mừng vì là ngày của Ta xuống trần dạy Đạo bên Thái Tây.Ta rất vui lòng mà đặng thấy Đệ tử kính mến Ta như vậy.Nhà nầy sẽ đầy ơn Ta. Giờ ngày gần đến, đợi lịnh nơi Ta. Ta sẽ làm cho thấy huyền diệu đặng kính mến Ta hơn nữa"
Nguyên Lý Đạo Cao Đài
"Vạn Giáo Nhất Lý" hay là mọi Tôn Giáo đều là một, có cùng một nguồn gốc, một Nguyên lý và là những phản ảnh khác nhau của cùng một Chơn Lý.
Có người có thể hỏi rằng làm sao mà mọi Tôn Giáo có thể là Một được trong khi bề ngoài từ nghi thức sinh hoạt, luật lệ đều khác nhau?
Tiếng Việt dùng chữ Đạo với hai nghĩa: Đạo với ý nghĩa là Đại Đạo là Vô vi với mục đích hướng dẫn Chúng sanh về hiệp nhứt cùng Đức Chí Tôn.
Đạo với ý nghĩa là Tôn giáo là hình thức bề ngoài với nghi lễ, luật lệ khác nhau.
Nếu nhìn theo ý nghĩa Tôn giáo thì mọi Đạo đều có muôn vạn hình tướng khác nhau. Nếu nhìn vào khía cạnh Vô vi thì muôn Đạo đều là Một.
Thử xét những quan niệm về Đức Chí Tôn của những Tôn giáo khác nhau
Đạo Cao Đài quan niệm rằng Khí Hư Vô sinh ra Đức Chí Tôn và Ngôi của Đức Chí Tôn là Thái Cực. Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi (Âm và Dương) và từ đó tạo ra Càn Khôn Thế giới.
Âm Quang thì lạnh lẽo tối tăm (TNHT., trg 190, 1972) mịt mờ không sanh không hóa.
Còn Dương Quang thì ấm áp sáng sủa. Nơi nào ánh Dương Quang rọi đến thì Âm Dương kết hợp tạo nên Càn Khôn Thế giới trong đó Dương là Chủ của phần Vô hình ( Chơn Linh, Chơn Thần) còn Âm là mẹ của phần hữu hình.
Theo Tiên Giáo, Đức Lão Tử có dạy rằng:
" Có vật hỗn độn mà nên, sanh trước Trời Đất, yên lặng trống không, cô đơn tột bực, không đổi thay, nhưng Đấng ấy luôn luôn đến cùng vạn vật và đuoc coi như là Mẹ Sanh của vạn vật.Ta không biết tên, gượng gọi đó là Đạo" ( Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sanh. Tịch hề, liêu hề, độc lập bất cải châu hành nhi bất đãi, khả dĩ vi thiên hạ Mẫu. Ngộ bất tri kỳ danh cưỡng tự chi viết Đạo)
Đạo sanh Một
Một sanh Hai
Hai sanh Ba
Ba sanh van vật
(Đạo sanh nhứt, Nhứt sanh Nhị, Nhị sanh Tam, Tam sanh van vật)
Phật giáo gọi là Đấng Bất Sanh, Bất diệt, gọi là Bharmakaya, là Chân Lý Tuyệt đối, là cõi Vô vi.
Vì cho Đạo và con người là không có gì cả nên người thế gian hiểu lầm cho rằng Phật Giáo không công nhận Thượng Đế. Nhưng thật ra các Tôn Giáo phương Tây cũng có đồng quan điểm cho rằng Thượng đế là Hư vô.
Do Thái Giáo gọi Đấng Sáng Tạo là Elohim là một trạng thái vừa hữu giác vừa vô giác, vừa hữu cảm vừa vô cảm hay nói cách khác là trạng thái Hư vô và trạng thái Hư vô đến từ trạng thái hổn độn…
Đạo Thiên Chúa thì cho rằng "Trước khi có Trời Đất thì đã có Đạo. Đạo ở cùng Đức Chúa Trời và Đạo là Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời tạo ra muôn vật.."
Thượng Đế là nguồn sáng, soi sáng khoảng trống tối tăm.
Hồi Giáo thì cho rằng: Thượng Đế (Thánh Allah) là nguồn sáng của Trời và Đất. Nội Giáo của Hồi Giáo (Sufism) quan niệm Thượng Đế là chân lý duy nhất gọi là Huệ, Quang, Tình Thương yêu, Hư Vô.
Đạo Bà La Môn cho rằng Thượng Đế là Linh quang đem ánh sáng cho muôn loài. Năng lực nguyên thủy là Đấng Brahman. Đấng Brahman thì vô thỉ, vô chung, siêu tuyệt…
Đạo Sikkhism gọi Thượng Đế là Chân Lý, là ánh sáng của muôn loài.
Khổng Giáo cho rằng: Trời có nói gì đâu mà bốn mùa xây chuyển, van vật sanh sôi nay nở.Trời có nói gì đâu?
Đức Cao Đài dạy rằng:
"Khí Hư vô sanh ra có một Thầy, còn mấy Đấng Thầy kể đó ai sanh? Ấy là Đạo. Các con nên biết nếu không có Thầy thì không có chi trong Càn Khôn Thế giái nầy, mà nếu không có Hư vô Chi khí thì không có Thầy"
Khi giải thích ý nghĩa của Thiên Nhãn, Đức Cao Đài dạy rằng:
Mắt là chủ của lòng (Nhãn thị chủ Tâm)
Hai nguồn sáng (Âm và Dương) là chủ tể (Đấng Tạo hóa sanh ra Trời Đất và Vũ trụ).
Thật vậy hai luồng Âm quang và Dương quang tương ứng với Âm điện tử và dương điện tử là yếu tố tạo thành vũ trụ (Lưỡng quang Chủ tể).
Ánh sáng là Thần (Quang thị Thần)
Thần là Trời (Thần thị Thiên)
Trời là Ta vậy (Thiên giả Ngã giả)
Tóm lại, Đức Chí Tôn được mọi Tôn giáo công nhận là đến từ Hư vô, hay chính là Hư vô và được gọi với nhiều tên khác nhau: Hư Vô, khoảng không, Nguồn Sáng, Linh Quang, Huệ Quang, Tình Thương Yêu, Chân ngã, Đại Nga,õ Đấng Tuyệt Đối, Đạo, Thái Cực, Nhất…
Còn việc tạo thành Vũ trụ, Đức Chí Tôn dạy rằng: "Khi tạo nên Càn Khôn Thế Giới rồi, Thầy lại phân tánh Thầy mà sanh ra van vật là: Vật chất, Thảo mộc, côn trùng, Thú cầm gọi chung là Chúng sanh. Chi chi hữu sanh cũng do bởi Chơn linh Thầy mà ra. Hễ có sống ắt có Thầy.Thầy là Cha sự sống.Thầy là các con, các con là Thầy…"
Còn muôn vật trong Càn khôn Thế giái đều có từ Âm và Dương. Tùy theo tỉ lệ Âm dương mà con người được ở cõi cao hay thấp.Những linh hồn tinh tấn có nhiều Dương quang thì nhẹ nhàng khinh thoát sẽ được ở cõi nhẹ nhàng yên tĩnh tốt đẹp sáng tươi (Có thể gọi là Thiên Đàng).
Còn linh hồn sa đọa thì nặng trược có nhiều Âm hơn Dương sẽ ở cõi thấp tối, nặng nề lạnh lẽo (Có thể gọi là Địa ngục)
Về phương diện Tâm linh, mọi chúng sanh đều thọ điểm Linh quang từ Đức Chí Tôn (Mà người đời gọi là Lương Tâm). Điểm Linh quang ở trong lòng của con người.
Về phương diện vật chất, muôn vật đều có một thể xác hữu hình cấu tạo bởi Âm Dương (Âm điện tử và dương điện tử)
Chẳng những Tôn Giáo có cùng một quan niệm về Đấng Tạo hóa và Tạo Thiên lập Địa, khoa học cũng có cùng một quan điểm. Khoa hoc cho rằng Vũ trụ được tao thành từ Hư vô và câu chuyện Tạo Thiên lâp Địa được bắt đầu như sau:
"Một ngày kia, khi chưa có không gian và thời gian…Thời gian không phải là một dòng vô tận từ quà khứ cho tới tương lai mà là dính liền với không gian nhất là vật chất và trọng lực. Không ai có thể bàn cải gì trước khi có hiện tượng Big Bang vì lúc ấy chưa có thời gian. Hiện tượng Big Bang xảy ra 13 tỉ năm về trước.
Từ Hư Vô, một yến Linh quang nhỏ bé cực kỳ chói sáng hiện ra vô cùng nóng và bên trong khối lửa ấy là không gian. Cùng với không gian là dòng thời gian.Và không gian hợp với thời gian để tạo thành Vũ trụ.
Khi mới được tạo thành, Vũ trụ sơ sinh vô cùng nóng quay quần trong bức xạ cực mạnh. Công thức nổi tiếng của Einstein E=mc2 cho rằng năng lực và vật chất có thể hoán chuyển lẫn nhau từ thể nầy qua thể kia.
Trong thời kỳ phôi thai nầy, các tia phóng xạ vô cùng mãnh liệt biến thành vật chất dưới hình thức nguyên tử với Âm điện tử và Dương điện tử.
Hiện nay, Đại hoc Standford cũng vẫn còn tiếp tục các thí nghiệm để tạo thành vật chất từ các Âm điện tử và Dương điện tử.
Như vậy, khoa học cũng đã tiến tới kết luận rằng Đấng Tạo Hóa đi từ Hư Vô và ở dưới hình thức Linh Quang và Vũ trụ được tạo thành cũng là Linh Quang.
Khoa học cũng cho thấy rằng vật chất dù trông ra như bất động vô tri giác, nhưng trong cấu tử nhỏ bé nhất của nó cũng có những nguyên tử với các Âm điện tử chuyển động không ngừng. Phải chăng trong vật chất vô tri cũng có sự sống?.
Khi Vũ trụ được lập thành, các tầng Trời gồm những Tinh cầu, tùy theo tỉ lệ Âm dương mà có quả trược, quả thanh, quả nặng, quả nhẹ. Tinh cầu nào có nhiều Dương quang thì nhẹ nhàng ấm áp nằm ở trên cao gần với Đức Chí Tôn. Quả nào nhiều Âm quang thì ở vùng lạnh lẽo tối tăm nặng trược ở từng thấp nhứt của Vũ trụ. Linh hồn con người cũng vậy. Linh hồn nào có nhiều Dương quang với những đức tính tốt đẹp cao thượng sẽ được nhẹ nhàng về cõi trên.
Linh hồn nào nhiều Âm quang trọng trược với nhiều lục dục thất tình tham sân si sẽ trở nên nặng nề và sẽ ở những tinh cầu ở cõi thấp. (Địa nguc).
Lục dục thất tình như nhiều chiếc áo choàng. Càng choàng nhiều áo lục dục thất tình linh hồn càng nặng thì sa vào cõi thấp. Linh hồn nào bỏ được các chiếc áo khoát lục dục thất tình thì trở nên nhẹ nhàng và sẽ được về cõi cao hơn (Hay là Thiên Đàng)
Khi con người ở thế gian còn mang xác phàm thì Thiên Đàng hay Địa Ngục đều ở trong lòng của mình. Khi làm điều tốt, lòng thấy nhẹ nhàng như thể được về cõi Tiên. Khi làm điều tội lỗi lòng thấy nặng nề ray rứt khổ sở chẳng khác nào ở Địa ngục.
Trong thời gian tại thế, Đức Phật và Chúa GiêSu há chẳng như ở Thiên Đàng?
Nếu con người biết tu Tâm dưỡng Tánh kềm chế lục dục thất tình trở về nội Tâm tìm thấy sự yên tĩnh, trống không, không bị ràng buộc bởi thị phi thế sự, tức là đã như là được về cõi Niết Bàn.
Phần đông triết lý Đông phương cho rằng Trời có chín cõi. Đạo Cao Đài được dạy rằng Trời có 12 cõi. Ngoài 9 cõi Trời Tạo hóa do Đức Diêu Trì Kim Mẫu chưởng quản, còn có 3 cõi Hư vô là Hỗn Nguơn Thiên, Hội Nguơn Thiên và Hư Vô Thiên tương ứng với thời Hổn độn đến thời Hư Vô, trước khi tạo Thiên lập địa (Thời kỳ Tiên Thiên).Trong thời kỳ nầy chỉ có Ngôi Thái Cực.
Sau khi Ngôi Thái Cực phân định Âm dương (Thời kỳ Lưỡng Nghi, Đức Diêu Trì Kim Mẫu dụng khí Âm dương để tạo nên Càn Khôn Vũ trụ với 9 từng Trời Tạo Hóa (Thời kỳ Hậu Thiên). Chín từng Trời nầy do 9 Vị Nữ Phật chưởng quản dưới quyền của Đức Diêu Trì Kim Mẫu.
  Thiên Cung xuất vạn linh tùng pháp
  Hiệp Âm Dương hữu hạp biến sanh
  . . . . . .
  Chủ Âm quang thường tùng Thiên mạng
  . . . . . .
  Âm dương biến tạo Chơn Thần
  Lo cho nhơn vật về phần hữu vi . . .
Do đó sau khi chết, Đạo Cao Đài tổ chức 9 Cửu để làm lễ Cầu siêu. Mỗi cửu cách nhau 9 ngày để cầu nguyện cho Linh hồn qua được 9 cõi Trời. Hai trăm (200) ngàysau Cửu thứ 9 là lễ Tiểu Tường để cầu nguyện cho Linh hồn lên được cõi Hư vô Thiên.và sau đó 300 ngày, là Lễ Đại Tường để cầu nguyện cho Linh hồn được về cõi Hỗn Nguơn Thiên (Từng Trời Hổn Độn).
Tóm lại, khoa học và Tôn Giáo đã gặp nhau trên quan niệm về cấu tạo của Tạo Hóa và Chúng sanh và về sự đồng nhứt thể của Trời Đất cùng vạn vật.
"Trời và người đồng thể Linh quang".
Chỉ có một điều là Linh Quang của Đức Chí Tôn thì chí Dương, chí Thánh, chí Thiện, còn Linh quang của con người thì bị bao phủ bởi màn Vô minh nằm sâu trong xác thịt thân phàm đầy rẫy thất tình lục dục. Nếu con người biết Tu tĩnh Tâm hồn giảm bớt Âm quang, phá được màn Vô minh của Tham, Sân, Si, lục dục thất tình thì chắc chắn sẽ tìm được Phật tánh, Chân Như Bản thể hay là được hiệp Một cùng Đức Chí Tôn trong lòng của mình.
Trong Đạo Cao Đài, phương thức tu Tâm, luyện Tánh gồụm có cầu nguyện, thiền định, ăn chay, làm lành, lánh dữ. Tất cả những phương thức nầy làm cho lòng con người càng được nhẹ nhàng thoát tục gôỉi nhuần điển Dương quang.
Về phương diện siêu hình thì mọi Tôn Giáo cùng khoa học đều gặp nhau trên một quan điểm.Nhung về phương diện thực tế và phương thức hành Đạo, có thể những nghi thức có khác nhau nhưng nguyên tắc căn bản cũng vẫn là Một.
Mọi Tôn Giáo đều có cùng một ngôn ngữ để thông cảm với nhau. Đó là sự Thương yêu và sự Công Bình.
Đạo Bahai có dạy:" Tình thương yêu là ánh sáng soi đường trong tối tăm kết chặt Trời và Người. Đừng tạo cho kẻ khác gánh nặng mà mình không muốn gánh vác. Đừng làm cho kẻ khác những gì mình không muốn làm cho mình.
Chúng sanh đều là lá của một cội cây và là những giọt nước của cùng một Đại dương".
Phật Giáo:
"Điều toàn mỹ thứ 9 là Tình Thương yêu.Vì nước mát làm cho mọi người đỡ khát đồng đều và rửa sạch con người như nhau không phân biệt kẻ tốt người xấu. Vì vậy đối với kẻ thù hay đối với bè bạn, ta nên đối đãi với họ như nhau với cùng một Tình Thương Yêu.
Đừng làm cho kẻ khác những gì làm chính mình đau đớn.
Linh hồn của vạn vật là cùng một thể, một thể chung cho tất cả..
Đức tính thiên nhiên của Linh hồn là bất sanh và bất diệt."
Đạo Cao Đài thì dạy rằng:
"Các con là cơ thể của sự Thương Yêu
Thiên Thượng Thiên hạ, Bác Ái Công bình
Thầy là các con, các con là Thầy"
Đạo Thiên Chúa có dạy:
"Thượng Đế là tình thương yêu. Ai sống trong tình thương yêu là sống trong Thượng Đế.
Đừng làm cho kẻ khác những gì mình không muốn cho mình.
Có một thể xác, một linh hồn, một Đấng sáng tạo, Một niềm tin, một Thượng Đế ở trên tất cả và trong tất cả"
Đạo Bà la Môn:
"Chân Đạo là tình thương vì Thượng Đế yêu cả muôn loài dù lớn dù nhỏ.
Hễ mình đau, đừng làm đau kẻ khác."
Hồi Giáo:
"Ta không phải đến để trừng phạt kẻ phản bội mà là để yêu thương loài người.
Không ai có thể cho rằng mình có Đức tin thật sự nếu mình không mưu cầu cho người Anh em của mình những gì mình mong muốn cho chính mình.
Thượng Đế ở khắp nơi dù Đông hay Tây.."
Do Thái Giáo:
Yêu người láng giềng như yêu mình.
Đừng làm cho kẻ khác những gì mình không muốn cho mình.
Hởi Dân Tộc Isreael, Đấng bất diệt là Thượng đế, là Đấng duy nhứt. Đấng bất diệt của muôn loài là Đức Thượng Đế ở trong tâm khảm của con người.
Lão Giáo:
"Hãy dùng Tình Thương yêu để đo lường tình bè bạn.
Muốn cai trị thế gian, hãy thương người như thương mình.
Ta cùng Trời Đất đồng sinh,
Ta cùng muôn vật đều là Một
Unity and Diversity Council:
Chúng ta đều là con cái của Thế gian
Mọi người đều là Một.
Tôn giáo thì nhiều. Đạo chỉ có Một."
Bái Hỏa Giáo: (Zoroastrianism)
"Thượng Đế yêu cả muôn loài.Trả lại, người phải yêu Thượng Đế.
Đời chỉ đẹp khi mình đừng làm cho người khác những điều không tốt cho mình.
Linh hồn người tốt được thảnh thơi nơi cõi thọ…"
Các dẫn chứng trên đã chứng tỏ rõ ràng rằng Tôn giáo đều có cùng một Nguyên lý, một Nguyên lý quan trong nhất cho kiếp sống của con người. Ngoài ra xét về sự tương quan giữa Trời và Người, phần đông các Tôn giáo cũng cùng gặp nhau ở một quan điểm chung, tin tưởng rằng con người ai cũng có Trời Phật ở bên trong.
Con người gọi Đấng cao cả bên trong của mình là Lương Tâm, thần Lương Tâm..Trên thực tế, ai cũng có một linh hồn hay là Chơn linh do Thượng Đế ban cho.
Đạo Bái Hỏa gọi là Tiểu Linh quang.
Ấn Độ Giáo gọi là Chơn Tâm
Phật Giáo gọi là Phật Tâm.
Lão giáo gọi là Thiên Tâm
Thiên Chúa giáo gọi là Linh hồn
Thần Đạo (Shinto) ở Nhựt gọi là Rei
Islam gọi là Nafs-e-mutamannah,
Cao Đài gọi là Tiểu Linh quang.
Đức Cao Đài dạy rằng " Khi lập Càn Khôn Thế giái rồi, Thầy phân tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là vật chất, thảo mộc, thú cầm và nhân loại gọi là Chúng sanh.Vậy các con đủ hiểu rằng mỗi vật hữu sanh nơi thế gian đều do Chơn linh Thầy mà ra. Có sống ắt có Thầy.Thầy là Cha sự sống và Thầy là các con, các con là Thầy."
Ấn độ Giáo có dạy rằng: "Khi con người dẹp bỏ hết phàm Tâm ( ham muốn), dục vọng thì sẽ gặp được Đấng Chí Tôn ( Brahman)
Người nào thấu hiểu được sự vinh diệu của Chân Tâm bên trong cái xác phàm giả tạm, sẽ nhận thức được rằng con người là một với Đức Chí Tôn (Brahman) , đấng Chúa Tể và Tạo hóa của muôn loài."
Chân nhân nhỏ tựa ngón tay,
Nằm trong tâm khảm muôn loài thụ sinh.
Tâm thần trí lự bao quanh,
Ai mà biết được trở thành Thần Tiên
(BS. Nguyễn văn Thọ dịch).
Lão giáo dạy rằng:
Tâm là Đạo, Đạo là Tâm
Trở về nội Tâm thì tìm thấy Đạo
Con người có thể hiểu được cả thế gian Mà không cần bước ra khỏi cửa.
Con người có thể hiểu được cả Vũ trụ Mà không cần nhìn ra khỏi khung cửa sổ.
Thật ra càng đi xa, càng thấy ít
Thánh nhân chỉ cần nhìn vào nội Tâm,
Tìm được Chơn như bản thể. Là thấu hiểu được mọi chuyện ở Thế gian.
(Đạo Đức Kinh) )
Đạo Thiên Chúa dạy:
"Chỉ có một Đức Chúa Cha ở trên tất cả và ở trong tất cả "(Eph 4:6)
"Nước Tròi ở trong lòng người". (Luke 17:21)
Con người là nhà của Thượng Đế. Đức Thượng Đế ở trong ngôi nhà của Người". (1 Cor 3:16)
Dù chưa có ai thấy được Thượng Đế, nhưng nếu con người thương yêu nhau, sẽ cảm nhận được Thượng đế trong lòng của mình và tình thương của Người trong ta nẩy nở mạnh thêm. Ngài đã chiết Chơn linh của Ngài và đặt để trong Tâm khảm con người như một bằng chứng hùng hồn rằng con người luôn sống với Thượng Đế và Thượng Đế luôn ở trong ta." (I John 4:12-13).
Phật dạy rằng:
"Ta là Phật đã thành. Chúng sanh là Phật sẽ thành".
"Chúng sanh đều có Phật tánh trong lòng"
"Tâm tức Phật, Phật tức Tâm"
Hồi Giáo dạy:
"Thượng Đế ở gần con người hơn tĩnh mạch cổ của người" (Koran 50:16)
Hãy trở về nội Tâm, người sẽ tìm thấy Thượng Đế" (Sufism)
" Ta thấy Thượng Đế bằng mắt của lòng. Ta hỏi: Người là ai? Thượng Đế trả lời: Người"
(Martin Lings. What is Sufism 1995).
Đức Cao Đài dạy:
Thầy là các con, các con là Thầy.
Nhiên Đăng Cổ Phật thị Ngã.
Thích Ca Mâu Ni thị Ngã,
Thái Thượng Nguơn Thỉ thị Ngã
Kiêm viết Cao Đài.
Phật Trời, Trời Phật cũng là Ta
Nhánh nhóc chia ba cũng một Già.
Thích Đạo Gia Tô tay chưởng quản
Thương dân xuống thế độ lần ba
Thật là diệu diệu huyền huyền,
Trời Người có một chẳng riêng khác gì.
Con là một Thiêng liêng tại thế.
Cùng với Thầy đồng thể Linh Quang
Khóa chìa con đã sẵn sàng,
Khi vào cõi tục khi sang Thiên đình.
Đạo là Ngôi Nhất Nguyên Chủ tể,
Đạo cùng là đồng thể vạn linh.
Rằng ta là một cái Tâm chung,
Rộng lớn bao la ở khắp cùng.
Tuy chẳng có Ta mà vẫn có,
Có Ta, Ta vẫn cái Tâm chung.
Thật là tuyệt vời khi thấy mọi Tôn Giáo gần gủi nhau như vậy!. Nếu ta để thì giờ nghiên cứu tận tường mọi Tôn Giáo, nghiên cứu thâm sâu vào cốt lõi thực sự (Bỏ qua những hình thức khác biệt bề ngoài), ta sẽ cảm nhận rằng mọi Tôn Giáo đều là Một..
Trong tình thế hiện tại của Chúng sanh, mọi Tôn giáo đều đua nhau tranh giành ảnh hưởng, Đạo Cao Đài chỉ mong muốn trao cho Chúng Sanh một Thông Điệp duy nhứt: "VẠN GIÁO NHỨT LÝ" hay là: "Mọi Tôn Giáo đều là Một, một nguồn gốc, một Chơn Lý và chỉ là những phản ảnh khác nhau của một Chơn Lý duy nhứt".
Để tóm tắt qua những quan niệm của những Tôn Giáo khác nhau, ta thấy có những điểm chung sau đây đúng với quan niệm Van Giáo Nhứt Lý:
- Mọi Tôn Giáo đều bắt nguồn từ một Đấng Thiêng Liêng.
- Mọi Giáo Lý đều dựa trên Nguyên Lý: TÌNH THƯƠNG YÊU và SỰ CÔNG BÌNH.
- Mọi Chúng sanh đều là con cùng một Cha.
- Chúng sanh có thể được giải thoát trở về hiệp nhứt cùng Đức Chí Tôn qua các phương thức tu hành trở về nội Tâm.
- Ở hiền gặp lành.
Mục đích cao thượng của Đạo Cao Đài: Nhơn Đạo Thái Bình- Thiên Đạo Giải Thoát.
Nhơn đạo Thái Bình:
Hướng dẫn Chúng sanh đến một nền Hòa bình Thánh đức dù thuộc bất cứ Tôn giáo nào. Đạo Cao Đài không có tham vọng kêu gọi mọi người bỏ Đạo của mình vì quan niệm rằng mọi Tôn Giáo đều là một ( Như câu: Nhiên Đăng Cổ Phật thị Ngã, Thích Ca Mâu Ni thị Ngã, Thái Thượng Nguơn Thỉ thị Ngã, kiêm viết Cao Đài). Chỉ có một hy vọng khiêm tốn là Chúng sanh cởi mở xem nhau như anh em cùng một nhà, cùng một Đấng Cha Trời, cùng đi trên một đoạn đường lữ thứ để rồi cùng về hiệp Một với Đức Chí Tôn
.
Nếu Chúng sanh cởi mở được, để thì giờ nghiên cứu những Tôn giáo khác, để thì giờ tìm hiểu làm quen với người anh em Chúng sanh đồng hành, đối thoại cởi mở với nhau tất nhiên mình sẽ có dịp hiểu nhau hơn, nhìn nhau qua những khía cạnh đẹp đẽ hơn, và sự hiểu biết lẫn nhau là một công cụ tốt đẹp và hữu hiệu nhất để dẹp bỏ những hiềm khích và củng cố tình bè bạn.
Ngoài ra, ai cũng có một xác thân vật chất. Tuc ngữ Việt Nam có câu:" Một Tâm hồn trong sạch trong một xác thân tráng kiện." Con người cần hiệp chung lại với nhau thành lập những tổ chức từ thiện để phục vụ giúp đỡ người trong cộng đồng về phương diện vật chất. Có được như vậy, dù thuộc mọi sắc dân nào, dù thuộc mọi Tín ngưỡng nào, con người cũng chỉ nhìn thấy nhau như Anh em một nhà, sống chung nhau trong nền Hòa bình Thánh đức.
Thiên Đạo giải thoát:
Hiện tại Chúng sanh cũng có một số ít có khuynh hướng trở về nội Tâm. Liên Hiệp Quốc có thành lập một Thiên Đường ở Newyork để đón tiếp mọi người không phân biệt sắc dân và Tôn giáo để cùng nhau trở về nội Tâm để được hiệp Một cùng Đức Chí Tôn.
Mục đích tối hậu của Đạo Cao Đài cũng là trở về với Vô vi. Ngày đầu mở Đạo, Đức Chí Tôn có dạy:" Đạo vốn Vô vi, nhưng Thầy dùng hữu hình để dẫn các con tới Vô vi..".
Tại địa phương, sự thành lập Tịnh Thất là một biện pháp để đưa mọi Chúng sanh thuộc mọi Tôn Giáo về cùng một mái nhà để cùng đi trên con đường Thiên Đạo giải thoát.
HT. BS. Bùi Đắc Hùm